hieuluat

Nghị định 02/2012/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành PL thủ tục bắt giữ tàu bay

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:113&114 - 01/2012
    Số hiệu:02/2012/NĐ-CPNgày đăng công báo:24/01/2012
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:11/01/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:24/02/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Dân sự
  •  

    CHÍNH PHỦ
    --------------------
    Số: 02/2012/NĐ-CP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -----------------
    Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2012
     
     
    NGHỊ ĐỊNH
    QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH THỦ TỤC
     BẮT GIỮ TÀU BAY; THỦ TỤC XỬ LÝ TÀU BAY BỊ BỎ
    -----------------------
    CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
    Căn cứ Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay ngày 16 tháng 3 năm 2010;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
     
     
    NGHỊ ĐỊNH:
     
     

    Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    1. Nghị định này quy định về:
    a) Việc thực hiện bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ;
    b) Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ tại Việt Nam.
    2. Nghị định này điều chỉnh đối với tàu bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ và xử lý tàu bay bị bỏ tại Việt Nam.

    Điều 3. Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan

    1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thông tin về việc xử lý tàu bay bị bắt giữ vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
    2. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, là đầu mối liên lạc với cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự hoặc cơ quan đại diện khác của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch.
    3. Doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm phối hợp với Cảng vụ hàng không, Đại diện cảng vụ hàng không thực hiện các quyết định của Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay; chỉ định vị trí đỗ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay; thực hiện việc bảo quản tàu bay và được quyền thu các loại giá, phí, lệ phí theo quy định.
     

    Chương 2. THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY, THẢ TÀU BAY ĐANG BỊ BẮT GIỮ

     

    MỤC 1. THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BAY

    Điều 4. Thủ tục thực hiện Quyết định bắt giữ tàu bay

    1. Sau khi nhận được Quyết định bắt giữ tàu bay và ngay khi tàu bay hạ cánh hoặc sau khi nhận được Quyết định hủy Quyết định thả tàu bay của Tòa án theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm:
    a) Ra ngay Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay.
    Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay kèm theo bản chụp Quyết định bắt giữ tàu bay hoặc bản chụp Quyết định hủy Quyết định thả tàu bay của Tòa án phải được gửi ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; người chỉ huy tàu bay; người khai thác cảng hàng không, sân bay; người khai thác tàu bay qua mạng viễn thông hàng không (ATN) để đình chỉ huấn luyện cất cánh hoặc hủy bỏ phép bay đối với tàu bay có quyết định bắt giữ.
    Mẫu Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay và Biên bản giao nhận Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của Nghị định này.
    b) Chủ trì, phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay; hãng hàng không liên quan; người khai thác tàu bay và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay thực hiện việc không cho phép tàu bay cất cánh.
    c) Giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa theo chuyến bay (nếu phải xuất nhập cảnh hành khách, hành lý, hàng hóa).
    2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay.
    3. Người đề nghị cấp phép bay, người khai thác tàu bay, người chỉ huy tàu bay có nghĩa vụ thông báo với Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không về người thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay bị bắt giữ trong thời hạn tàu bay bị bắt giữ tại cảng hàng không, sân bay.

    Điều 5. Thông báo đã thực hiện việc bắt giữ tàu bay

    Trong thời hạn 05 giờ, kể từ khi doanh nghiệp cảng hàng không chỉ định vị trí đỗ tàu bay tại sân bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc tàu bay đã bị bắt giữ cho Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay và Cục Hàng không Việt Nam.
    Điều 6. Trách nhiệm của Hãng hàng không đang thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa mà tàu bay bị bắt giữ
    1. Khi tàu bay bị bắt giữ, Hãng hàng không đang thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa theo đúng hợp đồng đã giao kết, lo chỗ ăn, ở cho hành khách nếu thời gian tàu bay bị bắt giữ 24 giờ; phối hợp với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và các cơ quan có liên quan giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa (nếu phải xuất nhập cảnh hành khách, hàng hóa).
    2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm giám sát, yêu cầu Hãng hàng không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 của Điều này; xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp Hãng hàng không không thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
    Điều 7. Thủ tục bắt giữ lại tàu bay
    Thủ tục bắt giữ lại tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay được thực hiện theo thủ tục bắt giữ tàu bay quy định tại Chương II của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay và quy định tại Mục này.

    MỤC 2. THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC THẢ TÀU BAY ĐANG BỊ BẮT GIỮ

    Điều 8. Thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ
    1. Ngay sau khi nhận được Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hoặc trong trường hợp hết thời hạn bắt giữ tàu bay theo quy định, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm:
    a) Ra ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay.
    Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay kèm theo bản chụp Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ hoặc bản chụp Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay phải được gửi ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, người khai thác cảng hàng không sân bay, người khai thác tàu bay và người chỉ huy tàu bay qua mạng viễn thông hàng không (ATN).
    Mẫu Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay và Biên bản giao nhận Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV của Nghị định này.
    b) Chủ trì phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay và hãng hàng không, người khai thác tàu bay và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay triển khai các công việc cần thiết để cho phép tàu bay cất cánh và giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa theo chuyến bay.
    2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay.
    3. Tàu bay có Quyết định được thả chỉ được tiếp tục đưa vào khai thác sau khi người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay đã thanh toán hoặc thỏa thuận thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay.
    4. Sau 30 ngày, kể từ ngày ra Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay mà không có sự liên lạc của người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay bị bắt giữ, Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo tới Nhà chức trách hàng không của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đồng thời thông báo 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương nơi tàu bay bị bắt giữ về yêu cầu nhận lại tàu bay.
     

    Chương 3. THỦ TỤC XỬ LÝ TÀU BAY BỊ BỎ

     
    Điều 9. Các trường hợp tàu bay bị bỏ
    Tàu bay được coi là bị bỏ trong các trường hợp sau đây:
    1. Sau khi Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hết hiệu lực mà không cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào đứng ra thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó.
    2. Chủ sở hữu tàu bay tuyên bố bằng văn bản việc từ bỏ tàu bay mà không chuyển quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó cho tổ chức bảo hiểm hợp pháp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác. Văn bản tuyên bố bỏ tàu bay của chủ sở hữu tàu bay phải được gửi cho Tòa án ra Quyết định bắt giữ tàu bay hoặc Cục Hàng không Việt Nam. Trường hợp tàu bay là tài sản của nhiều chủ sở hữu thì việc từ bỏ tàu bay phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
    3. Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay, trừ trường hợp người có quyền và lợi ích liên quan đến tàu bay khởi kiện vụ án tại Tòa án để giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý vụ việc.
    4. Sau 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn hợp đồng sử dụng bãi đỗ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với người khai thác cảng hàng không, sân bay để giải quyết việc sử dụng bãi đỗ tàu bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới Nhà chức trách hàng không của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đồng thời thông báo 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương về yêu cầu nhận lại tàu bay. Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay.
    Điều 10. Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này
    1. Trong trường hợp tàu bay bị bỏ quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này, Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay có trách nhiệm bán đấu giá tàu bay.
    2. Thủ tục bán đấu giá tàu bay và việc thanh toán bán đấu giá tàu bay thực hiện theo quy định của pháp luật.
    Điều 11. Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ trong các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị định này
    1. Trong trường hợp tàu bay bị bỏ quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm chuyển giao tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Tiền bán đấu giá được ký gửi vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” của Cục Hàng không Việt Nam tại Ngân hàng được phép hoạt động ở Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá.
    2. Thủ tục bán đấu giá tàu bay thực hiện theo quy định của pháp luật.
    3. Sau 03 năm, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam gửi tiền vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có yêu cầu nhận lại thì số tiền đó được sung công quỹ. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thông tin về việc tàu bay mang đăng ký quốc tịch Việt Nam bị bán đấu giá vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
    4. Việc thanh toán tiền bán đấu giá tàu bay được thanh toán theo thứ tự ưu tiên như sau:
    a) Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá tàu bay;
    b) Tiền công gìn giữ, cứu hộ tàu bay và các chi phí có liên quan đến việc gìn giữ, cứu hộ tàu bay;
    c) Các khoản nợ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
    d) Người thứ ba dưới mặt đất bị thiệt hại;
    đ) Các khoản nợ về các quyền, lợi ích đối với tàu bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án;
    e) Các khoản khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật.
     

    Chương 4. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     
    Điều 12. Hiệu lực thi hành
    Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 02 năm 2012.
    Điều 13. Tổ chức thực hiện
    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
     

     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, NC (5b)
    TM. CHÍNH PHỦ
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/06/2006 Hiệu lực: 01/01/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Pháp lệnh 11/2010/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thủ tục bắt giữ tàu bay
    Ban hành: 16/03/2010 Hiệu lực: 01/01/2011 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    04
    Quyết định 1291/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải đến hết ngày 31/01/2014
    Ban hành: 11/04/2014 Hiệu lực: 11/04/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Nghị định 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
    Ban hành: 05/03/2018 Hiệu lực: 05/03/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Nghị định 02/2012/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành PL thủ tục bắt giữ tàu bay

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ
    Số hiệu:02/2012/NĐ-CP
    Loại văn bản:Nghị định
    Ngày ban hành:11/01/2012
    Hiệu lực:24/02/2012
    Lĩnh vực:Dân sự
    Ngày công báo:24/01/2012
    Số công báo:113&114 - 01/2012
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X