hieuluat

Quyết định 2157/2013/QĐ-UBND Quy chế quản lý kinh phí hỗ trợ đầu tư XD hạ tầng nông thôn mới Hải Phòng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. Hải PhòngSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:2157/2013/QĐ-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Dương Anh Điền
    Ngày ban hành:04/11/2013Hết hiệu lực:01/04/2017
    Áp dụng:14/11/2013Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Đầu tư, Xây dựng
  • ỦY BAN NHÂN DÂN
    THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

    -------
    Số: 2157/2013/QĐ-UBND
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hải Phòng, ngày 04 tháng 11 năm 2013
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÁT KINH PHÍ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
    ------------------------
    ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
    Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương tình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
    Căn cứ Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Kế hoạch và Dầu tư- Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn; Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày 07/8/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
    Căn cứ Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 25/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố (khóa XIV) về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020;
    Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 105/TTr- STC ngày 09/10/2013; Báo cáo thẩm định số 43/BCTĐ-STP ngày 04/10/2013 của Sở Tư pháp về việc ban hành Quy chế quản lý và cấp phát kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và cấp phát kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế mức hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố tại các Quyết định Ủy ban nhân dân thành phố: số 2767/QĐ-UB ngày 12/11/2002 về việc Ban hành quy chế quản lý tài chính đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; số 616/QĐ-UB ngày 21/4/2005 về mức công trợ ngân sách đối với Chương trình nạo vét kênh mương; số 1059/QĐ-UBND ngày 26/5/2005 về “Mức công trợ của ngân sách thành phố đối với các công trình mới trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non (công lập và bán công) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
    Đối với công trình, dự án quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố đã triển khai thực hiện trước khi Nghị quyết này có hiệu lực và các công trình khác mức hỗ trợ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số số 2767/QĐ-UB ngày 12/11/2002; số 616/QĐ-UB ngày 21/4/2005; số 1059/QĐ-UBND ngày 26/5/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố và quy định về ủy quyền, phân cấp quyết định đầu tư; Luật Ngân sách nhà nước.
    Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
    CHỦ TỊCH




    Dương Anh Điền
     
    QUY CHẾ
    QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÁT KINH PHÍ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 2157/2013/QĐ-UBND ngày 04/11/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
     
    Chương I
    QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi thực hiện
    1. Quy định về quản lý và cấp phát kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng đối với 10 loại công trình quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 25/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020.
    2. Áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện xây dựng hạ tầng nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
    Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
    1. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ; vận động, khuyến khích nhân dân, cộng đồng tự nguyện hiến đất, tự tháo dỡ, di dời các công trình, vật kiến trúc, tài sản trên đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội trên địa bàn xã, hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn xã.
    2. Phân cấp và huy động tối đa nguồn lực của xã, thực hiện lồng ghép các nguồn lực của ngân sách các cấp để thực hiện Chương trình, đồng thời đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách, không để phát sinh tăng nợ xây dựng cơ bản, kế thừa các chương trình, dự án trước đang thực hiện.
    3. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới phải phù hợp Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và Kế hoạch thực hiện hàng năm, đảm công khai, minh bạch về quản lý và sử dụng các nguồn lực, thực hiện tốt khâu giám sát, đánh giá.
    Điều 3. Tiêu chí hỗ trợ
    1. Dự án đầu tư xây dựng công trình năm trong Đề án xây dựng nông thôn mới của xã đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.
    2. Dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo mức chuẩn về quy mô kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền ban hành (các Bộ, ngành ở trung ương hoặc của thành phố) theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Không thực hiện hỗ trợ đối với phần đầu tư vượt mức chuẩn.
    Điều 4. Mức hỗ trợ và tổng mức đầu tư từ ngân sách
    1. Mức hỗ trợ từ ngân sách các cấp để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 10/2013/NQ-HDDND ngày 25/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố có Phụ lục kèm theo)
    2. Tổng mức đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của các cấp ngân sách không quá 40 tỷ đồng/xã theo Đề án đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
     
    Chương II
    QUY ĐỊNH TRÌNH TỪ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ CẤP PHÁT KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ ĐỂ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG NÔNG THÔN MỚI
     
    Điều 5. Quy định về xây dựng kế hoạch
    1. Lập kế hoạch trung hạn:
    Căn cứ quy định về nguyên tắc và tiêu chí hỗ trợ quy định tại Điều 2 và Điều 2 Quy chế này, Ủy ban nhân dân xã lập kế hoạch ngân sách để xây dựng hạ tầng nông thôn mới đối với các dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới của xã cho cả giai đoạn 2013-2020 (trong đó chia ra từng thời kỳ 2013-2015 và 2016-2020) bằng các nguồn: vận động doanh nghiệp và nhân dân hỗ trợ, đóng góp bằng nguyên vật liệu hoặc bằng tiền, nguồn ngân sách xã, nguồn hỗ trợ từ ngân sách huyện và ngân sách thành phố theo tỷ lệ đã quy định tại Điều 4 Quy chế này đối với từng loại công trình.
    2. Lập kế hoạch năm:
    Căn cứ kế hoạch trung hạn, Ủy ban nhân dân xã phân kỳ từng năm và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định. Việc quyết định phải rõ cả chủ trương đầu tư và tổng mức đầu tư, cách thức huy động đóng góp của nhân dân, của doanh nghiệp.
    Kế hoạch phải phân định rõ trách nhiệm của mỗi cấp ngân sách đối với từng loại công trình.
    3. Tổng hợp kế hoạch:
    a) Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp kế hoạch trung hạn và hàng năm do Ủy ban nhân dân cấp xã lập, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung.
    b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch trung hạn và hàng năm, chủ trì cùng Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
    c) Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện giai đoạn 2013-2015, giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hàng năm đối với từng nguồn kinh phí và từng loại công trình, làm cơ sở cho việc bố trí kế hoạch trung hạn và hàng năm của ngân sách thành phố.
    Điều 6. Quy định về phê duyệt dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật.
    1. Dự án thuộc loại công trình đã quy định ở Điều 4 phải lập dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật theo danh mục được duyệt theo quy định của chế độ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành; trừ trường hợp công trình mang tính đặc thù được thực hiện theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện theo Hướng dẫn tại Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày 07/8/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của thành phố.
    2. Việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc khối xã có sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định số 1797/2010/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố, Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính Quy định quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn và Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
    3. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân xã, trước khi phê duyệt Ủy ban nhân dân xã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân huyện về khả năng cân đối vốn.
    Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân xã và các dự án thuộc thẩm quyền của cấp mình gửi Liên Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về nguồn vốn để đảm bảo khả năng cân đối trước khi quyết định đầu tư.
    Trường hợp thực hiện không đúng quy định thì Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư không đề xuất phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố.
    Điều 7. Quy định về cấp phát kinh phí hỗ trợ
    1. Căn cứ kế hoạch ngân sách được Ủy ban nhân dân thành phố giao, Ủy ban nhân dân các xã triển khai thực hiện. Hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí hỗ trợ gửi Sở Tài chính gồm có:
    a) Dự án hoặc Báo cáo kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt theo quy định;
    b) Văn bản phê duyệt kế hoạch năm của Ủy ban nhân dân huyện;
    c) Hồ sơ dự toán, thiết kế công trình đã được phê duyệt theo quy định;
    d) Quyết định giao kế hoạch vốn cho công trình đối với phần ngân sách huyện, xã;
    e) Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành của chủ đầu tư và nhà thầu thi công;
    f) Báo cáo và đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách thành phố của Ủy ban nhân dân thành phố của Ủy ban nhân dân huyện đối với khối lượng đã hoàn thành (theo Mẫu biểu số 01 kèm theo).
    Hồ sơ lập thành 04 bộ: 01 bộ do chủ đầu tư lưu giữ, 03 bộ gửi các cơ quan chức năng: Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện, Kho bạc nhà nước huyện, Sở Tài chính.
    2. Căn cứ kế hoạch Ủy ban nhân dân thành phố giao và khối lượng thực hiện theo báo cáo về của Ủy ban nhân dân huyện, Sở Tài chính cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện; ngân sách huyện cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách xã để thanh toán theo quy định.
    Điều 8. Quy định về chế độ báo cáo, điều chỉnh kế hoạch và quyết toán kinh phí.
    1. Chế độ báo cáo
    a) Vào ngày 15 của tháng đầu mỗi quý, Ủy ban nhân dân huyện báo cáo tình hình thực hiện cấp phát kinh phí hỗ trợ, khuyến khích các xã xây dựng nông thôn mới của các cấp ngân sách và kinh phí nhân dân, doanh nghiệp đóng góp của Quý trước gửi về Sở Tài chính (theo Mẫu số 02 kèm theo).
    Đối với Quý 4, Ủy ban nhân dân huyện gửi báo cáo thực hiện năm về Sở Tài chính chậm nhất là ngày 30/11.
    b) Sở Tài chính tổng hợp báo cáo về tình hình cấp phát kinh phí hỗ trợ, khuyến khích các xã xây dựng nông thôn mới của Quý trước để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm nhất vào ngày 25 của tháng đầu Quý sau.
    Đối với Quý 4, Sở Tài chính tổng hợp gửi báo cáo thực hiện năm chậm nhất là ngày 05/12 để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và gửi các Sở có liên quan.
    2. Điều chỉnh kế hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố giao.
    Căn cứ báo cáo tổng hợp năm do Sở Tài chính lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh kế hoạch kinh phí từ đơn vị không sử dụng sang đơn vị có nhu cầu. Việc điều chỉnh chậm nhất hoàn thành trước ngày 20/12 để kịp thời cấp phát kinh phí hỗ trợ theo quy định.
    3. Quyết toán kinh phí.
    Kinh phí hỗ trợ các xã xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng được tổng hợp vào báo cáo quyết toán chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời lập báo cáo quyết toán riêng của Chương trình (theo Mẫu số 03 kèm theo).
    Điều 9. Trách nhiệm của các Sở, ngành
    1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chủ trì, xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Chương trình theo thời gian quy định của việc lập dự toán ngân sách nhà nước gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định; tổng hợp báo cáo việc thực hiện Chương trình theo quy định; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để phân bổ các nguồn vốn đã được các cấp có thẩm quyền quyết định.
    2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu đề xuất cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn thu từ tiền sử dụng đất thuộc ngân sách thành phố và các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản khác để thực hiện các nội dung theo quy định; hướng dẫn cơ chế lồng ghép các nguồn vốn được phân bổ để thực hiện Chương trình sau khi có quy định, hướng dẫn cụ thể của trung ương; hướng dẫn, giám sát việc triển khai thực hiện các công trình theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
    3. Sở Tài chính chủ trì, tham mưu đề xuất cân đối bố trí nguồn vốn sự nghiệp và vốn tín dụng ưu đãi đầu tư của Nhà nước được trung ương phân bổ theo chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn để thực hiện các nội dung theo quy định; hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý tài chính để thực hiện Chương trình.
    4. Các Sở, ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các nội dung theo chuyên môn nghiệp vụ của từng ngành để thực hiện các nội dung xây dựng hạ tầng nông thôn mới; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để thực hiện lồng ghép các nguồn vốn được giao để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
    Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện
    1. Chỉ đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các xã thực hiện đúng các cơ chế huy động và quản lý vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
    2. Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, lập dự toán ngân sách để thực hiện Chương trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
    3. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn được nguồn vốn để phân bổ cho các xã thực hiện Chương trình theo đúng quy định và theo nguyên tắc giảm dần nợ xây dựng cơ bản theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố.
    4. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các xã thực hiện các dự án, công trình đảm bảo đúng quy định hiện hành và nguồn vốn đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao.
    5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức rà soát, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án, công trình đảm bảo theo Quy chế này.
    Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã
    1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định và cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng xây dựng nông thôn mới để mọi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể biết, hưởng ứng tham gia và giám sát thực hiện.
    2. Thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý các nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo đúng nội dung Đề án đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và kế hoạch ngân sách hàng năm Ủy ban nhân dân thành phố giao, đảm bảo sử dụng ngân sách của Chương trình hiệu quả; định kỳ báo cáo các cấp có thẩm quyền và thực hiện thanh, quyết toán theo quy định.
    3. Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đối ứng, đảm bảo hoàn thành các công trình, dự án được hỗ trợ theo đúng tiến độ, đúng yêu cầu và chất lượng; thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo đúng khả năng huy động vốn, không để tình trạng gia tăng nợ xây dựng cơ bản.
    4. Tổ chức rà sót, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới của xã đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt theo Quy chế này.
    5. Thực hiện đúng quy định về công khai nguồn lực và việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn, các loại quỹ, các khoản đầu tư xây dựng nông thôn mới mà các xã xây dựng theo Hướng dẫn số 06-HD/BCĐ ngày 07/10/2013 của Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ thành phố.
    Điều 12. Quy định về công khai
    Các Sở, ngành và địa phương thực hiện quy định và báo cáo công khai tài chính đối với các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn thành phố theo quy định hiện hành; minh bạch trong việc phân bổ và cấp phát, sử dụng kinh phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
    Điều 13. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
    Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoạch cần điều chỉnh, bổ sung Quy chế, các ngành, các địa phương phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định./.
     
     
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 2157/2013/QĐ-UBND Quy chế quản lý kinh phí hỗ trợ đầu tư XD hạ tầng nông thôn mới Hải Phòng

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng
    Số hiệu:2157/2013/QĐ-UBND
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:04/11/2013
    Hiệu lực:14/11/2013
    Lĩnh vực:Đầu tư, Xây dựng
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Dương Anh Điền
    Ngày hết hiệu lực:01/04/2017
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X