Cơ quan ban hành: | Bộ Công Thương | Số công báo: | 525-526 |
Số hiệu: | 21/VBHN-BCT | Ngày đăng công báo: | 24/05/2014 |
Loại văn bản: | Văn bản hợp nhất | Người ký: | Vũ Huy Hoàng |
Ngày ban hành: | 09/05/2014 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Doanh nghiệp |
BỘ CÔNG THƯƠNG Số: 21/VBHN-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CỦA DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, LẮP RÁP XE HAI BÁNH GẮN MÁY
Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2002, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 12/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều quy định về thủ tục hành chính tại Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy và Quyết định 115/2004/QĐ-BCN ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2011.
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý công nghệ và Chất lượng sản phẩm;[1]
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hai bánh gắn máy".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định được ban hành kèm theo Quyết định này thay thế cho các quy định trước đây của Bộ công nghiệp về tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy.[2]
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ và các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hai bánh gắn máy chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo); | XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHUẨN CỦA DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, LẮP RÁP XE HAI BÁNH GẮN MÁY
(Ban hành kèm theo quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 07 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
1- Phạm vi, đối tượng áp dụng:
Quy định này đề ra các tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy (sau đây gọi tắt là xe gắn máy) thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo luật pháp Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài).
2- Về quy mô đầu tư:
a) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải tự đầu tư chế tạo hoặc liên doanh đầu tư chế tạo các chi tiết, cụm chi tiết xe gắn máy đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu là 20% (theo Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 92/2001/TTLT-BTC-BCN-TCHQ ngày 20-11-2001 của Liên Bộ Tài chính, Công nghiệp và Tổng cục Hải quan). Trong đó phải gắn với việc sản xuất những linh kiện thuộc một số trong các nhóm phụ tùng chủ yếu như: động cơ, khung xe, bộ phận truyền động.
Liên doanh sản xuất phụ tùng phải tuân thủ Thông tư liên tịch nêu trên và hướng dẫn bổ sung của Liên Bộ Tài chính, Công nghiệp tại Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 04 tháng 6 năm 2002.
b) Doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ chế tạo các chi tiết, cụm chi tiết do doanh nghiệp sản xuất, dây chuyền lắp ráp và kiểm tra chất lượng xe gắn máy bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với công suất lắp ráp theo thiết kế.
c) Nhà xưởng sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải được thiết kế, xây dựng theo đúng luận chứng kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp công suất thiết kế và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước về điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và bảo đảm cảnh quan chung; có hệ thống xử lý chất thải phù hợp với tính chất sản xuất cụ thể của doanh nghiệp.
Nhà xưởng, kho bãi, khu văn phòng điều hành sản xuất cũng như các công trình phụ khác của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải được xây dựng trên khu đất được thuê sử dụng dài hạn từ 15 năm trở lên theo quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương. Khu vực sản xuất phụ tùng phải được bố trí tách biệt với khu vực lắp ráp xe gắn máy, có diện tích mặt bằng đủ cho bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ chế tạo. Nền nhà xưởng phải được phủ sơn chống trơn, có vạch chỉ giới phân biệt rõ lối đi an toàn và mặt bằng công nghệ sản xuất.
d) Đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp động cơ thực hiện theo quy định tại mục a, khoản 1, Điều 2 Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ và mục 2.1 khoản 2 Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 04-6-2002, trong đó doanh nghiệp phải tự đầu tư sản xuất được ít nhất một chi tiết hoặc cụm chi tiết hoàn chỉnh sau đây: Cụm đầu xy lanh, cụm thân máy, cụm trục khuỷu pit-tông, bộ ly hợp, cụm trục cam-xupap, bộ phát điện, cụm truyền hộp số và bộ chế hòa khí.
Động cơ xe gắn máy do doanh nghiệp sản xuất lắp ráp phải được đầu tư công nghệ chế tạo, có thiết kế sản phẩm hoặc được chuyển giao công nghệ hợp pháp.
đ) Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chương trình sản xuất xe gắn máy và động cơ xe gắn máy thực hiện theo đúng luận chứng kinh tế - kỹ thuật, Giấy phép đầu tư và các quy định khác có liên quan của Nhà nước Việt Nam. Trường hợp trong các hồ sơ văn bản trên chưa quy định cụ thể, các doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định này.
3- Tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm:
a) Xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy do doanh nghiệp sản xuất phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật về thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo và kiểm tra chất lượng; không vi phạm quyền bảo hộ về sở hữu công nghiệp; các phụ tùng mua về lắp ráp phải bảo đảm tính pháp lý về nguồn gốc xuất xứ.
b) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải tuân thủ các quy định hiện hành về chất lượng hàng hóa; phải thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xe gắn máy, phụ tùng xe gắn máy do mình sản xuất, lắp ráp.
c) Xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy xuất xưởng do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phải được ghi nhãn hàng hóa và có đầy đủ các tài liệu kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 05/2001/TT-BCN ngày 18 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
4- Tiêu chuẩn về trình độ kỹ thuật, công nghệ.
a) Xe gắn máy phải được lắp ráp trên băng chuyền theo đúng quy trình công nghệ với đầy đủ trang bị gá lắp và kiểm tra chuyên dùng (hệ thống cấp khí nén, súng xiết bu lông đai ốc, thiết bị cân vành, vào lốp, ép vòng bi, gá lắp cụm phuốc, khung xe, động cơ, v.v...)
Xe gắn máy xuất xưởng phải được kiểm tra 100% về các chỉ tiêu tổng hợp như độ trùng vết bánh xe, hiệu quả phanh, tốc độ, độ chụm và cường độ chiếu sáng của đèn, nồng độ khí thải (CO, HC) và độ ồn. Doanh nghiệp phải thực hiện chạy thử xe lăn bánh trên đường với số lượng không ít hơn 1% số xe xuất xưởng và trên quãng đường có chiều dài ít nhất 10 km cho mỗi xe.
Kết quả kiểm tra chất lượng đối với xe xuất xưởng phải được lưu giữ có hệ thống vào máy tính (kèm theo thời gian kiểm tra, số thứ tự xe xuất xưởng, số khung, số máy, người kiểm tra) trong thời gian tối thiểu là ba năm.
b) Động cơ do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phải được kiểm tra xác suất với số lượng không ít hơn 1% về các chỉ tiêu tổng hợp như số vòng quay, mô men xoắn, công suất, suất tiêu hao nhiên liệu, độ ồn và nồng độ khí xả. Kết quả kiểm tra phải được lưu giữ vào máy tính (kèm theo thời gian kiểm tra, số máy, người kiểm tra) trong thời gian tối thiểu là ba năm.
Khung xe do doanh nghiệp sản xuất phải được kiểm tra xác suất với số lượng không ít hơn 1% về độ bền, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm xuất xưởng. Kết quả kiểm tra phải được lưu giữ vào máy tính (kèm theo thời gian kiểm tra, số khung, người kiểm tra) trong thời gian tối thiểu là ba năm.
5- Tiêu chuẩn về trình độ cán bộ, công nhân kỹ thuật và tổ chức, quản lý sản xuất.
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 trở đi, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy phải có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000.
b) Doanh nghiệp phải có đủ lực lượng cán bộ quản lý, kỹ sư thiết kế, công nghệ và công nhân kỹ thuật; có mạng lưới đại lý bán hàng, cơ sở bảo hành, theo dõi chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng. Địa điểm và chế độ bảo hành sản phẩm phải được thông tin đầy đủ trong phiếu bảo hành kèm theo xe bán cho khách hàng.
6- Hướng dẫn thực hiện.
3a) Bộ Công nghiệp giao cho Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm làm đầu mối hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức kiểm tra thực tế.
b) Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý, sáu tháng và cả năm về tình hình đầu tư nội địa hóa sản xuất, lắp ráp, kinh doanh xe gắn máy về Bộ Công nghiệp để theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
[1] Thông tư số 12/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều quy định về thủ tục hành chính tại Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy và Quyết định 115/2004/QĐ-BCN ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất ô tô, có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương;
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều quy định về thủ tục hành chính tại Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy và Quyết định 115/2004/QĐ-BCN ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất ô tô, cụ thể như sau;"
[2] Điều 3, Điều 4 Thông tư số 12/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều quy định về thủ tục hành chính tại Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy và Quyết định 115/2004/QĐ-BCN ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2011 quy định hiệu lực thi hành như sau:
"Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2011.
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./."
3 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 12/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều quy định về thủ tục hành chính tại Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 17 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy và Quyết định 115/2004/QĐ-BCN ngày 27 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn của doanh nghiệp sản xuất ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2011.
Văn hợp nhất