Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 514/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Hoàng Trung Hải |
Ngày ban hành: | 02/05/2012 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 02/05/2012 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 514/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT, KINH DOANH 5 NĂM 2011 - 2015 CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM
----------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 của Chính phủ về việc chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Xét Tờ trình số 3.806/TTr-BNN-ĐMDN ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
a) Tập trung thực hiện nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh cao su theo hướng thâm canh tăng năng suất và chất lượng. Ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp cao su nhằm chế biến, đa dạng hóa sản phẩm (cao su, các sản phẩm chế biến từ mủ cao su, gỗ công nghiệp). Gắn phát triển vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đồng thời gắn sản xuất với tiêu thụ và xuất khẩu nhằm tăng hiệu quả của sản xuất.
b) Duy trì và phát triển vị thế là một trong những Tập đoàn kinh tế nông nghiệp mạnh trong nước và trong khu vực, giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và đảm bảo an sinh xã hội trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn.
c) Đẩy mạnh phát triển sản xuất đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng lao động địa phương, đảm bảo không ngừng tăng năng suất và thu thập của người lao động.
2. Chỉ tiêu cụ thể:
- Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 15%/năm;
- Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu hàng năm đạt 22%;
- Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn nhà nước bình quân hàng năm đạt 24%;
- Nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm khoảng 3.500 tỷ đồng;
- Đầu tư phát triển hàng năm trên 15.000 tỷ đồng;
- Tạo thêm 70.000 đến 80.000 việc làm mới (cả trong nước và ngoài nước), nâng tổng số lao động Tập đoàn lên 200.000 người đến năm 2015.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT CHÍNH
1. Về trồng trọt:
Đầu tư thâm canh, khai thác có hiệu quả vườn cây cao su hiện có; tiếp tục trồng mới ở những nơi có đủ điều kiện và trồng tái canh theo hướng thâm canh, sử dụng giống mới để tăng năng suất;
Thực hiện trồng mới khoảng 200.000 ha, trong đó ở trong nước 60.000 ha, ngoài nước 140.000 ha. Đến 2015 tổng diện tích đạt khoảng 500.000 ha, trong đó diện tích cao su kinh doanh khoảng 190.000 ha, sản lượng cao su thu hoạch đạt khoảng 330.000 tấn.
2. Về Công nghiệp
a) Công nghiệp chế biến mủ cao su:
Đầu tư nâng công suất cơ sở chế hiến hiện có, xây dựng mới ở vùng có đủ nguyên liệu theo quy hoạch để đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác của Tập đoàn và một phần của các thành phần kinh tế khác. Đến 2015, tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt khoảng 400.000 tấn cao su.
b) Công nghiệp chế biến gỗ:
Đầu tư, cải tạo nâng cao công suất chế biến gỗ, tăng gấp đôi công suất tinh chế, sản lượng quy đổi khoảng 50.000 m3. Tiếp tục mở rộng sản xuất gỗ nhân tạo (MDF), đến 2015 sản lượng đạt khoảng 400.000 m3.
c) Sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su:
Duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp đã có, phát triển mạnh các sản phẩm có nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên. Phấn đấu đến 2015 có sản lượng 1 triệu bộ xăm lốp và các sản phẩm như chỉ thun, găng tay, nệm, công suất 10.000 - 15.000 tấn/năm.
d) Công nghiệp khác:
Tiếp tục đầu tư một số dự án đang triển khai dở dang trên cơ sở bảo tồn và hiệu quả nguồn vốn, đồng thời thoái vốn các dự án đã đủ điều kiện theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt.
3. Ngành dịch vụ và ngành khác: Tiếp tục đầu tư, khai thác có hiệu quả các Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; duy trì các ngành đã hỗ trợ và góp phần nâng cao hiệu quả của ngành chính như tư vấn chuyên ngành, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học có liên quan đến cao su.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Về đất đai: Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai đã được giao hoặc thuê; đồng thời đẩy nhanh thực hiện việc triển khai chặt chẽ thủ tục các dự án đầu tư, trồng mới của các dự án đầu tư ở nước ngoài đã được chấp thuận; tiếp tục thực hiện chương trình chuyển rừng nghèo sang trồng cao su; trồng thí điểm ở một số tỉnh có điều kiện ở vùng Đông Bắc trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Thực hiện nhiều phương án tổ chức sản xuất như: dân góp đất theo hình thức cổ phần; dân góp đất chia sản phẩm; hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, tổ chức có đất; nhận chuyển nhượng dự án từ doanh nghiệp, tổ chức có đất nhưng thiếu năng lực. Hạn chế việc chuyển đổi diện tích cao su đã định hình sang trồng loại cây hoặc mục đích sử dụng khác; việc thu hồi đất trồng cây cao su do chuyển đổi mục đích sử dụng phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Về nguồn vốn: huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn để đầu tư bao gồm: Nguồn vốn hình thành từ cổ phần hóa công ty cao su, bán bớt cổ phần Nhà nước, lợi nhuận và khấu hao của các công ty thành viên, vốn vay trong và ngoài nước; nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để đầu tư các công trình hạ tầng như đường, điện, trường học trạm xá theo quy định.
3. Về tái cơ cấu Tập đoàn: Thực hiện chủ trương đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn theo lộ trình và Đề án tái cơ cấu Tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ để Tập đoàn phát triển bền vững, hoạt động có hiệu quả ngay sau khi Đề án được duyệt.
4. Về thị trường: Đối với cao su nguyên liệu, duy trì thị trường xuất khẩu hiện có, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác, mở thêm thị trường mới, đặc biệt là tăng cường tỷ lệ bán cho các đơn vị trực tiếp sản xuất, đồng thời coi trọng thị trường trong nước, nhất là ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu cao su tự nhiên.
Đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, từng bước chuyển dần hình thức sản xuất theo đơn hàng, mẫu mã của công ty thương mại sang hình thức tự thiết kế mẫu mã, tiếp thị và bán hàng cho các công ty phân phối để tăng giá trị sản phẩm.
5. Phát triển nguồn nhân lực:
Có kế hoạch tuyển dụng lao động đáp ứng đủ yêu cầu phát triển sản xuất, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc kiến thức kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho người lao động; duy trì hình thức thi tay nghề hàng năm, nhất là lao động trực tiếp cạo mủ cao su nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động;
Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, quản lý doanh nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế;
Đầu tư nâng cấp trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su của Tập đoàn đủ năng lực đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật phục vụ toàn ngành và cho xã hội.
6. Công tác khoa học - kỹ thuật:
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; triển khai nhanh việc chuyển giao, sử dụng giống mới có năng suất cao, giống cao su mủ gỗ (kể cả nhập khẩu) phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng cho trồng mới cao su; áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, cải tiến quy trình khai thác mủ cao su để nâng năng suất bình quân; hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho tiểu điền.
Tăng cường các biện pháp để nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm của Tập đoàn.
Đầu tư nâng cấp Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đảm bảo nhiệm vụ lai tạo, tuyển chọn giống tốt có năng suất cao và phát triển sản phẩm công nghiệp mới đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhu cầu của thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản liên quan khác |
Quyết định 514/QĐ-TTg Kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 514/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 02/05/2012 |
Hiệu lực: | 02/05/2012 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Hoàng Trung Hải |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!