CHÍNH PHỦ ------- Số: 116/2015/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2011/NĐ-CP
NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHUYỂN DOANH NGHIỆP
100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần như sau:
1. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa theo quy định của pháp luật. Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt (như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác), khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa (lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa)”.
2. Khoản 1 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp; khoản chênh lệch tỷ giá được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, số còn lại tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.
Riêng đối với dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (đối với các hợp đồng đã ký, thời gian bảo hành còn hiệu lực) doanh nghiệp cổ phần hóa được trích theo hợp đồng đã ký và được giữ lại tại công ty cổ phần để thực hiện bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp theo hợp đồng. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập bảng kê chi tiết đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa, công trình kèm theo hồ sơ cổ phần hóa. Hết thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp nếu khoản trích lập dự phòng này không chi hết, còn số dư thì công ty cổ phần có trách nhiệm phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn bảo hành theo hợp đồng.
Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện nộp đúng và kịp thời thì doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đối với số tiền chậm nộp và thời gian chậm nộp; phải chịu các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp”.
3. Khoản 2 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế, thực hiện quyết toán, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý”.
4. Khoản 3 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa lựa chọn tổ chức tư vấn định giá thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp theo nguyên tắc:
a) Đối với các gói thầu, tư vấn định giá có giá trị không quá 03 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn hình thức tư vấn định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố; trường hợp xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
b) Đối với các gói thầu tư vấn không thuộc quy định tại Điểm a nói trên thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định”.
5. Điểm d Khoản 1 Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại.”
6. Khoản 2 Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp cổ phiếu của công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường Upcom mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo quy định tại Khoản 5 Điều 1; Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 33 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ. Đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định”.
7. Điểm b Khoản 2 Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác.
Riêng đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (như: Bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác) và các công ty mẹ thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các nhà đầu tư do Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền xem xét, quyết định cụ thể.”
8. Bỏ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 36.
9. Điểm c Khoản 2 Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa quyết định việc lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá. Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt (như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác) khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá”.
10. Bổ sung thêm Khoản 8 Điều 48 như sau:
“8. Những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện được IPO trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chênh lệch giữa giá bán cho người lao động, cho tổ chức công đoàn (nếu có) so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần”.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 11 năm 2015.
2. Bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; - Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý của TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, ĐMDN (3b). | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |