VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 441/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO THEO CHUẨN NGHÈO MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015 (CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 167/2008/QĐ-TTG GIAI ĐOẠN 2).
Ngày 5 tháng 11 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp, ý kiến của các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Quán triệt quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ là có chỗ ở thích hợp và an toàn là một trong những quyền cơ bản, là điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.
Do đó, Nhà nước tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở để giải quyết chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở, nhất là nhóm đối tượng thuộc diện chính sách người có công, người nghèo ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
2. Kết quả thực hiện Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được hiệu quả tốt, được nhân dân đồng tình.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Tuy nhiên, qua tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, cần phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những mặt chưa đạt được để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2; đồng thời để bảo đảm tính khả thi trong cân đối ngân sách và phù hợp với định hướng giảm nghèo bền vững, yêu cầu điều chỉnh một số nội dung sau đây:
a) Thực hiện hỗ trợ phải đúng quy định, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khắc phục tình trạng không công bằng, nhất là khâu tổ chức bình xét đối tượng; hạn chế các đối tượng mới tách hộ nhưng còn trong độ tuổi và có khả năng lao động để tự vươn lên thoát nghèo; khắc phục tình trạng quá ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, không có ý chí vươn lên;
b) Về đối tượng: hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này được phê duyệt tối thiểu 05 năm;
c) Rà soát, tính toán số hộ có khó khăn về nhà ở, bao gồm: (i) chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; (ii) hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác nhưng nay nhà ở đã bị sập đổ hoặc bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn... nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại; (iii) hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 08 năm trở lên đến thời điểm Chính sách này được ban hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát;
d) Rà soát số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách như Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long và các chương trình, chính sách khác để đảm bảo công bằng, hợp lý và hiệu quả trong việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo;
đ) Chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp sang phương thức hỗ trợ bằng cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với hộ gia đình thuộc diện đối tượng đã thực hiện rà soát nêu trên có nhu cầu vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở;
Ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định; trong đó tính toán mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay, thời gian ân hạn, thời gian trả nợ, mức trả nợ mỗi năm và cân đối nguồn vốn của Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội;
e) Thời gian thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là 6 năm, từ năm 2015 đến năm 2020.
3. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên đây, hoàn thiện Dự thảo Quyết định phê duyệt Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, - Các Phó Thủ tướng; - Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ: KTTH, TH, KGVX, V.III; - Lưu: VT, KTN (3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |