Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1940/1997/TT-BKHCNMT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Chu Hảo |
Ngày ban hành: | 15/11/1997 | Hết hiệu lực: | 07/08/2002 |
Áp dụng: | 30/11/1997 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Khoa học-Công nghệ |
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1940/1997/TT-BKHCNMT | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1997 |
THÔNG TƯ
Của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường số 1940/1997/TT-BKHCNMT ngày 15 tháng 11 năm 1997 hướng dẫn thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép đầu tư
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 12 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước;
Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 92/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng;
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành thông tư này hướng dẫn việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
I.1. "Thẩm định công nghệ các dự án đầu tư" (gọi tắt là thẩm định công nghệ) nói trong thông tư này được hiểu là quá trình xem xét, đánh giá sự thích hợp của công nghệ đã nêu trong dự án so với nội dung và các mục tiêu của dự án đầu tư trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Nhà nước tại thời điểm thẩm định dự án để đưa ra kiến nghị về việc cấp giấy phép đầu tư cho dự án.
I.2. Đối tượng thẩm định công nghệ gồm:
a. Các dự án đầu tư nêu trong các điều 1, 7, 12, và 26 Nghị định 12/CP ngày 18-2-97 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
b. Các dự án đầu tư được nêu trong Nghị định số 42/CP ngày 16-7-1996 và được bổ sung, điều chỉnh theo Nghị định số 92/CP ngày 23-8-97;
c. Các dự án đầu tư theo các hình thức nêu trong điều 1, mục 1, 4 và 5, Nghị định 29/CP ngày 12-5-95 quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước;
d. Các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ v.v...
I.3. Nội dung thẩm định công nghệ gồm:
- Các sản phẩm do công nghệ tạo ra. Thị trường sản phẩm;
- Lựa chọn công nghệ;
- Các thiết bị trong dây chuyền công nghệ;
- Nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất;
- Tổ chức quản lý sản xuất. Lao động và đào tạo;
- An toàn và vệ sinh lao động. Phòng chống cháy, chống nổ;
- Hiệu quả của công nghệ;
- Chuyển giao công nghệ;
- Đánh giá ảnh hưởng của công nghệ đối với môi trường.
II. NỘI DUNG CHI TIẾT THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ
II.1. Các sản phẩm do công nghệ tạo ra. Thị trường sản phẩm.
Trong hồ sơ dự án những nội dung sau cần được thẩm định:
a. Dự báo nhu cầu thị trường (cả trong và ngoài nước) có kể đến các sản phẩm cùng loại đã và sẽ có, độ tin cậy của dự báo;
b. Dự báo thị phần của các sản phẩm do công nghệ tạo ra, tỷ lệ xuất khẩu, các biện pháp tiếp thị;
c. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm;
d. Khả năng cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá cả của sản phẩm do công nghệ tạo ra. Nói chung, những chỉ tiêu này phải tốt hơn (hoặc ít nhất là bằng) những sản phẩm đã và sẽ có (theo dự báo).
II.2. Lựa chọn công nghệ.
a. Xem xét các cơ sở, căn cứ để lựa chọn công nghệ;
b. Xem xét sự hoàn thiện của công nghệ. Tuỳ loại sản phẩm và phương thức sản xuất, sơ đồ công nghệ có thể khác nhau, nhưng đều phải thể hiện đầy đủ các công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm đã dự kiến (cả về số lượng và chất lượng).
c. Khuyến khích lựa chọn công nghệ hiện đại so với trình độ chung của quốc tế và khu vực. Trong một số trường hợp có thể dùng công nghệ thích hợp đối với trình độ, điều kiện của ta, nhưng những công nghệ này phải ưu việt hơn những công nghệ hiện có trong nước.
d. Đánh giá công nghệ căn cứ vào các điểm sau:
- Xuất xứ công nghệ;
- Thời điểm tạo ra công nghệ;
- Hiệu quả của công nghệ: tỷ lệ phế thải, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, suất đầu tư v.v.;
- Mức độ tự động hoá, cơ khí hoá, chuyên môn hoá, điều kiện lao động, giải quyết việc làm;
- Đặc tính của nguyên vật liệu đầu vào;
- Cấp tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm;
- Mức độ gây ô nhiễm môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy, chống nổ;
- Hiệu quả của vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn v.v... đối với dự án đầu tư.
II.3. Thiết bị trong dây chuyền công nghệ.
a. Đánh giá tính phù hợp của thiết bị:
- Các thiết bị trong dây chuyền công nghệ được xem xét trên cơ sở thiết bị đó có tính năng, chất lượng phù hợp với yêu cầu của công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng và số lượng như dự kiến;
- Quá trình thiết bị hoạt động phải đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn lao động theo các quy định của pháp luật; - Danh mục các thiết bị phải thể hiện khả năng thực hiện các nguyên công trong sơ đồ công nghệ, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng các bán thành phẩm, thành phẩm.
Cần lưu ý xem xét không để xảy ra trường hợp thiếu các thiết bị cần thiết cho dây chuyền sản xuất hoặc đưa vào danh mục các thiết bị không cần thiết, không đảm bảo tính đồng bộ của công nghệ (điều này có thể xảy ra khi một bên tham gia dự án góp vốn bằng thiết bị).
b. Đánh giá chất lượng của thiết bị:
Trên cơ sở danh mục thiết bị trong dự án đầu tư cần xem xét:
- Xuất xứ của thiết bị (nước sản xuất thiết bị);
- Năm chế tạo của thiết bị, ký, mã hiệu thiết bị;
- Các đặc tính, tính năng kỹ thuật (công suất thiết bị, số vòng quay, sản lượng sản phẩm tạo ra trong 1 đơn vị thời gian v.v.);
- Các yêu cầu của thiết bị đối với nguyên liệu, nhiên liệu;
- Tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng của thiết bị đối với một đơn vị sản phẩm;
- Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm do thiết bị sản xuất ra;
- Đánh giá mức độ tự động hoá, cơ khí hoá, mức độ sử dụng nhân lực, các điều kiện bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường của thiết bị và hệ thống dây chuyền sản xuất.
c. Đánh giá đối với thiết bị đã qua sử dụng:
Ngoài những đặc tính chung của thiết bị như nêu ở mục b bên trên, đối với thiết bị đã qua sử dụng cần xem xét thêm:
- Các chỉ tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật hiện tại của thiết bị đã qua sử dụng so với thiết bị mới cùng loại, thời điểm kiểm tra các chỉ tiêu trên;
- Số giờ thiết bị đã hoạt động, điều kiện làm việc của thiết bị;
- Số lần thiết bị đã được sửa chữa, đại tu. Các bộ phận đã được thay thế mới hoặc đảm bảo chất lượng như mới;
- Các điều kiện bảo đảm, bảo hành đối với thiết bị đã qua sử dụng;
- Giá thiết bị đã qua sử dụng so với thiết bị mới;
- Xem xét tỷ lệ tổng giá trị thiết bị đã qua sử dụng so với tổng giá thiết bị của dự án.
d. Phương thức cung cấp thiết bị:
Thiết bị được mua sắm thông qua đấu thầu hay do Bên nước ngoài góp vốn vào dự án. Trường hợp Bên nước ngoài góp vốn vào dự án bằng giá trị thiết bị của họ: cần xem xét kỹ tình trạng chất lượng, giá cả và sự phù hợp với yêu cầu của dự án.
II.4. Nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất.
a. Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị các loại nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng hoặc bán thành phẩm được nhập từ nước ngoài để gia công, sản xuất, lắp ráp sản phẩm.
b. Khuyến khích sử dụng nguyên liệu tại địa phương và trong nước, hoặc mua được ở trong nước. Khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất và cung cấp các bán thành phẩm, linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp sản phẩm. Khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu ít gây ô nhiễm môi trường.
c. Xác định tỷ lệ giá trị các bán thành phẩm, linh kiện, phụ tùng nhập từ nước ngoài hoặc được sản xuất trong nước so với chi phí sản xuất và nhận xét về các tỷ lệ đó trên cơ sở chính sách nội địa hoá của Nhà nước ta trong từng lĩnh vực cụ thể.
II.5. Tổ chức quản lý sản xuất. Lao động và đào tạo.
Những nội dung sau cần được thẩm định:
a. Sự hợp lý về tổ chức sản xuất: Sơ đồ tổ chức, quản lý sản xuất phải thể hiện rõ các chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận cần có để đảm bảo cho cơ sở sản xuất hoạt động có hiệu quả phù hợp với công nghệ đã lựa chọn.
b. Tính hợp lý trong sử dụng lao động: Lao động trong các doanh nghiệp phải được tuyển chọn từ lao động trong nước, trừ các vị trí đặc biệt có thể sử dụng lao động là người nước ngoài. Khuyến khích dự án tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
c. Xem xét việc đào tạo người lao động trong doanh nghiệp theo các nội dung, yêu cầu của các vị trí làm việc kỹ thuật về tay nghề, nghiệp vụ và quy trình làm việc.
II.6. An toàn và vệ sinh lao động. Phòng chống cháy, chống nổ.
Các nội dung sau cần được thẩm định:
a. Trang bị các phương tiện, dụng cụ bảo hộ, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với yêu cầu của từng vị trí công việc trong dây chuyền công nghệ. Môi trường và điều kiện lao động phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
b. Trang bị các dụng cụ, thiết bị phòng, chống cháy, chống nổ (nếu cần) và các phương tiện cấp cứu theo thiết kế phù hợp với các quy định hiện hành.
II.7. Hiệu quả của công nghệ.
Hiệu quả của công nghệ được đánh giá qua các khía cạnh sau:
- Sự phù hợp của công nghệ so với mục tiêu của dự án và so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
- Các lợi ích kinh tế - xã hội do công nghệ mang lại: Khả năng tạo năng lực sản xuất mới, ngành nghề, sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, các khoản thu nộp cho ngân sách Nhà nước, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường v.v.
Đối với các dự án đầu tư trong sản xuất kinh doanh, ngoài các nội dung trên, hiệu quả của công nghệ còn phải được thể hiện qua hiệu quả của dự án đầu tư và được đánh giá qua các đại lượng sau:
- Giá trị hiện tại thuần (NPV) của dự án;
- Hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR);
- Thời gian thu hồi vốn đầu tư.
II.8. Chuyển giao công nghệ.
Nếu trong dự án đầu tư có một hoặc nhiều nội dung sau đây thì cần yêu cầu chủ dự án lập hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật (có hướng dẫn riêng), các nội dung đó là:
a. Chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá).
b. Chuyển giao các bí quyết, kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ công nghệ, phần mềm máy tính là bí quyết kỹ thuật có hoặc không kèm theo máy móc, thiết bị.
c. Chuyển giao các giải pháp hợp lý hoá sản xuất, cải tiến, đổi mới công nghệ.
d. Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ:
- Hỗ trợ kỹ thuật trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyển thiết bị;
- Tư vấn quản lý công nghệ, quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao;
- Quản lý cơ sở sản xuất kèm theo nội dung đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật;
- Đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn và quản lý của công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý;
- Cung cấp thông tin về công nghệ, về sản xuất kinh doanh.
e. Cung cấp máy móc, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật kèm theo một hoặc một số nội dung nêu trên.
II.9. Đánh giá ảnh hưởng của công nghệ đối với môi trường.
Đối với các dự án đầu tư thì môi trường cũng là "sản phẩm" tạo ra trong quá trình hoạt động của công nghệ đã lựa chọn, do đó thẩm định môi trường là một nội dung của thẩm định công nghệ. Việc thẩm định môi trường đối với các dự án đầu tư được thực hiện theo Thông tư số 1100/TT-MTg, ngày 20-8-1997 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư (phần II.1. Giai đoạn xin cấp giấy phép đầu tư).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
III.1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức thẩm định công nghệ và môi trường các dự án đầu tư nhóm A và B (trừ các dự án nhóm B được phân cấp). Văn phòng Thẩm định Công nghệ và Môi trường các dự án đầu tư làm đầu mối tổ chức thẩm định.
III.2. Tổ chức quản lý về Khoa học - Công nghệ và Môi trường của các Bộ, ngành, các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhóm B và C theo sự phân cấp ghi trong Điều 7, Nghị định số 42/CP ngày 16-7-1996 (được bổ sung, sửa đổi theo Nghị định số 92/CP ngày 23-8-1997) và Quyết định số 386/TTg, ngày 7-6-97 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
III.3. Các Tổng Công ty thành lập theo Quyết định 91/TTg ngày 7-3-94 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhóm B và C thuộc nguồn vốn vay thương mại và vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước.
III.4. Các Tổng Công ty thành lập theo Quyết định 90/TTg ngày 7-3-94 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhóm C thuộc nguồn vốn vay thương mại và vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước.
III.5. Các Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao được phân cấp các giấy phép đầu tư tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư theo quyết định phân cấp cấp giấy phép đầu tư của Chính phủ.
III.6. Nếu trong hồ sơ dự án có các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ, ngành chuyên môn thì đơn vị tổ chức thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến của các Bộ, ngành đó.
Các Bộ, ngành được hỏi ý kiến về dự án, kể cả trường hợp bổ sung, sửa đổi, có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản hỏi ý kiến; quá thời hạn đó mà Bộ, ngành không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận dự án.
Nếu dự án đầu tư có các nội dung về chuyển giao công nghệ như nêu trong mục II.8 của Thông tư này thì phần chuyển giao công nghệ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
III.7. Trong quá trình chuẩn bị ý kiến thẩm định, tuỳ theo tính phức tạp của công nghệ có thể sử dụng các phương pháp đánh giá sau:
- Lấy ý kiến chuyên gia;
- Tổ chức họp liên ngành, liên cơ quan (có thể mời chuyên gia ngoài đơn vị về các lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến dự án) để làm rõ các nội dung có liên quan đến công nghệ của dự án đầu tư.
Trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu chủ dự án làm rõ, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ dự án. Chủ dự án có nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu của tổ chức thẩm định về việc làm rõ, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ dự án.
III.8. Phiếu thẩm định công nghệ và môi trường các dự án đầu tư của các chuyên gia được lập theo mẫu ở phụ lục 1. Trên cơ sở các phiếu thẩm định này đơn vị được giao tổ chức thẩm định dự án đầu tư về công nghệ và môi trường tổng hợp và đưa ra ý kiến kết luận về thẩm định công nghệ và môi trường đối với dự án đầu tư để trình lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Do nội dung, tính chất của các dự án đầu tư rất khác nhau cho nên mẫu phiếu thẩm định CN&MT bao gồm những điểm chung nhất cho các dự án đầu tư. Những điểm này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng dự án cụ thể.
III.9. Lệ phí thẩm định: Thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
IV.1. Các tổ chức, quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm nhiệm vụ thẩm định công nghệ các dự án đầu tư và các tổ chức quản lý kinh tế, kinh doanh nêu trong phần III của Thông tư này có nhiệm vụ tổ chức việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan chủ trì thẩm định các dự án đầu tư nhằm đảm bảo được nội dung, thời hạn thẩm định dự án để cấp giấy phép đầu tư cho dự án.
Trong quá trình thẩm định, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị trao đổi với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để thống nhất cách giải quyết.
IV.2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
| Chu Hảo (Đã ký) |
PHỤ LỤC 1:
PHIẾU THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (TRONG GIAI ĐOẠN CẤP GIẤP PHÉP ĐẦU TƯ)
. Văn bản yêu cầu thẩm định số...... ngày ..... tháng..... năm ... của.......
. Dự án đầu tư: - Tiếng Việt:
- Tiếng nước ngoài:
Nội dung thẩm định công nghệ và môi trường:
| Nội dung thẩm định | Tóm tắt theo dự án | Ý kiến thẩm định |
1 | Các bên thực hiện dự án |
|
|
| - Tên |
|
|
| - Địa chỉ |
|
|
| - Lĩnh vực hoạt động |
|
|
2 | Mục tiêu hoạt động của dự án |
|
|
3 | Địa điểm thực hiện dự án |
|
|
| - Diện tích, giá đất |
|
|
| - Văn bản cấp đất |
|
|
4 | Thời hạn hoạt động của dự án |
|
|
5 | - Các sản phẩm của dự án |
|
|
| Quy mô. Thị trường |
|
|
| - Chất lượng sản phẩm |
|
|
| - Tỷ lệ xuất khẩu |
|
|
| - Khả năng cạnh tranh |
|
|
6 | Vốn đầu tư; tỷ lệ góp vốn; |
|
|
| Hình thức góp vốn: |
|
|
| - Vốn pháp định |
|
|
| - Tổng vốn đầu tư, trong đó: |
|
|
| . Vốn cố định. |
|
|
| . Vốn lưu động. |
|
|
7 | Sơ đồ công nghệ: |
|
|
| Nguồn gốc công nghệ. |
|
|
| - Sự phù hợp so với yêu cầu sản xuất |
|
|
| - Tính hiện đại, an toàn, hiệu quả. |
|
|
8 | Thiết bị, danh mục thiết bị: |
|
|
| - Nguồn gốc, thế hệ. |
|
|
| - Sự đáp ứng so với yêu cầu sản xuất và sơ đồ công nghệ. |
|
|
| - Tính hiện đại, an toàn, hiệu quả. |
|
|
9 | Nguyên liệu: |
|
|
| - Loại nguyên liệu, nguồn gốc. Tỷ lệ nội địa hoá, suất tiêu hao. |
|
|
10 | Nhiên liệu: |
|
|
| - Loại nhiên liệu, nguồn gốc. |
|
|
| Suất tiêu hao. |
|
|
11 | Cung cấp năng lượng: |
|
|
| - Nhu cầu năng lượng. |
|
|
| - Nguồn, sơ đồ cung cấp năng lượng. |
|
|
12 | Tổ chức quản lý sản xuất. |
|
|
| Lao động, đào tạo: |
|
|
| - Sơ đồ tổ chức quản lý sản xuất |
|
|
| - Tổng số lao động trong và ngoài nước |
|
|
| - Đào tạo. |
|
|
13 | An toàn, vệ sinh lao động. Phòng chống cháy, nổ: |
|
|
| - Sự phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động đối với các vị trí công việc |
|
|
| - Sự đáp ứng theo các quy định pháp luật về phòng chống cháy, nổ. |
|
|
14 | Chuyển giao công nghệ: |
|
|
| - Nội dung. |
|
|
| - Phí CGCN. |
|
|
| - Bên chuyển giao. |
|
|
| - Bên nhận. |
|
|
15 | Hiệu quả: |
|
|
| - Sự đáp ứng các yêu cầu phát triển KT-XH: sản phẩm, thị trường, tạo việc làm, thu nộp ngân sách, nâng cao dân trí |
|
|
| - NPV, IRR |
|
|
| - Thời gian thu hồi vốn |
|
|
16 | Ảnh hưởng tới môi trường: |
|
|
| - Các yếu tố ảnh hưởng MT |
|
|
| - Các biện pháp xử lý. |
|
|
17 | Tiến độ triển khai dự án |
|
|
18 | Các vấn đề khác |
|
|
Ý kiến kết luận:
- Về chủ trương đầu tư,
- Về công nghệ, thiết bị
- Về chuyển giao công nghệ,
- Về môi trường,
- Về các đề nghị bổ sung, thay đổi hoặc làm rõ khác.
Ngày tháng năm 1997
Chuyên gia thẩm định (Ký tên)
----------------------------------------
Ghi chú:
1. Việc thẩm định công nghệ và môi trường ở đây nhằm xem xét các điều kiện cần và đủ để cấp giấy phép đầu tư. Có một số việc có thể làm sau khi đã cấp giấy phép đầu tư, do vậy, về nội dung này, trong ý kiến kết luận chỉ cần nêu các yêu cầu đối với chủ đầu tư thực hiện sau khi đã có giấy phép đầu tư.
2. Phiếu thẩm định CN & MT là văn bản lưu của đơn vị tổ chức làm thẩm định CN&MT.
PHÂN LOẠI DỰ ÁN ĐẦU TƯ
(THEO NGHỊ ĐỊNH 92/CP NGÀY 23-8-1997 CỦA CHÍNH PHỦ)
Các dự án đầu tư (không kể dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài) được chia thành 3 nhóm A, B, C theo các quy định sau đây:
Các dự án nhóm A:
1. Các dự án thuộc phạm vi bảo vệ an ninh, quốc phòng có tính chất bảo mật quốc gia, có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, thành lập và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới (không phụ thuộc quy mô đầu tư).
2. Các dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ (không phụ thuộc quy mô đầu tư).
3. Các dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn.
CÁC DỰ ÁN PHÂN THEO VỐN ĐẦU TƯ (TỶ ĐỒNG VIỆT NAM)
Ngành | A | B | C |
1. Điện, dầu khí, hoá chất, phân bón, chế tạo máy, xi măng, luyện kim, khai thác, chế biến khoáng sản, cầu, cảng biển, sân bay, đường quốc lộ |
|
|
|
2. Thuỷ lợi, giao thông khác, cấp thoát nước, công trình kỹ thuật hạ tầng, điện, điện tử, tin học, cơ khí, sản xuất vật liệu, bưu chính viễn thông. |
|
|
|
3. BOT trong nước, hạ tầng cơ sở, khu đô thị mới trong nước, sành, sứ, thuỷ tinh hoá dược, thuốc chữa bệnh, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, thiết bị xây dựng, sản xuất chế biến, nuôi trồng thuỷ hải sản, nông lâm sản. |
|
|
|
4. Y tế, văn hoá-giáo dục, phát thanh - truyền hình, xây dựng dân dụng, kho tàng, du lịch, TDTT, nghiên cứu KH |
|
|
|
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản căn cứ |
05 | Văn bản căn cứ |
06 | Văn bản căn cứ |
Thông tư hướng dẫn thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép đầu tư
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
Số hiệu: | 1940/1997/TT-BKHCNMT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 15/11/1997 |
Hiệu lực: | 30/11/1997 |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Khoa học-Công nghệ |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Chu Hảo |
Ngày hết hiệu lực: | 07/08/2002 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |