hieuluat

Chỉ thị 12/1999/CT-TTg về việc tổng kết thực hiện Luật doanh nghiệp Nhà nước

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:12/1999/CT-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Ngô Xuân Lộc
    Ngày ban hành:10/05/1999Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:10/05/1999Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Doanh nghiệp
  • chỉ thị

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 12/1999/CT-TTG
    NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ VIỆC TỔNG KẾT
    THỰC HIỆN LUẬT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

     

    Luật Doanh nghiệp nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 4 năm 1995 là cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động và đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước, đã tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và hiệu quả quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do môi trường kinh doanh và điều kiện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước có nhiều thay đổi nên một số quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước không còn phù hợp với cuộc sống. Bên cạnh đó, một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp nhà nước, gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp và đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước.

    Để có thêm thông tin phục vụ việc nghiên cứu soạn thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi) theo định hướng đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII); đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; khắc phục những hạn chế và tồn tại của Luật hiện hành; đồng thời, tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và hiệu quả quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 tiến hành tổng kết, đánh giá những việc làm được và chưa làm được, xác định rõ nguyên nhân; kiến nghị những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới trong Luật Doanh nghiệp nhà nước; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

     

    1. Quy định về cách phân loại và tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích; quyền và nghĩa vụ của các loại doanh nghiệp nhà nước nêu trên.

    2. Quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; việc phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước giữa các cơ quan đại diện sở hữu, ủy quyền đại diện chủ sở hữu cho các cơ quan nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan được giao quyền đại diện sở hữu nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính, sự phối hợp giữa các cơ quan này trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước.

    3. Mô hình Tổng công ty.

    Mô hình Tổng công ty 91 và Tổng công ty 90; tính chất liên kết của các đơn vị thành viên; quan hệ giữa Tổng công ty và doanh nghiệp thành viên; phân cấp quản lý trong Tổng công ty; quan hệ giữa Tổng công ty với các cơ quan quản lý nhà nước.

    4. Mô hình Hội đồng quản trị.

    Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp. Quan hệ giữa Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

    Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã thành lập Hội đồng quản trị, số lượng thành viên Hội đồng quản trị (bình quân, cao nhất, thấp nhất), cơ cấu thành phần, tiêu chuẩn và chế độ làm việc của Hội đồng quản trị.

    5. Cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước.

    Quy định về việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp; quản lý doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh; phân phối lợi nhuận; chế độ kế toán, thống kê; chế độ công khai báo cáo tài chính hàng năm... đối với từng loại hình doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động công ích, Tổng công ty 91, Tổng công ty 90 và doanh nghiệp thành viên).

    6. Quản lý phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác.

    Tình hình huy động, quản lý và sử dụng phần vốn góp từ bên ngoài vào doanh nghiệp nhà nước và quản lý phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước vào các doanh nghiệp khác (số lượng doanh nghiệp nhà nước thu hút vốn từ bên ngoài, số doanh nghiệp nhà nước có vốn góp ở các doanh nghiệp khác, số lượng doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước do các doanh nghiệp nhà nước góp vốn thành lập và đăng ký theo Luật Công ty, số doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài, tỷ lệ góp vốn, hình thức góp vốn, cơ chế quản lý phần vốn này).

    Tình hình thu hút vốn của cán bộ, công nhân viên (số lượng doanh nghiệp nhà nước có thu hút vốn của cán bộ công nhân viên nhưng chưa chuyển thành công ty cổ phần, cơ chế, tổ chức quản lý).

    Đánh giá các quy định và việc thực hiện chuyển đổi sở hữu ở các doanh nghiệp nhà nước; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, của người trực tiếp quản lý phần vốn góp của nhà nước ở các doanh nghiệp khác và những tồn tại, vướng mắc cần giải quyết (đặc biệt là vấn đề mua lại, chuyển nhượng phần vốn góp, quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa).

    7. Đánh giá và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khác của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước.

    Trong quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 chú ý đánh giá tính đặc thù trong tổ chức, quản lý doanh nghiệp nhà nước do Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty quản lý; sự cần thiết phải quy định các điểm đặc thù này trong Luật Doanh nghiệp nhà nước.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này; bảo đảm mục đích, yêu cầu và gửi báo cáo tổng kết về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ chậm nhất vào ngày 15 tháng 6 năm 1999.

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X