hieuluat

Hướng dẫn 2035/TLĐ nhiệm vụ công đoàn trong và sau khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định 64/2002/NĐ-CP

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng liên đoàn Lao động Việt NamSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:2035/TLĐNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Hướng dẫnNgười ký:Đặng Ngọc Chiến
    Ngày ban hành:09/12/2002Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:09/12/2002Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Doanh nghiệp
  • Hướng dẫn

    HƯỚNG DẪN

    CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM SỐ 2035/TLĐ
    NGÀY 9 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN
    TRONG VÀ SAU KHI CHUYỂN DNNN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
    THEO NGHỊ ĐỊNH 64/2002/NĐ-CP

     

    Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Ngày 19/6/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2002/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần. Để thực hiện Nghị định 64/2002/NĐ-CP, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn nội dung của công đoàn các cấp như sau:

     

    I. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG
    QUÁ TRÌNH CỔ PHẦN HOÁ

     

    1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong công nhân viên chức lao động (gọi chung là Người lao động) về chủ trương của Đảng và Nhà nước về CPH và nội dung Nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng, để người lao động hiểu rõ mục đích, yêu cầu của việc chuyển DNNN thành Công ty cổ phần; các quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động nhằm tạo sự nhất trí thực hiện cổ phần hoá đạt kết quả cao.

    2. Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tham gia vào Ban đổi mới doanh nghiệp tại doanh nghiệp, lựa chọn những đoàn viên có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia vào các bộ phận giúp việc cho Ban đổi mới doanh nghiệp.

    3. Tham gia xây dựng phương án cổ phần hoá, trong đó chú ý đến các vấn đề:

    3.1. Giám sát việc kiểm kê tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp, các tài sản có nguồn gốc từ quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, số dư quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng bằng tiền. Chống thất thoát tài sản Nhà nước, tài sản doanh nghiệp.

    3.2. Công đoàn tham gia cùng Giám đốc doanh nghiệp tổ chức, lập phương án sắp xếp sử dụng tối đa số lao động hiện có tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 Nghị định 64/2002/NĐ-CP.

    Trường hợp Công ty cổ phần không sử dụng hết số lao động từ DNNN chuyển sang thì công đoàn tham gia cùng Giám đốc giải quyết chính sách đối với số lao động dôi dư và giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư theo quy định của pháp luật hiện hành.

    3.3. Xây dựng Điều lệ dự thảo của Công ty cổ phần.

    3.4. Xác định số lao động và thâm niên công tác của từng người làm cơ sở phân chia cổ phần ưu dãi theo quy định tại mục 1 Điều 27, NĐ 64/2002/NĐ-CP đảm bảo dân chủ công khai, chính xác.

    3.5. Căn cứ vào tiêu chí người lao động nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định để xác định lựa chọn số, lao động nghèo trong doanh nghiệp được hưởng cổ phần ưu đãi theo mục 2 Điều 27 NĐ 64/2002/NĐ-CP.

    4. Vận động công nhân lao động giành tiền mua cổ phần. những nơi có điều kiện, công đoàn cơ sở có thể tín chấp, giúp người lao động vay vốn mua cổ phần.

    5. Phối hợp cùng chuyên môn và các phòng, ban chức năng lập tiêu thức phân chia số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi bằng tiền và giá trị tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh đầu tư từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi chia cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Tiêu chí chia các Quỹ này theo hướng dẫn của Bộ Lao động. Số tiền người lao động được chia, quy đổi thành cổ phần của người lao động trong công ty cổ phần.

    6. Công đoàn phối hợp với chuyên môn và các cơ quan chức năng, tổ chức việc bàn giao nhà ở của người lao động kể cả nhà ở được xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, cho cơ quan quản lý nhà đất địa phương quản lý hoặc bán cho người đang sử dụng theo quy định hiện hành.

    7. Cùng với chuyên môn chuẩn bị phương án quản lý, sử dụng có hiệu quả các tài sản, công trình phúc lợi theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 9 NĐ 64/2002/NĐ-CP theo những nội dung dưới đây:

    7.1. Kiểm kê và xác định lại giá trị tài sản các công trình phúc lợi.

    7.2. Có phương án tổ chức, quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản, công trình phúc lợi.

    7.3. Quy định quyền và trách nhiệm giữa chuyên môn và công đoàn trong quản lý, sử dụng các công trình phúc lợi; những đảm bảo về tài chính và bộ máy cho quản lý.

    7.4. Quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao dộng, của các cổ đông đối với các tài sản và công trình phúc lợi trong Công ty.

    8. Phối hợp với giám đốc tổ chức đại hội công nhân viên chức bất thường theo Hướng dẫn 1584/TLĐ ngày 15/11/1999 của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN "Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Đại hội công nhân viên chức trong DNNN" để người lao động thảo luận, góp ý kiến và quyết định những vấn đề sau:

    8.1. Tiêu thức phân chia số dư quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi bằng tiền; đối tượng và mức được mua cổ phần ưu đãi; đối tượng và mức được mua cổ phần dành cho người lao động nghèo trong doanh nghiệp.

    8.2. Tiêu chí phân loại lao động; lao động tiếp tục chuyển sang làm việc tại Công ty cổ phần, lao động đưa đi đào tạo, lao động dôi dư.

    8.3. Cử cổ đông là cán bộ công đoàn có đủ điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty tham gia Hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

    8.4. Quy chế sử dụng Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật như nhà nghỉ, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhà điều dưỡng...

    8.5. Nội dung của phương án cổ phần hoá doanh nghiệp.

    8.6. Điều lệ dự thảo Công ty cổ phần.

    8.7. Phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi chuyển thành Công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

    8.8. Các quyền, lợi ích hợp pháp và những biện pháp bảo đảm cho người lao động trong và sau khi cổ phần hoá nhất là các vấn đề thuộc pháp luật lao động.

    9. Niêm yết công khai những nội dung nêu tại mục 8 phần I Hướng dẫn này cho toàn bộ công nhân lao động trong doanh nghiệp biết, tham gia và thống nhất thực hiện.

    10. Báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp về phương án và kết quả giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư. Những khó khăn vướng mắc cần giải quyết.

     

    II. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
    NGAY SAU KHI CỔ PHẦN HOÁ

     

    1. Tuyên truyền phổ biến Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, để người lao động hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công ty cổ phần. Vận động công nhân lao động không bán cổ phần của mình để đảm bảo quyền lợi lâu dài trong công ty.

    2. Đề xuất với Giám đốc công ty sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản, các quy chế phối hợp đã ký kết giữa công đoàn và giám đốc doanh nghiệp nhà nước trước đây cho phù hợp với Luật doanh nghiệp, Luật công đoàn và Luật lao động, xem xét ký Thoả ước lao động tập thể, hướng dẫn người lao động giao kết HĐLĐ cho phù hợp với Luật lao động và Luật doanh nghiệp.

    3. Đề xuất các hình thức, biện pháp, đối tượng để đào tạo lại, đào tạo mới, nâng cao trình độ nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh.

    4. Kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động sau cổ phần hoá, nhất là việc sắp xếp và sử dụng lao động. Công đoàn đại diện công nhân lao động tham gia Hội đồng hoà giải, giải quyết các tranh chấp lao động.

    5. Phối hợp với chuyên môn triển khai sử dụng tài sản, công trình phúc lợi được giao để phục vụ công nhân lao động trong công ty.

    6. Tổ chức phát động các phong trào thi đua trong công nhân lao động phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh với năng suất, chất lượng và hiệu quả. Vận động công nhân lao động tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống.

    7. Sau khi có quyết định chuyển thành công ty cổ phần Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ, và tổ chức Đại hội bầu ban chấp hành mới theo chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp.

    - Làm các thủ tục đề nghị thay đổi tên, thay đổi con dấu cho phù hợp với mô hình tổ chức mới của công ty cổ phần.

    - Trường hợp cổ phần hoá một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước, nơi chỉ có công đoàn bộ phận, thì sau cổ phần hoá, công đoàn cơ sở cấp trên chỉ định Ban chấp hành lâm thời. Trong thời gian không quá 12 tháng kể từ khi có quyết định chuyển thành công ty cổ phần, Ban chấp hành lâm thời phải tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở để bầu ra ban chấp hành mới công đoàn Công ty cổ phần.

    8. Công tác thu chi tài chính của công đoàn Công ty cổ phần thực hiện như khi còn là doanh nghiệp nhà nước, theo Quy định số 699/QĐ-TLĐ ngày 12/6/2000 của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

     


    III. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP

     

    1. Tổ chức tập huấn cho công đoàn cấp dưới và công đoàn cơ sở đặc biệt đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá về nội dung NĐ 64/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng về cổ phần hoá DNNN; về vai trò, nhiệm vụ của công đoàn, về chính sách đối với người lao động và với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá. Hướng dẫn cho cơ sở về những nhiệm vụ trọng tâm mà công đoàn cơ sở tập trung tham gia nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động trong quá trình cổ phần hoá DNNN.

    2. Cử đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch tham gia vào ban đổi mới phát triển doanh nghiệp đồng cấp, tham gia xây dựng đề án sắp xếp doanh nghiệp thuộc cấp quản lý, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ diều kiện theo quy định tại NĐ 64/2002/NĐ-CP và Quyết định 58/2002/QĐ-TTg của Chính phủ để đưa vào diện CPH.

    3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động trong và sau cổ phần hoá: chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, cổ phần ưu đãi trả chậm cho người lao động nghèo; chính sách đối với lao động dôi dư trong và sau khi DNNN chuyển thành công ty cổ phần...

    4. Tư vấn giúp công đoàn cơ sở tìm hiểu Luật doanh nghiệp; về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cổ đông và bộ máy quản lý Công ty cổ phần; giúp công đoàn cơ sở trong quá trình xây dựng Điều lệ Công ty và các quy chế nội bộ phù hợp với pháp luật hiện hành, bảo vệ được quyền lợi của người lao động trong Công ty cổ phần. Hướng dẫn công đoàn cơ sở phương pháp hoạt động công doàn có hiệu quả trong điều kiện mới, cơ chế quản lý mới.

    5. Hướng dẫn công đoàn cơ sở làm các thủ tục để ổn định tổ chức, thay đổi con dấu và tên gọi cho phù hợp với thay đổi của doanh nghiệp.

    6. Tham gia với cơ quan chức năng đồng cấp có phương án quản lý sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá, đảm bảo chi kịp thời các chế độ trợ cấp cho lao động dôi dư, cho đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 64/2002/NĐ-CP.

    7. Nắm tình hình, phản ánh kịp thời về Tổng liên đoàn những kết quả, kinh nghiệm, vướng mắc, và ý kiến đề xuất, kiến nghị trong quá trình tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện.

    Bản Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 1019/TLĐ ngày 15/8/1998 của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

    Tổng liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành nghề toàn quốc, công đoàn Tổng công ty nhà nước và các công đoàn cơ sở, nơi tiến hành cổ phần hoá, thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, góp phần thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đạt được mục tiêu đề ra.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần
    Ban hành: 19/06/2002 Hiệu lực: 04/07/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X