BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ ------- Số: 3114/BKHĐT-GSTĐĐT V/v:Tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2015 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, trên cơ sở báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (gọi chung là các cơ quan), Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 như sau:
1. Về tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư
Thực hiện các quy định hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 9610/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 24/12/2014 đôn đốc các cơ quan gửi Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 theo quy định.
Căn cứ các báo cáo đã nhận được và kết quả kiểm tra công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tổng hợp một số nét chính về việc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 như sau:
1.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
Đến ngày 20/5/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 của 120/123 cơ quan, đạt 97,56%; trong đó: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 100%); 32/32 cơ quan Bộ và tương đương (đạt 100%); 8/9 cơ quan thuộc Chính phủ (đạt 88,89%); 17/19 Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (đạt 89,47%) (năm 2013 có 114/123 cơ quan gửi báo cáo; năm 2012 có 119/123 cơ quan gửi báo cáo).
3 cơ quan chưa có Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư năm 2014, bao gồm: Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
1.2. Đánh giá chung về nội dung báo cáo
Nhìn chung nội dung, chất lượng các Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 của các cơ quan gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cải thiện rõ rệt so với các năm trước, nội dung tương đối đầy đủ, phù hợp với quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010.
Các cơ quan gửi báo cáo đúng hạn, nội dung đề cập tương đối đầy đủ các thông tin theo mẫu quy định, gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, báo cáo của một số cơ quan vẫn còn tình trạng sai sót, số liệu thiếu tính hợp lý. Báo cáo của một số cơ quan chưa đúng mẫu yêu cầu, nội dung chưa đầy đủ, thiếu phụ biểu, phụ biểu được lập không theo mẫu quy định, thiếu số liệu, sai lỗi số học như các cơ quan: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Kạn, Ninh Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Một số cơ quan không có biểu mẫu báo cáo: tỉnh Hà Giang, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Đắk Lắc.
Một số cơ quan gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư quá chậm như: tỉnh Quảng Bình (gửi tới ngày 17/3), thành phố Đà Nẵng (ngày 16/3), tỉnh Kiên Giang (ngày 09/3), Tổng công ty Cà phê (ngày 06/3), Bộ Tư pháp (ngày 20/3), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngày 24/3), tỉnh Tiền Giang (ngày 27/3), tỉnh Cao Bằng (ngày 31/3), Bộ Khoa học và Công nghệ (ngày 01/4), Tòa án Nhân dân Tối cao (ngày 31/3). Trong khi, theo quy định của Nghị định số 113/2009/NĐ-CP, thời hạn gửi báo cáo năm 2014 là trước ngày 20/01/2015.
Nguyên nhân chất lượng các báo cáo chưa đạt yêu cầu chủ yếu do bộ phận giám sát, đánh giá đầu tư tại các cơ quan, đơn vị chưa được kiện toàn; công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan chưa được quan tâm, quán triệt đầy đủ, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu (theo báo cáo: tỉnh Lạng Sơn 24/49 chủ đầu tư không có báo cáo, tỉnh Lai Châu 14/29 chủ đầu tư không có báo cáo, tỉnh Thừa Thiên Huế 38/70 chủ đầu tư không có báo cáo, tỉnh Đắk Nông 20/36 chủ đầu tư không có báo cáo, tỉnh Đồng Tháp 13/42 chủ đầu tư không có báo cáo,...).
Tình hình thực hiện chế độ báo cáo nêu trên đã hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung của cả nước, tính chuẩn xác của các số liệu tổng hợp và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Đánh giá tình hình thực hiện quản lý đầu tư
2.1. Tình hình xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư
Trong năm 2014, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực đầu tư và giám sát đầu tư:
- Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2015; - Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2015; - Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực từ 01/7/2015.
Theo đó nhiều quy định trong lĩnh vực quản lý đầu tư đã được bổ sung và thay đổi trong năm 2015 nhằm phù hợp với thực tế phát triển và quản lý đầu tư trong thời gian tới. Hiện tại, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đang tích cực hoàn thiện dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành trong đó có Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư (thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP).
2.2. Tình hình quản lý Quy hoạch Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch, đến hết năm 2014, đã hoàn thành:
- Báo cáo tổng kết công tác quy hoạch.
- Báo cáo rà soát các quy phạm pháp luật hiện hành về công tác quy hoạch.
- Báo cáo đánh giá tác động của Luật Quy hoạch.
- Báo cáo tổng kết kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch.
- Dự thảo Luật Quy hoạch (lần 2).
Theo kế hoạch, dự án Luật Quy hoạch sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2015.
Về tình hình chung việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án quy hoạch trên phạm vi cả nước như sau:
a) Đối với Quy hoạch phát triển các vùng và lãnh thổ
- Ngày 25/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 198/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
- Ngày 13/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Ngày 12/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 245/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
- Ngày 13/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
b) Đối với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh. Đến hết năm 2014, đã có 61/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 (02 tỉnh Hà Giang và Ninh Bình đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ).
c) Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của các Bộ, ngành
Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2014 của Chính phủ, tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quy hoạch, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch, ngày 15/9/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 6180/BKHĐT-QLQH gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu báo cáo về công tác quy hoạch giai đoạn 2011-2020. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, phân tích, đánh giá và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
2.3. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Theo số liệu báo cáo tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được tổng hợp như sau:
2.3.1. Tình hình chung:
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án
Nhìn chung công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên cơ bản được thực hiện phù hợp quy định hiện hành, trong năm 2014 có 14.886 dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư, 15.316 dự án được thẩm định (số dự án được thẩm định cao hơn số dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư do một số cơ quan không có số liệu về số dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư), 14.636 dự án được quyết định đầu tư.
b) Tình hình thực hiện các dự án
* Hiện có 39.173 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 17.638 dự án khởi công mới, chiếm 45,03% (năm 2013 tỷ lệ này là 36,63%, năm 2012 là 33,34%, năm 2011 là 36,82%), các dự án khởi công mới chủ yếu là các dự án nhóm C (16.750 dự án, chiếm 95% số dự án khởi công mới) và 14.419 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ chiếm 36,81% (năm 2013 tỷ lệ này là 37,30%, năm 2012 là 42,01%, năm 2011 là 39,24%).
Một số địa phương có số dự án khởi công mới và tỷ lệ số dự án khởi công mới/số dự án thực hiện trong kỳ khá cao như: tỉnh Quảng Nam (536 dự án/1.361 dự án đang thực hiện đầu tư trong kỳ, chiếm 39,38%, tỉnh Quảng Ngãi (464 dự án/804 dự án, chiếm 57,71%), tỉnh Phú Yên (409 dự án/527 dự án, chiếm 77,61%), tỉnh Khánh Hòa (590 dự án/856 dự án, chiếm 68,93%), tỉnh Tây Ninh (477 dự án/581 dự án, chiếm 82,10%), tỉnh Long An (452 dự án/609 dự án, chiếm 74,22%), tỉnh An Giang (357 dự án/607 dự án, chiếm 58,81%), tỉnh Kiên Giang (776 dự án/1.213 dự án, chiếm 63,97%), thành phố Hồ Chí Minh (1.614 dự án/2.120 dự án, chiếm 76,13%).
* Tổng hợp số liệu báo cáo của 120/123 cơ quan có báo cáo, trong năm 2014, tổng giá trị thực hiện khoảng 579.501 tỉ đồng, đạt 95,29% so với kế hoạch (năm 2013 tỷ lệ này là 96,34%, năm 2012 là 92,01%, năm 2011 là 91,87%):
- Một số cơ quan có tỷ lệ giá trị thực hiện/kế hoạch năm thấp như: tỉnh Lào Cai (50,67%), tỉnh Quảng Ngãi (58,68%), tỉnh Kon Tum (54,8%), tỉnh Lai Châu (72,65%), tỉnh Cà Mau (75%), Bộ Y tế (73,2%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (38%),...
- Một số cơ quan có tỷ lệ giá trị thực hiện/kế hoạch năm cao như: tỉnh Hà Nam (120%), tỉnh Thanh Hóa (113%), tỉnh Nghệ An (121%), tỉnh Thừa Thiên Huế (141%), tỉnh Bến Tre (122%), Bộ Giao thông vận tải (157%), Bộ Xây dựng (179,7%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (127%),...
* Theo số liệu báo cáo, trong năm 2014 có 2.869 dự án chậm tiến độ, chiếm 7,32% số dự án thực hiện trong kỳ (tỷ lệ các dự án chậm tiến độ năm 2013 là 9,59%, năm 2012 là 11,77%, năm 2011 là 11,55%). Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: do công tác giải phóng mặt bằng (1.063 dự án, chiếm 2,71% số dự án thực hiện trong kỳ); do bố trí vốn không kịp thời (659 dự án, chiếm 1,68% số dự án thực hiện trong kỳ); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (248 dự án, chiếm 0,63% số dự án thực hiện trong kỳ); do thủ tục đầu tư (304 dự án, chiếm 0,78% số dự án thực hiện trong kỳ) và do các nguyên nhân khác (557 dự án, chiếm 1,42% số dự án thực hiện trong kỳ). Một số cơ quan có số dự án và tỷ lệ số dự án chậm tiến độ/số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ lớn như: thành phố Hải Phòng (215 dự án/404 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, chiếm 53,22%), tương tự tỉnh Bình Định (59 dự án/146 dự án, chiếm 40,41%), tỉnh Bình Phước (38 dự án/146 dự án, chiếm 26,03%), tỉnh Bến Tre (54 dự án/295 dự án, chiếm 18,31%), Bạc Liêu (60 dự án/180 dự án, chiếm 33,33%).
* Phân tích số liệu của các cơ quan có báo cáo, có 3.717 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, chiếm 9,49% tổng số dự án thực hiện trong kỳ (số liệu tương ứng năm 2013 là 11,26%, năm 2012 là 16,09%, năm 2011 là 14,18%), trong đó chủ yếu là: điều chỉnh vốn đầu tư (1.654 dự án, chiếm 4,22% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (1.256 dự án, chiếm 3,21% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.114 dự án, chiếm 2,84% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh địa điểm đầu tư (54 dự án, chiếm 0,14% số dự án thực hiện trong kỳ).
* Trong năm 2014 đã phát hiện 115 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 10 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 923 dự án có thất thoát, lãng phí; 302 dự án phải ngừng thực hiện (năm 2013 có 195 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 32 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 724 dự án có thất thoát, lãng phí. Năm 2012 có 42 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 16 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 368 dự án có thất thoát, lãng phí. Năm 2011 có 100 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 145 dự án có thất thoát, lãng phí). Theo báo cáo, các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán; tuy nhiên, các cơ quan chưa đi sâu phân tích cụ thể về các nội dung vi phạm, thất thoát lãng phí cũng như nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp xử lý cụ thể.
c) Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước
Tổng hợp số liệu báo cáo của 120/123 cơ quan có báo cáo, trong năm 2014, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 567.401 tỉ đồng, đạt 96,0% kế hoạch vốn đầu tư năm 2014. Số dự án đã thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành là 15.392 bằng 39,29% tổng số dự án thực hiện đầu tư và bằng 106,7% tổng số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ (năm 2013 tỷ lệ này là 34,97% và 93,75%. Năm 2012 tỷ lệ này là 27,42% và 65,27%. Năm 2011 là 32,25% và 82,19%) (số dự án thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành lớn hơn số dự án kết thúc đầu tư trong năm là do một số dự án kết thúc trong các năm trước năm 2014 mới làm thủ tục quyết toán).
d) Tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Tại Báo cáo số 428/BC-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội:
- Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ tính đến 31/12/2013 là 57.977,3 tỷ đồng, trong đó: nguồn ngân sách nhà nước là 51.147,2 tỷ đồng; nguồn trái phiếu Chính phủ là 6.830,1 tỷ đồng.
- Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ tính đến 30/6/2014 là 44.594,4 tỷ đồng, trong đó: nguồn ngân sách nhà nước là 40.590,3 tỷ đồng; nguồn trái phiếu Chính phủ là 4.004,1 tỷ đồng.
So với cuối năm 2013, trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đã có những chuyển biến tích cực (giảm 13.383 tỷ đồng). Hiện tại, các cơ quan vẫn đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ rà soát, quản lý và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo các quy định hiện hành.
2.3.2. Đánh giá chung
Trong thời gian qua, công tác đầu tư từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại cần khắc phục:
* Nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn khá cao, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt. Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư. Trách nhiệm về tình trạng nêu trên trước hết thuộc về các chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
* Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư và số dự án hoàn thành các thủ tục quyết toán trong thời gian qua ở một số cơ quan còn thấp, đòi hỏi phải có giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng quá 6 tháng.
* Tỷ lệ giá trị thực hiện đầu tư/kế hoạch vốn đầu tư được giao trong năm ở một số cơ quan đạt thấp, một số cơ quan lại quá cao. Đề nghị, các cơ quan: rà soát, kiểm tra, đối với cơ quan có giá trị thực hiện thấp cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, điều chỉnh kịp thời đối với các dự án, chương trình không hoàn thành kế hoạch; đối với các cơ quan có giá trị thực hiện vượt quá cao so với kế hoạch cũng cần rà soát, kiểm tra, tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ 01/01/2015) đã bổ sung thêm trình tự thủ tục xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án. Trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, đề nghị các cơ quan xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án (đặc biệt các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương) để thực hiện các thủ tục quyết định đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp phù hợp với các quy định hiện hành. Các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ đầu tư, thanh quyết toán đầu tư.
2.4. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
Tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 có 3.764 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 634.870 tỉ đồng, bình quân 168,67 tỉ đồng/dự án (năm 2013 có 2.393 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 352.481 tỉ đồng, bình quân 147,3 tỉ đồng/dự án. Năm 2012 có 2.363 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 543.651 tỉ đồng, bình quân 230 tỉ đồng/dự án). Trong đó có: 30 dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 100.647 tỉ đồng; 532 dự án có tổng vốn đầu tư từ 300 tỉ đồng trở lên, với tổng vốn đăng ký đầu tư 240.620 tỉ đồng và 2.984 dự án có tổng vốn đầu tư nhỏ hơn 300 tỉ đồng, với tổng vốn đăng ký đầu tư 208.495 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 4.370 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh quy mô đầu tư, mục tiêu đầu tư, tiến độ và chủ đầu tư.
Theo số liệu tổng hợp, trong năm 2014 có 4.131 dự án sử dụng nguồn vốn khác được kiểm tra (năm 2013 số dự án được kiểm tra là 5.472, năm 2012 là 2.528 dự án, năm 2011 số dự án được kiểm tra là 4.466 dự án). Qua kiểm tra 4.131 dự án đầu tư đã phát hiện có 655 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư (chiếm 15,9% tổng số dự án được kiểm tra); 107 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường (chiếm 2,59% tổng số dự án được kiểm tra), 109 dự án có vi phạm về sử dụng đất (chiếm 2,64% tổng số dự án được kiểm tra); đã thu hồi 808 Giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 19,56% tổng số dự án được kiểm tra).
Với các số liệu nêu trên, năm 2014 số dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác đã tăng cả về số lượng dự án và tổng số vốn đăng ký đầu tư (so với các năm trước), đây là dấu hiệu tích cực về tình hình thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư các dự án từ các nguồn vốn khác còn rất hạn chế, thấp hơn các năm trước. Để bảo đảm việc đầu tư phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương cũng như phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh từ việc đầu tư các dự án (đặc biệt là vấn đề môi trường, sử dụng đất đai, tài nguyên, lao động,...), các cơ quan liên quan ngoài việc quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án đầu tư công cũng cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư chặt chẽ các dự án sử dụng các nguồn vốn khác phù hợp các quy định hiện hành.
3. Tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư
3.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của các chủ đầu tư:
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan trong năm 2014 có 28.188 dự án trên tổng số 39.173 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đạt tỉ lệ 71,96% (năm 2013 tỷ lệ này là 66,75%, năm 2012 là 61,92%, năm 2011 là 68%). Các cơ quan không có số liệu về các dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư là tỉnh Hải Dương, tỉnh Bến Tre, tỉnh Cà Mau, tỉnh Đắk Lắc; một số cơ quan tỉ lệ có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định thấp như tỉnh Điện Biên (116 dự án/543 dự án thực hiện trong kỳ có báo cáo, chiếm 21,36%), tương tự tỉnh Lai Châu (131/510 dự án, chiếm 25,69%), tỉnh Hòa Bình (63/207 dự án, chiếm 30,43%), tỉnh Quảng Nam (477/1.361 dự án, chiếm 35,05%), tỉnh Vĩnh Long (35/246 dự án, chiếm 14,23%), tỉnh Kiên Giang (299/1.213 dự án, chiếm 24,65%),... (Một số cơ quan có số dự án có báo cáo giám sát cao hơn số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ như: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Yên Bái, Tập đoàn Điện lực,... là do một số dự án đã hoàn thành trong năm 2013 nhưng chưa hoàn tất các thủ tục thanh, quyết toán đầu tư vẫn thực hiện các thủ tục báo cáo).
Theo báo cáo của các cơ quan, chất lượng báo cáo của một số chủ đầu tư gửi đến các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa được quán triệt đầy đủ; cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo chế độ kiêm nhiệm; nhiều chủ đầu tư chưa cập nhật hết các nội dung báo cáo theo quy định. Ngoài ra, việc tăng thẩm quyền quyết định trong quá trình thực hiện dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình chưa theo kịp với công tác kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư cũng làm cho việc thực hiện báo cáo của các chủ đầu tư chưa kịp thời và nghiêm túc.
3.2. Tình hình giám sát, đánh giá đầu tư các dự án nhóm A sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Qua phân tích số liệu báo cáo các dự án thuộc nhóm A của các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư/Ban quản lý dự án gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy:
- Số dự án thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định là 447 dự án trên tổng số 491 dự án thực hiện trong năm, đạt 91,04% (tỉ lệ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá năm 2013 là 88,03%, năm 2012 là 83,42%, năm 2011 là 91,24%).
- Số dự án chậm tiến độ có 60 dự án (chiếm 12,22%) (năm 2013 là 15,38%, năm 2012 là 19,2%, năm 2011 tỷ lệ này là 28,1%).
- Số dự án phải điều chỉnh là 81 dự án, chiếm 16,50% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó: 27 dự án điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư; 30 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, 29 dự án điều chỉnh tiến độ đầu tư.
- Số dự án thực hiện lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 198 dự án, chiếm 40,33% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, với tổng số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 1.201 gói, trong đó: chỉ định thầu 645 gói (chiếm 53,71% số gói thầu), đấu thầu rộng rãi 339 gói (chiếm 28,23%).
- Số dự án kết thúc đầu tư đưa vào hoạt động trong kỳ là 68 dự án, chiếm 13,85%, (năm 2013 tỷ lệ này là 12,61, năm 2012 là 5,0%, năm 2011 là 6,65%). 3.3. Về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá đầu tư
Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, trong năm 2014, các cơ quan đã tiến hành kiểm tra 15.394 dự án (chiếm 39,30% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 10.589 dự án (chiếm 27,03% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ) các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên; tổ chức kiểm tra 4.131 dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác. Qua công tác kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý đầu tư (đã phát hiện nhiều dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên có vi phạm, trong đó có 923 dự án có thất thoát, lãng phí; đã phát hiện 878 dự án sử dụng nguồn vốn khác có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, thu hồi 808 Giấy chứng nhận đầu tư).
Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 1728/QĐ-BKHĐT ngày 25/11/2013 ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2014. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, hoạt động đầu tư của các cơ quan đã được chấn chỉnh và dần đi vào nề nếp. Kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra và các kiến nghị cụ thể liên quan đến từng Bộ, ngành, địa phương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong các Thông báo kết luận của từng cuộc thanh tra, kiểm tra cụ thể và báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm 2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị:
(1) Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91:
- Triển khai đào tạo, tập huấn và thực hiện tốt các quy định về quản lý đầu tư nói chung và công tác giám sát, đánh giá đầu tư nói riêng theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và các quy định pháp luật liên quan.
- Phản hồi, xử lý các kiến nghị của các chủ đầu tư theo thẩm quyền; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, quản lý, kiểm soát tốt kế hoạch đầu tư, chi phí đầu tư, các vấn đề liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
- Thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, đặc biệt là xử lý các chủ đầu tư không thực hiện Báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả xử lý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong kỳ tiếp theo;
- Kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đối tượng liên quan;
- Chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư, đặc biệt có đánh giá dự án đầu tư theo quy định.
(2) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình và yêu cầu các cơ quan chưa gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng hạn, chất lượng không đáp ứng yêu cầu (như nêu tên cụ thể tại mục 1) có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: - Như trên; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Quốc hội, UBKT Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND và Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng Công ty 91; - Các đơn vị thuộc Bộ; - Lưu: VT, GS&TĐĐT (3 bản) (K).225 | |