hieuluat

Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:từ 1017 đến 1020-09/2023
    Số hiệu:67/2023/NĐ-CPNgày đăng công báo:20/09/2023
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Lê Minh Khái
    Ngày ban hành:06/09/2023Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:06/09/2023Tình trạng hiệu lực:Đã sửa đổi
    Lĩnh vực:Xây dựng, Bảo hiểm, Dân sự, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
  • CHÍNH PHỦ
    _____

    Số: 67/2023/NĐ-CP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ______________________

    Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2023

     

     

    NGHỊ ĐỊNH

    Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

    _______________

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

    Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

    Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 16 tháng 6 năm 2022;

    Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

    Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

    Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

    Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

     

    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Nghị định này quy định về:

    1. Điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    2. Cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy.

    3. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Nghị định này áp dụng đối với:

    1. Chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

    3. Chủ đầu tư, nhà thầu theo quy định của pháp luật xây dựng đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    4. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp bảo hiểm”); doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp tái bảo hiểm”).

    5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    Điều 3. Giải thích từ ngữ

    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Chủ xe cơ giới là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe cơ giới.

    2. Xe cơ giới hoạt động là xe cơ giới đang vận hành gồm di chuyển, dừng xe, đỗ xe có sự điều khiển của chủ xe cơ giới hoặc người lái xe.

    3. Xe cơ giới tham gia giao thông là việc chủ xe cơ giới hoặc người lái xe điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.

    4. Nhà thầu tư vấn là nhà thầu tư vấn khảo sát xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.

    5. Người thứ ba

    a) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Người thứ ba là người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, trừ những người sau: Người lái xe, người trên xe, hành khách trên chính chiếc xe đó; chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.

    b) Đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng: Người thứ ba là bên bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác có nguyên nhân từ việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng trừ doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người lao động thi công trên công trường.

    6. Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

    7. Đưa vào sử dụng là việc đưa công trình, hạng mục công trình xây dựng vào vận hành, khai thác.

    8. Bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động.

    9. Người lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động.

    10. Tai nạn lao động theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động.

    Điều 4. Nguyên tắc chung

    1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định này (sau đây gọi là “bên mua bảo hiểm”) phải mua bảo hiểm bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định pháp luật.

    2. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc theo điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này.

    3. Ngoài việc tham gia bảo hiểm bắt buộc theo điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định này, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.

    Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Nghị định này mua bảo hiểm trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định pháp luật.

    4. Trong bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đối với mỗi xe cơ giới, trách nhiệm bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ phát sinh theo một hợp đồng bảo hiểm duy nhất.

    5. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong các trường hợp sau:

    a) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:

    Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.

    b) Đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc:

    Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật.

    Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

    Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

    c) Đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng:

    Bên mua bảo hiểm không đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    6. Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc:

    a) Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Bên mua bảo hiểm được tính chi phí mua bảo hiểm bắt buộc vào giá thành sản phẩm, dịch vụ hoặc chi phí hoạt động kinh doanh (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh) hoặc vào chi thường xuyên (đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác).

    b) Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng: Thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng và các quy định tại Nghị định này.

    7. Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với các hợp đồng bảo hiểm cho các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận thời hạn thanh toán phí bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm và không chậm hơn tiến độ thanh toán của hợp đồng xây dựng. Trong mọi trường hợp, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm không được vượt quá thời hạn bảo hiểm.

    8. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm đối với những khoản tiền phát sinh, tăng thêm do hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

    9. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s hoặc Fitch, “B++” theo A.M.Best, “Baal” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm giao kết hợp đồng tái bảo hiểm.

    10. Các nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

     

    Chương II. QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

    Mục 1.  ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM, MỨC PHÍ BẢO HIỂM, GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM

     

    Điều 5. Đối tượng bảo hiểm

    Đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, hành khách theo quy định của pháp luật.

    Điều 6. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm

    1. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.

    2. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản:

    a) Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

    b) Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

    Điều 7. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    1. Phạm vi bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại sau:

    a) Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.

    b) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.

    2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    a) Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.

    b) Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

    c) Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

    d) Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

    đ) Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.

    e) Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

    g) Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

    h) Thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.

    Điều 8. Mức phí bảo hiểm

    1. Mức phí bảo hiểm của từng loại xe cơ giới được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

    2. Căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

    Điều 9. Thời hạn bảo hiểm

    1. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm, trừ các trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm sau đây:

    a) Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 1 năm.

    b) Xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật.

    c) Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

    2. Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời điểm bảo hiểm để quản lý, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó. Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với các hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm sau khi được đưa về cùng thời điểm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

    3. Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới, chủ xe cơ giới cũ có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

    Điều 10. Giấy chứng nhận bảo hiểm

    1. Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    2. Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:

    a) Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.

    b) Biển số xe và số khung, số máy.

    c) Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.

    d) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.

    đ) Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.

    e) Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.

    g) Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

    h) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    i) Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    3. Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

    Điều 11. Chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm

    Trường hợp xe cơ giới bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt kể từ thời điểm bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời hạn còn lại của hợp đồng bảo hiểm kể từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm chấm dứt.

    Điều 12. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

    1. Khi tai nạn xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm:

    a) Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.

    b) Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    c) Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định này.

    d) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.

    2. Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

    3. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, cụ thể:

    a) Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

    70% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong.

    50% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tổn thương bộ phận.

    b) Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

    30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên.

    10% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%.

    Sau khi đã thực hiện tạm ứng bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hoàn trả số tiền đã tạm ứng bồi thường trong trường hợp tai nạn được xác định thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bảo hiểm.

    4. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    5. Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

    Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự).

    6. Mức bồi thường bảo hiểm:

    a) Mức bồi thường cụ thể về sức khỏe, tính mạng được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này hoặc theo thỏa thuận (nếu có) giữa người được bảo hiểm và người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự), nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp có quyết định của Tòa án thì căn cứ vào quyết định của Tòa án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

    Trường hợp nhiều xe cơ giới gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, mức bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng tổng mức bồi thường không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.

    Đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, mức bồi thường bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng đối với các đối tượng thuộc người thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này hoặc theo thỏa thuận (nếu có) giữa người được bảo hiểm hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự), nhưng không vượt quá 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

    b) Mức bồi thường cụ thể về thiệt hại đối với tài sản trong một vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.

    7. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền giảm trừ tối đa 5% số tiền bồi thường thiệt hại đối với tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không thông báo tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại khoản 4 Điều này hoặc sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ thông báo khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm.

    8. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp chủ xe cơ giới tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.

    9. Trường hợp nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự được giao kết cho cùng một xe cơ giới, số tiền bồi thường chỉ được giải quyết theo hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên. Doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm 100% phí bảo hiểm đã đóng đối với các hợp đồng bảo hiểm còn lại.

    10. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế hoặc đại diện của người bị thiệt hại biết số tiền doanh nghiệp bảo hiểm đã trả đối với từng trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều này.

    11. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người bị thiệt hại biết số tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và thanh toán số tiền bồi thường quy định tại điểm a khoản 6 Điều này.

    Điều 13. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm

    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:

    1. Văn bản yêu cầu bồi thường.

    2. Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe (Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp):

    a) Giấy chứng nhận đăng ký xe (hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký xe).

    b) Giấy phép lái xe.

    c) Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.

    d) Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    3. Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp). Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

    a) Giấy chứng nhận thương tích.

    b) Hồ sơ bệnh án.

    c) Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.

    4. Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản:

    a) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).

    b) Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

    5. Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.

    6. Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

    7. Quyết định của Tòa án (nếu có).

    Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 7 Điều này. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.

     

    Mục 2. CƠ CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ BẢO HIỂM XE CƠ GIỚI

     

    Điều 14. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới là quỹ được thành lập để thực hiện các hoạt động chi hỗ trợ nhân đạo; công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các hoạt động liên quan nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và bảo đảm an toàn xã hội.

    2. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đóng góp, được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam và được sử dụng con dấu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

    3. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được quản lý và sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này.

    Điều 15. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Thu từ lãi tiền gửi.

    3. Các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

    4. Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

    Điều 16. Đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích tối đa 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    2. Trước ngày 30 tháng 4 hàng năm, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới quyết định tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, thực hiện thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm và Bộ Tài chính.

    3. Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực hiện đóng góp vào tài khoản của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo thời hạn sau:

    a) Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm: Nộp 50% tổng số tiền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này,

    b) Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm: Nộp số tiền còn lại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

    Điều 17. Nội dung và tỷ lệ chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được sử dụng cho các mục đích sau:

    a) Chi hỗ trợ nhân đạo:

    Trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm, không thuộc phạm vi bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của người bị thiệt hại) với mức hỗ trợ cụ thể như sau: 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên; 10% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%.

    Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện tạm ứng bồi thường quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định này, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường trong trường hợp tai nạn được xác định thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bảo hiểm.

    Mức chi không vượt quá 30% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm và số dư Quỹ bảo hiểm xe cơ giới các năm trước (nếu có). Trường hợp trong năm Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã chi hết số tiền được chi hỗ trợ nhân đạo thì các hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo chưa được giải quyết sẽ được chuyển sang chi hỗ trợ nhân đạo của năm kế tiếp.

    b) Hỗ trợ xây dựng công trình, thiết bị đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ: Mức chi không vượt quá 15% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm và số dư Quỹ bảo hiểm xe cơ giới các năm trước (nếu có).

    c) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Mức chi không vượt quá 17% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm và số dư Quỹ bảo hiểm xe cơ giới các năm trước (nếu có).

    d) Chi hỗ trợ cho lực lượng Công an trong công tác phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và thực hiện quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Mức chi không vượt quá 10% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm.

    đ) Hỗ trợ khen thưởng thành tích cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ: Mức chi không vượt quá 5% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm.

    e) Chi hoàn thiện, duy trì hoạt động cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Mức chi không vượt quá 10% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm.

    g) Chi cho hoạt động của Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN và hoạt động của Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN: Mức chi không vượt quá 5% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm.

    h) Chi quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm chi lương, phụ cấp, các khoản trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) và chi khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên Văn phòng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; chi phụ cấp trách nhiệm cho bộ máy quản lý và điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và nhân viên kiêm nhiệm của Văn phòng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; chi phí thuê văn phòng, mua sắm trang thiết bị, chi dịch vụ ngân hàng và bưu điện; chi thuê kiểm toán; chi công tác phí và tổ chức các cuộc họp của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới: Mức chi không vượt quá 8% tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm.

    i) Trường hợp có quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai hoặc công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có thể sử dụng số dư Quỹ bảo hiểm xe cơ giới các năm trước cho các nội dung chi quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 1 Điều này; tổng mức chi không vượt quá tỷ lệ quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 1 Điều này tương ứng với mức đóng góp tối đa 1 % vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    2. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ưu tiên thực hiện các nội dung chi hỗ trợ nhân đạo, chi công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ và chi tuyên truyền, giáo dục đảm bảo phù hợp với mục tiêu thành lập Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    Điều 18. Quản trị, điều hành hoạt động của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Cơ cấu tổ chức quản trị, điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Văn phòng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới là cơ quan giúp việc cho bộ máy quản trị, điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, được đặt tại cơ quan thường trực Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

    2. Báo cáo quyết toán năm của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận) phải được gửi Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm trước ngày 31 tháng 3 của năm kế tiếp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam toàn bộ nội dung báo cáo quyết toán năm của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.

    Điều 19. Cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Hội đồng Quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm:

    a) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới: Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

    b) Thành viên:

    Đại diện Bộ Tài chính.

    Đại diện Bộ Công an.

    Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

    Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc của ít nhất 3 doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có thị phần lớn nhất về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm:

    a) Trưởng Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới: Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

    b) Thành viên: Đại diện của ít nhất 3 doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có thị phần lớn nhất về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    3. Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm:

    a) Ít nhất 3 thành viên là đại diện của 3 doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    b) Trưởng Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bổ nhiệm trong số các thành viên của Ban kiểm soát.

    c) Các doanh nghiệp bảo hiểm có thành viên tham gia Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phải độc lập với các doanh nghiệp bảo hiểm có thành viên tham gia Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để bảo đảm đánh giá, phát hiện kịp thời các rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả, nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, bộ máy Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:

    a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quản lý, điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    b) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    c) Ban hành các quy định cụ thể về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; phê duyệt dự toán và quyết toán của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    d) Quyết định tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, thực hiện thông báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm và Bộ Tài chính.

    đ) Giám sát, quản lý, quản trị, vận hành, khai thác, phát triển và duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    e) Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách quản lý, phân quyền, quản trị, cập nhật dữ liệu, khai thác, sử dụng và bảo mật thông tin cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    g) Phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổng hợp kiến nghị nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; thực hiện điều chỉnh, hoàn thiện cấu hình hệ thống và triển khai các dự án kết nối, nâng cấp cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    h) Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thường xuyên việc cập nhật thông tin, dữ liệu định kỳ của doanh nghiệp bảo hiểm; tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp bảo hiểm và giải quyết theo quy định.

    i) Chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    k) Ban hành quy trình, thủ tục và hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo, hoàn trả các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường.

    l) Ra Quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    m) Báo cáo Bộ Tài chính dự toán, quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã được phê duyệt.

    2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:

    a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới trong việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    b) Chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đúng kế hoạch được Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phê duyệt, theo đúng quy định tại Nghị định này, không được sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới vào các hoạt động khác ngoài mục đích của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    c) Có trách nhiệm đôn đốc hoặc thu hồi đối với các doanh nghiệp bảo hiểm không đóng góp đúng thời hạn, đúng số tiền theo tỷ lệ quy định.

    3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:

    a) Giám sát hoạt động của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.

    b) Tổng hợp đánh giá, kiến nghị với Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới về tình hình tài chính của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng quý, năm.

    c) Thực hiện kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo yêu cầu của Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    Điều 21. Công tác lập dự toán, kế toán, quyết toán của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Công tác lập dự toán:

    a) Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới lập dự toán thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các nội dung sau:

    Tình hình thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới năm hiện tại.

    Kế hoạch thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới năm kế tiếp.

    b) Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới báo cáo dự toán thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phê duyệt. Dự toán thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phải được thông báo cho Bộ Tài chính và các doanh nghiệp bảo hiểm ngay sau khi phê duyệt.

    c) Các kế hoạch chi theo dự toán chi trong năm, trừ các nội dung chi tại điểm e, điểm g, điểm h khoản 1 Điều 17 Nghị định này, đến ngày 31 tháng 12 hàng năm chưa thực hiện hoặc chưa chi hết được tiếp tục thực hiện vào năm sau.

    d) Trường hợp cần thiết, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có thể điều chỉnh dự toán thu chi đã được thông qua đầu năm và thông báo cho Bộ Tài chính và các doanh nghiệp bảo hiểm.

    2. Kế toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:

    Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phải:

    a) Tổ chức công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    b) Chấp hành các quy định về chứng từ kế toán; hạch toán kế toán toàn bộ các khoản thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    c) Mở sổ kế toán ghi chép, hệ thống và lưu trữ toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    d) Định kỳ hàng quý có trách nhiệm lập báo cáo thu, chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phê duyệt và thông báo cho Bộ Tài chính bằng một trong các phương thức gồm gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và gửi qua hệ thống thư điện tử.

    Báo cáo quý: Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01 của tháng đầu tiên kỳ báo cáo đến ngày 30 hoặc 31 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

    3. Quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:

    Hàng năm, Ban điều hành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, có xác nhận của kiểm toán độc lập để báo cáo Hội đồng Quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới phê duyệt

    Điều 22. Thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

    1. Trình tự thực hiện đề nghị thành lập Hội đồng quản lý, thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới:

    a) Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (trường hợp thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới), Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (trường hợp thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới) lựa chọn phương thức giải quyết thủ tục với Bộ Tài chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính hoặc nộp hồ sơ trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính.

    b) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

    2. Hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:

    a) 1 bản chính văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.

    b) 1 bản sao Nghị quyết của Ban chấp hành khối Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thông qua đề nghị thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    3. Hồ sơ đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:

    a) 1 bản chính văn bản đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

    b) 1 bản sao Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thông qua đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm về thay đổi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

     

    Chương III. QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC

    Mục 1. ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM, MỨC PHÍ BẢO HIỂM, SỐ TIỀN BẢO HIỂM TỐI THIỂU

     

    Điều 23. Đối tượng bảo hiểm

    1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:

    a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.

    b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

    2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    Điều 24. Số tiền bảo hiểm tối thiểu

    1. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

    2. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:

    a) Đối với các tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

    b) Đối với các tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.

    Điều 25. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    1. Phạm vi bảo hiểm:

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này phát sinh từ rủi ro cháy, nổ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

    2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy (trừ cơ sở hạt nhân): Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    a) Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.

    b) Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

    c) Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    d) Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

    đ) Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

    e) Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

    g) Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

    h) Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.

    i) Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

    k) Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

    3. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

    Điều 26. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm

    1. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II và khoản 1 Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

    Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

    Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

    2. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ cơ sở hạt nhân):

    Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này. Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) 75% tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

    3. Đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này.

    Điều 27. Giấy chứng nhận bảo hiểm

    1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:

    a) Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

    b) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.

    c) Tên cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

    d) Địa điểm của đối tượng bảo hiểm.

    đ) Tài sản được bảo hiểm.

    e) Số tiền bảo hiểm.

    g) Mức khấu trừ bảo hiểm.

    h) Thời hạn bảo hiểm.

    i) Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm.

    k) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    l) Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

    2. Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 28. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

    1. Khi xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tổn thất đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    2. Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm) trừ đi mức giảm trừ bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều này.

    3. Giảm trừ tối đa 20% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền, dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.

    Điều 29. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm

    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bao gồm các tài liệu sau:

    1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

    2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    3. Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền tại thời điểm gần nhất thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm (bản sao).

    4. Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

    5. Văn bản kết luận hoặc thông báo về nguyên nhân vụ cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao) hoặc các bằng chứng chứng minh nguyên nhân vụ cháy, nổ.

    6. Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại.

    Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 và khoản 6 Điều này. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại khoản 4 Điều này.

     

    Mục 2. MỨC THU, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

     

    Điều 30. Mức thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy

    1. Mức thu từ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong năm tài chính là 1% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề.

    2. Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm nộp số tiền quy định tại khoản 1 Điều này vào Tài khoản của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương theo thời hạn sau:

    a) Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm: Nộp 50% tổng số tiền quy định tại khoản 1 Điều này.

    b) Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm: Nộp số tiền còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 31. Chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

    1. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải bảo đảm minh bạch, đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.

    2. Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng như sau:

    a) Chi hỗ trợ mua sắm trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Tối đa không quá 65% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Việc mua sắm trang thiết bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

    b) Chi hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Tối đa không quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Nội dung và mức chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

    c) Chi hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong các hoạt động điều tra nguyên nhân vụ cháy; bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; giám sát việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ: Tối đa không quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

    d) Chi hỗ trợ khen thưởng thành tích của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy: Tối đa không quá 5% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Trong đó:

    Chi khen thưởng thường xuyên: Thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

    Chi khen thưởng đột xuất cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phòng cháy, chữa cháy: Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ thành tích của các tổ chức, cá nhân, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quyết định những trường hợp cụ thể được khen thưởng và mức khen thưởng đột xuất.

    3. Hàng năm, cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, Bộ Công an lập dự toán thu từ phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, tổng hợp chung vào dự toán của Bộ Công an, gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để tổng hợp, theo dõi.

    4. Việc quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn hiện hành. Bộ Công an có trách nhiệm xét duyệt, thẩm định quyết toán năm đối với nguồn kinh phí thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho các đơn vị trực thuộc; tổng hợp và lập báo cáo quyết toán năm vào nguồn kinh phí khác được để lại, gửi Bộ Tài chính cùng với thời điểm nộp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước để tổng hợp, theo dõi.

    5. Số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy cuối năm chưa sử dụng hết cho từng nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật. Sau 5 năm, trường hợp kinh phí thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không sử dụng hết, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đánh giá nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, báo cáo Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ trích nộp cho phù hợp.

     

    Chương IV. QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

    Mục 1. ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM, MỨC PHÍ BẢO HIỂM, SỐ TIỀN BẢO HIỂM TỐI THIỂU ĐỐI VỚI BẢO HIỂM BẮT BUỘC CÔNG TRÌNH TRONG THỜI GIAN XÂY DỰNG

     

    Điều 32. Đối tượng bảo hiểm

    Chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:

    1. Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng quy định tại Phụ lục X Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

    2. Công trình đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và thuộc danh mục dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

    3. Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

    Điều 33. Số tiền bảo hiểm tối thiểu

    Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư cung cấp. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

    Điều 34. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    1. Phạm vi bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của công trình trong thời gian xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    a) Tổn thất phát sinh do chiến tranh, bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch, nổi loạn, hành động ác ý nhân danh hoặc có liên quan tới các tổ chức chính trị, tịch biên, sung công, trưng dụng, trưng thu hay phá hủy hoặc bị gây thiệt hại theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    b) Tổn thất phát sinh do hành động khủng bố.

    c) Tổn thất phát sinh do phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ.

    d) Tổn thất hoặc thiệt hại của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có tên trong danh sách cấm vận.

    đ) Tổn thất hoặc thiệt hại có liên quan đến dịch bệnh theo công bố của cơ quan có thẩm quyền.

    e) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm.

    g) Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

    h) Tổn thất phát sinh do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của ngừng công việc thi công xây dựng (dù là ngừng một phần hoặc toàn bộ công việc thi công).

    i) Tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

    k) Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng từ cấp II trở lên.

    l) Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa.

    m) Tổn thất do hiện tượng mục rữa và diễn ra trong điều kiện áp suất, nhiệt độ bình thường (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định này).

    n) Tổn thất do hiện tượng kết tạo vẩy cứng như han gỉ, đóng cặn hoặc các hiện tượng tương tự khác (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định này).

    o) Chi phí sửa chữa, thay thế, chỉnh sửa khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề. Loại trừ này chỉ áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục bị ảnh hưởng trực tiếp, không áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục khác là hậu quả gián tiếp do khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề mà thi công đúng.

    p) Tổn thất hay thiệt hại chỉ phát hiện được vào thời điểm kiểm kê.

    Điều 35. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

    1. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong các trường hợp sau:

    a) Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng hoặc chấm dứt hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật.

    Bên mua bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày chủ đầu tư có quyết định về việc tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng hoặc chấm dứt hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật. Thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm được xác định căn cứ vào thời điểm tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng hoặc chấm dứt hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật.

    b) Các trường hợp chấm dứt khác theo quy định của pháp luật.

    2. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

    a) Trường hợp hợp đồng bảo hiểm chấm dứt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm phần phí bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm (nếu có). Trường hợp bên mua bảo hiểm chưa đóng đủ phí bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải đóng bổ sung đủ phí bảo hiểm tương ứng với thời gian đã được bảo hiểm tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

    b) Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và theo quy định của pháp luật.

    Điều 36. Thời hạn bảo hiểm

    Thời hạn bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng thực hiện như sau:

    1. Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định này: Thời hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung (nếu có). Thời hạn bảo hiểm đối với những bộ phận, hạng mục công trình đã được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm các bộ phận, hạng mục đó được bàn giao hoặc được đưa vào sử dụng.

    2. Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định này: Thời hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm, tính từ ngày bắt đầu thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung (nếu có) cho tới khi bàn giao công trình hoặc sau khi hoàn tất lần chạy thử có tải đầu tiên, tùy theo thời điểm nào đến trước, nhưng không quá 28 ngày kể từ ngày bắt đầu chạy thử. Thời hạn bảo hiểm đối với các thiết bị đã qua sử dụng lắp đặt vào công trình sẽ chấm dứt kể từ thời điểm các thiết bị đó bắt đầu được chạy thử.

    Điều 37. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm

    1. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng được quy định cụ thể như sau:

    a) Đối với công trình xây dựng có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn 50% tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

    b) Đối với công trình xây dựng có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ 50% trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục II Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

    c) Đối với công trình xây dựng có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên quy định tại điểm a, điểm b khoản này: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này. Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) 75% tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này (đối với công trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều này) hoặc khoản 1 Mục II Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này (đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này).

    d) Đối với các công trình xây dựng chưa được quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này:

    Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận quy tắc, điều khoản, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này.

    2. Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này:

    Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

    Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

    3. Trường hợp thời gian xây dựng công trình bị kéo dài so với thời gian quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận phí bảo hiểm bổ sung áp dụng cho khoảng thời gian bị kéo dài. Phí bảo hiểm bổ sung (nếu có) được tính căn cứ vào phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và quy định tại khoản 2 Điều này, tỷ lệ thời gian xây dựng kéo dài trên tổng thời gian xây dựng công trình theo văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và các yếu tố rủi ro khác.

    Điều 38. Trách nhiệm mua bảo hiểm

    Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cho công trình hoặc cho từng hạng mục của công trình trong thời gian xây dựng. Các trường hợp cụ thể như sau:

    1. Trường hợp mua bảo hiểm cho công trình trong thời gian xây dựng, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

    2. Trường hợp mua bảo hiểm theo từng hạng mục công trình trong thời gian xây dựng, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm của từng hạng mục công trình không thấp hơn giá trị đầy đủ của hạng mục công trình đó khi hoàn thành và tổng số tiền bảo hiểm của các hạng mục công trình trong thời gian xây dựng không thấp hơn số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

    Điều 39. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

    1. Khi xảy ra tổn thất đối với công trình trong thời gian xây dựng, bên mua bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tổn thất đối với công trình xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    b) Sau khi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể tiến hành sửa chữa hoặc thay thế các hư hỏng nhỏ có giá trị không vượt quá mức khấu trừ tương ứng quy định tại Nghị định này.

    Trong các trường hợp khác, trước khi thực hiện sửa chữa hoặc thay thế các hạng mục bị tổn thất, bên mua bảo hiểm phải được doanh nghiệp bảo hiểm giám định tổn thất. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không tiến hành giám định tổn thất trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo tổn thất công trình xây dựng, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có quyền tiến hành việc sửa chữa hoặc thay thế các hạng mục bị tổn thất. Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả chi phí sửa chữa hoặc thay thế các hạng mục bị tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm với điều kiện bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải tiến hành sửa chữa hoặc thay thế kịp thời.

    c) Bảo quản các bộ phận bị tổn thất và sẵn sàng để cho đại diện hay giám định viên của doanh nghiệp bảo hiểm giám định các bộ phận đó.

    d) Thông báo ngay cho cơ quan Công an trong trường hợp tổn thất do trộm cắp.

    đ) Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng của mình để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất.

    e) Thực hiện, phối hợp, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này.

    2. Khi xảy ra tổn thất đối với công trình trong thời gian xây dựng, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Thực hiện giám định tổn thất theo quy định của pháp luật và lập biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định này.

    b) Hướng dẫn, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường.

    3. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường bảo hiểm các khoản thiệt hại vật chất mà người được bảo hiểm thực tế phải gánh chịu và khi các khoản đó đã được tính vào số tiền bảo hiểm.

    4. Mức bồi thường đối với từng hạng mục tài sản ghi trong hợp đồng bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm của hạng mục tài sản đó. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Các trường hợp cụ thể như sau:

    a) Đối với trường hợp tổn thất có thể sửa chữa được thì phải sửa chữa, số tiền bồi thường là chi phí cần thiết để phục hồi các hạng mục bị tổn thất trở lại trạng thái như trước khi xảy ra tổn thất sau khi trừ đi phần giá trị thu hồi (trường hợp bên mua bảo hiểm thu hồi tài sản bị tổn thất) và mức khấu trừ bảo hiểm.

    b) Đối với trường hợp tổn thất toàn bộ, số tiền bồi thường bảo hiểm là giá trị thị trường của hạng mục đó tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm thu hồi tài sản bị tổn thất, số tiền bồi thường bảo hiểm là giá trị thực tế của hạng mục đó tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm và giá trị thu hồi tài sản bị tổn thất.

    5. Chi phí sửa chữa tạm thời sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm chịu nếu như việc sửa chữa đó là một bộ phận cấu thành của việc sửa chữa chính thức và không làm tăng tổng chi phí sửa chữa theo phương án sửa chữa cuối cùng của hạng mục bị tổn thất.

    6. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường mọi chi phí nhằm cải hoán, bổ sung, nâng cấp các hạng mục được bảo hiểm.

    Điều 40. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm

    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng bao gồm các tài liệu sau:

    1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

    2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    3. Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, bao gồm:

    a) Hồ sơ sự cố công trình xây dựng trong trường hợp xảy ra sự cố công trình xây dựng (bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao có xác nhận của bên lập hồ sơ) theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng hoặc bằng chứng chứng minh tổn thất của công trình xây dựng.

    b) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại.

    4. Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà bên mua bảo hiểm đã chi ra để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất hoặc để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

    5. Biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.

    6. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

    Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều này. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại khoản 5 Điều này.

     

    Mục 2. ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM, MỨC PHÍ BẢO HIỂM, GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM ĐỐI VỚI BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM NGHỀ NGHIỆP TƯ VẤN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

     

    Điều 41. Đối tượng bảo hiểm

    Đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng là trách nhiệm dân sự của nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng đối với người thứ ba phát sinh từ việc thực hiện công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình xây dựng từ cấp II trở lên.

    Điều 42. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm

    Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm bằng giá trị hợp đồng tư vấn khảo sát xây dựng, hợp đồng tư vấn thiết kế xây dựng.

    Điều 43. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    1. Phạm vi bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho nhà thầu tư vấn những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của người thứ ba phát sinh từ việc thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng và các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    a) Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h và điểm i khoản 2 Điều 34 Nghị định này.

    b) Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa được thử nghiệm.

    c) Chi phí thiết kế lại hoặc sửa bản vẽ, kế hoạch, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoặc danh mục tài liệu hướng dẫn kỹ thuật.

    d) Tổn thất phát sinh do nấm mốc.

    đ) Tổn thất do việc tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng dẫn đến gây ô nhiễm, nhiễm bẩn đối với môi trường và người thứ ba.

    e) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.

    g) Tổn thất phát sinh từ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

    h) Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý không tuân thủ quy định pháp luật xây dựng về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.

    Điều 44. Thời hạn bảo hiểm

    Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định của pháp luật.

    Điều 45. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm

    1. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng được quy định cụ thể như sau:

    a) Đối với công trình xây dựng có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng và không thuộc các loại công trình xây dựng đê, đập, cảng, bến cảng, cầu cảng, bến tàu, đập chắn sóng và các công trình thủy lợi; các công trình xây dựng sân bay, máy bay, vệ tinh, không gian; các công trình sửa chữa và đóng tàu; các công trình xây dựng năng lượng trên biển và dưới nước; các dự án xe lửa, xe điện, tàu tốc hành và dự án ngầm dưới đất, hầm mỏ: Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

    Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

    Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

    b) Đối với công trình xây dựng có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị hợp đồng tư vấn trên 80 tỷ đồng hoặc các công trình không áp dụng mức phí bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này. Trong mọi trường hợp, mức phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí bảo hiểm tương ứng với 1.000 tỷ đồng nhân (x) 75% tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

    2. Trường hợp thời gian thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng bị kéo dài so với thời gian quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải thỏa thuận về phí bảo hiểm bổ sung áp dụng cho khoảng thời gian bị kéo dài. Phí bảo hiểm bổ sung được tính căn cứ vào phí bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, quy định tăng hoặc giảm phí bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và tương ứng với thời gian thực hiện công việc tư vấn kéo dài.

    Điều 46. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

    1. Doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho nhà thầu tư vấn những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của người thứ ba và các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

    a) Tổn thất của người thứ ba và các chi phí có liên quan phát sinh do hành động sơ suất, bất cẩn của người được bảo hiểm là hậu quả của việc thực hiện công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng thuộc phạm vi bảo hiểm.

    b) Yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba lần đầu tiên được đưa ra (từ một sự kiện bảo hiểm) đối với người được bảo hiểm và được bên mua bảo hiểm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm, bao gồm cả các chi phí phải trả cho luật sư do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc do người được bảo hiểm chỉ định (có sự đồng ý bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm), các khoản lệ phí, chi phí khác phát sinh từ việc điều tra, chỉnh lý, bào chữa liên quan đến sự kiện bảo hiểm nhưng không bao gồm tiền lương trả cho người lao động hoặc người quản lý ký kết hợp đồng lao động với người được bảo hiểm.

    c) Các chi phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

    2. Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với tất cả các yêu cầu đòi bồi thường trong suốt thời hạn bảo hiểm không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

    3. Khi có yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba, bên mua bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    b) Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất.

    c) Thực hiện, phối hợp, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo Nghị định này.

    4. Khi có yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Giám định tổn thất theo quy định pháp luật và lập biên bản giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất.

    b) Hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường.

    c) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thứ ba thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

    Điều 47. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm các tài liệu sau:

    1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

    2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    3. Văn bản yêu cầu bồi thường của người thứ ba đối với người được bảo hiểm.

    4. Tài liệu chứng minh thiệt hại về người (Bản sao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm cung cấp. Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

    a) Giấy chứng nhận thương tích.

    b) Giấy ra viện.

    c) Giấy chứng nhận phẫu thuật.

    d) Hồ sơ bệnh án.

    đ) Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y.

    e) Hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ về chi phí y tế.

    5. Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, bao gồm:

    a) Hồ sơ sự cố công trình xây dựng trong trường hợp xảy ra sự cố công trình xây dựng (bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao có xác nhận của bên lập hồ sơ) theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng hoặc bằng chứng chứng minh tổn thất của công trình xây dựng.

    b) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại.

    c) Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm đã chi ra để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất hoặc để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

    6. Biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.

    7. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

    Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều này. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại khoản 6 Điều này.

     

    Mục 3. ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM, MỨC PHÍ BẢO HIỂM, GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THI CÔNG TRÊN CÔNG TRƯỜNG

     

    Điều 48. Đối tượng bảo hiểm

    1. Đối tượng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định của pháp luật.

    2. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ.

    Điều 49. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    1. Phạm vi bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    a) Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h và điểm i khoản 2 Điều 34 Nghị định này.

    b) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.

    c) Tổn thất phát sinh do mâu thuẫn của chính người lao động với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc thi công trên công trường.

    d) Tổn thất phát sinh do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.

    đ) Tổn thất phát sinh do người lao động sử dụng chất gây nghiện, ma túy trái với quy định của pháp luật (trừ trường hợp thuốc được kê để điều trị theo chỉ định của bác sĩ được cấp phép).

    e) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (trừ trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ).

    Điều 50. Thời hạn bảo hiểm

    1. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định của pháp luật.

    2. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động thi công trên công trường căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường.

    Điều 51. Mức phí bảo hiểm

    1. Mức phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

    2. Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

    Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

    3. Trường hợp có sự thay đổi về số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động thực hiện theo hướng dẫn sau:

    a) Trước ngày 15 của tháng kế tiếp tháng có sự thay đổi, nhà thầu thi công xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm việc thay đổi nêu trên kèm theo danh sách người lao động phát sinh tăng hoặc giảm (đối với trường hợp thay đổi về số lượng lao động), danh sách công việc của người lao động thay đổi (đối với trường hợp thay đổi công việc của người lao động).

    b) Trường hợp phát sinh tăng số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động làm tăng rủi ro được bảo hiểm, nhà thầu thi công xây dựng phải nộp phần phí bảo hiểm tăng thêm trước ngày 15 của tháng kế tiếp tháng thông báo.

    c) Trường hợp phát sinh giảm số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động làm giảm rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho nhà thầu thi công xây dựng phần phí bảo hiểm giảm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã thanh toán thừa trước ngày 15 của tháng kế tiếp tháng thông báo với điều kiện đến thời điểm đó hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh khiếu nại hoặc đã phát sinh khiếu nại nhưng không được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm.

    d) Nếu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo theo quy định tại điểm a khoản này và thanh toán phí bảo hiểm theo quy định tại điểm b khoản này, hợp đồng bảo hiểm tự động có hiệu lực đối với danh sách người lao động phát sinh tăng hoặc chấm dứt hiệu lực đối với danh sách người lao động phát sinh giảm; hợp đồng bảo hiểm tự động có hiệu lực đối với công việc được thay đổi của người lao động kể từ ngày phát sinh sự thay đổi thực tế theo đề nghị của người được bảo hiểm.

    Điều 52. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

    1. Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, bên mua bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    b) Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

    c) Thực hiện, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo Nghị định này.

    2. Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, doanh nghiệp bảo hiểm hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường; xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

    3. Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết), bao gồm các khoản chi trả sau:

    a) Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá 6 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

    b) Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý.

    c) Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

    d) Trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng cho một người trong một vụ.

    Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này không vượt quá 100 triệu đồng cho một người trong một vụ đối với trường hợp tham gia giới hạn trách nhiệm bảo hiểm 100 triệu đồng.

    4. Trường hợp tai nạn lao động xảy ra hoặc bệnh nghề nghiệp phát sinh gây thương tật cho người lao động và thương tật này bị làm trầm trọng thêm bởi các thương tật hoặc bệnh tật trước đó, doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường cho phần bị làm trầm trọng thêm đó.

    Điều 53. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường:

    1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

    2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm:

    a) Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng lao động ký giữa người được bảo hiểm và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảng chấm công.

    b) Các văn bản yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có).

    3. Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động (Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):

    a) Biên bản điều tra tai nạn lao động do cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông và được xác định là tai nạn lao động thì phải có biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông do các cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật.

    b) Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau: Giấy chứng nhận thương tích; Giấy ra viện; Giấy chứng nhận phẫu thuật; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y.

    c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên (nếu có).

    d) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do tai nạn lao động của người lao động.

    4. Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do bệnh nghề nghiệp:

    a) Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động phải có bản trích sao (nếu có).

    b) Giấy ra viện (trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp) hoặc phiếu hội chẩn mắc bệnh nghề nghiệp; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử (trong trường hợp người lao động chết).

    c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên (nếu có).

    d) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do bệnh nghề nghiệp của người lao động.

    5. Tài liệu chứng minh các khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

    6. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

     

    Mục 4. ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM, MỨC PHÍ BẢO HIỂM, GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM ĐỐI VỚI BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI THỨ BA

     

    Điều 54. Đối tượng bảo hiểm

    Đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người thứ ba trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật.

    Điều 55. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm

    Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba như sau:

    1. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

    2. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:

    a) Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất

    b) Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

    Điều 56. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    1. Phạm vi bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

    a) Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h và điểm i khoản 2 Điều 34 Nghị định này.

    b) Tổn thất phát sinh từ sự ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn. Loại trừ này không áp dụng đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh từ sự ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn do rủi ro bất ngờ, không lường trước được.

    c) Thiệt hại do chấn động hoặc do bộ phận chịu lực và địa chất công trình bị dịch chuyển hay suy yếu hoặc thương tật hay thiệt hại đối với người hoặc tài sản do bất kỳ tổn thất nào nêu trên gây ra (trừ khi được thoả thuận bằng điều khoản sửa đổi bổ sung).

    d) Thiệt hại là hậu quả của tai nạn gây ra bởi xe cơ giới hay các phương tiện tàu thuyền, xà lan hay máy bay đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với người thứ ba.

    đ) Trách nhiệm là hậu quả của các thương tật hay ốm đau gây ra cho người lao động của chủ đầu tư hoặc nhà thầu có liên quan đến công trình được bảo hiểm.

    e) Tổn thất xảy ra đối với tài sản thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư hoặc nhà thầu hay của người lao động hoặc công nhân của một trong những người trên.

    g) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.

    Điều 57. Thời hạn bảo hiểm

    Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối người thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

    Điều 58. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm

    1. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba được quy định cụ thể như sau:

    a) Mức phí bảo hiểm được tính bằng 5% mức phí bảo hiểm bắt buộc đối với công trình xây dựng tương ứng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định này. Mức khấu trừ bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) bằng 5% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có), hoặc 20 triệu đồng, tùy theo số nào lớn hơn. Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

    Trường hợp trong năm tài chính trước liền kề, đối tượng bảo hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba, trên cơ sở số liệu có xác nhận của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

    b) Đối với công trình xây dựng không được quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định này: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận quy tắc, điều khoản, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định này.

    2. Trường hợp thời gian xây dựng công trình bị kéo dài so với thời gian quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận phí bảo hiểm bổ sung áp dụng cho khoảng thời gian bị kéo dài. Phí bảo hiểm bổ sung (nếu có) được tính căn cứ vào phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này, tỷ lệ thời gian xây dựng kéo dài trên tổng thời gian xây dựng công trình theo văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và các yếu tố rủi ro khác.

    Điều 59. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

    1. Khi người thứ ba bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả cho bên mua bảo hiểm theo mức bồi thường sau:

    a) Mức bồi thường cụ thể về sức khỏe, tính mạng được xác định theo từng loại thương tật theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này hoặc theo thỏa thuận (nếu có) giữa người được bảo hiểm và người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự) nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp có quyết định của Tòa án thì căn cứ vào quyết định của Tòa án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

    b) Mức bồi thường cụ thể về thiệt hại đối với tài sản trong một vụ tổn thất được xác định theo thiệt hại thực tế và mức độ lỗi nhưng không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

    c) Chi phí pháp lý có liên quan (nếu có).

    Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại khoản này không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Điều 55 Nghị định này.

    2. Khi có yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba, bên mua bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

    b) Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất.

    c) Thực hiện, phối hợp, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo Nghị định này.

    3. Khi có yêu cầu đòi bồi thường của người thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

    a) Giám định tổn thất theo quy định pháp luật và lập biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại theo quy định tại khoản 6 Điều 60 Nghị định này.

    b) Hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường.

    c) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thứ ba thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

    Điều 60. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm

    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba bao gồm các tài liệu sau:

    1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

    2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    3. Văn bản yêu cầu bồi thường của người thứ ba đối với người được bảo hiểm.

    4. Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người thứ ba (Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc chứng thực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp. Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

    a) Giấy chứng nhận thương tích.

    b) Giấy ra viện.

    c) Giấy chứng nhận phẫu thuật.

    d) Hồ sơ bệnh án.

    đ) Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y.

    5. Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, bao gồm:

    a) Hồ sơ sự cố công trình xây dựng trong trường hợp xảy ra sự cố công trình xây dựng (bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao có xác nhận của bên lập hồ sơ) theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng hoặc bằng chứng chứng minh tổn thất của công trình xây dựng.

    b) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ trong trường hợp sửa chữa, thay mới tài sản.

    6. Biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.

    7. Quyết định của Tòa án (nếu có).

    8. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

    Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 7 và khoản 8 Điều này. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại khoản 6 Điều này.

     

    Chương V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Điều 61. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

    1. Tổ chức tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

    2. Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    3. Chủ trì thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc.

    4. Xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm.

    5. Bộ Tài chính ban hành Quyết định thành lập, bổ nhiệm các thành viên của Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN.

    Điều 62. Trách nhiệm của Bộ Công an

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

    2. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

    3. Công bố danh sách các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ các cơ sở liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước) chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

    4. Ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ đối với cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E tại Biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trên cơ sở xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

    5. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định này, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra.

    6. Thực hiện việc chia sẻ và cung cấp thông tin do ngành Công an quản lý vào cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới phục vụ công tác quản lý bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định pháp luật về quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    7. Quyết định những trường hợp được khen thưởng và mức khen thưởng đột xuất quy định tại điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định này.

    Điều 63. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm hành chính đối với bên mua bảo hiểm vi phạm bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

    Điều 64. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    Điều 65. Trách nhiệm của Bộ Y tế

    Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trung ương và địa phương cung cấp bản sao hồ sơ bệnh án, Giấy chứng nhận thương tích, Giấy báo tử hoặc các văn bản xác nhận liên quan đến việc cấp cứu, chữa trị các nạn nhân bị tai nạn giao thông đường bộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ bồi thường, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

    Điều 66. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

    Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm bắt buộc.

    Điều 67. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc.

    2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Nghị định này.

    3. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền về thực hiện bảo hiểm bắt buộc theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.

    4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam dành thời lượng phát sóng nhất định để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm bắt buộc.

    5. Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Điều 68. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tổ chức thực hiện bảo hiểm bắt buộc.

    2. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm bắt buộc.

    3. Phối hợp với Bộ Công an trong việc chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác có liên quan trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý các chủ xe cơ giới không tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    4. Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Điều 69. Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN.

    2. Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng cửa khẩu đường bộ triển khai thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quá cảnh.

    Điều 70. Trách nhiệm của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Phối hợp với Quỹ bảo hiểm xe cơ giới trong tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động tuyên truyền, giáo dục; đề phòng, hạn chế tổn thất; chi hỗ trợ nhân đạo theo quy định tại Nghị định này.

    Điều 71. Trách nhiệm của Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN

    1. Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN là cơ quan thường trực giúp các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN.

    2. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN.

    Điều 72. Trách nhiệm của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

    1. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Chỉ đạo, hướng dẫn các hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    Điều 73. Trách nhiệm của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

    1. Báo cáo Bộ Tài chính về tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này.

    2. Tổ chức tuyên truyền thực hiện bảo hiểm bắt buộc.

    3. Công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    Điều 74. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ

    Xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

    Điều 75. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

    1. Không khuyến mại, chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    2. Lập và gửi các báo cáo sau:

    a) Báo cáo nghiệp vụ: Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

    Báo cáo về tình hình thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Mẫu số 1 Phụ lục X); Báo cáo doanh thu, bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Mẫu số 2 Phụ lục X); Báo cáo doanh thu, bồi thường bảo hiểm bắt buộc công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng (Mẫu số 3 Phụ lục X).

    Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.

    Thời gian gửi báo cáo chậm nhất là ngày 31 tháng 3 của năm tài chính kế tiếp.

    Phương thức gửi báo cáo: Gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc gửi qua hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính (khi hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính được vận hành).

    b) Báo cáo tình hình thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Mẫu số 4 Phụ lục X): Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Công an, cụ thể như sau:

    Thời gian chốt số liệu: Báo cáo 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 của năm báo cáo); báo cáo năm (tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo).

    Thời gian gửi báo cáo: Báo cáo 6 tháng đầu năm (chậm nhất là ngày 31 tháng 7 hàng năm); báo cáo năm (chậm nhất là ngày 31 tháng 01 của năm tài chính kế tiếp).

    Phương thức gửi báo cáo: Gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Công an.

    3. Thiết lập, duy trì hoạt động 24 giờ/7 ngày đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, tổn thất, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc. Thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

    4. Tích hợp tính năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, cho phép cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    5. Giải thích rõ điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu, bảo đảm bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phân biệt rõ giữa loại hình bảo hiểm bắt buộc với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.

    6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.

    7. Phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên có liên quan để thu thập 1 bộ hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Chủ động thu thập các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm quy định của Nghị định này.

    8. Tạm ứng bồi thường, chi trả bồi thường bảo hiểm bắt buộc nhanh chóng và chính xác theo quy định của Nghị định này.

    9. Thanh toán cho cơ quan Công an chi phí sao chụp những hồ sơ, biên bản tai nạn xe cơ giới đã được cung cấp theo quy định pháp luật và có trách nhiệm giữ bí mật trong quá trình điều tra.

    10. Thông báo cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về việc hết thời hạn của hợp đồng bảo hiểm trong vòng 15 ngày trước khi hết thời hạn bảo hiểm.

    11. Đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; nộp 1% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

    12. Hạch toán tách biệt doanh thu phí bảo hiểm, hoa hồng đại lý bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm và các khoản chi phí liên quan đến bảo hiểm bắt buộc.

    13. Cung cấp, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo yêu cầu của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

    14. Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

     

    Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 76. Điều khoản chuyển tiếp

    1. Các hợp đồng bảo hiểm bắt buộc đã giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực và còn thời gian thực hiện hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 16 tháng 6 năm 2022 (đối với các hợp đồng bảo hiểm giao kết từ ngày 01 tháng 01 năm 2023); Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Nghị định này và để áp dụng quy định của Nghị định này.

    2. Cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy thực hiện theo quy định tại Nghị định này từ năm tài chính 2023. Riêng năm tài chính 2023, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới quyết định tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, nộp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023.

    3. Đối với các trường hợp đã lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu nhưng chưa ký kết hợp đồng bảo hiểm thì các bên tiếp tục thực hiện theo quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã phát hành.

    Điều 77. Hiệu lực thi hành

    1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

    2. Các Nghị định sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

    a) Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    b) Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

    c) Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

    Điều 78. Trách nhiệm thi hành

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các hộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: VT, KTTH.

    TM. CHÍNH PHỦ
    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG


     

     



    Lê Minh Khái

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Phòng cháy và chữa cháy của Quốc hội, số 27/2001/QH10
    Ban hành: 29/06/2001 Hiệu lực: 04/10/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 13/11/2008 Hiệu lực: 01/07/2009 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy của Quốc hội, số 40/2013/QH13
    Ban hành: 22/11/2013 Hiệu lực: 01/07/2014 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    04
    Luật Xây dựng của Quốc hội, số 50/2014/QH13
    Ban hành: 18/06/2014 Hiệu lực: 01/01/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    05
    Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội, số 76/2015/QH13
    Ban hành: 19/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    06
    Bộ luật Dân sự của Quốc hội, số 91/2015/QH13
    Ban hành: 24/11/2015 Hiệu lực: 01/01/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    07
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Quốc hội, số 47/2019/QH14
    Ban hành: 22/11/2019 Hiệu lực: 01/07/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    08
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng của Quốc hội, số 62/2020/QH14
    Ban hành: 17/06/2020 Hiệu lực: 01/01/2021 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    09
    Luật Kinh doanh bảo hiểm của Quốc hội, số 08/2022/QH15
    Ban hành: 16/06/2022 Hiệu lực: 01/01/2023 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    10
    Nghị định 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
    Ban hành: 13/11/2015 Hiệu lực: 10/02/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    11
    Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
    Ban hành: 23/02/2018 Hiệu lực: 15/04/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    12
    Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
    Ban hành: 15/01/2021 Hiệu lực: 01/03/2021 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    13
    Nghị định 97/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
    Ban hành: 08/11/2021 Hiệu lực: 23/12/2021 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    14
    Nghị định 20/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
    Ban hành: 10/03/2022 Hiệu lực: 01/07/2022 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    15
    Luật Phòng cháy và chữa cháy của Quốc hội, số 27/2001/QH10
    Ban hành: 29/06/2001 Hiệu lực: 04/10/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    16
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy của Quốc hội, số 40/2013/QH13
    Ban hành: 22/11/2013 Hiệu lực: 01/07/2014 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản được hướng dẫn
    17
    Luật Xây dựng của Quốc hội, số 50/2014/QH13
    Ban hành: 18/06/2014 Hiệu lực: 01/01/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    18
    Luật Kinh doanh bảo hiểm của Quốc hội, số 08/2022/QH15
    Ban hành: 16/06/2022 Hiệu lực: 01/01/2023 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    19
    Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh
    Ban hành: 30/12/2023 Hiệu lực: 01/01/2024 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    20
    Luật Thể dục, Thể thao số 77/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2006 Hiệu lực: 01/07/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản sửa đổi, bổ sung (01)
  • Văn bản đang xem

    Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ
    Số hiệu:67/2023/NĐ-CP
    Loại văn bản:Nghị định
    Ngày ban hành:06/09/2023
    Hiệu lực:06/09/2023
    Lĩnh vực:Xây dựng, Bảo hiểm, Dân sự, Bảo hiểm nhân thọ - Phi nhân thọ
    Ngày công báo:20/09/2023
    Số công báo:từ 1017 đến 1020-09/2023
    Người ký:Lê Minh Khái
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu (16)
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X