hieuluat

Công văn 585/CV-NHNN7 hướng dẫn bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ngân hàng Nhà nước Việt NamSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:585/CV-NHNN7Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Dương Thu Hương
    Ngày ban hành:06/07/1998Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:06/07/1998Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Đầu tư, Tài chính-Ngân hàng, Doanh nghiệp
  • Công văn

    CÔNG VĂN

    CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 585/CV-NHNN7
    NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1998 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN BÁN NGOẠI TỆ
    CHO CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ BÊN NƯỚC NGOÀI THAM GIA HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH

     

    Kính gửi: Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng

    Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ

     

    Ngày 23/01/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/1998/NĐ-CP về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có Điều 15 quy định về việc cân đối ngoại tệ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp), Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp như sau:

    1. Doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu, thực hiện công trình kết cấu hạ tầng các công trình quan trọng (thuộc Danh mục do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng năm) có nhu cầu chuyển đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ có công văn yêu cầu và Giấy phép đầu tư gửi Ngân hàng Nhà nước để được cấp Giấy xác nhận quyền được ưu tiên chuyển đổi ngoại tệ (Mẫu số 01). Xác nhận này của Ngân hàng Nhà nước có giá trị suốt thời gian hoạt động của dự án.

    Đối với một số trường hợp đặc biệt, xác nhận của Ngân hàng Nhà nước được cấp hàng năm (đối với các doanh nghiệp thực hiện công trình quan trọng theo tiêu chuẩn định lượng như: nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng; sử dụng từ 5000 lao động trở lên - Mẫu số 2) hoặc xác nhận được quyền chuyển đổi theo tỷ lệ nhất định so với tổng nhu cầu ngoại tệ (đối với dự án chỉ có một hoặc một số sản phẩm thuộc Danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu - Mẫu số 3).

    Khi có xác nhận của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp được trực tiếp liên hệ với Ngân hàng Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ để mua số ngoại tệ cần thiết phục vụ cho nhu cầu chi, trả ngoại tệ hợp lý theo đúng quy định về quản lý ngoại hối hiện hành.

    2. Khi bán và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo yêu cầu của doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại yêu cầu doanh nghiệp xuất trình văn bản xác nhận quyền chuyển đổi ngoại tệ, Giấy phép đầu tư và chịu trách nhiệm kiểm tra các tài liệu cần thiết nêu dưới đây, tuỳ theo từng mục đích sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp:

    - Bán ngoại tệ để doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, vật liệu thiết yếu, phụ tùng thay thế máy móc, thiết bị đồng bộ phục vụ sản xuất: Văn bản cho phép nhập khẩu của Bộ Thương mại, Hợp đồng thương mại; báo cáo thu chi ngoại tệ (Mẫu số 04, Thông tư 02/TT-NH7); các chứng từ chứng minh việc giao hàng hoặc việc thực hiện Hợp đồng thương mại;

    - Bán ngoại tệ để doanh nghiệp thanh toán tiền dịch vụ với nước ngoài: Hợp đồng dịch vụ với nước ngoài và các chứng từ chứng minh Hợp đồng dịch vụ đã thực hiện;

    - Bán ngoại tệ để doanh nghiệp trả gốc, lãi phí khoản vay bằng ngoại tệ: Hợp đồng vay ngoại tệ, Giấy nhận nợ, lịch trả nợ; Đối với khoản vay nước ngoài trung - dài hạn (của doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) phải có xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về đăng ký khoản vay;

    - Bán ngoại tệ để Nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận và thu nhập hợp pháp về nước: Bản sao báo cáo năm tài chính có xác nhận của Kiểm toán, Biên bản của Hội đồng Quản trị (hoặc Ban Quản lý dự án đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh) về việc phân chia lợi nhuận (hoặc chia doanh thu), văn bản của Cơ quan Thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam;

    - Bán ngoại tệ để Nhà đầu tư chuyển ra nước ngoài vốn pháp định, vốn tái đầu tư hoặc vốn thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh: Bản sao có công chứng báo cáo thanh lý doanh nghiệp hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh (được chuẩn y của cơ quan cấp giấy phép đầu tư), văn bản của Cơ quan Thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

    - Bán ngoại tệ cho doanh nghiệp (hoặc cho nhân viên nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp) để chuyển tiền lương và thu nhập hợp pháp của nhân viên nước ngoài khi có nhu cầu đi công tác hoặc chuyển tiền về nước: Xác nhận của cơ quan Thuế có thẩm quyền việc nhân viên nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo Luật định, Văn bản xác nhận của doanh nghiệp về số tiền được chuyển về nước (tổng thu nhập hợp pháp trừ số tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và số tiền đã chi tiêu tại Việt Nam).

    Các trường hợp mua và sử dụng ngoại tệ ngoài các mục đích nêu trên phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

    3. Các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được ưu tiên chuyển đổi ngoại tệ nói tại điểm 1 có nhu cầu mua ngoại tệ phải gửi hồ sơ xin mua ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm 15, Thông tư số 02/TT-NH7. Căn cứ vào khả năng ngoại tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước xem xét và có văn bản trả lời đối với từng trường hợp. Các Ngân hàng Thương mại căn cứ vào văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và các tài liệu nêu tại điểm 2 Công văn này để bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp nói tại điểm 3 này.

    Trong vòng 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp có ngoại tệ bán cho Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ, nếu có nhu cầu hợp lý (sử dụng ngoại tệ vào các mục đích nêu tại điểm 2 nói trên) thì được trực tiếp liên hệ với Ngân hàng Thương mại đó để mua lại lượng ngoại tệ tối đa bằng số ngoại tệ đã bán cho Ngân hàng. Trường hợp mua ngoại tệ ở một Ngân hàng khác, doanh nghiệp phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc bán ngoại tệ trước đây (Ngân hàng đã mua ngoại tệ chỉ được cấp 01 bản gốc xác nhận thời điểm và số lượng ngoại tệ đã mua của doanh nghiệp). Khi bán ngoại tệ, Ngân hàng lưu lại văn bản xác nhận làm chứng từ gốc.

    4. Ngân hàng thương mại thực hiện bán ngoại tệ cho doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên sau:

    - Doanh nghiệp nằm trong Danh mục được ưu tiên chuyển đổi ngoại tệ nói tại điểm 1;

    - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (du lịch, khách sạn, văn phòng cho thuê, vận tải công cộng, trường học, y tế văn hoá, cho thuê thiết bị...);

    - Doanh nghiệp có nghĩa vụ xuất khẩu sản phẩm được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ một phần nhu cầu ngoại tệ nếu có khó khăn trong 3 năm đầu kể từ khi bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Ngân hàng và doanh nghiệp có thể thoả thuận mua, bán ngoại tệ bằng cách thực hiện các giao dịch trao ngay (spot) hoặc giao dịch có kỳ hạn (foward) theo đúng các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về giao dịch ngoại tệ.

    5. Khi thực hiện việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo yêu cầu của doanh nghiệp và cá nhân người nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp, các Ngân hàng Thương mại phải kiểm tra các chứng từ liên quan theo quy định tại điểm 2 của văn bản này.

    Các Ngân hàng Thương mại bán ngoại tệ cho doanh nghiệp để thanh toán trực tiếp cho nước ngoài, không được chuyển vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp. Riêng trường hợp bán ngoại tệ để sử dụng vào các nội dung nêu dưới đây thì phải thực hiện thông qua tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng bằng ngoại tệ:

    - Chuyển vốn đầu tư, vốn tái đầu tư của Nhà đầu tư ra nước ngoài; - Chuyển lợi nhuận và các thu nhập hợp pháp của Nhà đầu tư ra nước ngoài;

    - Chuyển trả nợ gốc, lãi, phí của khoản vay nước ngoài.

    Thời hạn tính từ khi doanh nghiệp mua ngoại tệ chuyển vào tài khoản này đến khi chuyển ra thanh toán cho nước ngoài tối đa không quá 5 ngày làm việc.

    6. Hàng quý, chậm nhất vào ngày 5 tháng đầu quý sau, các Ngân hàng Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn tình hình bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài hợp doanh (theo Mẫu số 8 quy định tại Thông tư 02/TT-NH7 ngày 28/6/1997).

    Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại cần báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) để giải quyết.

     

    Mẫu số 1

    NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Số: /CV-QLNH2

    (V/v: mua ngoại tệ) Hà Nội, ngày... tháng... năm 1998

     

    Kính gửi: CÔNG TY

     

    Ngân hàng Nhà nước nhận được Công văn số...... của quý Công ty về việc chuyển đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến như sau:

    Căn cứ Danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu, công trình kết cấu hạ tầng và các công trình quan trọng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, công ty (hoặc sản phẩm của Công ty) nằm trong Danh mục......, do đó:

    1. Công ty được trực tiếp liên hệ với các Ngân hàng Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam để mua số ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam;

    2. Công ty phải sử dụng số ngoại tệ được mua đúng mục đích;

    3. Hàng năm, vào trước ngày 25/12, yêu cầu Công ty gửi báo cáo doanh số thu chi đã thực hiện năm trước và của năm kế hoạch (theo mẫu số 4 tại Thông tư 02/TT-NH7) cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) 47-49 Lý Thái Tổ, Hà Nội;

    4. Văn bản này có hiệu lực suốt thời gian hoạt động của dự án. Ngân hàng Nhà nước thông báo để quý Công ty biết và thực hiện.

     

    Nơi nhận: T/L. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

    - Như trên; VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

    - Lưu Vụ QLNH.

     

    Mẫu số 2

    NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Số: /CV-QLNH2

    (V/v: mua ngoại tệ) Hà Nội, ngày... tháng... năm 1998

     

    Kính gửi: CÔNG TY

     

    Ngân hàng Nhà nước nhận được Công văn số...... của quý Công ty về việc chuyển đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến như sau:

    Căn cứ Danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu, công trình kết cấu hạ tầng và các công trình quan trọng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố và xác nhận của cơ quan...... tại văn bản số....., Công ty nằm trong Danh mục các công trình quan trọng. Do đó:

    1. Công ty được trực tiếp liên hệ với các Ngân hàng Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam để mua số ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam;

    2. Công ty phải sử dụng số ngoại tệ được mua đúng mục đích;

    3. Hàng năm, vào trước ngày 25/12, yêu cầu Công ty gửi báo cáo doanh số thu chi đã thực hiện năm trước và của năm kế hoạch (theo mẫu số 4 tại Thông tư 02/TT-NH7) cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) 47-49 Lý Thái Tổ, Hà Nội;

    4. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày......... đến ngày....... Ngân hàng Nhà nước thông báo để quý Công ty biết và thực hiện.

     

    Nơi nhận: T/L. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

    - Như trên; VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

    - Lưu Vụ QLNH.

     

    Mẫu số 3

    NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Số: /CV-QLNH2

    (V/v: mua ngoại tệ) Hà Nội, ngày... tháng... năm 1998

     

    Kính gửi: CÔNG TY

     

    Ngân hàng Nhà nước nhận được Công văn số...... của Công ty về việc chuyển đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến như sau:

    Căn cứ Danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu, sản phẩm ....... của Quý Công ty nằm trong Danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu, do đó:

    1. Công ty được trực tiếp liên hệ với các Ngân hàng Thương mại được phép kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam để:

    1.1. Mua 100% nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu, phụ tùng thay thế máy móc thiết bị đồng bộ phục vụ cho sản xuất sản phẩm nằm trong Danh mục;

    1.2. Riêng việc nhu cầu ngoại tệ để trả nợ vay, chuyển lợi nhuận của Nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài, chỉ đáp ứng (%) nhu cầu ngoại tệ hàng năm sử dụng cho mục đích này.

    2. Công ty phải sử dụng số ngoại tệ được mua đúng mục đích và theo đúng các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam;

    3. Hàng năm, vào trước ngày 25/12, yêu cầu Công ty gửi báo cáo doanh số thu chi ngoại tệ đã thực hiện năm trước và của năm kế hoạch (theo mẫu số 4 tại Thông tư 02/TT-NH7) cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) 47-49 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

    4. Văn bản này có hiệu lực trong suốt thời gian hoạt động của Công ty.

    Ngân hàng Nhà nước thông báo để Công ty biết và thực hiện.

     

    Nơi nhận: T/L. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

    - Như trên; VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

    - Lưu Vụ QLNH.

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X