Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 113/1999/TTLT-BTC-TCĐC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch | Người ký: | Chu Văn Thỉnh, Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 23/09/1999 | Hết hiệu lực: | 01/01/2004 |
Áp dụng: | 01/01/2000 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đất đai-Nhà ở |
THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
SỐ 113/1999/TTLT-BTC-TCĐC NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 1999
HƯỚNG DẪN VIỆC PHÂN CẤP, QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VÀ
THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ ĐO DẠC BẢN ĐỒ
VÀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước; Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi. bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP.
Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Địa chính hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý cấp phát, thanh quyết toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai như sau:
I - NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Thông tư này chỉ áp dụng cho các nội dung chi phục vụ cho việc đo đạc bản đồ và quản lý đất đai thuộc kinh phí sự nghiệp kinh tế. Các nội dung chi sự nghiệp kinh tế khác và các loại kinh phí khác không thuộc phạm vi hướng dẫn của Thông tư này.
2. Kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai của Tổng cục Địa chính do ngân sách Trung ương đảm bảo; kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai của Sở Địa chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương đảm bảo.
II- PHÂN CẤP NHIỆM VỤ CHI ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ
VÀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
1. Nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương:
- Xây dựng lưới toạ độ, độ cao các cấp, hạng, lưới thiên văn, lưới trọng lực Nhà nước và lưới địa chinh cơ sở.
- Đo đạc, thành lập bản đồ địa hình các tỷ lệ (trên đất liền, trên biển, biên giới, địa giới hành chính).
- Chi cho công tác biên tập, chế bản in, số hoá và in bản đồ địa hình các tỷ lệ; bản đồ hành chính phạm vi toàn quốc.
- Bay chụp ảnh và mua tư liệu ảnh hàng không, ảnh viễn thám phục vụ đo vẽ thành lập bản đồ địa hình, thành lập bản đồ ảnh địa chính cung cấp cho các địa phương tiếp tục đo vẽ chi tiết để thành lập bản đồ địa chính.
- Quản lý thu thập, xử lý thông tin, lưu trữ tư liệu địa chính ở Trung ương.
- Chi cho công tác tổng kiểm kê đất đai định kỳ theo quy định của Luật Đất đai, bao gồm: soạn thảo in ấn, ban hành các văn bản, biểu mẫu hướng dẫn kiểm kê; tập huấn; tổng hợp, xử lý số liệu kiểm kê phạm vi toàn quốc.
- Xây dựng bản đồ hiện trạng và kế hoạch sử dụng đất toàn quốc.
- Thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất theo yêu cầu của Chính phủ.
- Chi các mô hình thí điểm phục vụ công tác xây dựng quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật theo yêu cầu đo đạc bản đồ và quản lý đất đai.
- Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành.
- Mua sắm máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác đo đạc bản đồ và quản lý đất đai cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Địa chính.
2. Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương:
- Đo lưới địa chính cấp I, Cấp II; đo vẽ bản đồ địa chính các khu vực không có bản đồ ảnh; đo vẽ chi tiết bản đồ địa chính sau khi có bản đồ ảnh địa chính của Tổng cục Địa chính cung cấp đến phường, xã.
- Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất.
- Thống kê hiện trạng sử dụng đất hàng năm.
- Tổng kiểm kê đất đai định kỳ theo quy định của Luật Đất đai.
- Chỉnh lý biến động đất đại.
- Đánh giá. phân hạng đất.
- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã; kế hoạch sử dụng đất cấp Tỉnh.
- Quản lý việc thu thập, xử lý thông tin, lưu trữ tư liệu địa chính ở địa phương.
- Mua sắm máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác đo đạc bản đồ và quản lý đất đai của địa phưoưng.
- Thành lập bản đồ hành chính, bản đồ chuyên đề của địa phương.
- Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Việc phân cấp cụ thể cho cấp Tỉnh, Huyện, Xã, do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
III- LẬP VÀ CHẤP HÀNH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1. Lập dự toán.
1.1. Nội dung dự toán các phương án, nhiệm vụ.
- Đối với phương án, nhiệm vụ có định mức kinh tế kỹ thuật: Dự toán theo khối lượng nhân (x) đơn giá và các chi phí khác nếu có (Theo biểu phụ lục đính kèm). Đơn giá đo đạc do Tổng cục Địa chính xây dựng và ban hành sau khi có ý kiến tham gia của các Bộ, ngành có liên quan.
- Đối với nhiệm vụ chưa có hoặc không có định mức KT-KT: Lập dự toán căn cứ vào nhiệm vụ, khối lượng công việc và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán chấp nhận.
1.2. Trình tự lập dự toán.
Việc lập dự toán kinh phí sự nghiệp kinh tế đo đạc bản đồ và quản lý đất đai thực hiện theo trình tự được quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính "Hường dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành quyết toán ngân sách nhà nước" và theo nội dung quy định tại điểm 1.1 trên đây.
2. Chấp hành dự toán ngân sách nhà nước.
2.1. Phân bổ dự toán ngân sách được giao: Căn cứ dự toán ngân sách năm được cấp có thẩm quyền giao:
- Tổng cục Địa chính giao nhiệm vụ và phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đặt hàng với các doanh nghiệp) chi tiết theo mục chi của mục lục ngân sách nhà nước.
- Sở Địa chính giao nhiệm vụ và phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đặt hàng với các doanh nghiệp) chi tiết theo mục chi của mục lục ngân sách nhà nước.
Việc giao nhiệm vụ và phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị phải đảm bảo khớp đúng giữa chi tiết và tổng số, gửi Bộ Tài chính (đối với các đơn vị Trung ương quản lý), gửi Sở Tài chính - Vật giá (đối với các đơn vị địa phương quản lý) và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm căn cứ theo dõi, quản lý, cấp phát kinh phí và kiểm soát chi.
Cơ quan Tài chính cùng cấp có trách nhiệm kiểm tra kết quả phân bổ dự toán ngân sách của các đơn vị. Trường hợp nếu không phù hợp với nội dung dự toán ngân sách đã được cơ quan có thẩm quyền giao, thì đề nghị cơ quan chủ quản điều chỉnh lại cho phù hợp.
Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị được giao nhiệm vụ đặt hàng với các doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế để làm căn cứ kiểm tra giám sát, nghiệm thu, thanh toán với các doanh nghiệp.
2.2. Cấp phát kinh phí:
Trên cơ sở nhiệm vụ và dự toán ngân sách được giao, các đơn vị sự nghiệp lập dự toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai theo quý (có chia ra tháng) theo mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước gửi Tổng cục địa chính (đối với các đơn vị do Trung ương quản lý), gửi Sở Địa chính (đối với các đơn vị do địa phương quản lý), đề tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
Hàng quý căn cứ vào khả năng của ngân sách Nhà nước, cơ quan Tài chính thông báo hạn mức chi cho các đơn vị sự nghiệp địa chính. Trong khi chưa thực hiện việc thông báo hạn mức chi trực tiếp cho đơn vị sử dụng ngân sách; Bộ Tài chính thông báo hạn mức chi qua Tổng cục Địa chính để phân phối kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; Sở Tài chính - Vật giá thông báo hạn mức chi qua Sở Địa chính để phân phối kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc.
Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch căn cứ vào thông báo hạn mức chi được cơ quan chủ quản cấp trên phân phối cho đơn vị, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ thanh toán, lệnh chuẩn chi của Thủ trưởng đơn vị để cấp phát tạm ứng hoặc thanh toán cho đơn vị và thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ theo quy định tại Thông tư số 40/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước" và các quy định tại Thông tư này.
Căn cứ cấp phát kinh phí gồm có:
- Văn bản giao kế hoạch của cấp có thẩm quyền;
- Dự toán chi ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền phân bổ;
- Quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự toán chi của nhiệm vụ, phương án, dự án được duyệt;
- Hợp đồng, đơn đặt hàng hoặc văn bản giao khoán công việc;
- Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ đặt hàng với các doanh nghiệp; tình hình sử dụng kinh phí quý trước;
- Biên bản nghiệm thu sản phẩm hoặc bước công việc hoàn thành theo quy chế nghiệm thu của Tổng cục Địa chính;
- Thanh toán hợp đồng hoặc quyết toán hợp đồng giao khoán;
- Trong phạm vi hạn mức được phân phối của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch;
- Chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Lệnh chuẩn chi của Thủ trưởng đơn vị.
Riêng đối với các hợp đồng hoặc đơn đặt hàng do các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, để đảm bảo kinh phí cho đơn vị, Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát tạm ứng theo tiến độ cho đơn vị trên cơ sở đề nghị của cơ quan Nhà nước ký hợp đồng, nhưng mức tạm ứng tối đa không quá 70% giá trị hợp đồng đã ký kết. Phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành nghiệm thu bàn giao theo quy định.
Trường hợp dự án, luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt đang được cấp phát để thực hiện theo kế hoạch được giao, nhưng do mục đích - yêu cầu quản lý thay đổi, thay đổi địa điểm, phương án - công nghệ thi công đều phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lại phương án, điều chỉnh lại dự toán mới được thi công và cấp phát kinh phí. Trường hợp không thể tiếp tục thi công thì đơn vị thi công phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan cấp trên và phải lập đầy đủ các căn cứ pháp lý để làm cơ sở cấp phát và thanh quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện gồm:
- Quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền;
- Biên bản kiểm tra xác nhận khối lượng đã thi công của cơ quan có thẩm quyền;
- Báo cáo quyết toán chi phí cho khối lượng đã thi công có sự kiểm tra xác nhận của các cấp được giao nhiệm vụ;
- Chứng từ hợp pháp đã chi cho khối lượng đã thực hiện.
IV- QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1. Nội dung quyết toán:
Sau khi phương án, nhiệm vụ đã hoàn thành theo kế hoạch được giao, đơn vị sử dụng ngân sách phải lập báo cáo quyết toán (bao gồm cả nhiệm vụ đặt hàng cho doanh nghiệp); căn cứ để quyết toán như sau:
- Báo cáo phương án, nhiệm vụ đã thi công hoàn chỉnh hoặc theo bước công việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc trong dự toán chi tiết, thuộc phạm vi kế hoạch giao, bảo đảm chất lượng, thi công theo đúng quy trình, quy phạm, có đầy đủ hồ sơ theo quy định, được nghiệm thu đầy đủ theo quy chế nghiệm thu của Tổng cục Địa chính.
- Biên bản xác nhận đã bàn giao lưu trữ tư liệu Nhà nước đối với phương án, nhiệm vụ đã thi công hoàn chỉnh; hoặc chuyển sang công đoạn tiếp theo đối với phương án, nhiệm vụ được thực hiện theo từng bước công việc.
- Báo cáo quyết toán chi phí của phương án, dự án, nhiệm vụ hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (thi công năm nào được quyết toán theo giá năm đó).
- Chi phí khảo sát thiết kế, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cho phương án, nhiệm vụ: được thanh toán sau khi luận chứng KTKT hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được thanh toán theo nội dung khối lượng công việc - dự toán chi được duyệt và thanh toán cho đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng thực hiện.
- Chi phí kiểm tra nghiệm thu thanh toán trên cơ sở dự toán chi được duyệt, chứng từ chi tiêu hợp pháp cho cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền quy định theo quy chế hoạt động.
Đối với đơn vị thi công là các doanh nghiệp ký kết hợp đồng nhận đặt hàng được thanh toán: chi phí theo đơn giá sản phẩm, chi phí khác (nếu có) như: đền bù hoa màu, đất đai và tài sản; chi phí thuê tàu, thuyền, chi phí sử dụng và bảo quản tàu. Trường hợp các phương án, nhiệm vụ chưa có hoặc không có định mức kinh tế - kỹ thuật: theo nội dung dự toán chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các đơn vị thi công là đơn vị sự nghiệp không được giao biên chế, không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí, được thanh toán các khoản chi phí như đối với các đơn vị thi công là doanh nghiệp trừ khấu hao tài sản cố định và trên cơ sở số thực chi, có chứng từ hợp pháp hợp lệ.
Đối với các đơn vị thi công là đơn vị sự nghiệp được giao biên chế, được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí, được thanh toán các khoản chi phí như đối với các đơn vị thi công là đơn vị sự nghiệp không được giao biên chế nói trên và trừ kinh phí ngân sách đã bố trí cho số biên chế của đơn vị trong thời gian tham gia phương án, nhiệm vụ.
2. Báo cáo Tài chính.
- Cuối quý, năm các đơn vị sự nghiệp lập báo cáo quyết toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai theo đúng mẫu biểu, thời hạn nộp quy định tại Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 15/7/1998 của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước".
Ngoài ra báo cáo quyết toán năm cần kèm theo các bảng kê chi tiết sau:
- Các hồ sơ kỹ thuật theo quy định của Tổng cục Địa chính.
- Bảng kê chi tiết số dư các tài khoản thanh toán và tài khoản vật liệu đến ngày 31/12.
- Bảng kê chi tiết chứng từ quyết toán có phân tích theo mục lục ngân sách hiện hành (Chứng từ phát sinh bên nợ TK 661 chi hoạt động và TK 662 chi dự án).
- Bản đối chiếu công nợ với đơn vị thi công.
- Bảng tổng hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm.
- Bản thuyết minh báo cáo Tài chính.
- Xác nhận của Sở Tài chính Vật giá, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về giá thuê lao động phổ thông tại địa phương.
3. Xét duyệt báo cáo quyết toán.
Tổng cục Địa chính, Sở Địa chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xét duyệt báo cáo quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc, tổng hợp gửi cơ quan Tài chính cùng cấp theo quy định.
Cơ quan Tài chính cùng cấp có trách nhiệm xét duyệt báo cáo quyết toán tổng hợp năm và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm của Tổng cục Địa chính và Sở Địa chính.
4. Công tác kiểm tra.
Để đảm bảo sử dụng kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai đúng mục đích, có hiệu quả Tổng cục Địa chính, Sở Địa chính các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tình hình quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí đo đạc bản đồ, quản lý đất đai tại các đơn vị trực thuộc.
VI - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Tổng cục Địa chính có trách nhiệm hướng dẫn về nội dung và các biểu mẫu báo cáo khác phù hợp với yêu cầu quản lý của Ngành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành và thực hiện thống nhất từ ngày 1/1/2000 thay thế Thông tư số 12/TT-LB ngày 23/2/1987 và Thông tư số 26/TT/LB ngày 3/5/1991 của Liên Bộ Tài chính - Cục Đo đạc bản đồ Nhà nước; Thông tư số 38/TT-LB ngày 18/8/1992 của Liên Bộ Tài chính - Tổng cục quản lý ruộng đất.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Liên Bộ đề nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
TỔNG HỢP DỰ TOÁN PHƯƠNG ÁN, NHIỆM VỤ CÓ
ĐỊNH MỨC KTKT
(Phụ lục kèm theo Thông tư Liên tịch Bộ Tài chính - Tổng cục Địa chính
số 113/1999/TTLT-BTC- TCĐC ngày 23/9/1999)
Khoản mục chi phí | Cách tính | Kết quả | |
A | Chi theo đơn giá | ||
I | Chi phí trực tiếp | A1 | |
1 | Chi phí nhân công | Khối lượng từng Đơn giá nhân S x loại sản phẩm công của SP đó | |
2 | Chi phí vật liệu | Khối lượng từng Đơn giá vật S x loại sản phẩm liệu của SP đó | |
3 | Chi phí sử dụng máy | Khối lượng từng Đơn giá sử dụng S x loại sản phẩm máy của SP đó | |
II | Chi phí chung: - Ngoại nghiệp - Nội nghiệp | % x A1 % x A1 | A2 |
B | Chi phí khác: | A3 | |
1 | Chi phí khảo sát thiết kế lập luận chứng: - Công tác ngoại nghiệp - Công tác nội nghiệp |
% x A1 % x A1 | |
2 | Chi phí kiểm tra nghiệm thu | (A1 + A2 ) x % | |
3 | Chi phí đền bù hoa màu và tài sản | Khối lượng đền bù x Đơn giá đền bù | |
4 | Chi phí thuê tàu, thuyền sử dụng và bảo quản tàu | Theo chế độ hiện hành | |
Tổng hợp dự toán | A1 + A2 + A3 |
01 | Văn bản thay thế |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 |
Thông tư liên tịch 113/1999/TTLT-BTC-TCĐC phân cấp, quản lý, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính |
Số hiệu: | 113/1999/TTLT-BTC-TCĐC |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Ngày ban hành: | 23/09/1999 |
Hiệu lực: | 01/01/2000 |
Lĩnh vực: | Đất đai-Nhà ở |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Chu Văn Thỉnh, Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày hết hiệu lực: | 01/01/2004 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!