Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 14/CT-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Nguyễn Đức Chung |
Ngày ban hành: | 18/10/2019 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 18/10/2019 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Xây dựng |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ----------------- Số: 14/CT-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2019 |
CHỈ THỊ
Về việc triển khai Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 của Chính phủ về
một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế,
chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng
--------------------
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, dưới sự điều hành quyết liệt của UBND Thành phố, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, triển khai nhiều giải pháp thiết thực... Nhờ đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng có nhiều chuyển biển tích cực; hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình xây dựng từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố gặp một số vướng mắc, bất cập, như: Một số cơ chế, chính sách có sự chồng chéo, chưa đồng bộ; Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 chưa thực sự hiệu quả; Việc xây dựng, công khai các quy trình, quy chế giải quyết công việc nội bộ của các cơ quan, đơn vị; quy chế phối hợp giữa các đơn vị chưa có kết quả rõ nét; một số thủ tục hành chính hiện nay còn thiếu tính liên thông và phối hợp thực hiện; Ý thức của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ chưa cao; Công tác thông tin, chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 (về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng), Chủ tịch UBND Thành phố chỉ thị Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng:
Các sở, ngành của Thành phố: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định thuộc thẩm quyền của Thành phố về quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh; Kịp thời phát hiện, báo cáo những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, khung pháp lý khi thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng (từ khâu chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, đến kết thúc xây dựng, đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng); trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương điều chỉnh, bổ sung các quy định có liên quan, đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai, sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
2. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, tăng cường giám sát, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng:
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất Thành phố đẩy mạnh phân cấp giải quyết một số hồ sơ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cho các quận, huyện, thị xã đảm bảo phù hợp nội dung trong Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc phân công, phân cấp quản lý dự án, đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ mối quan hệ phối hợp theo trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định; trường hợp cần thiết, căn cứ đòi hỏi của thực tế triển khai, xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý các dự án đầu tư giữa các quận huyện và các sở, ban, ngành, nhưng phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
- Tăng cường công tác giám sát đầu tư; rà soát, thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; không đề xuất điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai theo Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 05/9/2018 của UBND Thành phố.
- Nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường.
3. Tiếp tục cải cách TTHC và thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường:
a) Yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã:
- Trong quá trình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tham gia thẩm định, góp ý từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư dự án, các đơn vị phải có quan điểm rõ ràng theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành và trên cơ sở quy định hiện hành. Nội dung thẩm định, góp ý phải nêu rõ: Đúng hay sai; Phù hợp hay không phù hợp; Đủ điều kiện hay không đủ điều kiện; Ý kiến đề xuất thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành với Thành phố và có thể sử dụng được nhiều lần trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
- Rà soát, hoàn thiện, xây dựng, công khai quy trình giải quyết TTHC nội bộ theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình sử dụng dịch vụ công.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp để triển khai hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong giải quyết TTHC về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường tại các cơ quan hành chính thuộc Thành phố.
- Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý hồ sơ, dự án và kết nối liên thông, từng bước hình thành hệ cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường.
- Thực hiện nghiêm túc các kế hoạch và chế độ báo cáo kết quả thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các TTHC về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường.
- Nghiên cứu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; kịp thời cập nhật các TTHC do Trung ương công bố, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung để tham mưu UBND Thành phố tiếp tục chuẩn hóa, công bố kịp thời theo quy định; Tăng cường nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường theo quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC.
- Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường đã được giao tại Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 12/02/2019 của UBND Thành phố về Công nghệ thông tin Thành phố năm 2019.
b) Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, điều hòa mối quan hệ phối hợp, công khai quy trình giải quyết dịch vụ công trực tuyến; trong đó chú trọng lĩnh vục quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường tại các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; Nghiên cứu đề xuất UBND Thành phố triển khai DVC TT mức độ 3, 4 và các giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường.
- Chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu thống nhất của Thành phố về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, hoàn thành trong năm 2019.
c) Sở Xây dựng có trách nhiệm:
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; quản lý qũy nhà, quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định Luật Nhà ở và các quy định có liên quan của Nhà nước và Thành phố.
4. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng:
a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); cải cách hành chính; Tiếp tục rà soát, đề xuất với UBND Thành phố giải pháp kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
b) Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối các tổ chức quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII gắn với tinh giản biên chế, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế; đảm bảo nguyên tắc “một đầu mối - một việc xuyên suốt”.
c) Các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường: Tập trung các giải pháp chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, chuyển sang công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 và Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh giản biên chế tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách.
5. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đầu tư xây dựng:
Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:
- Triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.
- Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dụng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái đạo đức, gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức chuyên môn thực hiện một số nhóm nhiệm vụ theo quy định.
6. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng:
Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:
- Đổi mới phương pháp, tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng để các cá nhân, tổ chức biết và thực hiện đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về đầu tư xây dựng.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng:
Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, giám sát việc triển khai các quy định về đầu tư xây dựng; công khai danh sách các cá nhân, tổ chức gây cản trở hoặc chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 04/2019/QĐ- UBND ngày 18/3/2019 của UBND Thành phố về Ban hành Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
8. Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn xây dựng đảm bảo các quy định về môi trường:
a) Chủ đầu tư, chủ thu gom vận chuyển, nhà thầu thi công xây dựng và các đơn vị liên quan có trách nhiệm:
Thực hiện nghiêm công tác quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng theo Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 16/5/2017 của UBND Thành phố về việc tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thông tư 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng và Thông tư 02/2018/TT-BXD ngày 06/02/2018 Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng của Bộ Xây dựng.
b) Sở Xây dựng có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất thành phố ban hành quy định quản lý phế thải xây dựng tại các dự án trong quá trình phá dỡ công trình để xây dựng lại theo quy hoạch, trách nhiệm của các quận, huyện vá các yêu cầu trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư xây dựng mới đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm.
- Kiến nghị, đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các vật liệu tái chế, tái sử dụng từ phế thải xây dựng sử dụng trong các công trình xây dựng; văn bản hướng dẫn về phương pháp tính giá dịch vụ, quy trình áp dụng vật liệu sau nghiền; cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa trong xử lý phế thải xây dựng.
9. Tổ chức thực hiện:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những chỉ đạo của Chỉ thị này, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, các đơn vị trực thuộc để bảo đảm nghiêm túc trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng.
Giao Sở Xây dựng theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ: XD, TTTT, KHĐT, TC, TNMT; - Thường trực Thành ủy; - Thường trực HĐND Thành phố; - Các đ/c thành viên UBND Thành phố; - Các sở, ban, ngành và đoàn thể Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Đài PT&TH Hà Nội, Báo: HN Mới, KT&ĐT; - VPUB: CVP, các PCVP, TKBT, ĐT, KT; - Lưu: VT, ĐT. | CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung |
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | Văn bản dẫn chiếu |
Chỉ thị 14/CT-UBND triển khai Nghị quyết 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 của Chính phủ
In lược đồCơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội |
Số hiệu: | 14/CT-UBND |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Ngày ban hành: | 18/10/2019 |
Hiệu lực: | 18/10/2019 |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Xây dựng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Đức Chung |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |