BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ -------------------- Số: 3711/BKHĐT-GSTĐĐT V/v: nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2011 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN; - Các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. |
Ngày 31/5/2011, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 130/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu xác định và kiến nghị các nội dung của Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với tình hình mới, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 7 năm 2011.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai nghiên cứu và đã có một số đánh giá sơ bộ ban đầu về Nghị quyết này (xin xem trong phụ lục kèm theo). Tuy nhiên, để có đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết, đề nghị các cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, và qua thực tế triển khai áp dụng Nghị quyết số 49/2010/QH12, nghiên cứu xác định và kiến nghị các nội dung của Nghị quyết cần sửa đổi, bổ sung theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản ý kiến của Quý Cơ quan xin gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư) trước ngày 25/6/2011 đểnghiên cứu, tổng hợp.
Trân trọng cám ơn sự quan tâm phối hợp của Quý Cơ quan.
Nơi nhận: - Như trên; - Các Cục/Vụ: PC, ĐTNN, TH, KTĐPLT, TCTT, KCHTĐT, KHGDTNMT, KTNN, QPAN, KTCN (để có ý kiến); - Lưu: VT, GSTĐĐT. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Văn Trung |
PHỤ LỤC
ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỀ XUẤT SƠ BỘ VỀ CÁC NỘI DUNG CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 49/2010/QH12
(Kèm theo văn bản số 3711/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 13/6/2011)
Nghị quyết số 49/2010/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2010 (thay thế Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006) có một số thay đổi quan trọng so với Nghị quyết số 66/2006/QH11. Cụ thể:
- Đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam, tiêu chí về quy mô tổng vốn đầu tư đã tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng; tiêu chí về sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng giảm từ 200 ha xuống còn 50 ha. Nghị quyết số 49/2010/QH12 cũng bổ sung thêm quy định đối với các dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện mà phát sinh vấn đề thuộc một trong các tiêu chí quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị quyết thì cũng phải trình Quốc hội xem xét quyết định phù hợp với thực tế.
- Nghị quyết bổ sung thêm tiêu chí đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư ra nước ngoài.
Sau khi Nghị quyết số 49/2010/QH12 được ban hành, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét theo quy định tại Nghị quyết này. Kết quả rà soát, thống kê bước đầu như sau:
Trong thời gian tới (2011 - 2012) dự kiến có tổng số 11 dự án, công trình quan trọng quốc gia sẽ trình Quốc hội, trong số 11 dự án này, có:
+ 9 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó 4 dự án thuộc lĩnh vực giao thông thuộc tiêu chí dự án có tổng vốn đầu tư trên 35.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên; một dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc tiêu chí tổng vốn đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7.000 tỷ đồng trở lên; 4 dự án còn lại thuộc tiêu chí về quy mô sử dụng đất rừng phòng hộ và đất rừng Vườn quốc gia.
+ 2 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí tổng vốn đầu tư phải trình Quốc hội xem xét quyết định phù hợp với thực tế theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Nghị quyết số 49/2010/QH12.
Qua kết quả rà soát nêu trên và qua theo dõi việc triển khai áp dụng Nghị quyết số 49/2010/QH12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một số đánh giá như sau:
- Nghị quyết số 49/2010/QH12 được ban hành có những nội dung thay đổi quan trọng làm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Quốc hội thực hiện quyền quyết định và giám sát đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Đồng thời, khắc phục được một số bất cập trong Nghị quyết số 66/2006/QH11.
- Nghị quyết cũng đã mở rộng quyền quyết định cho Chính phủ đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, thông qua việc tăng tiêu chí về quy mô vốn đầu tư.
- Tuy nhiên, có một số nội dung mới được bổ sung trong Nghị quyết, cần được xem xét, đánh giá qua thực tiễn để báo cáo Quốc hội sửa đổi, như:
+ Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, có phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia thì phải trình Quốc hội xem xét quyết định phù hợp với thực tế theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Nghị quyết số 49/2010/QH12. Như vậy, trong một số trường hợp, các dự án này sẽ phải tạm dừng để trình Chính phủ và trình Quốc hội xem xét. Việc dừng dự án để chờ tới kỳ họp Quốc hội xem xét sẽ mất khá nhiều thời gian, và ảnh hưởng đến tiến độ và cơ hội đầu tư, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA. Đồng thời, những nội dung xem xét của Quốc hội, trình tự, thủ tục xem xét đối với các dự án này cũng cần có quy định hợp lý và cụ thể. Đối với các dự án này, có ý kiến đề xuất Quốc hội nên giao Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
+ Về tiêu chí sử dụng đất rừng, tại mục b khoản 2 Điều 3 quy định: “Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên …”. Mặc dù tiêu chí này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn diện tích đất rừng, song nếu nhiều dự án thuộc tiêu chí này phải trình ra Quốc hội, mà thực tế dự án không phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến chương trình làm việc của Quốc hội, và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư. Như vậy, cần nghiên cứu thêm về tính hợp lý của tiêu chí này và quy trình xem xét của Quốc hội đối với những dự án này, có thể kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Trên đây là một số gợi ý sơ bộ gửi Quý Cơ quan để tham khảo và có ý kiến góp ý bổ sung để Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp trình Ban cán sự Đảng Chính phủ.