hieuluat

Thông tư 110/2000/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước dành cho đầu tư và xây dựng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:110/2000/TT-BTCNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Vũ Văn Ninh
    Ngày ban hành:14/11/2000Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:14/11/2000Tình trạng hiệu lực:Đã sửa đổi
    Lĩnh vực:Đầu tư, Xây dựng, Doanh nghiệp
  • thông tư

    THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 110/2000/TT-BTC NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP
    NHÀ NƯỚC DÀNH CHO ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG

    - Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước;

    - Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;

    - Căn cứ Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;

    - Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước;

    - Căn cứ Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Quy chế Quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ;

    Sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước dành cho đầu tư và xây dựng như sau:

     

    I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước (viết tắt là DNNN), trong đó bao gồm các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước.

    2. Dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN là các dự án: có sử dụng một phần vốn hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc từ ngân sách, vốn do doanh nghiệp tự tích luỹ, vốn tín dụng thương mại để đầu tư phát triển, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính (bù đắp tổn thất tài sản), quỹ phúc lợi (đầu tư các công trình phúc lợi), vốn khấu hao tài sản cố định và các khoản thu của Nhà nước để lại cho doanh nghiệp để đầu tư.

    3. Đối với các dự án sửa chữa tài sản cố định, việc quản lý và thanh toán chi phí sửa chữa tài sản cố định được thực hiện theo chế độ quản lý tài chính của DNNN hiện hành. Trường hợp DNNN sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đầu tư sửa chữa tài sản cố định thì DNNN phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

    4. Các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư và xây dựng, được cân đối vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của doanh nghiệp. DNNN được tự tổ chức thanh toán hoặc lựa chọn các tổ chức thanh toán vốn để giúp doanh nghiệp quản lý thanh toán vốn đầu tư phát triển.

    DNNN thực hiện đầy đủ chế độ kế toán - thống kê và quyết toán vốn đầu tư theo qui định hiện hành.

    5. Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN có trách nhiệm tổ chức quản lý và thực hiện dự án đầu tư, tự chịu trách nhiệm về bảo toàn vốn và hiệu quả đầu tư của dự án trên cơ sở thực hiện đúng các chế độ chính sách hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu.

    6. Cơ quan quản lý tài chính DNNN thực hiện chức năng quản lý tài chính nhà nước và giám sát việc sử dụng vốn đảm bảo an toàn có hiệu quả đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của DNNN. Kho bạc nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nhà nước (sau đây gọi chung là tổ chức thanh toán vốn) có trách nhiệm giúp DNNN kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình thanh toán vốn đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ cho dự án và phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, đồng thời phát hiện để ngăn chặn kịp thời việc sử dụng vốn sai mục đích, sai chế độ gây lãng phí thất thoát tiền vốn của DNNN.

    7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổng công ty nhà nước, các Hội, các Đoàn thể (gọi chung là các Bộ), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là UBND tỉnh), có trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng và quy định tại Thông tư này.

     

    II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

     

    1. Vốn đầu tư phát triển của DNNN được sử dụng để đầu tư và xây dựng cho các mục đích sau:

    - Dự án đầu tư và xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các dự án đã đầu tư.

    - Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp và sản phẩm công nghệ khoa học mới.

    DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng vốn theo các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan khi sử dụng vốn đầu tư phát triển vào các mục đích sau đây:

    - Mua cổ phiếu, góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh và các hình thức đầu tư khác.

    - Đầu tư liên doanh với nước ngoài.

    2. Vốn đầu tư phát triển của DNNN được hình thành từ các nguồn sau:

    2.1. Vốn chủ sở hữu của DNNN :

    + Quỹ đầu tư phát triển;

    + Vốn khấu hao tài sản cố định;

    + Vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

    + Vốn ngân sách nhà nước cấp ban đầu;

    + Quỹ phúc lợi (sử dụng cho đầu tư các công trình phúc lợi);

    + Các khoản thu của Nhà nước để lại doanh nghiệp đầu tư.

    Việc sử dụng Quỹ dự phòng tài chính chỉ để bù đắp tài sản tổn thất: tài sản của DNNN do mất mát, hư hỏng, giảm giá do các nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra.

    Đối với các Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 91/TTg và Quyết định số 90/TTg ngày 07/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Tổng công ty 91/TTg và Tổng công ty 90/TTg); Tổng Giám đốc theo uỷ quyền của Hội đồng quản trị quyết định việc huy động một phần vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập để phục vụ nhu cầu đầu tư tập trung của Tổng công ty theo quy định chế độ quản lý tài chính hiện hành.

    2.2. Vốn đầu tư phát triển do DNNN huy động:

    - Vốn đầu tư do ngân sách nhà nước hỗ trợ: các dự án đầu tư của DNNN sử dụng vốn đầu tư phát triển hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng.

    - Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh: các dự án của DNNN sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 24/6/1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

    - Vốn tín dụng thương mại: các dự án của DNNN có sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn sử dụng của các tổ chức tín dụng cho vay vốn trên cơ sở hợp đồng vay vốn.

    - Vốn được huy động từ nguồn khác như : phát hành trái phiếu doanh nghiệp, liên doanh, liên kết...các dự án đầu tư của DNNN khi sử dụng các nguồn vốn này phải thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước.

    3. Thẩm quyền quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN được quy định như sau:

    3.1. Đối với các dự án nhóm A thuộc tất cả các nguồn vốn nêu trên (nói tại phần II.2), thẩm quyền quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư được áp dụng theo quy định như dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước quy định tại Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ.

    3.2. Đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn chủ sở hữu của DNNN (nói tại điểm 2.1 phần II.2), DNNN căn cứ vào quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để quyết định đầu tư; nếu dự án có sử dụng đất thì phải được UBND cấp có thẩm quyền của địa phương nơi xin đất chấp thuận về địa điểm, diện tích đất của dự án và làm thủ tục giao đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án nhóm B, C sử dụng vốn chủ sở hữu của DNNN như sau:

    - Đối với các DNNN là doanh nghiệp thành viên trong các Tổng công ty 91/TTg và Tổng công ty 90/TTg thì phải được Hội đồng quản trị phê duyệt.

    - Đối với các DNNN độc lập, có Hội đồng quản trị thì thẩm quyền quyết định đầu tư được Hội đồng quản trị phê duyệt.

    - Đối với các DNNN độc lập không có Hội đồng quản trị thì thẩm quyền quyết định đầu tư do Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp phê duyệt.

    - Đối với các dự án đầu tư của các DNNN hoạt động trong lĩnh vực công ích thì cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp quyết định đầu tư hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp quyết định đầu tư.

    Quá trình thực hiện đầu tư của dự án do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trên cơ sở thực hiện đúng các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu.

    4. Lập và báo cáo kế hoạch vốn đầu tư của DNNN:

    4.1. Căn cứ vào tiến độ thực hiện của các dự án đang được đầu tư, các dự án đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và kế hoạch huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư của DNNN, các DNNN thành viên, DNNN độc lập hoặc Tổng công ty lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm của DNNN.

    Đối với các DNNN là doanh nghiệp thành viên trong Tổng công ty 91/TTg và Tổng công ty 90/TTg hoặc các DNNN có Hội đồng quản trị thì kế hoạch sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp phải được Hội đồng quản trị phê duyệt. Các DNNN độc lập, không có Hội đồng quản trị thì kế hoạch vốn đầu tư do Tổng Giám đốc ( hoặc Giám đốc ) phê duyệt.

    4.2. Kế hoạch vốn đầu tư của DNNN sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp thông báo với cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp để có cơ sở theo dõi kiểm tra, giám sát, đồng thời kế hoạch vốn đầu tư được duyệt phải báo cáo cho Tổng công ty (nếu có), Bộ, UBND tỉnh (đối với dự án thuộc thẩm quyền quản lý).

    4.3. Các Bộ, UBND các tỉnh và Hội đồng quản trị các Tổng công ty 91/TTg tổng hợp chung vào kế hoạch vốn đầu tư hàng năm gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

    5. Điều kiện thanh toán vốn đầu tư của DNNN:

    5.1. Đối với dự án đầu tư:

    - Chuẩn bị đầu tư: văn bản của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư; dự toán chi cho công tác chuẩn bị đầu tư tương ứng.

    - Chuẩn bị thực hiện dự án: báo cáo đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; dự toán chi cho công tác chuẩn bị thực hiện dự án.

    - Thực hiện dự án đầu tư: có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Những dự án nhóm A-B nếu chưa có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt thì trong quyết định đầu tư phải quy định mức vốn của từng hạng mục công trình, có thiết kế, dự toán hạng mục công trình thi công trong năm được duyệt.

    5.2. Dự án đã được cân đối trong kế hoạch vốn đầu tư của doanh nghiệp tương ứng với tiến độ thi công của dự án trong năm kế hoạch, có quyết định thành lập Ban quản lý dự án (trường hợp phải thành lập Ban quản lý dự án), bổ nhiệm Trưởng ban, Kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán giúp DNNN quản lý dự án theo quy định.

    5.3. Dự án đã thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu tuyển chọn tư vấn, mua sắm thiết bị, xây lắp theo quy định của Quy chế Đấu thầu; có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của cấp có thẩm quyền; hợp đồng kinh tế giữa DNNN và nhà thầu.

    5.4. Có khối lượng xây lắp, mua sắm thiết bị, tư vấn thực hiện được DNNN chấp thuận thanh toán, không phân biệt hình thức tự làm hoặc theo hợp đồng giao thầu.

    Mỗi lần thanh toán vốn đầu tư, bên nhận thầu phải chuyển cho DNNN các hồ sơ sau:

    - Đối với khối lượng xây lắp hoàn thành:

    + Biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành kèm theo bản tính giá trị khối lượng được nghiệm thu.

    + Phiếu giá và chứng từ thanh toán.

    - Đối với khối lượng thiết bị:

    + Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho (đối với thiết bị mua trong nước); bộ chứng từ nhập khẩu (đối với thiết bị nhập khẩu).

    + Phiếu nhập kho (đối với thiết bị không cần lắp) hoặc biên bản nghiệm thu khối lượng lắp đặt thiết bị (đối với thiết bị cần lắp).

    + Các chứng từ vận chuyển, bảo hiểm, thuế, phí lưu kho.

    + Phiếu giá và các chứng từ thanh toán.

    - Đối với khối lượng công tác tư vấn:

    + Biên bản nghiệm thu khối lượng tư vấn.

    + Chứng từ thanh toán.

    Đối với các công việc thuộc khoản chi phí khác, ngoài các công việc đã thuê tư vấn của dự án được thanh toán khi đã có đủ các căn cứ chứng minh công việc đã được thực hiện.

    Căn cứ vào các hồ sơ nói tại các điểm 5.1;5.2;5.3 (hồ sơ gửi 1 lần) và hồ sơ đề nghị thanh toán nói tại điểm 5.4 (hồ sơ gửi cho từng lần đề nghị thanh toán), DNNN chấp nhận thanh toán khi khối lượng, công việc hoàn thành trong các hồ sơ đề nghị thanh toán phù hợp với các hồ sơ quy định nói trên và hệ thống chính sách về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.

    6. Tổ chức thanh toán vốn đầu tư: các DNNN căn cứ vào kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm của doanh nghiệp, dự án được duyệt, hợp đồng ký kết với các nhà thầu (hoặc tự làm), đảm bảo nguồn vốn đáp ứng tiến độ thanh toán cho các đơn vị nhận thầu. Việc thanh toán vốn đầu tư của doanh nghiệp được thực hiện bằng các hình thức:

    - DNNN tự thực hiện việc thanh toán: trong trường hợp này, DNNN tự chịu trách nhiệm về việc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư cho các nhà thầu và nhà cung cấp.

    - DNNN thực hiện thanh toán thông qua một tổ chức thanh toán vốn, trường hợp này DNNN chuyển vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp cho các tổ chức thanh toán vốn, nơi doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư. Các tổ chức thanh toán thực hiện việc kiểm soát, thanh toán theo yêu cầu của DNNN.

    Để tiếp nhận và quản lý thanh toán vốn đầu tư của DNNN cho các dự án đầu tư tại các tổ chức thanh toán vốn, chủ đầu tư phải làm thủ tục mở tài khoản theo dõi riêng cho dự án đầu tư tại các tổ chức thanh toán vốn. Thủ tục đăng ký mở tài khoản thực hiện theo hướng dẫn của các tổ chức thanh toán vốn. Các tổ chức thanh toán vốn phải tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư mở tài khoản và sử dụng tài khoản tại đơn vị phục vụ.

    DNNN căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư của DNNN cho các dự án đầu tư, căn cứ vào số dư nguồn vốn của doanh nghiệp tại tổ chức thanh toán và nhu cầu vốn tại thời điểm thanh toán để chuyển vốn đầu tư cho tổ chức thanh toán.

    7. Việc lựa chọn hình thức tạm ứng vốn, thanh toán vốn và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư do DNNN(chủ đầu tư) thoả thuận với các nhà thầu ( xây lắp, mua sắm thiết bị, tư vấn) được thực hiện trên cơ sở kế hoạch huy động vốn đầu tư hàng năm của DNNN và các chính sách hiện hành của Nhà nước thông qua hợp đồng.

    8. Công tác quyết toán vốn đầu tư: Khi công trình hoặc dự án đầu tư hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm quyết toán toàn bộ vốn đầu tư của công trình theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.

    Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án nhóm A; cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư của DNNN chịu trách nhiệm thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án nhóm B,C.

    9. Hàng quý, năm các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp cho các Tổng công ty (nếu có), Bộ, UBND tỉnh trực tiếp quản lý, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp. Cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, Bộ, UBND tỉnh, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91/TTg có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

     

    III. TRÁCH NHIỆM CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

     

    1. Các Bộ, UBND tỉnh:

    - Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển của DNNN theo chức năng quản lý tài chính DNNN được Chính phủ giao.

    - Chỉ đạo công tác quản lý, kiểm soát quá trình quản lý vốn đầu tư và tổ chức tổng hợp tình hình sử dụng các nguồn vốn đầu tư của DNNN theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này.

    2. Hội đồng quản trị các Tổng công ty 91/TTg và Tổng công ty 90/TTg, Hội đồng quản trị các doanh nghiệp độc lập, Tổng Giám đốc (hoặc Giám đốc) các DNNN có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước giao cho doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về việc quyết định đầu tư và hiệu quả của các dự án đầu tư.

    - Chỉ đạo các DNNN (chủ đầu tư) trong công tác quản lý, kiểm soát quá trình quản lý vốn đầu tư và tổ chức tổng hợp tình hình sử dụng các nguồn vốn đầu tư của DNNN theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này.

    3. Chủ đầu tư:

    - Có trách nhiệm tổ chức quản lý và thực hiện dự án đầu tư, bảo toàn và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của dự án trên cơ sở thực hiện đúng các chế độ chính sách hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu.

    - Cung cấp các tài liệu, hồ sơ cần thiết cho cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp; tổ chức thanh toán vốn và các cơ quan khác có liên quan theo quy định hiện hành của Nhà nước.

    - Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, có hiệu quả, chấp hành đúng chế độ quản lý vốn đầu tư và xây dựng hiện hành.

    - Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và quyết toán vốn đầu tư theo qui định tại Thông tư này.

    4. Các tổ chức thanh toán vốn:

    - Tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán, kế toán vốn đầu tư theo đúng chế độ qui định.

    - Xác nhận số vốn đã thanh toán của từng dự án khi quyết toán.

    - Chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các chứng từ đề nghị thanh toán đảm bảo cấp vốn theo đúng hợp đồng, dự án được duyệt.

    - Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý và thanh toán vốn đầu tư của DNNN.

    5. Cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp: chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quyết định đầu tư và thực hiện quyết toán vốn đầu tư của DNNN.

     

    IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Mọi qui định trước đây về quản lý và sử dụng vốn của DNNN dành cho đầu tư xây dựng trái với Thông tư này đều bãi bỏ

    2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, UBND tỉnh, Tổng công ty, DNNN và chủ đầu tư phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi bổ sung.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 59/CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước
    Ban hành: 03/10/1996 Hiệu lực: 03/10/1996 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 27/1999/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/Cp ngày 03/10/1996 của Chính phủ
    Ban hành: 20/04/1999 Hiệu lực: 05/05/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
    Ban hành: 08/07/1999 Hiệu lực: 23/07/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định 12/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ
    Ban hành: 05/05/2000 Hiệu lực: 20/05/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    05
    Thông tư 55/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc bổ sung, sửa đổi Thông tư số 110/2000/TT-BTC ngày 14/11/2000 hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước dành cho đầu tư xây dựng
    Ban hành: 06/07/2001 Hiệu lực: 06/07/2001 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    06
    Nghị định 43/1999/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước
    Ban hành: 29/06/1999 Hiệu lực: 01/01/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Thông tư 110/2000/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước dành cho đầu tư và xây dựng

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:110/2000/TT-BTC
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:14/11/2000
    Hiệu lực:14/11/2000
    Lĩnh vực:Đầu tư, Xây dựng, Doanh nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Vũ Văn Ninh
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Đã sửa đổi
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X