hieuluat

Công văn 8280/BTC-CST vướng mắc cơ chế, chính sách với doanh nghiệp Khu kinh tế thương mại Lao Bảo

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:8280/BTC-CSTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Lưu Đức Huy
    Ngày ban hành:23/06/2014Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:23/06/2014Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Doanh nghiệp
  • BỘ TÀI CHÍNH
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Số: 8280/BTC-CST
    V/v vướng mắc cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo

    Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2014

     

    Kính gửi:

    - Hội doanh nghiệp Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo;
    - Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị.

    Bộ Tài chính nhận được công văn số 52/QH-QT ngày 15/05/2014 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về việc chuyển đơn kiến nghị số 06/BC-HDNLB ngày 04/5/2014 của Hội doanh nghiệp Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và công văn số 141/BQL-DN ngày 19/5/2014 của Ban Quản lý Khu KT Quảng Trị đề nghị giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

    1. Vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi đưa về tiêu thụ nội địa Việt Nam

    a) Nội dung kiến nghị

    - Theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 12/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ, được Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 74/2005/TT-BTC ngày 07/9/2005 thì "Hàng hóa sản xuất tại KKT-TMĐB Lao Bảo có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa đó. Căn cứ để xác định thuế nhập khẩu phải nộp "Giá tính thuế xác định theo quy định hiện hành; Số lượng hàng hóa nhập khẩu vào nội địa Việt Nam; thuế suất thuế nhập khẩu đối với từng loại nguyên liệu, linh kiện. Giá tính thuế và thuế suất áp dụng tại thời điểm mở tờ khai nhập khẩu vào nội địa". Quy định này được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 13 Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ: "việc xác định thuế nhập khẩu phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất và giá tính thuế của phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa".

    - Tuy nhiên, tại điểm a khoản 6 Điều 12 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 quy định: "... thuế nhập khẩu phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất của mặt hàng nhập khẩu vào nội địa và trị giá tính thuế trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập khẩu vào nội địa Việt Nam".

    Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất tại KKT-TMĐB Lao Bảo gặp khó khăn sau:

    + Phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa khi đưa vào tiêu thụ tại nội địa cao hơn trước đây và cao hơn so với nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu, linh kiện để sản xuất tại nội địa.

    + Dự án sản xuất của doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do giá thành sản xuất cao, không cạnh tranh được với mặt hàng tương tự sản xuất tại nội địa, dẫn đến thua lỗ, không thể chuyển dịch địa bàn sản xuất do đã đầu tư lớn về cơ sở vật chất máy móc, thiết bị...

    b) Ý kiến của Bộ Tài chính

    Để đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp đang hoạt động trong khu, tại khoản 4 Điều 20 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg đã có quy định cho phép:

    - Các dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi cao hơn so với quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg nếu đáp ứng đủ điều kiện về ưu đãi thì được tiếp tục được hưởng ưu đãi ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho thời gian còn lại.

    - Trường hợp ưu đãi ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư thấp hơn mức ưu đãi quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg thì được hưởng mức ưu đãi theo quy định của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg áp dụng cho thời gian còn lại.

    Đồng thời, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số Điều của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, đã quy định cho phép các doanh nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu được lựa chọn cách tính thuế nhập khẩu: có thể theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm cấu thành trong hàng hóa (tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg) hoặc theo mức thuế suất của hàng hóa nhập khẩu (thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg).

    Với nội dung quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg và hướng dẫn như dự thảo Thông tư nêu trên đã giải quyết được kiến nghị của Hội doanh nghiệp khu KTTMĐB Lao Bảo và Ban quản lý KKT Quảng Trị.

    2. Về Danh mục mặt hàng không bán cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan

    a) Nội dung kiến nghị: Tại danh mục có quy định mặt hàng rượu bia thuộc diện không bán miễn thuế cho khách du lịch. Đây là mặt hàng thu hút khách du lịch đến tham quan Khu KT-TM Lao Bảo. Thời gian qua việc thực hiện của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý đối với những mặt hàng này của cơ quan QLNN vẫn thực hiện tốt, không có bất cập xảy ra. Sau khi có quy định về điều kiện kinh doanh bán hàng miễn thuế và bán hàng miễn thuế của UBND tỉnh thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn.

    b) Ý kiến của Bộ Tài chính: Trong quá trình xây dựng Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến khác nhau về chính sách miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan: Có ý kiến đề nghị không nên tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan và cho rằng các KKTCK nên được xây dựng với định hướng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics và công nghiệp sản xuất, chế biến; chính sách ưu đãi thuế cho khách tham quan du lịch có mang lại một số lợi ích ngắn hạn nhưng trong thực tế đang bị lợi dụng để gian lận, trốn thuế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần có chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút khách tham quan du lịch tại khu kinh tế cửa khẩu như không giới hạn thời gian thực hiện chính sách bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch, tăng thêm giá trị hàng miễn thuế bán cho khách du lịch...

    Với mục tiêu vừa góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại tại KKTCK, bảo đảm môi trường đầu tư ổn định cho các doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh vào KKTCK, vừa góp phần hạn chế tình trạng gian lận thương mại đã phát sinh trong thời gian qua thì cùng với việc nâng giá trị được bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch từ 500.000 đồng lên 1.000.000 đồng/1 người/1 ngày cần phải xem xét lại danh mục những mặt hàng được bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc KKTCK. Với thực tế, những mặt hàng có số lượng buôn lậu, trốn thuế lớn đưa từ khu phi thuế quan vào nội địa thường tập trung vào các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có số thuế cao (như mặt hàng rượu, bia). Vì vậy, tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định "danh mục mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan bao gồm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan".

    3. Về Danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu

    a) Nội dung kiến nghị: Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 72/2013/QĐ-TTg quy định các mặt hàng phải chịu thuế ngay khi nhập khẩu là chưa phù với quy định tại các Luật: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, Luật Thuế GTGT 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu năm 2005, Luật thuế BVMT. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành đề nghị Bộ Tài chính sửa danh mục tại dự thảo Thông tư như sau:

    (1) Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi phải chịu thuế TTĐB;

    (2) Xăng dầu mỡ nhờn, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng phải chịu thuế bảo vệ môi trường ngay.

    b) Ý kiến của Bộ Tài chính: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng không quy định thế nào là "khu phi thuế quan". Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩukhoản 1 Điều 15 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế thì "khu phi thuế quan" do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và cho phép áp dụng cơ chế khu phi thuế quan.

    Thực tế việc thành lập và áp dụng cơ chế khu phi thuế quan được quy định linh hoạt, có khu phi thuế quan có hàng rào cứng để ngăn cách với bên ngoài, có khu không có hàng rào cứng nhưng cũng được áp dụng cơ chế khu phi thuế quan (khu Lao Bảo, Cầu Treo); các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất cũng được áp dụng cơ chế khu phi thuế quan (quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP), tuy nhiên một số loại hàng hóa như "văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng'' để phục vụ cho bộ máy điều hành và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp chế xuất nhưng cũng không phải thực hiện theo cơ chế khu phi thuế quan là phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu (vì khoản 3 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, quy định "Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam").

    Theo đó, tại điểm c khoản 5 Điều 20 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính quy định danh mục các mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan (không áp dụng cơ chế khu phi thuế quan). Quy định này là phù hợp với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và cùng phù hợp với quy định tại các Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005.

    4. Về tính ổn định của chính sách đối với Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị

    a) Nội dung kiến nghị: Trong gần 03 năm qua, do có sự rà soát, sửa đổi các văn bản quy định cơ chế chính sách tài chính của Khu KTCK, trong đó có Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo (Quyết định 33, Quyết định 93, Quyết định 11 và các văn bản hướng dẫn có liên quan). Sau khi có Quyết định 72/2013/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư hướng dẫn. Mặc dù Thông tư chưa ban hành nhưng qua nghiên cứu dự thảo đã nhận thấy có những bất cập như đã trình bày ở trên, về vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Trị đã 03 lần có văn bản và tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc với Bộ Tài chính để giải trình thêm về tính đặc thù của khu vực nhưng đối với các khó khăn vướng mắc đã nêu vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ vào dự thảo Thông tư.

    b) Ý kiến của Bộ Tài chính: Dự thảo Thông tư hướng dẫn Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg cơ bản kế thừa những nội dung còn phù hợp đã được hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg. Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, ngoài việc xin ý kiến chính thức bằng văn bản các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính còn tổ chức 02 cuộc họp với một số tỉnh (UBND tỉnh, Sở Tài chính, Ban Quản lý KKT, cơ quan hải quan, cơ quan thuế) để trao đổi và giải thích về những nội dung hướng dẫn tại dự thảo Thông tư. Đến nay, dự thảo Thông tư đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đơn vị và được sự nhất trí cao của các địa phương. Đối với hai Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và KKTQT Cầu Treo, dự thảo Thông tư đã quy định những nội dung riêng phù hợp với đặc thù của hai khu là có cư dân sinh sống và cơ bản đã giải quyết được các vướng mắc phát sinh của hai khu. Riêng đối với một số kiến nghị liên quan đến danh mục các mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch và danh mục các mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc KKTCK của hai Ban Quản lý và của Hội doanh nghiệp Lao Bảo không phù hợp với quy định của Quyết định 72/2013/QĐ-TTg.

    Bộ Tài chính trả lời để Hội doanh nghiệp khu KTTMĐB Lao Bảo và Ban quản lý KKT Quảng Trị được biết, hướng dẫn các đơn vị thực hiện./.

     


    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lãnh đạo Bộ (để b/c);
    - Tổng cục Thuế;
    - Tổng cục Hải quan;
    - Vụ Pháp chế;
    - Lưu: VT, CST (PXNK).

    TL. BỘ TRƯỞNG
    KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ
    PHÓ VỤ TRƯỞNG




    Lưu Đức Huy

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Công văn 8280/BTC-CST vướng mắc cơ chế, chính sách với doanh nghiệp Khu kinh tế thương mại Lao Bảo

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chính
    Số hiệu:8280/BTC-CST
    Loại văn bản:Công văn
    Ngày ban hành:23/06/2014
    Hiệu lực:23/06/2014
    Lĩnh vực:Doanh nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Lưu Đức Huy
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Công văn 8280/BTC-CST vướng mắc cơ chế, chính sách với doanh nghiệp Khu kinh tế thương mại Lao Bảo (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X