Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: | 1023&1024-11/2018 |
Số hiệu: | 50/2018/TT-BGTVT | Ngày đăng công báo: | 04/11/2018 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Nhật |
Ngày ban hành: | 11/09/2018 | Hết hiệu lực: | 01/03/2023 |
Áp dụng: | 27/10/2018 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Cơ cấu tổ chức, Giao thông |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 50/2018/TT-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2018 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ Giao thông vận tải quản lý,
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án (sau đây gọi tắt là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị được ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cục quản lý chuyên ngành là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
2. Ban quản lý dự án là Ban quản lý dự án do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập.
Điều 4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án
1. Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, bao gồm:
a) Dự án quan trọng quốc gia (khi được Thủ tướng Chính phủ giao);
b) Dự án nhóm A;
c) Dự án nhóm B và C có liên quan từ hai Cục quản lý chuyên ngành trở lên hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Cục quản lý chuyên ngành; các dự án có tính chất phức tạp khác theo quyết định cụ thể của Bộ Giao thông vận tải.
2. Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Cục quản lý chuyên ngành là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhóm B và C, trừ các dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Phạm vi, nội dung ủy quyền và trách nhiệm của cơ quan được ủy quyền thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Chương II. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ DỰ ÁN
Điều 5. Lựa chọn tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập
1. Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ của Chủ đầu tư và Bên mời thầu theo quy định của pháp luật đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, bao gồm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (gồm cả bổ sung, điều chỉnh nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu hoặc hồ sơ mời thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng; các nhiệm vụ khác của Chủ đầu tư, Bên mời thầu theo quy định pháp luật.
2. Cục quản lý chuyên ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chủ đầu tư và Bên mời thầu theo quy định của pháp luật đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Điều 6. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập
1. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Ban quản lý dự án tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông vận tải để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
2. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Ban quản lý dự án tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này; Cục quản lý chuyên ngành tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này; trình Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Điều 7. Công bố dự án
1. Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi với dự án nhóm C, Vụ Đối tác công - tư chủ trì tham mưu ban hành quyết định công bố dự án.
2. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt công bố dự án, Ban quản lý dự án đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, Cục quản lý chuyên ngành đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này chủ trì công bố dự án, danh mục dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 8. Dự án do nhà đầu tư đề xuất
1. Nhà đầu tư gửi hồ sơ đề xuất dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm C đến Ban quản lý dự án đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này; gửi đến Cục quản lý chuyên ngành đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Ban quản lý dự án, Cục quản lý chuyên ngành kiểm tra, rà soát hồ sơ đề xuất hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm C trước khi trình Bộ Giao thông vận tải.
2. Đối với dự án có từ 02 nhà đầu tư trở lên cùng gửi hồ sơ đề xuất dự án.
a) Ban quản lý dự án có trách nhiệm tổ chức đánh giá, lựa chọn đề xuất dự án theo quy định với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, trình Bộ Giao thông vận tải;
b) Cục quản lý chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức đánh giá, lựa chọn đề xuất dự án theo quy định với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trình Bộ Giao thông vận tải;
c) Việc tổ chức đánh giá, lựa chọn đề xuất dự án theo quy định pháp luật.
3. Thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thực hiện theo Điều 6 Thông tư này.
4. Thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm C thực hiện theo Khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
5. Trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi với dự án nhóm C, việc công bố dự án do nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Điều 9. Lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi
1. Dự án do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập
a) Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ của Chủ đầu tư và Bên mời thầu theo quy định của pháp luật đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, bao gồm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (gồm cả bổ sung, điều chỉnh nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu hoặc hồ sơ mời thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng; các nhiệm vụ khác của Chủ đầu tư, Bên mời thầu theo quy định pháp luật;
b) Cục quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ của Chủ đầu tư và Bên mời thầu theo quy định của pháp luật đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
2. Dự án do Nhà đầu tư đề xuất
Nhà đầu tư tổ chức lựa chọn tư vấn theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi
1. Lập, trình Báo cáo nghiên cứu khả thi
a) Ban quản lý dự án tổ chức lập, trình Bộ Giao thông vận tải Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
b) Cục quản lý chuyên ngành tổ chức lập, trình Bộ Giao thông vận tải Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
c) Nhà đầu tư tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án được phê duyệt tại Khoản 5 Điều 8 Thông tư này. Nhà đầu tư gửi Báo cáo nghiên cứu khả thi đến Bộ Giao thông vận tải (qua Ban quản lý dự án) đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này và gửi đến Cục quản lý chuyên ngành đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Ban quản lý dự án, Cục quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát trình Bộ Giao thông vận tải.
2. Thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi
Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng.
Điều 11. Điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi
1. Ban quản lý dự án tổ chức lập, trình Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
2. Cục quản lý chuyên ngành tổ chức lập, trình Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
3. Trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lập: Ban quản lý dự án đối với các dự án tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, Cục quản lý chuyên ngành đối với các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát trình Bộ Giao thông vận tải.
Chương III. LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ VÀ KÝ HỢP ĐỒNG DỰ ÁN
Điều 12. Đối với dự án do Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Lựa chọn nhà đầu tư
a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ của Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Ban quản lý dự án là Bên mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm lập, trình hồ sơ mời sơ tuyển; tổ chức sơ tuyển, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, trình kết quả sơ tuyển nhà đầu tư, công khai danh sách ngắn; lập, trình kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; lập, trình hồ sơ yêu cầu hoặc hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất, trình kết quả lựa chọn nhà đầu tư (đề xuất kỹ thuật, đề xuất tài chính, đàm phán sơ bộ hợp đồng dự án), công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; các nhiệm vụ khác của Bên mời thầu theo quy định pháp luật.
2. Đàm phán, ký kết hợp đồng dự án
a) Trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo hợp đồng dự án, kế hoạch và nội dung đàm phán hợp đồng; Bộ Giao thông vận tải tổ chức đàm phán hợp đồng dự án;
b) Ban quản lý dự án hoàn thiện hợp đồng sau khi đàm phán và trình hợp đồng dự án để Bộ Giao thông vận tải ký kết với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án.
3. Công khai thông tin hợp đồng dự án
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng dự án, Ban quản lý dự án công bố công khai thông tin hợp đồng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.
Điều 13. Đối với dự án do Cục quản lý chuyên ngành là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Lựa chọn nhà đầu tư
Cục quản lý chuyên ngành thực hiện toàn bộ nhiệm vụ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đấu thầu các dự án tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
2. Hợp đồng dự án
Cục quản lý chuyên ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Thông tư này và các quy định khác có liên quan.
3. Công khai thông tin hợp đồng dự án
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng dự án, Cục quản lý chuyên ngành công bố công khai thông tin hợp đồng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.
Chương IV. GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN DỰ ÁN
Điều 14. Nhiệm vụ của Ban quản lý dự án đối với dự án do Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
2. Về công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng công trình
a) Căn cứ quy định của pháp luật về xây dựng, hợp đồng dự án thực hiện kiểm tra, rà soát đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí các gói thầu tư vấn, trình cơ quan chuyên môn về xây dựng để tổ chức thực hiện công tác thẩm định;
b) Kiểm tra, rà soát và trình cơ quan chuyên môn về xây dựng để tổ chức thẩm định, thẩm định điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế 03 bước, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế 02 bước và dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng năm 2014; khoản 2 Điều 25 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; khoản 10 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP; Điều 10 và Điều 11 Nghị định 32/2015/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan; tiếp nhận, rà soát hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình do Doanh nghiệp dự án phê duyệt, kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý trong trường hợp có sai khác với kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng;
c) Trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, tổ chức thực hiện công tác lập đề cương nhiệm vụ, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán để trình Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định trước khi lựa chọn nhà đầu tư.
3. Về công tác giải phóng mặt bằng
a) Phối hợp với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án, Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng và các cơ quan liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư theo quy định tại hợp đồng dự án;
b) Kiểm tra việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư báo cáo Bộ Giao thông vận tải để giải quyết kịp thời những nội dung liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP;
c) Theo dõi, đôn đốc Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án, Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng thực hiện trách nhiệm quản lý, thanh toán, quyết toán vốn giải phóng mặt bằng theo quy định;
d) Trực tiếp làm việc, đôn đốc địa phương hoàn thành công tác quyết toán giải phóng mặt bằng và kiểm tra, rà soát giá trị quyết toán giải phóng mặt bằng để trình Bộ Giao thông vận tải tổng hợp chung vào giá trị quyết toán dự án đầu tư xây dựng.
4. Về quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng dự án
a) Kiểm tra, xem xét hồ sơ phụ lục điều chỉnh, bổ sung hợp đồng dự án (nếu có) và giá trị quyết toán chi phí đầu tư công trình hoàn thành, trình Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận hoặc phê duyệt theo quy định tại hợp đồng dự án;
b) Theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong giai đoạn thực hiện đầu tư và bảo hành; phối hợp với các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn thực hiện đầu tư (bao gồm cả việc quyết toán chi phí đầu tư công trình hoàn thành) theo quy định của hợp đồng dự án, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan;
c) Giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án. Trường hợp Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án vi phạm hợp đồng dự án, kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý theo quy định;
d) Kiểm tra tính pháp lý và quản lý Bảo đảm thực hiện hợp đồng của Nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; theo dõi thời hạn Bảo đảm thực hiện hợp đồng đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện dự án theo quy định.
5. Về quản lý nguồn vốn của dự án
a) Xây dựng kế hoạch vốn hàng năm (vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác) của dự án để báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Theo dõi và báo cáo định kỳ tiến độ huy động vốn, tiến độ giải ngân của dự án theo quy định;
b) Nguồn vốn của Nhà nước tham gia thực hiện dự án: Tiếp nhận nguồn vốn của Nhà nước tham gia thực hiện dự án và thực hiện việc cấp phát, thanh toán theo quy định của pháp luật và Hợp đồng dự án; đôn đốc, hướng dẫn Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án hoàn trả chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư và chi phí bảo toàn nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư (nếu có) để tạo nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án khác theo quy định tại hợp đồng dự án;
c) Nguồn vốn do Nhà đầu tư huy động: Kiểm tra tiến độ huy động vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) phù hợp với tiến độ quy định trong hợp đồng dự án. Khi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vi phạm quy định pháp luật và Hợp đồng dự án, Ban Quản lý dự án đề xuất và báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý theo quy định pháp luật và quy định tại hợp đồng dự án; kiểm tra, rà soát, có ý kiến về giá trị giải ngân, tiến độ giải ngân, giá trị hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án theo quy định tại hợp đồng dự án; kiểm tra, có ý kiến về lãi suất tiền vay, số lãi vay phải trả, lợi nhuận nhà đầu tư và một số thông số tài chính khác (nếu có) trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo phù hợp với quy định của hợp đồng dự án và quy định của pháp luật.
6. Về quản lý chất lượng công trình
a) Kiểm tra quá trình thi công xây dựng và chất lượng công trình theo quy định tại hợp đồng dự án và các quy định của pháp luật;
b) Kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành công trình theo quy định hợp đồng dự án;
c) Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình và toàn bộ công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng hoặc khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu và theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP;
d) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn công trình và an toàn giao thông trong quá trình thi công theo quy định tại hợp đồng dự án.
7. Về nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng
a) Tham gia nghiệm thu giai đoạn (nếu có), nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng;
b) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu do Doanh nghiệp dự án cung cấp, đánh giá chất lượng công trình xây dựng, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để phục vụ cho công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 123 Luật Xây dựng và Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
8. Công tác lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng
a) Hướng dẫn Doanh nghiệp dự án lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành theo quy định pháp luật về xây dựng và hợp đồng dự án;
b) Đề nghị Doanh nghiệp dự án chuyển một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng để lưu trữ theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP;
c) Hướng dẫn Doanh nghiệp dự án lập hồ sơ và nộp vào Lưu trữ lịch sử công trình theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
9. Công tác bảo hành công trình
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng của Doanh nghiệp dự án, nhà thầu theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, các quy định của Bộ Giao thông vận tải và quy định tại hợp đồng dự án.
10. Về quyết toán vốn đầu tư xây dựng
a) Hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình hoàn thành đảm bảo để trình Bộ Giao thông vận tải trong thời hạn quy định của hợp đồng dự án;
b) Hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành; thực hiện kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ quyết toán dự án từ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; chịu trách nhiệm kiểm tra xem xét hồ sơ quyết toán, kiểm tra quyết toán theo các nội dung quy định về quyết toán dự án hoàn thành; rà soát tình hình thực hiện của chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án về các kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; tổng hợp, trình Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản kết quả kiểm tra quyết toán để Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận quyết toán dự án hoàn thành theo quy định;
c) Đối với các dự án đang quyết toán dở dang, các giá trị còn lại chưa quyết toán (lãi vay trong giai đoạn xây dựng, chi phí bảo tồn vốn trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, một số chi phí khác,...), ngoài nhiệm vụ tại điểm a, b khoản 10 Điều này, Ban Quản lý dự án rà soát, kiểm tra điều kiện hợp đồng dự án, làm việc với Nhà đầu tư để lập Biên bản ghi nhận khối lượng và giá trị còn lại chưa quyết toán làm cơ sở tạm xác định trong phụ lục điều chỉnh hợp đồng dự án, sau khi các giá trị còn lại được quyết toán, tiếp tục cập nhật và tính toán lại phương án tài chính dự án, điều chỉnh hợp đồng theo quy định.
11. Về báo cáo, giám sát, đánh giá đầu tư
Kiểm tra, hướng dẫn Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thực hiện giám sát đánh giá dự án theo quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư và quy định tại Hợp đồng dự án.
12. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công để tổ chức lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng công trình làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
a) Trường hợp Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ của Ban quản lý dự án tương tự như dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư;
b) Trường hợp cơ quan khác được giao làm chủ đầu tư, thực hiện theo quy định như đối với dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công.
13. Chế độ báo cáo
a) Định kỳ hàng tháng (trước ngày 22 của tháng báo cáo) hoặc khi Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, báo cáo tình hình thực hiện dự án đến thời điểm báo cáo, bao gồm tiến độ, khối lượng, giá trị thực hiện; nhận xét đánh giá về chất lượng công trình; sự tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng; danh sách các tổ chức, cá nhân được lựa chọn để quản lý, cung cấp dịch vụ tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung cấp thiết bị và các tổ chức, cá nhân khác; giá trị huy động vốn vay, vốn chủ sở hữu; giá trị giải ngân, lãi suất; thuận lợi và vướng mắc; các nội dung cần thiết khác;
b) Báo cáo đột xuất khi xảy ra sự cố công trình, sự kiện bất khả kháng, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc khi thấy cần thiết;
c) Đôn đốc Doanh nghiệp dự án thực hiện chế độ báo cáo.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng dự án và Bộ Giao thông vận tải.
Điều 15. Đối với dự án do Cục quản lý chuyên ngành là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Căn cứ các quy định tại Điều 14 của Thông tư này, Cục quản lý chuyên ngành tổ chức thực hiện toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
Chương V. GIAI ĐOẠN KINH DOANH, KHAI THÁC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG TRÌNH
Điều 16. Nhiệm vụ của Cục quản lý chuyên ngành đối với dự án do Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định các nội dung
a) Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đối với các dự án quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
b) Liên quan đến điều chỉnh phí (giá), đối tượng thu phí (giá) dịch vụ và các nội dung khác liên quan đến việc thu phí (giá) dịch vụ thuộc thẩm quyền xử lý, quyết định của Bộ Giao thông vận tải hoặc các Bộ, ngành liên quan;
c) Phụ lục hợp đồng dự án đối với các dự án quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
2. Cục quản lý chuyên ngành tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình dự án theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
3. Chế độ báo cáo
a) Báo cáo định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo) về số thu và lưu lượng phương tiện; báo cáo 6 tháng đầu năm (trước ngày 10 tháng 7) và báo cáo năm (trước ngày 28 tháng 02 hàng năm tiếp theo) về tình hình giao thông, tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo trì, lưu lượng phương tiện, số thu phí (giá) dịch vụ, các khoản thu khác và các thông số tài chính khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án. Báo cáo năm phải được thực hiện kiểm toán trước khi báo cáo. Xây dựng, ban hành các biểu mẫu báo cáo;
b) Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Đôn đốc Doanh nghiệp dự án thực hiện chế độ báo cáo.
Điều 17. Đối với dự án do Cục quản lý chuyên ngành là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Cục quản lý chuyên ngành tổ chức thực hiện toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
Chương VI. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 18. Trách nhiệm của Ban quản lý dự án
1. Chịu trách nhiệm về trình tự, thủ tục, tính chính xác của số liệu, nội dung hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư, Bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong công tác lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án; bên mời thầu trong công tác lựa chọn nhà đầu tư;
2. Chịu trách nhiệm công bố thông tin trên trang Web: ppp.mt.gov.vn theo phân cấp;
3. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Điều 19. Trách nhiệm của Cục quản lý chuyên ngành
1. Chịu trách nhiệm về trình tự, thủ tục, tính chính xác của số liệu, nội dung hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi;
2. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật và Thông tư này;
3. Chịu trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin liên quan theo nhiệm vụ quản lý ngành; công bố thông tin trên trang Web: ppp.mt.gov.vn theo phân cấp;
4. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra doanh thu hoàn vốn dự án; có biện pháp chống thất thoát doanh thu; kiểm soát các thông số khác liên quan đến phương án tài chính dự án trong quá trình khai thác.
Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Xử lý chuyển tiếp
1. Các dự án đã ký hợp đồng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định của hợp đồng dự án đã được ký kết;
2. Đối với các dự án ký thỏa thuận đầu tư hoặc đang trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng dự án, Ban quản lý dự án, Cục quản lý chuyên ngành có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với Nhà đầu tư để đưa các quy định của Thông tư này vào hợp đồng dự án làm cơ sở triển khai thực hiện;
3. Các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Thông tư này;
4. Khi văn bản dẫn chiếu được điều chỉnh, thay thế sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật được điều chỉnh, thay thế.
Điều 21. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 10 năm 2018.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân có văn bản báo cáo Bộ GTVT để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản thay thế |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
Thông tư 50/2018/TT-BGTVT thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải |
Số hiệu: | 50/2018/TT-BGTVT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 11/09/2018 |
Hiệu lực: | 27/10/2018 |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Cơ cấu tổ chức, Giao thông |
Ngày công báo: | 04/11/2018 |
Số công báo: | 1023&1024-11/2018 |
Người ký: | Nguyễn Nhật |
Ngày hết hiệu lực: | 01/03/2023 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |