Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2038/QĐ-BGTVT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Văn Công |
Ngày ban hành: | 30/10/2020 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 30/10/2020 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Giao thông |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI _______ Số: 2038/QĐ-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _________________________ Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam
_____________
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam tại Tờ trình số 2607/TTr-VISHIPEL ngày 20/8/2020 về việc xin phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025; Công văn số 3233/VISHIPEL-HCTH ngày 19/10/2020 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia về Kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Công văn số 3335/VISHIPEL-HCTH ngày 28/10/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển của Công ty theo Quyết định 3245/QĐ-BGTVT ngày 17/10/2016 của Bộ Giao thông vận tải của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, ý kiến của Kiểm soát viên ngày 28/10/2020 về Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Công ty;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam với các nội dung chính như sau:
A. Chiến lược phát triển
Mục tiêu chiến lược phát triển Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 3245/QĐ-BGTVT ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.
B. Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
- Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công Thông tin duyên hải góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
- Kinh doanh hiệu quả dựa trên việc khai thác thế mạnh của Công ty. Tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ vệ tinh. Đẩy mạnh nghiên cứu và cung cấp các giải pháp về thông tin liên lạc, quản lý, giám sát cho các hoạt động trên biển.
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với nghề, sáng tạo, năng động, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển của Công ty và hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công Thông tin duyên hải
Tập trung nguồn lực để bảo đảm sản xuất và cung cấp dịch vụ công Thông tin duyên hải với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế (IMO, ITU, IMSO và Cospas-Sarsat), duy trì và bảo đảm thông tin thông suốt cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển; góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ lợi ích, chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và phát triển Hệ thống Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam phù hợp với quy hoạch của Chính phủ theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp với lộ trình hiện đại hóa Hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).
Quản lý, giám sát vị trí tàu thuyền theo chuẩn Công ước SOLAS 74/88, đồng thời mở rộng đối tượng quản lý giám sát vị trí đối với các tàu thuyền không theo chuẩn Công ước SOLAS 74/88.
Phát triển hệ thống thông tin cùng với hệ thống hỗ trợ hành hải đáp ứng định hướng hành hải điện tử (e-navigation).
2.2. Hoạt động kinh doanh khác
a. Dịch vụ viễn thông di động hàng hải: Công ty duy trì sản lượng khoảng 1 triệu - 1,2 triệu phút/năm.
b. Dịch vụ vệ tinh: Công ty sẽ tiếp tục là doanh nghiệp hàng đầu thị trường trong kinh doanh dịch vụ vệ tinh di động tại Việt Nam; Duy trì và giảm tốc độ hủy thuê bao và doanh thu đối với các dịch vụ I4 và Inmarsat-C (do suy giảm theo chu kỳ dịch vụ); Tập trung vào phát triển dịch vụ cho nhóm tàu vận tải nhỏ (Fleet One thay cho dịch vụ Inmarsat-C); Phát triển dịch vụ VSAT, hướng tới doanh thu tăng trưởng bình quân 10%/năm; Phát triển dịch vụ vệ tinh mới theo xu hướng của thế giới; Mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài, hãng hàng không để tiếp tục phát triển dịch vụ IFC trên các tàu bay mới, duy trì và tăng trưởng doanh thu.
c. Dịch vụ công nghệ thông tin:
- Dịch vụ quản lý tàu vệ tinh, quản lý tàu cận bờ AIS và Dịch vụ thông tin AIS phục vụ giám sát phương tiện nạo vét: Tiếp tục duy trì ổn định lượng khách hàng sẵn có và tăng trưởng đều; triển khai dịch vụ trên toàn hệ thống TTDH và cung cấp cho nhiều thị trường, khách hàng khác nhau.
- Dịch vụ giám sát tàu cá Vifish: Duy trì thuê bao hiện có và phát triển thuê bao mới, cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng với doanh thu dịch vụ tăng trưởng ổn định.
- Dịch vụ công nghệ thông tin khác: Duy trì lượng khách hàng hiện có, tập trung vào thị trường ngách, đặt hàng theo yêu cầu.
d. Hoạt động kinh doanh thiết bị: Công ty định hướng tập trung vào kinh doanh thiết bị phục vụ thị trường tàu SB và tàu cá, với mục tiêu đạt thị phần khoảng 15% thị trường tàu SB và khoảng 30% thị trường tàu cá; Đẩy mạnh kinh doanh các thiết bị vệ tinh liên quan đến dịch vụ cung cấp (thiết bị Vifish.18, Iridium,...) để bù đắp sự sụt giảm doanh thu từ thiết bị truyền thống. Theo đó, duy trì tốc độ tăng trưởng đều của hoạt động kinh doanh thiết bị hàng năm.
e. Hoạt động kinh doanh dịch vụ khoa học kỹ thuật: Duy trì doanh thu và phát triển dịch vụ đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và tạo dựng uy tín thương hiệu trên thị trường.
2.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu công việc, một số người lao động có khả năng tham gia, tham dự các tổ chức, hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực.
Xây dựng đội ngũ người lao động có tác phong làm việc chuyên nghiệp, phương pháp làm việc khoa học, niềm say mê nghề nghiệp, sáng tạo, năng động trong công việc, có khả năng tiếp cận, làm chủ và chuyển giao khoa học công nghệ; có ý thức tổ chức kỷ luật, hợp tác cao, có trách nhiệm trong công việc.
Bảo đảm đủ nguồn nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành Hệ thống TTDH Việt Nam, có khả năng thích ứng với những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ, quản lý đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất của Công ty.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025
Đơn vị: triệu đồng
Stt | Chỉ tiêu | Kế hoạch hằng năm | ||||
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | ||
1 | Vốn chủ sở hữu | 487.108 | 491.108 | 496.108 | 500.000 | 500.000 |
2 | Vốn điều lệ | 487.108 | 500.000 | 500.000 | ||
34 | Nộp ngân sách Nhà nước | 25.000 | 25.125 | 25.250 | 25.375 | 25.500 |
4 | Tổng doanh thu | 370.000 | 370.714 | 382.298 | 386.668 | 392.719 |
4.1 | Hoạt động DVSNC TTDH | 221.500 | 238.464 | 250.524 | 255.534 | 260.645 |
4.2 | Hoạt động kinh doanh | 148.500 | 132.250 | 131.774 | 131.134 | 132.074 |
5 | Lợi nhuận trước thuế | 31.500 | 31.560 | 31,620 | 31.680 | 31.740 |
6 | Lợi nhuận sau thuế | 25.200 | 25.248 | 25,296 | 25.344 | 25.392 |
7 | Trích quỹ đầu tư phát triển | 7.560 | 4.000 | 5.000 | 3.892 | 5.202 |
8 | Thu nhập bình quân (triệu đồng người/tháng) | 12,34 | 12,59 | 12,84 | 13,10 | 13,36 |
III. Các giải pháp thực hiện
1. Đảm bảo cung cấp dịch vụ sự nghiệp công Thông tin duyên hải
Thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, tăng cường tính dự phòng của hệ thống thông tin bảo đảm duy trì hệ thống hoạt động 24/7. Tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO để cung cấp dịch vụ Thông tin duyên hải bảo đảm 100% chỉ tiêu chất lượng dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan đặt hàng, hoàn thành xuất sắc hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công TTDH cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Thường xuyên cập nhật các quy chế, đánh giá và cải tiến các quy trình nghiệp vụ đáp ứng lộ trình hiện đại hóa hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ, bảo đảm năng lực hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn an ninh thông tin. Nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý kỹ thuật, dịch vụ, công nghệ, trang thiết bị phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế- xã hội và khoa học công nghệ.
2. Phát triển hạ tầng Hệ thống Thông tin duyên hải
Kiện toàn vùng phủ sóng VHF để phục vụ các tuyến vận tải ven biển và bờ đảo: thiết lập một số đài TTDH tại các khu vực Nam Định, Ninh Bình, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang (Nam Du). Thiết lập mới đài TTDH tại khu vực quần đảo Trường Sa và thiết lập đài vệ tinh Cospas-Sarsat thế hệ mới MEOLUT. Xây dựng nhà làm việc của một số đài chưa có cơ sở hạ tầng để nâng cao hiện diện của đơn vị tại các địa phương như Huế, Quảng Ngãi (Đài TTDH Lý Sơn) và Trà Vinh (Đài TTDH Bạc Liêu). Nâng cấp hệ thống: thực hiện việc ứng dụng các công nghệ trên nền tảng IP cho Hệ thống TTDH Việt Nam sử dụng sóng vô tuyến mặt đất (Đài TTDH Hải Phòng, Đà Nẵng) và xây dựng hệ thống xử lý thông tin vệ tinh VISHIPEL (VSSC). Trang bị các thiết bị thông tin, máy chủ, xây dựng mới các phần mềm quản lý nghiệp vụ cho Hệ thống TTDH Việt Nam để bảo đảm việc cung cấp chất lượng dịch vụ sự nghiệp công TTDH.
3. Phát triển hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ
Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh. Xây dựng các khung quy định, quy trình, tiêu chuẩn,... cho hoạt động cung cấp và quản lý chất lượng dịch vụ. Xác định sản phẩm chủ lực theo thị trường phục vụ cho các ngành kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, đánh bắt thủy hải sản, du lịch và dịch vụ biển. Xây dựng chính sách bán hàng, truyền thông, chăm sóc khách hàng cho từng thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ theo hướng thương mại điện tử.
4. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ
Phát triển đội ngũ nhân lực làm công tác nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hướng tuyển chọn nhân lực có trình độ phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty. Đổi mới phương pháp đào tạo thông qua hình thức “truyền nghề”, đồng thời tạo các diễn đàn chia sẻ nhằm nâng cao kiến thức, chất lượng kỹ năng xử lý về nghiệp vụ. Xây dựng các phòng thực hành, thiết bị mô phỏng. Tạo dựng kho trí thức của doanh nghiệp làm cơ sở cho hoạt động đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Chú trọng phát triển hàng ngũ kế cận trong tương lai thông qua các chiến lược đào tạo hợp lý. Thực hiện việc đào tạo đối với người lao động trên cơ sở các Tiêu chuẩn khung đã được ban hành. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo để phổ biến các kiến thức mới, kiến thức về quản trị doanh nghiệp, cũng như phương thức làm việc mới trong kỷ nguyên 4.0. Cử người lao động đi đào tạo nâng cao trình độ quản lý theo mô hình các nước có thông tin viễn thông hàng hải và thông tin tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát triển. Trang bị cho người lao động các kiến thức, kỹ năng phù hợp với vị trí làm việc. Đào tạo khả năng thích nghi với môi trường công tác, thực hiện công việc hiện tại và tương lai tốt hơn, hiệu quả hơn. Tổ chức phân công nhân lực, công việc hợp lý, thống nhất nguyên tắc làm việc của từng bộ phận và từng người lao động. Định kỳ đánh giá năng lực người lao động; thực hiện cơ chế tiền lương, thưởng gắn với năng suất và hiệu quả công việc.
5. Giải pháp về quản trị
- Quản trị doanh nghiệp: Xây dựng mô hình quản lý hiệu quả, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững theo định hướng chung của Công ty, vừa bảo đảm sự chủ động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc. Xây dựng cơ cấu tổ chức thể hiện rõ trách nhiệm của từng đơn vị cũng như bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong toàn hệ thống theo đặc thù hoạt động của Công ty. Hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh để làm cơ sở nâng cao trình độ, năng lực của người lao động thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo, làm công cụ để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào công tác quản trị doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, từng bước áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc cho người lao động.
- Giải pháp về tài chính, kế toán: Thực hiện tốt cân đối các khoản thu - chi, thanh quyết toán nhằm góp phần bảo đảm cho kế hoạch sản xuất kinh doanh được thực hiện đúng tiến độ. Tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát về tài chính, kế toán: Quản lý chặt chẽ, quyết liệt thu hồi các khoản nợ phải thu, hạn chế tối đa việc phát sinh công nợ khó đòi; Tăng cường kiểm tra giám sát các khoản thu chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản, nguồn vốn trong toàn Công ty. Thực hiện công khai thông tin, minh bạch hóa hoạt động thông qua các báo cáo, quyết toán tài chính với các cơ quan ban ngành, đồng thời công khai trước Hội nghị người lao động. Xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm chống lãng phí và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Giải pháp về bảo đảm an ninh mạng và an toàn an ninh thông tin: Xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cho hoạt động liên tục của hệ thống công nghệ thông tin, phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài của Công ty. Tập trung chuẩn hóa, đầu tư và triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin. Xây dựng và tổ chức triển khai các phương án điều phối, xử lý sự cố mất an toàn thông tin mạng theo phân cấp, bảo đảm điều phối thông suốt, xử lý theo chức năng, thẩm quyền, mức độ vi phạm. Triển khai kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn an ninh thông tin tại các đơn vị có Trung tâm dữ liệu. Xây dựng và đầu tư nâng cao năng lực hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin nhằm phát hiện, ngăn chặn các loại mã độc, tấn công có chủ đích vào các hệ thống thông tin, chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống tấn công mạng, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh ứng dụng chứng thực và chứng thư số để bảo đảm an toàn, bảo mật trong điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập về lĩnh vực an toàn an ninh thông tin, phòng chống tấn công mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và bảo mật hệ thống.
- Xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp: Xây dựng các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp dựa trên 5 giá trị cốt lõi (Đoàn kết, Tuân thủ, Tận tâm, Sáng tạo và Tin cậy) để gắn kết người lao động trở thành một Đại gia đình chung trong đó mọi thành viên đều phấn đấu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, chia sẻ và giúp đỡ nhau về tinh thần cũng như vật chất. Xây dựng và phát triển bộ nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
- Giải pháp về truyền thông: Xây dựng chiến lược truyền thông làm nổi bật tầm quan trọng của Hệ thống TTDH Việt Nam trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, an toàn, an ninh và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường biển. Duy trì và xây dựng các chương trình cộng đồng hỗ trợ tàu thuyền bị nạn, bảo dưỡng miễn phí thiết bị thông tin. Đẩy mạnh truyền thông vô tuyến, truyền thông điện tử, mạng xã hội,... nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng tương tác giữa Công ty với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, phương tiện truyền thông và tất cả các bên liên quan khác. Kết hợp truyền thông với tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
- Giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới - sáng tạo: Quy hoạch, kiện toàn, chuẩn hóa hạ tầng cơ sở dịch vụ hiện có. Xây dựng, phát triển các công cụ phân tích, thống kê trên nền tảng hạ tầng dữ liệu ứng dụng các công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (Big Data), học máy (ML), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng mới đáp ứng nhu cầu cơ quan quản lý, tổ chức. Tham gia hoàn thiện, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; Rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý công nghệ thông tin cấp Công ty; Xây dựng mới đồng thời loại bỏ các quy định là rào cản cho việc phát triển, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt hoạt động của Công ty. Nghiên cứu, đề xuất định hướng nghiên cứu đề tài, sáng kiến phù hợp nhu cầu thực tiễn của Công ty, xu hướng phát triển công nghệ. Áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo dựa trên xây dựng ý tưởng và thử nghiệm nhanh thay cho dựa trên phân tích và kinh nghiệm chuyên gia để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có tính đột phá. Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học gắn liền với yêu cầu thực tế của các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học quản lý, tài chính, nhân sự. ; Xây dựng đề xuất các cơ chế, chính sách về nhân lực, tổ chức, kinh phí để thúc đẩy công tác nghiên cứu, tạo nhiều sản phẩm sáng tạo, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển Công ty. Phát triển đội ngũ người lao động làm công tác nghiên cứu bảo đảm chất lượng, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ khoa học kỹ thuật của Công ty.
- Giải pháp về hợp tác trong nước và quốc tế: Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, xây dựng thỏa thuận phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các lực lượng thực thi trên biển. Duy trì hợp tác với các đối tác truyền thống, tích cực mở rộng tìm kiếm đối tác mới để cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn với các gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp, trở thành đại diện của một số thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam; Duy trì quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền tại địa phương nhằm tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế Inmarsat, Cospas-Sarsat, ITU, IMO, các Đài Thông tin duyên hải trong khu vực và Châu Á để chủ động về xu hướng và định hướng phát triển công nghệ, dịch vụ. Tham gia sâu rộng vào các hoạt động trên diễn đàn của tổ chức quốc tế với những nhóm vấn đề mà Việt Nam quan tâm và có thế mạnh, có đóng góp chất lượng được các tổ chức quốc tế ghi nhận nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam. Thường xuyên trao đổi tình hình hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm vận hành của các hệ thống như LRIT, LUT/MCC với các quốc gia trong khu vực. Thực hiện và hoàn thành các nội dung đào tạo, bảo dưỡng tại SPOC Lào, Campuchia theo đúng thỏa thuận giữa các Chính phủ. Phối hợp với các đối tác để tổ chức các khóa đào tạo tập trung hoặc từ xa để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động. Hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của thành viên Ban Thư ký IMO Việt Nam. Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực hàng hải mà Việt Nam là thành viên.
C. Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025
I. Mục tiêu
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và phát triển Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam bảo đảm hoạt động liên tục 24/7 và cung cấp dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn.
- Hoàn thiện hạ tầng Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam theo xu hướng phát triển của thế giới.
- Phát triển hạ tầng thông tin vệ tinh băng thông rộng, thông tin mặt đất số (Digital HF, VHF) là nền tảng cho các sản phẩm dịch vụ thông tin số phục vụ phát triển kinh tế biển đảo, phù hợp chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
- Nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho các nhóm khách hàng truyền thống như ngư dân, chủ tàu, công ty tàu biển, doanh nghiệp dầu khí,... theo định hướng kinh tế chia sẻ.
- Bảo đảm năng lực hạ tầng cho công tác an ninh mạng và an toàn an ninh thông tin phù hợp với xu thế phát triển và ứng dụng rộng của công nghệ thông tin trong thời kỳ mới.
II. Nguồn vốn thực hiện
1. Nguồn vốn doanh nghiệp
- Tiếp tục triển khai xây dựng Nhà làm việc của Đài thông tin duyên hải Hải Phòng tại số 11 Võ Thị Sáu, Tp.Hải Phòng.
- Xây dựng nhà làm việc của các Đài thông tin duyên hải Huế, Dung Quất và Bạc Liêu nhằm giúp các đơn vị có cơ sở hạ tầng ổn định làm cơ sở để thiết lập hệ thống thiết bị đảm bảo chất lượng, ổn định hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ của đơn vị.
- Xây dựng nhà làm việc 7 tầng tại trụ sở Công ty số 2 Nguyễn Thượng Hiền, thành phố Hải Phòng để đảm bảo nhu cầu cấp thiết về diện tích làm việc, hội họp, phục vụ khách hàng...phù hợp với xu thế hội nhập, tiếp cận khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu của Công ty.
- Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/HF/VHF của các Đài thông tin duyên hải Hải Phòng và Đà Nẵng nhằm thay thế hệ thống cũ lạc hậu sang hệ thống mới với công nghệ hiện đại, bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Mua sắm các tài sản phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải và hoạt động kinh doanh khác.
(Danh mục đầu tư, mua sắm giai đoạn 2021-2025 tại Phụ lục I kèm theo)
Tổng mức đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025 của Công ty dự kiến là 334.848 triệu đồng (trong đó, đã bao gồm 8.280 triệu đồng của các hạng mục mua sắm tài sản cố định năm 2020 tiếp tục thực hiện trong năm 2021).
2. Nguồn vốn ngân sách nhà nước
- Bổ sung và phát triển hạ tầng để nâng cao năng lực thông tin cho các Đài TTDH tại những khu vực có mật độ tàu thuyền, lưu lượng thông tin liên lạc lớn.
- Từng bước thiết lập mới các Đài thông tin duyên hải tại Nam Định, Ninh Bình, Bến Tre, Sóc Trăng, Nam Du và tại các vị trí chiến lược nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng (Đài thông tin duyên hải Trường Sa).
- Thiết lập Đài vệ tinh Cospas -Sarsat thế hệ mới MEOLUT.
- Nâng cấp các Đài thông tin duyên hải nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng các cam kết Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
(Danh mục các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Phụ lục II kèm theo)
D. Danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hằng năm
Trong giai đoạn 2021-2025, Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam đầu tư 02 dự án nhóm B sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp về trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/HF/VHF của Đài TTDH, cụ thể như sau:
1. Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/HF/VHF của Đài TTDH Hải Phòng
- Địa điểm: Đài thông tin duyên hải Hải Phòng.
- Quy mô đầu tư: Thay thế hệ thống thiết bị điều khiển, máy thu, máy phát, máy thu phát và các phụ trợ của Đài thông tin duyên hải Hải Phòng bằng hệ thống thiết bị mới, ứng dụng công nghệ điều khiển số có khả năng kết nối với nhau trên nền tảng IP. Các trang thiết bị được thay thế sẽ được bổ sung cho các đài thông tin duyên hải trong hệ thống làm thiết bị dự phòng.
- Tổng mức đầu tư dự kiến: 100 tỷ đồng (Bằng chữ: Một trăm tỷ đồng chẵn).
- Nguồn vốn: Sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp.
- Thời gian thực hiện: 2021-2023.
2. Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/HF/VHF của Đài TTDH Đà Nẵng
- Địa điểm: Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng.
- Quy mô đầu tư: Thay thế hệ thống thiết bị, máy thu phát và các phụ trợ của Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng bằng hệ thống thiết bị mới, ứng dụng công nghệ điều khiển số có khả năng kết nối với nhau trên nền tảng IP. Các trang thiết bị được thay thế sẽ được bổ sung cho các đài thông tin duyên hải trong hệ thống làm thiết bị dự phòng.
- Tổng mức đầu tư dự kiến: 50 tỷ đồng (Bằng chữ: Năm mươi tỷ đồng chẵn).
- Nguồn vốn: Sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp.
- Thời gian thực hiện: 2022-2024.
(Danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B theo Phụ lục III đính kèm)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu. Phối hợp, xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam trong quá trình thực hiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025; Danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hằng năm; kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Cục Hàng hải Việt Nam
Căn cứ Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao.
3. Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam
- Tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Công ty theo đúng quy định của pháp luật; sử dụng và quản lý nguồn vốn nhà nước bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
- Trên cơ sở Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hằng năm đã được phê duyệt, Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thị trường và nguồn lực của Công ty, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty.
+ Đối với dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, Công ty căn cứ vào kế hoạch vốn được các cấp thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
+ Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp, trên cơ sở danh mục dự án nhóm A, B, Công ty căn cứ Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty, nguồn vốn đầu tư của Công ty, các quy định của pháp luật về đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền. Dự án đầu tư của Công ty phải đảm bảo tính khả thi của từng dự án, khả năng hoàn vốn, trả nợ vay và hiệu quả đầu tư của dự án.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực tổ chức quản lý, đảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Công ty TNHH một thành viênThông tin điện tử hàng hải Việt Nam để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đảm bảo hài hòa lợi ích cho nền kinh tế đất nước.
- Căn cứ nhu cầu phát triển thực tế, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam theo thẩm quyền được quyết định điều chỉnh các hạng mục đầu tư, mua sắm phù hợp với tình hình thực tế, tìm các giải pháp huy động vốn để thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch, tuân thủ nguyên tắc có hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện và đánh giá kết quả sản xuất kinh và kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty và công khai thông tin theo đúng quy định của pháp luật.
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty về Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về các thông tin, số liệu đã báo cáo tại Tờ trình số 2607/TTr-VISHIPEL ngày 20/8/2020 về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Công văn số 3233/VISHIPEL-HCTH ngày 19/10/2020 về việc thuyết minh bổ sung về kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 20212025 của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và triển khai thực hiện giám sát, đánh giá kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
4. Kiểm soát viên Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty và báo cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; - Các đ/c Thứ trưởng; - Văn phòng Chính phủ; - Trung tâm Công nghệ thông tin (để công khai đăng tải trên cổng thông tin của Bộ); - Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam; - Cục Hàng hải Việt Nam; - Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; - Lưu: VT, QLDN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Văn Công |
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ, MUA SẮM 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA CÔNG TY TNHH MTV THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HÀNG HẢI VIỆT NAM
(Kèm theo Quyết định số 2038/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2020 của Bộ Giao thông vận tải)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Tên chương trình, dự án | Nguồn vốn | Kinh phí dự kiến | Thời gian thực hiện | Ghi chú |
A. | Các hạng mục đầu tư, mua sắm giai đoạn 2021-2025 (= I + II) | 326,568 | |||
I. | Dự án nhóm B, C | 210,342 | |||
1 | Xây dựng Nhà làm việc của Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng tại số 11 Võ Thị Sáu, TP.Hải Phòng | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 13,251 | 2020-2021 | Tiếp tục thực hiện từ năm 2020. |
2 | Xây dựng nhà làm việc của Đài TTDH Huế | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 8,500 | 2021-2023 | |
3 | Xây dựng nhà làm việc của Đài TTDH Dung Quất | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 6,433 | 2022-2024 | |
4 | Xây dựng nhà làm việc của Đài TTDH Bạc Liêu | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 7,152 | 2022-2024 | |
5 | Xây dựng nhà làm việc 7 tầng tại trụ sở Công ty số 2 Nguyễn Thượng Hiền, TP.Hải Phòng | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 25,006 | 2022-2025 | |
6 | Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/Hf/VhF của Đài TTDH Hải Phòng | Vốn doanh nghiệp | 100,000 | 2021-2023 | |
7 | Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/Hf/VhF của Đài TTDH Đà Nẵng | Vốn doanh nghiệp | 50,000 | 2022-2024 | |
II. | Mua sắm tài sản cố định (= II.1 + II.2) | 116,226 | |||
II.1 | Mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công TTDH | 90,973 | |||
1 | Trang bị thiết bị anten cho trạm LUT của Đài thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam | Vốn doanh nghiệp | 14,783 | 2022-2023 | |
2 | Trang bị hệ thống điều khiển quay bám anten của Đài thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng (Hải Phòng LES) | Vốn doanh nghiệp | 5,965 | 2023-2024 | |
3 | Trang bị hệ thống thiết bị phát Navtex cho Đài TTDH Hồ Chí Minh | Vốn doanh nghiệp | 15,000 | 2021-2022 | |
4 | Trang bị thiết bị thu phát VHF cho các đài TTDH | Vốn doanh nghiệp | 4,200 | 2021 | |
5 | Trang bị máy thu phát MF cho đài TTDH loại III | Vốn doanh nghiệp | 1,200 | 2021 | |
6 | Trang bị các máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị an toàn, an ninh mạng,... cho mạng kết nối thông tin ngành hàng hải | Vốn doanh nghiệp | 3,650 | 2021-2024 | |
7 | Trang bị các thiết bị đo cho hệ thống TTDH | Vốn doanh nghiệp | 8,780 | 2021-2023 | |
8 | Trang bị các thiết bị máy chủ, thiết bị mạng phục vụ hệ thống quản lý dịch vụ TTDH | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 22,500 | 2021-2023 | |
9 | Xây dựng các ứng dụng hỗ trợ công tác sản xuất và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công TTDH | Vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác | 3,900 | 2021-2025 | |
10 | Xây dựng các ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý nghiệp vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công TTDH | Vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác | 4,600 | 2021-2025 | |
11 | Trang bị thiết bị điều hòa công nghiệp cho các Đài TTDH | Vốn doanh nghiệp | 900 | 2021-2024 | |
12 | Trang bị thiết bị UPS cho các đài TTDH | Vốn doanh nghiệp | 2,250 | 2021-2024 | |
13 | Trang bị máy phát điện cho các Đài TTDH | Vốn doanh nghiệp | 2,200 | 2021-2024 | |
14 | Trang bị xe ô tô cho Đài Hải Phòng LES | Vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác | 1,045 | 2024 | |
II.2 | Mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động kinh doanh khác | 25,253 | |||
1 | Xây dựng hệ thống xử lý thông tin vệ tinh VISHIPEL (VSSC) | Quỹ đầu tư phát triển và vốn hợp pháp khác | 10,065 | 2021-2023 | |
2 | Xây dựng các ứng dụng phục vụ sản xuất kinh doanh khác | Vốn doanh nghiệp | 12,000 | 2021-2025 | |
3 | Trang bị xe ô tô cho các Đài TTDH Hòn Gai, Thanh Hóa, Phan Thiết và Kiên Giang | Vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác | 3,188 | 2023 | |
B. | Các hạng mục mua sắm của năm 2020 tiếp tục thực hiện trong năm 2021 | 8,280 | |||
TỔNG (= A + B) | 334,848 |
PHỤ LỤC II
Danh mục các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
(Kèm theo Quyết định số 2038/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2020 của Bộ Giao thông vận tải)
Đơn vị tính: triệu đồng
TT | Tên dự án | Nguồn vốn | Tổng mức đầu tư | Thời gian thực hiện | Ghi chú |
1 | Đầu tư thiết lập Đài vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat thế hệ mới MEOLUT | Sử dụng nguồn vượt thu phí BĐHH | 108.790 | 2021-2022 | Chủ đầu tư: Cục Hàng hải Việt Nam |
2 | Xây dựng Đài TTDH Trường Sa thuộc dự án “Xây dựng Đài TTDH, Trung tâm TKCN, Đại diện Cảng vụ hàng hải Nha Trang tại Trường Sa” | Ngân sách nhà nước | 90.000 | 2021-2025 | Chủ đầu tư: Cục Hàng hải Việt Nam Kinh phí dự kiến là sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng Đài TTDH |
3 | Nâng cao năng lực hệ thống TTDH sử dụng sóng vô tuyến mặt đất (Thiết lập 05 Đài TTDH loại IV, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Bến Tre, Sóc Trăng, Nam Du | Ngân sách nhà nước | 105.640 | 2021-2025 | Chủ đầu tư: Cục Hàng hải Việt Nam |
PHỤ LỤC III
Danh mục các dự án A, B hằng năm
(Kèm theo Quyết định số 2038/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2020 của Bộ Giao thông vận tải)
Đơn vị tính: triệu đồng
TT | Tên chương trình, dự án | Quy mô | Nhóm |
Tổng mức đầu tư | Nguồn vốn | Thời gian thực hiện |
1 | Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/HF/VHF của Đài TTDH Hải Phòng | Thay thế hệ thống thiết bị điều khiển, máy thu, máy phát, máy thu phát và các phụ trợ của Đài TTDH Hải Phòng bằng hệ thống thiết bị mới, ứng dụng công nghệ điều khiển số có khả năng kết nối với nhau trên nền tảng IP. | B | 100.000 | Nguồn vốn doanh nghiệp | 2021-2023 |
2 | Trang bị hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị thu, phát MF/HF/VHF của Đài TTDH Đà Nẵng | Thay thế hệ thống thiết bị, máy thu phát và các phụ trợ của Đài TTDH Đà Nẵng bằng hệ thống thiết bị mới, ứng dụng công nghệ điều khiển số có khả năng kết nối với nhau trên nền tảng IP. | B | 50.000 | Nguồn vốn doanh nghiệp | 2022-2024 |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản căn cứ |
05 | Văn bản căn cứ |
06 | Văn bản căn cứ |
Quyết định 2038/QĐ-BGTVT Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải |
Số hiệu: | 2038/QĐ-BGTVT |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 30/10/2020 |
Hiệu lực: | 30/10/2020 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Giao thông |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Văn Công |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |