VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ---------------------- Số: 142/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC
Ngày 31 tháng 5 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi làm việc với ban lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (Tổng công ty) về tình hình hoạt động và định hướng kinh doanh trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Văn phòng Chính phủ và các thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc của Tổng công ty. Sau khi nghe báo cáo của Tổng giám đốc Tổng công ty và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:
1. Đánh giá chung:
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước được thành lập nhằm thực hiện chủ trương của Đảng: Nhà nước về đổi mới phương thức quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời tái cơ cấu vốn nhà nước để tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Sau gần 05 năm đi vào hoạt động, Tổng công ty đã đạt được một số kết quả tích cực thể hiện qua sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh, giá trị tổng tài sản, hoạt động đầu tư nhìn chung có hiệu quả, tuyển dụng, đào tạo được đội ngũ cán bộ trẻ, có chuyên môn; đã tiếp nhận, quản lý tốt phần vốn nhà nước tại 933 doanh nghiệp, thực hiện bán vốn nhà nước tại 499 doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối; tiếp tục thực hiện tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà Tổng công ty là đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Tổng công ty cần có định hướng rõ hơn về chiến lược phát triển doanh nghiệp theo từng thời kỳ, đẩy nhanh công tác bán vốn nhà nước, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư để Tổng công ty thực sự trở thành nhà đầu tư chiến lược, có hiệu quả của Chính phủ, một công cụ quan trọng giúp Nhà nước chủ động trong việc thúc đẩy quá trình sắp xếp, đổi mới và tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo định hướng đề ra.
2. Một số nhiệm vụ Tổng công ty cần triển khai trong thời gian tới:
a) Công tác bán vốn nhà nước:
- Căn cứ Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước để phân loại và đẩy nhanh việc bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Tổng công ty đã tiếp nhận; chủ động quyết định, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo các cơ quan chức năng trong trường hợp vượt thẩm quyền để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm đẩy nhanh công tác này.
Trong quá trình bán vốn cần lưu ý hiệu quả bán vốn; thực hiện tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp để tăng lợi nhuận khi bán thúc đẩy quá trình niêm yết để bán vốn thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp sử dụng nhiều đất: khi tiến hành định giá. chuyển nhượng, giá bán phần vốn nhà nước phải bao gồm giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Trường hợp đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng, Tổng công ty báo cáo Hội đồng thành viên quyết định cơ chế giá phù hợp để bảo đảm hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước.
b) Công tác tiếp nhận doanh nghiệp: Chủ động nắm cụ thể các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao và thúc đẩy quá trình chuyển giao về Tổng công ty các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần hiện đang do các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đại diện chủ sở hữu để quản lý theo quy định hiện hành.
c) Tăng cường quản lý chặt chẽ người đại diện vốn nhà nước của Tổng công ty tại các doanh nghiệp; có cơ chế phù hợp để nâng cao trách nhiệm của người đại diện; giao Hội đồng thành viên Tổng công ty xây dựng cơ chế thù lao, đãi ngộ hợp lý trên cơ sở các quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù hoạt động của Tổng công ty, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Hoạt động đầu tư cần triển khai theo định hướng:
- Ưu tiên đầu tư lâu dài vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm giữ chi phối; nâng cao năng lực cả về quản trị và nguồn nhân lực của Tổng công ty để từng bước giúp Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn theo hướng đến năm 2015 có thể tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại các Tổng công ty, đến năm 2020 tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại các Tập đoàn kinh tế.
- Tham gia đầu tư vào các công trình, dự án hạ tầng quan trọng mà Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư, trong đó Tổng công ty đóng vai trò nhà đầu tư tài chính và huy động các nguồn vốn trong nước, quốc tế để triển khai thực hiện.
3. Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Tổng công ty, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty; Văn phòng Chính phủ bố trí buổi làm việc do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì để xem xét, thảo luận các dự thảo này.
4. Về một số đề xuất, kiến nghị cụ thể của Tổng công ty tại buổi làm việc: giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan chủ động xem xét, xử lý và giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Phạm Văn Phượng |