THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------- Số: 14/2011/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH TIÊU CHÍ, DANH MỤC PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, công ty cổ phần do Nhà nước, do các công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần hiện có.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có trách nhiệm căn cứ vào Quyết định này tiếp tục phân loại, thực hiện sắp xếp các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc mình quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quyết định thời điểm thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước đô thị.
Đối với những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, nhưng không thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần theo Quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập căn cứ tình hình thực tế để tiếp tục phân loại, bán phần vốn nhà nước tại các công ty này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2011 và thay thế Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thực hiện Quyết định này và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; - Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b). | THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
TIÊU CHÍ, DANH MỤC
PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
I. NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ ĐỐI VỚI NHỮNG DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:
- Sản xuất, cung ứng vật liệu nổ;
- Sản xuất, cung ứng hoá chất độc;
- Sản xuất, cung ứng chất phóng xạ;
- Sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh; sản phẩm mật mã, trang thiết bị chuyên dùng cơ yếu, tài liệu kỹ thuật và cung ứng dịch vụ bảo mật thông tin bằng kỹ thuật nghiệp vụ mật mã;
- Các doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh và các doanh nghiệp đóng tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa kết hợp kinh tế với quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Truyền tải hệ thống điện quốc gia; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh;
- Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I (cảng biển đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng);
- Điều hành bay; điều hành vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;
- Bảo đảm an toàn hàng hải;
- Bưu chính công ích;
- Phát thanh, truyền hình;
- Xổ số kiến thiết;
- Xuất bản, báo chí;
- In, đúc tiền;
- Sản xuất thuốc lá điếu;
- Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển;
- Quản lý, duy tu công trình đê điều, phân lũ và phòng chống thiên tai;
- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
- Tín dụng chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Những doanh nghiệp thành viên có vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, nắm giữ các bí quyết kinh doanh, công nghệ mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thiết phải nắm giữ 100% vốn để thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính được giao.
II. NHỮNG DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CỔ PHẦN HÓA, NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TRÊN 50% TỔNG SỐ CỔ PHẦN
1. Những doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích:
- Bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
- Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, khai thác cảng biển (trừ các cảng nêu tại mục I);
- Đo đạc bản đồ;
- Sản xuất phim khoa học; phim thời sự, phim tài liệu, phim cho thiếu nhi;
- Thoát nước ở đô thị;
- Vệ sinh môi trường;
- Chiếu sáng đô thị;
- Điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn;
- Khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên;
- Sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi và tinh đông; sản xuất vắcxin phòng bệnh.
2. Những doanh nghiệp bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
3. Những doanh nghiệp có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau:
- Sản xuất điện quy mô lớn từ 500 MW trở lên;
- Khai thác các khoáng sản: than, bô xít, quặng đồng, quặng sắt, quặng thiếc, vàng, đá quý;
- Khai thác, chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên;
- Đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải đường không;
- Cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông;
- Sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm;
- Sản xuất xi măng lò quay có công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn/năm;
- Sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học thuốc bảo vệ thực vật;
- Trồng và chế biến cao su, cà phê;
- Sản xuất giấy in báo, giấy viết chất lượng cao;
- Bán buôn lương thực;
- Bán buôn xăng, dầu;
- Bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh hóa dược;
- Khai thác, lọc và cung cấp nước sạch mạng cấp I, cấp II;
- Vận tải đường biển quốc tế; vận tải đường sắt và đường không;
- Tài chính, tín dụng, bảo hiểm./.