Cơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Cu Ba | Số công báo: | 169&170 - 03/2009 |
Số hiệu: | Không số | Ngày đăng công báo: | 28/03/2009 |
Loại văn bản: | Hiệp định | Người ký: | Nguyễn Hồng Quân, Marta Lomas Morales |
Ngày ban hành: | 28/09/2007 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 22/01/2009 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đầu tư |
BỘ NGOẠI GIAO Số: 11/2009/SL-LPQT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2009 |
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau, ký tại Havana ngày 28 tháng 9 năm 2007, có hiệu lực từ ngày 22 tháng 01 năm 2009.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CUBA VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ LẪN NHAU
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba (sau đây gọi là “Các Bên ký kết”),
Mong muốn thiết lập và duy trì các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của một Bên ký kết để đầu tư vào lãnh thổ của Bên ký kết kia,
Thừa nhận rằng việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau thông qua một hiệp định quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh và tăng cường sự thịnh vượng ở cả hai Bên,
Đã thỏa thuận như sau:
Chương 1.
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các định nghĩa
Với mục đích của Hiệp định này:
1. Đầu tư nghĩa là bất kỳ loại tài sản nào được đầu tư bởi nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia và được đăng ký hoặc phê duyệt cụ thể bởi Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật và chính sách của Bên ký kết đó[1].
Thuật ngữ đầu tư cũng sẽ được áp dụng cho lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và các khoản thu từ việc thanh lý, tuy nhiên đầu tư không bao gồm các quyền đòi tiền phát sinh thuần túy từ:
i. Các hợp đồng thương mại về bán hàng hóa hoặc dịch vụ của thể nhân hoặc doanh nghiệp trên lãnh thổ của một Bên ký kết cho doanh nghiệp trên lãnh thổ của Bên ký kết kia; hoặc
ii. Việc cung cấp tín dụng liên quan đến một giao dịch thương mại, như cho vay mậu dịch; hoặc
iii. Bất kỳ quyền đòi tiền nào khác không có tính chất đầu tư.
2. Thu nhập nghĩa là các khoản thu từ đầu tư, bao gồm lợi nhuận, lãi tiền vay, thu nhập từ vốn, cổ tức và phí trả cho quyền sở hữu trí tuệ.
3. Nhà đầu tư đối với một Bên ký kết nghĩa là:
a) Thể nhân: bất kỳ công dân nào của Bên ký kết đó thường trú trên lãnh thổ quốc gia phù hợp với pháp luật của Bên đó;
b) Pháp nhân: bất kỳ công ty nào được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật của Bên ký kết kia có hoạt động kinh doanh đáng kể trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.
4. Công ty nghĩa là bất kỳ thực thể nào được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật của một Bên ký kết, bất kể là vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, do chính phủ hay tư nhân sở hữu, và được sở hữu hoặc kiểm soát hữu hiệu bởi nhà đầu tư của một trong các Bên ký kết, bao gồm công ty, quỹ tín thác, hợp danh, doanh nghiệp một chủ, liên doanh, hoặc các tổ chức tương tự.
5. Lãnh thổ nghĩa là:
a) Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh thổ đất liền, các hải đảo, nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên đó, vùng biển ngoài lãnh hải bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế;
b) Đối với Cộng hòa Cuba, lãnh thổ của Cuba bao gồm Isla de Cuba, Isla de la Juventud và các hòn đảo và các cù lao khác, nội thủy, lãnh hải và cùng trời trên đó, và các vùng nước lãnh hải mà Cộng hòa Cuba thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế nhằm mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên, sinh học và khoáng sản.
Điều 2. Khuyến khích và tiếp nhận đầu tư
Mỗi Bên ký kết sẽ thúc đẩy và khuyến khích đầu tư phù hợp với pháp luật của nước mình về đầu tư nước ngoài.
Mỗi Bên ký kết sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư của Bên ký kết kia đầu tư vào lãnh thổ nước mình và, phù hợp với pháp luật hiện hành của nước mình, chấp thuận các khoản đầu tư đó.
Chương 2.
BẢO HỘ ĐẦU TƯ
Điều 3. Đối xử tối huệ quốc
Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho các nhà đầu tư của Bên ký kết kia và các khoản đầu tư của họ, liên quan đến việc sử dụng, quản lý, thực hiện, vận hành và bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó, trong trường hợp tương tự, dành cho các nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia thứ ba nào và các khoản đầu của họ (“Đối xử tối huệ quốc”).
Điều 4. Tiêu chuẩn chung về đối xử
1. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và đầu tư của họ sự đối xử phù hợp với luật quốc tế, bao gồm đối xử công bằng và bình đẳng cũng như bảo hộ đầy đủ và an toàn.
2. Để rõ ràng hơn:
a) Đối xử công bằng và bình đẳng đề cập đến nghĩa vụ phải đảm bảo cho nhà đầu tư không bị khước từ công lý hoặc đối xử bất công hoặc không bình đẳng trong bất kỳ thủ tục tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến đầu tư của nhà đầu tư đó;
b) Bảo hộ đầy đủ và an toàn yêu cầu mỗi Bên ký kết thực hiện các biện pháp cần thiết ở mức hợp lý để đảm bảo sự bảo hộ và an toàn cho đầu tư và nhà đầu tư.
3. Khái niệm “đối xử công bằng và bình đẳng” và “bảo hộ đầy đủ và an toàn” không yêu cầu sự đối xử bổ sung nào ngoài sự đối xử theo các quy định của Điều này hoặc vượt quá phạm vi của sự đối xử đó và không tạo ra các quyền bổ sung đáng kể. Kết luận rằng một quy định khác của Hiệp định này hoặc của một điều ước quốc tế khác đã bị vi phạm không có nghĩa là Điều này đã bị vi phạm.
Điều 5. Tước quyền sở hữu và Đền bù
1. Đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này sẽ không bị quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu hoặc áp dụng các biện pháp pháp lý tương tự để quốc hữu hóa (sau đây gọi là “tước quyền sở hữu”), ngoại trừ:
a) Vì mục đích công cộng;
b) Trên cơ sở không phân biệt đối xử;
c) Phù hợp với thủ tục pháp luật liên quan; và
d) Thông qua việc đền bù thích hợp.
2. Việc đền bù nêu ở khoản trên phải:
a) Tương xứng với giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu ngay trước khi thực hiện tước quyền sở hữu (“ngày tước quyền sở hữu”). Tiêu chí định giá bao gồm giá trị hiện tại, giá trị tài sản kể cả giá trị tính thuế của bất động sản hữu hình cũng như tiêu chuẩn khác có thể phù hợp để xác định giá thị trường.
b) Không thể hiện bất kỳ thay đổi về giá trị nào trong trường hợp việc tước quyền sở hữu được công bố trước;
c) Được trả không chậm trễ bằng đồng tiền tự do chuyển đổi do nhà đầu tư lựa chọn theo tỷ giá thịnh hành trên lãnh thổ của Bên ký kết thực hiện việc tước quyền sở hữu vào ngày thanh toán;
d) Bao gồm lãi suất phạt, từ ngày tước quyền sở hữu đến ngày thanh toán, với lãi suất thịnh hành của thị trường liên ngân hàng của Bên ký kết thực hiện việc đền bù;
e) Có tính thanh khoản hoàn toàn và tự do chuyển đổi.
3. Nhà đầu tư bị ảnh hưởng có quyền, theo quy định của pháp luật của Bên ký kết thực hiện tước quyền sở hữu, được cơ quan tư pháp hoặc bất kỳ cơ quan liên quan nào của Bên ký kết đó, nhanh chóng xem xét lại việc định giá khoản đầu tư theo các nguyên tắc quy định tại Điều này.
Điều 6. Đền bù thiệt hại
1. Nhà đầu tư của một Bên ký kết có khoản đầu tư bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang khác, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi dậy, bạo loạn, nổi loạn, hoặc bất kỳ sự kiện tương tự nào khác trên lãnh thổ của Bên ký kết chủ nhà, sẽ được Bên ký kết chủ nhà dành sự đối xử, liên quan đến việc hoàn trả, bồi thường, đền bù hoặc các giải pháp khác, không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho nhà đầu tư của nước mình hoặc nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia thứ ba nào.
2. Khoản đền bù nên trên sẽ được tự do chuyển ra nước ngoài theo quy định của Điều 7 sau đây.
Điều 7. Tự do chuyển tiền
1. Mỗi Bên ký kết sẽ cho phép nhà đầu tư của Bên ký kết kia tự do chuyển từ lãnh thổ của mình và chuyển vào lãnh thổ của mình các khoản tiền liên quan đến các khoản đầu tư. Việc chuyển tiền này, sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, phải được thực hiện không chậm trễ một cách bất hợp lý phù hợp với pháp luật của Bên ký kết chủ nhà, và bao gồm:
a) Vốn đầu tư ban đầu và bất kỳ khoản vốn bổ sung nào để duy trì, quản lý và phát triển khoản đầu tư;
b) Thu nhập;
c) Các khoản tiền thu được từ việc bán hoặc thanh lý toàn bộ hoặc một phần khoản đầu tư;
d) Các khoản cần thiết để trả cho các chi phí phát sinh từ hoạt động đầu tư, như trả tiền vay, phí trả cho quyền sở hữu trí tuệ, phí quản lý, phí chuyển giao công nghệ hoặc các chi phí tương tự khác;
e) Thu nhập cá nhân và các khoản tiền của nhân viên thu được từ nước ngoài và làm việc liên quan đến đầu tư; và
f) Tiền đền bù hoặc các khoản thanh toán theo quy định của Điều 5, 6 và Phần Một Chương III của Hiệp định này.
2. Theo khoản 1 nêu trên, chuyển tiền ra nước ngoài không chậm trễ một cách bất hợp lý có nghĩa là các khoản chuyển tiền đó được thực hiện trong khoảng thời gian thông thường cần thiết để hoàn thành việc chuyển tiền.
3. Việc chuyển tiền sẽ được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi đã sử dụng để đầu tư ban đầu hoặc bất kỳ đồng tiền tự do chuyển đổi nào khác theo tỷ giá hối đoái thịnh hành vào ngày chuyển tiền trên lãnh thổ Bên ký kết chủ nhà.
4. Không ảnh hưởng đến các khoản 1, 2 và 3 của Điều này, các Bên ký kết có thể cản trở hoặc trì hoãn việc chuyển tiền liên quan đến:
a) Phá sản, mất khả năng thanh toán, hoặc để bảo vệ quyền của chủ nợ;
b) Phát hành, buôn bán, giao dịch chứng khoán;
c) Tội phạm hoặc vi phạm hình sự và thu hồi thu nhập do phạm tội mà có;
d) Báo cáo tài chính hoặc ghi chép sổ sách về việc chuyển tiền khi cần hỗ trợ việc thực thi pháp luật hoặc hỗ trợ cơ quan quản lý tài chính;
e) Đảm bảo việc tuân thủ các mệnh lệnh hoặc phán quyết trong thủ tục tố tụng tư pháp hoặc hành chính;
f) Các quyền được trả tiền chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; và
g) Khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán hoặc một mối đe dọa đến cán cân thanh toán, với điều kiện Bên ký kết bị ảnh hưởng phải áp dụng các biện pháp hoặc chương trình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Các hạn chế này phải được áp dụng trong thời gian giới hạn và thực hiện thông qua việc áp dụng pháp luật trên cơ sở không phân biệt đối xử và có thiện chí.
Điều 8. Thế quyền
1. Nếu một Bên ký kết hoặc cơ quan được bên đó chỉ định thanh toán cho nhà đầu tư của Bên ký kết đó theo một hợp đồng bảo hiểm đối với các rủi ro phi thương mại hoặc theo hình thức bảo đảm khác mà Bên đó đã cấp liên quan đến một khoản đầu tư, Bên ký kết kia sẽ công nhận việc thế quyền hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc quyền sở hữu nào liên quan đến khoản đầu tư đó. Các quyền hoặc quyền đòi tiền được thế quyền hoặc được chuyển giao không được lớn hơn quyền hoặc quyền đòi tiền ban đầu của nhà đầu tư.
2. Khi một Bên ký kết hoặc cơ quan được Bên đó chỉ định đã thanh toán cho nhà đầu tư của Bên ký kết đó và đã tiếp nhận các quyền và quyền đòi tiền của nhà đầu tư đó, nhà đầu tư đó không được, trừ trường hợp được ủy quyền hành động nhân danh Bên ký kết đó hoặc cơ quan được Bên ký kết đó chỉ định, thực hiện các quyền và quyền đòi tiền đó chống lại Bên ký kết kia.
3. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, Bên ký kết đã tiếp nhận quyền và quyền đòi tiền của nhà đầu tư không được đưa vụ việc ra giải quyết tại trọng tài quốc tế theo các quy định tại Phần II Chương III Hiệp định này.
Chương 3.
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Phần một.
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Điều 9. Phạm vi
Phần này sẽ áp dụng cho tranh chấp phát sinh giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia, là kết quả của việc nghi ngờ Bên ký kết đó vi phạm một nghĩa vụ quy định tại Chương II của Hiệp định này, bất kể thiệt hại đối với nhà đầu tư do vi phạm đó gây ra hoặc do kết quả của vi phạm đó là gì.
Điều 10. Tham vấn và đàm phán
1. Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia sẽ, trước hết, cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán; để làm điều đó, nhà đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết tham gia tranh chấp về tranh chấp và khả năng khiếu kiện theo Hiệp định này. Thông báo bao gồm:
a) Tên và địa chỉ của nhà đầu tư;
b) Nội dung tranh chấp và vi phạm được cho là đã được Bên ký kết thực hiện;
c) Cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc yêu cầu giải quyết tranh chấp.
2. Trong phạm vi đàm phán nêu tại khoản 1 nói trên, Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia sẽ, thông qua thỏa thuận, đưa tranh chấp ra trung gian hòa giải như một lựa chọn về thủ tục khác cho việc giải quyết tranh chấp.
Điều 11. Trọng tài
1. Nếu tranh chấp không được giải quyết thông qua hòa giải trong vòng 180 ngày kể từ ngày gửi thông báo nêu tại Điều 10 nêu trên, nhà đầu tư sẽ tự quyết định, sau khi kết thúc thời hạn nói trên, đưa tranh chấp ra giải quyết tại:
a) Tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết mà lãnh thổ của Bên đó là nơi phát sinh tranh chấp; hoặc
b) Một Tòa trọng tài theo vụ việc (ad hoc) theo quy tắc của Tòa trọng tài đó; hoặc;
c) Một Tòa trọng tài theo vụ việc (ad hoc) được thành lập theo Quy tắc Trọng tài của Ủy ban về Luật thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UN-CITRAL); hoặc;
d) Một Tòa trọng tài theo vụ việc (ad hoc) được thành lập theo Quy tắc Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (CIC); hoặc
e) Một Tòa trọng tài theo vụ việc (ad hoc) được thành lập theo Quy tắc của Tòa trọng tài Thường trực (PCA).
2. Trừ những nội dung đã quy định trong Hiệp định này, hoạt động trọng tài sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc về tố tụng trọng tài của cơ quan trọng tài được lựa chọn.
3. Mỗi Bên ký kết bằng Hiệp định này đồng ý vô điều kiện với việc đưa tranh chấp giữa Bên đó với nhà đầu tư của Bên ký kết kia ra giải quyết tại trọng tài phù hợp với quy định của Điều này.
Điều 12. Thông báo về sự tồn tại của tranh chấp và việc giải quyết thông qua trọng tài
Thông báo về sự tồn tại của tranh chấp và ý định đưa ra trọng tài theo phần này sẽ được gửi cho:
I. ĐỐI VỚI VIỆT NAM: Bộ Ngoại giao.
II. ĐỐI VỚI CUBA: Bộ Ngoại giao.
Điều 13. Điều kiện và giới hạn giải quyết trọng tài
1. Nhà đầu tư chỉ có quyền đưa khiếu kiện ra trọng tài khi:
a) Chưa đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết chủ nhà, trừ thủ tục yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa liên quan đến đình chỉ, tiếp tục thực hiện hoặc có tính chất đặc biệt khác, với điều kiện không bao gồm việc đền bù thiệt hại;
b) Chưa hết thời hạn 24 tháng kể từ ngày nhà đầu tư biết hoặc lẽ ra phải biết về việc vi phạm Chương II và về việc nghi ngờ bị thiệt hại, và với điều kiện đã hết thời hạn 180 ngày kể từ ngày tranh chấp ra hòa giải.
2. Khi đưa tranh chấp ra trọng tài, nhà đầu tư không được dựa vào các yếu tố nào khác để củng cố cho lập luận của mình ngoài các yếu tố đã nêu tại thông báo gửi cho Bên ký kết tham gia tranh chấp theo quy định của Điều 10.
Điều 14. Thành lập Tòa trọng tài
1. Trừ khi Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia có thỏa thuận khác, Tòa trọng tài sẽ bao gồm 3 trọng tài viên. Mỗi bên tham gia tranh chấp sẽ chỉ định một trọng tài viên. Trọng tài viên thứ ba, và là Chủ tịch Tòa trọng tài, sẽ được chỉ định theo thỏa thuận của Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia và là công dân của một nước thứ ba có quan hệ ngoại giao với các Bên ký kết.
2. Các trọng tài viên nêu tại khoản 1 phải có kinh nghiệm về luật pháp quốc tế và đầu tư.
3. Nếu Tòa trọng tài không được thành lập trong vòng 90 ngày kể từ ngày đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài, bất kể do việc Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia không chỉ định được một thành viên của Tòa trọng tài hay do không đạt được thỏa thuận trong việc chỉ định Chủ tịch Tòa trọng tài, Tổng thư ký của PCA sẽ, theo sự lựa chọn của mình, chỉ định trọng tài viên hoặc các trọng tài viên chưa được chỉ định. Tuy nhiên, khi chỉ định Chủ tịch Tòa trọng tài, Tổng Thư ký PCA sẽ đảm bảo rằng Chủ tịch sẽ không phải là công dân của một trong các Bên ký kết của Hiệp định này.
4. Khi Tòa trọng tài đã được thành lập và đã thiết lập thủ tục, thành phần của Tòa trọng tài sẽ không thay đổi, tuy nhiên, có thể hiểu rằng, trong trường hợp một trọng tài viên bị chết, mất năng lực, từ chối hoặc bị cáo buộc trọng tài viên có quan hệ với một bên tham gia tranh chấp, việc chỉ định trọng tài viên thay thế sẽ được thực hiện theo thủ tục áp dụng đối với việc chỉ định.
Điều 15. Tiến hành thủ tục trọng tài
1. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Phần này sẽ được tổ chức ở địa điểm theo thỏa thuận giữa Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia và phải được tổ chức ở một quốc gia là thành viên của Công ước về Công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ngày 10 tháng 6 năm 1958, sau đây gọi là Công ước New York. Tranh chấp đưa ra giải quyết tại trọng tài theo Hiệp định này sẽ được coi là phát sinh từ một quan hệ hoặc giao dịch thương mại theo Điều 1 của Công ước New York.
2. Không Bên ký kết nào được áp dụng việc bảo hộ về ngoại giao hoặc khởi kiện quốc tế đối với bất kỳ tranh chấp nào được đưa ra trọng tài theo quy định của Phần này, trừ khi Bên ký kết kia không thực hiện và tuân thủ phán quyết của trọng tài liên quan đến tranh chấp này. Tuy nhiên, việc bảo hộ ngoại giao theo khoản này không bao gồm việc trao đổi ngoại giao không chính thức với mục đích duy nhất là hỗ trợ việc giải quyết tranh chấp.
3. Bên ký kết tham gia tranh chấp sẽ không sử dụng việc nhà đầu tư tham gia tranh chấp đã nhận được hoặc sẽ nhận được bồi thường hoặc đền bù khác cho toàn bộ hoặc một phần thiệt hại theo một hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo lãnh làm lý do để biện hộ, để khởi kiện ngược, để đòi quyền bù trừ hoặc các lý do khác.
4. Khi Bên ký kết tham gia tranh chấp, theo cách giải thích của mình, biện hộ rằng:
a) Khoản đầu tư nghi ngờ bị thiệt hại không phải là một khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này; hoặc;
b) Nhà đầu tư tham gia tranh chấp không đáp ứng định nghĩa nhà đầu tư theo Hiệp định này; hoặc
c) Biện pháp bị coi là vi phạm theo Chương II không thuộc phạm vi nghi ngờ vi phạm quy định của Chương này, theo yêu cầu của Bên ký kết tham gia tranh chấp, Tòa trọng tài sẽ yêu cầu Bên ký kết không tham gia tranh chấp giải thích bất kỳ nội dung nào trong các nội dung nêu trên. Bên ký kết không tham gia tranh chấp sẽ gửi trả lời bằng văn bản cho tòa trọng tài và tòa trọng tài sẽ trả lời bằng văn bản cho bên ký kết tham gia tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày Bên ký kết tham gia tranh chấp gửi yêu cầu. Nếu Bên ký kết không tham gia tranh chấp không trả lời Tòa trọng tài, Tòa trọng tài sẽ coi việc giải thích của Bên ký kết tham gia tranh chấp là có hiệu lực.
5. Sự giải thích được các Bên ký kết nhất trí sẽ ràng buộc bất kỳ tòa trọng tài nào thành lập theo quy định của Phần này.
6. Tòa trọng tài thành lập theo Phần này sẽ quyết định các vấn đề tranh chấp theo các quy định của Hiệp định này, các quy tắc pháp luật theo thỏa thuận giữa Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia, và nếu không đạt được thỏa thuận đó, Tòa trọng tài sẽ áp dụng pháp luật của Bên ký kết tham gia tranh chấp (bao gồm cả các quy tắc về xung đột pháp luật) và các quy tắc của luật pháp quốc tế có liên quan.
7. Cho dù nhà đầu tư đã đưa tranh chấp ra trọng tài theo quy định của Phần này, trước khi bắt đầu tố tụng trọng tài hoặc trong quá trình tố tụng trọng tài, nhà đầu tư có thể yêu cầu tòa án tư pháp hoặc hành chính của Bên ký kết tham gia tranh chấp áp dụng các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật của Bên ký kết đó, để bảo vệ các quyền và quyền lợi của mình, với điều kiện yêu cầu này không bao gồm đền bù thiệt hại
Điều 16. Phán quyết và thi hành
1. Phán quyết của trọng tài sẽ là chung thẩm và bắt buộc chỉ với Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia, và chỉ liên quan đến vấn đề trong tranh chấp.
2. Tòa trọng tài không được đề cập đến đền bù thiệt hại có tính trừng phạt.
3. Mỗi Bên ký kết, trên lãnh thổ của mình, sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết để thực thi có hiệu quả phán quyết theo quy định của Điều này.
Nhà đầu tư tham gia tranh chấp sẽ yêu cầu thực thi phán quyết trọng tài theo Công ước New York.
Phần hai.
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ NHÀ NƯỚC
Điều 17. Phạm vi áp dụng
1. Phần này sẽ áp dụng cho việc giải quyết các tranh chấp giữa các Bên ký kết phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng các quy định của Hiệp định này.
2. Việc nghi ngờ một Bên ký kết vi phạm nghĩa vụ theo Chương II sẽ chỉ được giải quyết theo quy định của Phần I Chương này.
Điều 18. Tham vấn
1. Tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được thông báo bằng văn bản và thông qua các kênh ngoại giao. Các Bên ký kết sẽ, trong chừng mực có thể, giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và các kênh ngoại giao.
2. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ ngày thông báo, trừ khi các Bên ký kết có thỏa thuận khác bằng văn bản, mỗi Bên ký kết có thể yêu cầu đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa trọng tài theo vụ việc (ad hoc) thành lập theo quy định của Phần này. Yêu cầu này phải được gửi bằng văn bản, thông qua các kênh ngoại giao và bao gồm:
a) Tóm tắt lý do và mục đích của yêu cầu;
b) Tóm tắt tiến trình và kết quả tham vấn đã tiến hành theo khoản 1 nêu trên; và
c) Ý định của Bên ký kết khởi kiện về việc thực hiện thủ tục tố tụng theo quy định của Phần này của Hiệp định.
Điều 19. Thành lập Tòa trọng tài
1. Khi tranh chấp đã được Bên ký kết khởi kiện đưa ra giải quyết tại trọng tài, mỗi bên ký kết sẽ chỉ định một trọng tài viên và hai trọng tài viên này sẽ chỉ định một trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Tòa trọng tài.
2. Bên ký kết khởi kiện sẽ lựa chọn trọng tài viên của mình trong thời gian không quá 2 tháng kể từ ngày Bên đó thông báo, theo Điều 18 nêu trên, ý định đưa tranh chấp ra Tòa trọng tài và trong thời gian 2 tháng kể từ ngày chỉ định này, Bên ký kết sẽ chỉ định trọng tài viên của mình. Chủ tịch Tòa trọng tài sẽ được chỉ định trong vòng 2 tháng kể từ ngày chỉ định trọng tài viên thứ hai.
3. Nếu các thời hạn nêu tại khoản 2 không được tuân thủ, bất kỳ Bên ký kết nào, trong trường hợp không có thỏa thuận khác, mời Chủ tịch Tòa án Quốc tế tiến hành các chỉ định cần thiết. Nếu Chủ tịch Tòa án quốc tế là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do nào khác không thực hiện được chức năng nêu trên, phó Chủ tịch Tòa án Quốc tế sẽ được mời tiến hành các chỉ định cần thiết. Nếu Phó Chủ tịch Tòa án quốc tế là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do nào khác không thực hiện được chức năng nêu trên, thành viên cao cấp tiếp theo của Tòa án quốc tế không phải là công dân của một Bên ký kết sẽ được mời để tiến hành sự chỉ định cần thiết.
Chủ tịch Tòa án Quốc tế sẽ đảm bảo rằng Chủ tịch Tòa trọng tài phải là công dân của một quốc gia thứ ba có quan hệ ngoại giao với các Bên ký kết cũng như các trọng tài viên được người này chỉ định phải là chuyên gia và có kinh nghiệm về luật quốc tế và các vấn đề đầu tư quốc tế.
4. Nếu một trong các trọng tài viên được chỉ định theo Điều này từ chức hoặc không thể thực hiện được chức năng của mình, một trọng tài viên thay thế sẽ được chỉ định theo cùng thủ tục đã áp dụng để chỉ định trọng tài viên ban đầu, trọng tài viên thay thế sẽ có quyền và nghĩa vụ như trọng tài viên ban đầu.
Điều 20. Thủ tục tố tụng
1. Khi Tòa trọng tài đã được Chủ tịch triệu tập, tòa này sẽ xác định địa điểm và ngày tiến hành tố tụng trọng tài. Trong bất kỳ trường hợp nào, tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành ở một quốc gia là thành viên của Công ước New York. Yêu cầu đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài theo Hiệp định này sẽ được coi là phát sinh từ quan hệ hoặc giao dịch thương mại theo Điều 1 của Công ước nói trên.
2. Tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp sẽ tự quyết định thủ tục của mình trên cơ sở Quy tắc lựa chọn của Tòa trọng tài Thường trực áp dụng cho Tranh chấp giữa hai Nhà nước và theo bất kỳ thỏa thuận nào giữa các Bên ký kết.
3. Trước khi Tòa trọng tài ra quyết định, các Bên ký kết, tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng, có thể giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải.
Điều 21. Phán quyết
1. Tòa trọng tài sẽ đưa ra quyết định thông qua biểu quyết đa số. Phán quyết sẽ được đưa ra dưới dạng văn bản và bao gồm các cơ sở pháp lý và thực tế. Mỗi Bên ký kết sẽ được nhận một bản đã ký của phán quyết.
2. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và bắt buộc đối với các Bên ký kết tham gia tranh chấp.
Điều 22. Luật áp dụng
Tòa trọng tài được thành lập theo Phần này sẽ quyết định việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định này, cũng như các nguyên tắc và quy tắc của luật pháp quốc tế.
Điều 23. Các chi phí
Mỗi Bên ký kết sẽ chịu chi phí cho thành viên do mình chỉ định trong Tòa trọng tài và chi phí cho việc đại diện của mình trong tố tụng trọng tài. Chi phí cho Chủ tịch và các chi phí khác cho tố tụng trọng tài do mỗi Bên ký kết chịu bằng nhau. Tuy nhiên tòa trọng tài có thể quyết định một trong hai Bên ký kết sẽ phải chịu phần chi phí cao hơn.
Chương 4.
CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 24. Các ngoại lệ
Các quy định của Hiệp định này không được hiểu là bắt buộc một Bên ký kết phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia lợi ích của bất kỳ sự đối xử, quyền lợi hoặc đặc quyền nào phát sinh từ:
a) Bất kỳ liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, khu vực mậu dịch tự do, liên minh tiền tệ hoặc hình thức hiệp định kinh tế quốc tế, khu vực và song phương nào khác hoặc bất kỳ hiệp định quốc tế về hội nhập khu vực nào khác mà mỗi Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên;
b) Bất kỳ hiệp định quốc tế, khu vực hoặc song phương nào hoặc các thỏa thuận tương tự mà mỗi Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên hoặc bất kỳ văn bản pháp luật trong nước nào liên quan toàn bộ hoặc chủ yếu đến thuế.
Điều 25. Phạm vi áp dụng
Hiệp định này sẽ được áp dụng cho tất cả các khoản đầu tư do các nhà đầu tư của một Bên ký kết thực hiện trên lãnh thổ của Bên ký kết kia trước khi Hiệp định này có hiệu lực; tuy nhiên, Hiệp định sẽ không được áp dụng đối với các tranh chấp pháp sinh trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.
Điều 26. Áp dụng các quy định khác
Nếu một văn bản pháp luật của một Bên ký kết hoặc các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế tồn tại ở thời điểm hiện tại hoặc được thiết lập sau này giữa các Bên ký kết ngoài phạm vi Hiệp định này, chứa đựng các quy định, bất kể chung hay cụ thể, cho phép nhà đầu tư của Bên ký kết kia được hưởng sự đối xử thuận lợi hơn sự đối xử theo Hiệp định này, quy định đó sẽ, trong chừng mực có lợi hơn cho nhà đầu tư, được ưu tiên áp dụng so với Hiệp định này.
Điều 27. Tham vấn chung
Mỗi bên ký kết có thể, theo đề nghị Bên ký kết kia, tổ chức tham vấn để rà soát việc thực thi Hiệp định này và nghiên cứu về bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ Hiệp định này. Việc tham vấn này sẽ được tổ chức giữa các cơ quan có thẩm quyền của các Bên ký kết theo thời gian và địa điểm do các Bên ký kết thỏa thuận thông qua các kênh phù hợp.
Điều 28. Sửa đổi
Sau khi có hiệu lực, Hiệp định này có thể, tại bất kỳ thời điểm nào, được sửa đổi theo thỏa thuận của các Bên ký kết. Sự sửa đổi này sẽ được khẳng định thông qua việc trao đổi các văn kiện ngoại giao.
Điều 29. Nghị định thư
Nghị định thư kèm theo Hiệp định này là một bộ phận không tách rời của Hiệp định này.
Điều 30. Hiệu lực, thời hạn và chấm dứt hiệu lực
1. Mỗi Bên ký kết sẽ thông báo cho Bên ký kết kia bằng văn bản và thông qua các kênh ngoại giao việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày gửi thông báo cuối cùng.
2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn 10 năm. Sau đó, Hiệp định sẽ tự động được gia hạn trong một thời hạn không xác định, trừ khi một trong các Bên ký kết thông báo bằng văn bản trước sáu tháng cho Bên ký kết kia thông qua các kênh ngoại giao về ý định chấm dứt Hiệp định của mình.
3. Liên quan đến các khoản đầu tư được thực hiện trước ngày Hiệp định này chấm dứt hiệu lực, các quy định của Hiệp định này sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực đối với các khoản đầu tư đó trong thời hạn 10 năm kể từ ngày Hiệp định chấm dứt hiệu lực.
4. Ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, Hiệp định về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba ký tại Havana ngày 12 tháng 10 năm 1995 sẽ hết hiệu lực và được Hiệp định này thay thế.
Để làm chứng những điều trên đây, những người ký tên dưới đây được Chính phủ nước mình ủy quyền hợp lệ đã ký kết Hiệp định này.
Làm tại Havana, vào ngày 28 tháng 9 năm 2007 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, các bản có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về giải thích, bản tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
NGHỊ ĐỊNH THƯ
KÈM THEO HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA CUBA VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ LẪN NHAU
Khi ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau, các đại diện ký tên dưới đây đã đồng ý các điều khoản sau đây là một phần không tách rời của Hiệp định:
Mỗi Bên ký kết sẽ, phù hợp với pháp luật của nước mình, dành cho các nhà đầu tư của Bên ký kết kia và các khoản đầu tư của họ, liên quan đến việc sử dụng, quản lý, thực hiện, vận hành và bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó, trong trường hợp tương tự, dành cho các nhà đầu tư của nước mình và các khoản đầu tư của họ (“đối xử quốc gia”).
Ba năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực, các Bên ký kết sẽ tiến hành tham vấn về khả năng áp dụng đối xử quốc gia đầy đủ, liên quan đến việc sử dụng, quản lý, thực hiện, vận hành và bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư. Nếu một trong các Bên ký kết không thể dành sự đối xử quốc gia như vậy thì Bên ký kết đó sẽ quy định cụ thể các lĩnh vực, hoạt động hoặc vấn đề là ngoại tệ của sự đối xử đó, và các điều khoản của Hiệp định này sẽ được sửa đổi phù hợp./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
[1] Đối với Cộng hòa Cuba, cụm từ “phù hợp với pháp luật và chính sách của Bên ký kết đó” được hiểu là việc yêu cầu khoản đầu tư đó phải được cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Cộng hòa Cuba chấp thuận, được đăng ký trong hồ sơ đăng ký liên quan và thực hiện phù hợp với bất kỳ phương thức đầu tư nước ngoài nào quy định tại văn bản pháp luật trong nước cụ thể.
Không có văn bản liên quan. |
Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cuba về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau
In lược đồCơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Cu Ba |
Số hiệu: | Không số |
Loại văn bản: | Hiệp định |
Ngày ban hành: | 28/09/2007 |
Hiệu lực: | 22/01/2009 |
Lĩnh vực: | Đầu tư |
Ngày công báo: | 28/03/2009 |
Số công báo: | 169&170 - 03/2009 |
Người ký: | Nguyễn Hồng Quân, Marta Lomas Morales |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |