Cơ quan ban hành: | Quốc hội | Số công báo: | 09&10-01/2021 |
Số hiệu: | 132/2020/QH14 | Ngày đăng công báo: | 03/01/2021 |
Loại văn bản: | Nghị quyết | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 17/11/2020 | Hết hiệu lực: | 01/08/2024 |
Áp dụng: | 01/02/2021 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đất đai-Nhà ở, Chính sách |
QUỐC HỘI Nghị quyết số: 132/2020/QH14 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT
Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
___________
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, bao gồm: nguyên tắc, chế độ sử dụng đất; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý dự án, hợp đồng đã thực hiện và việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (sau đây gọi là đơn vị).
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là doanh nghiệp quân đội, công an).
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
1. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
2. Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chỉ đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 và đối tượng được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
4. Không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Chế độ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
1. Đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, để kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt. Phương án sử dụng đất bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được giao;
b) Vị trí, diện tích đất, nội dung, thời hạn sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;
c) Tác động đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội;
d) Các trường hợp chấm dứt sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trước thời hạn; phương án xử lý tài sản gắn liền với đất được tạo lập để phục vụ hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong trường hợp chấm dứt sử dụng trước thời hạn;
đ) Các giải pháp tổ chức thực hiện.
2. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định của Nghị quyết này.
3. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Tiền sử dụng đất hằng năm được xác định trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và tỷ lệ doanh thu ngoài nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
4. Các khoản thu theo quy định tại khoản 6 Điều 5 của Nghị quyết này phải được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và phải lập dự toán thu, chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 5. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
1. Trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
2. Quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phương án xử lý dự án, hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
3. Tổ chức việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với khu đất có giá trị kinh tế lớn không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Khu đất có giá trị kinh tế lớn quy định tại điểm này là khu đất có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên tính theo giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo mục đích sử dụng thể hiện trong quy hoạch đã được phê duyệt;
b) Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
4. Tổ chức lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức thu, nộp vào ngân sách nhà nước các khoản tiền sau đây:
a) Tiền sử dụng đất hằng năm khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại Nghị quyết này;
b) Tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
c) Tiền thu khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp quân đội, công an theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an từ nguồn thu quy định tại khoản 6 Điều này theo trình tự, thủ tục quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
1. Được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án đã được phê duyệt.
2. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
4. Nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định tại Nghị quyết này.
5. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
6. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Điều 7. Xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn
1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý.
2. Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết; đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương án xử lý đã được phê duyệt, khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm.
3. Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết và theo quy định sau đây:
a) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện nhưng có tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì phải tiến hành chấm dứt hợp tác với tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ;
b) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều bên thì xem xét cho các bên đang trực tiếp thực hiện được tiếp tục thực hiện;
c) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có đối tác nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện theo dự án, hợp đồng đã ký kết;
d) Trường hợp tài sản gắn liền với đất đã cho thuê theo dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết;
đ) Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết được tiếp tục thực hiện nhưng Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn theo dự án, hợp đồng đã ký kết để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất;
e) Khi hết thời hạn dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết thì không được gia hạn.
4. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với vị trí, diện tích đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì đưa ra khỏi quy hoạch đất quốc phòng, an ninh và chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng;
b) Đối với vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì thực hiện theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt;
c) Đối với hợp đồng sử dụng đất, thuê đất quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ký với doanh nghiệp quân đội, công an đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành mà diện tích đất phải dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hợp đồng.
5. Đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thu tiền sử dụng đất thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thu tiền sử dụng đất theo dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết để nộp vào ngân sách nhà nước nhưng không thấp hơn tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định của Nghị quyết này tại thời điểm xác định nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành về cùng một vấn đề trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.
3. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản thay thế |
04 | Văn bản hướng dẫn |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
Nghị quyết 132/2020/QH14 thí điểm chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng đất quốc phòng
In lược đồCơ quan ban hành: | Quốc hội |
Số hiệu: | 132/2020/QH14 |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Ngày ban hành: | 17/11/2020 |
Hiệu lực: | 01/02/2021 |
Lĩnh vực: | Đất đai-Nhà ở, Chính sách |
Ngày công báo: | 03/01/2021 |
Số công báo: | 09&10-01/2021 |
Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày hết hiệu lực: | 01/08/2024 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |