ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ---------------- Số: 12/2012/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 03 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh
dịch vụ đòi nợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
-------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ Luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
Căn cứ Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
Căn cứ Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 05 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công an quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an Thành phố tại Tờ trình số 11/TTr-CATP(PC64) ngày 03 tháng 02 năm 2012, Tờ trình số 25/TTr-CATP-PC64 ngày 09 tháng 3 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Hồng
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ----------------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- |
QUY CHẾ
Phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12 /2012/QĐ-UBND
ngày 20 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố)
-------------------------
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; chế độ báo cáo trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, gồm: Chủ nợ; khách nợ; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố, gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan khác.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm tính khách quan trong quá trình phối hợp.
2. Bảo đảm yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp.
3. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp.
4. Đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan liên quan: Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cán bộ, công chức tham gia phối hợp.
Điều 4. Cơ quan chủ trì và phối hợp
Cơ quan chủ trì thực hiện Quy chế này là Công an Thành phố. Các cơ quan phối hợp là Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị khác có liên quan.
Chương II
NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 5. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (chi nhánh, văn phòng đại diện) dịch vụ đòi nợ thực hiện theo đúng Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nội dung khác có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp cho các đơn vị phối hợp được quy định tại Điều 4 của Quy chế này để phối hợp quản lý.
Điều 6. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
1. Việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện theo Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ; Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 05 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công an và Chỉ thị số 03/2011/CT-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện các văn bản pháp luật quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
2. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải thông báo nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc nội dung khác có liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các đơn vị phối hợp được quy định tại Điều 4 của Quy chế này để phối hợp quản lý.
Điều 7. Kiểm tra, xử lý vi phạm
1. Công an Thành phố là cơ quan chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố. Việc xử lý vi phạm trong hoạt động phối hợp kiểm tra kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện theo quy định pháp luật.
2. Ngoài việc phối hợp kiểm tra xử lý như quy định trên, trong quá trình quản lý nếu phát hiện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm các quy định thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý của đơn vị mình thì đơn vị đó chủ động thực hiện việc tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Báo cáo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp
Công an Thành phố được Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền thực hiện các công việc sau:
1. Là cơ quan tiếp nhận báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định tại Điểm 1, Mục I Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và tình hình có liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện việc báo cáo Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính.
Chương III
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG cơ quan
Điều 9. Công an Thành phố
1. Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc chấp hành quy định các điều kiện về an ninh trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố. Xử lý các vi phạm về điều kiện an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền pháp luật quy định và theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
2. Làm đầu mối tiếp nhận báo cáo tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố và báo cáo của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh này. Dự thảo báo cáo tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ định kỳ quý, năm trình Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
3. Hướng dẫn, đề nghị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, tổ chức và cá nhân liên quan kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các báo cáo về tình hình quản lý, kết quả kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định pháp luật cho Ủy ban nhân dân Thành phố khi có yêu cầu.
4. Có kế hoạch chỉ đạo các phòng chức năng, Công an quận, huyện, nắm chắc tình hình hoạt động, phát hiện những vi phạm có liên quan trong hoạt động dịch vụ đòi nợ để xử lý kịp thời đúng quy định pháp luật.
Điều 10. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Phối hợp với Công an Thành phố, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố. Xử lý các vi phạm về đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo chức năng, thẩm quyền và theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
2. Thực hiện việc báo cáo về tình hình, kết quả cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, chứng nhận thay đổi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị phụ thuộc và các vấn đề có liên quan khác đến đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho Công an Thành phố để theo dõi, tổng hợp cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện việc báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
3. Phối hợp, hỗ trợ Công an Thành phố thực hiện việc tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Tài chính các nội dung về đăng ký kinh doanh có liên quan đến dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố.
Điều 11. Sở Tài chính
1. Phối hợp với Công an Thành phố, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc chấp hành chế độ tài chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố. Xử lý các vi phạm về tài chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo chức năng, thẩm quyền và theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
2. Thực hiện việc báo cáo về tình hình, kết quả kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ tài chính và các vấn đề có liên quan khác về tài chính trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho Công an Thành phố để theo dõi, tổng hợp cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện việc báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
3. Phối hợp, hỗ trợ Công an Thành phố thực hiện việc tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Bộ Tài chính các vấn đề về tài chính liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố.
Điều 12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Phối hợp với Công an Thành phố, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đăng ký khai trình sử dụng lao động và chấp hành quy định pháp luật lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố. Xử lý các vi phạm về việc đăng ký khai trình sử dụng lao động theo chức năng, thẩm quyền và theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
2. Thực hiện việc báo cáo về tình hình, kết quả kiểm tra, giám sát việc đăng ký khai trình sử dụng lao động và chấp hành quy định pháp luật lao động trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho Công an Thành phố để theo dõi, tổng hợp cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện việc báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
3. Phối hợp, hỗ trợ Công an Thành phố thực hiện việc tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Tài chính các vấn đề về đăng ký khai trình sử dụng lao động và chấp hành quy định pháp luật lao động liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố.
Điều 13. Ủy ban nhân dân quận, huyện
1. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ và quyền hạn tại địa phương, chỉ đạo cho đơn vị trực thuộc có liên quan tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và quy định của Quy chế này.
2. Phối hợp với Công an Thành phố và Sở, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh; chế độ tài chính; khai trình sử dụng lao động, chấp hành pháp luật lao động và điều kiện về an ninh trật tự đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp phát hiện những vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc lợi dụng hoạt động này để vi phạm pháp luật trên địa bàn quản lý thì chủ động tổ chức kiểm tra xử lý theo đúng thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, sau đó có báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân Thành phố, đồng gửi Công an Thành phố, hoặc trực tiếp phối hợp với Công an Thành phố xử lý theo quy định của Quy chế này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Công an Thành phố, các Sở, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quy chế này. Cơ quan, đơn vị và cá nhân được phân công thực hiện việc phối hợp theo Quy chế này mà không thực hiện thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Nếu có thành tích xuất sắc sẽ được đề nghị khen thưởng kịp thời.
Điều 15.
1. Công an Thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện việc sơ, tổng kết định kỳ 06 tháng, hàng năm và đột xuất báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Giao Công an Thành phố làm đơn vị đầu mối tập hợp những phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế này, dự trù kinh phí in ấn tài liệu, biểu mẫu hướng dẫn doanh nghiệp báo cáo và chi phí phục vụ công tác phối hợp kiểm tra báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét quyết định./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Hồng