hieuluat

Chỉ thị 11/2006/CT-TTg hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho lao động vùng chuyển đổi SD đất nông nghiệp

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:01 - 4/2006
    Số hiệu:11/2006/CT-TTgNgày đăng công báo:01/04/2006
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Phạm Gia Khiêm
    Ngày ban hành:27/03/2006Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:27/03/2006Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Đất đai-Nhà ở, Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Lao động-Tiền lương, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • CHỈ THỊ

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 11/2006/CT-TTG
    NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2006 VỀ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DẠY NGHỀ
    VÀ VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG VÙNG CHUYỂN ĐỔI
    MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

     

    Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

    Do nhận thức đúng đắn chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, nhiều địa phương đã bổ sung kịp thời các chính sách, nguồn lực tài chính, giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc thu hồi đất thường tập trung phần lớn vào đất canh tác nông nghiệp của một số xã, khu vực đông dân cư; một số vùng đất đã thu hồi nhưng chưa đưa vào khai thác, sử dụng trong khi người dân không có đất để sản xuất. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, đã đơn giản trong việc thu hồi đất, chưa gắn công tác quy hoạch thu hồi đất với hỗ trợ tái định cư, đặc biệt là hỗ trợ việc làm, dạy nghề cho lao động; việc bồi thường cho hộ bị thu hồi đất chủ yếu thực hiện dưới hình thức tiền tệ hoá, chưa có cơ chế, giải pháp kịp thời và hiệu quả để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất. Vì vậy, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng chuyển đổi đất.

    Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế đi liền với chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển nông thôn, trước hết là tạo việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân ở vùng bị thu hồi đất, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

    1. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của từng vùng và cả nước; gắn quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp với phát triển các ngành nghề, đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục các ngành nghề truyền thống, tạo quỹ đất tái định cư, quy hoạch đất dịch vụ và đất liền kề các khu công nghiệp; đồng thời xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho người lao động bị thu hồi đất về dạy nghề và việc làm phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

    2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có định hướng quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm từ dự án dạy nghề cho lao động nông thôn và vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch và kế hoạch thu hồi đất nông nghiệp; nắm chắc tình hình nguồn lao động và cơ cấu lao động - việc làm vùng chuyển đổi để có biện pháp, đề án hỗ trợ tái định cư, xây dựng và phát triển các hợp tác xã dịch vụ hoặc doanh nghiệp nhỏ hoạt động dịch vụ tại vùng bị thu hồi đất, phát triển ngành nghề truyền thống tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn và vận động nhân dân chủ động tham gia học nghề để chuyển nghề và tìm việc làm phù hợp nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống.

    3. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương:

    a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung quy hoạch, kế hoạch thu hồi đất nông nghiệp; chỉ đạo các địa phương gắn quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp với kế hoạch đào tạo nghề và sử dụng lao động ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đồng bộ với quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu công nghiệp, hạ tầng xã hội (y tế, văn hoá, giáo dục...), quy hoạch xây dựng đô thị và khu dân cư nông thôn;

    b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về việc sắp xếp bố trí tái định cư cho nhân dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, nông thôn;

    c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nguồn lực cho các dự án hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn để tập trung đào tạo chuyển nghề cho lao động khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời dành nguồn lực đáng kể cho dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho những địa phương có tỷ lệ đất nông nghiệp bị thu hồi lớn;

    d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình lao động - việc làm tại các vùng có đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng, trên cơ sở đó lập kế hoạch 5 năm và hàng năm về đào tạo nghề và tạo việc làm; nghiên cứu, bổ sung các chính sách, giải pháp hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; tăng cường kinh phí đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm trong chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và giáo dục - đào tạo để hỗ trợ cho lao động bị thu hồi đất sớm chuyển nghề và ổn định việc làm; nghiên cứu, tổng kết và phổ biến nhân rộng các mô hình tạo việc làm hiệu quả tới người lao động khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

    4. Các Bộ, ngành theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch, triển khai chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện; định kỳ 6 tháng và hàng năm, các địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị này.

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

     

    KT. THỦ TƯỚNG

    PHÓ THỦ TƯỚNG

    Phạm Gia Khiêm - Đã ký

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Chỉ thị 11/2006/CT-TTg hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho lao động vùng chuyển đổi SD đất nông nghiệp

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:11/2006/CT-TTg
    Loại văn bản:Chỉ thị
    Ngày ban hành:27/03/2006
    Hiệu lực:27/03/2006
    Lĩnh vực:Đất đai-Nhà ở, Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Lao động-Tiền lương, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:01/04/2006
    Số công báo:01 - 4/2006
    Người ký:Phạm Gia Khiêm
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X