BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------------------- Số: 229/TB-BNN-VP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NĂM 2011 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG,
NHIỆM VỤ NĂM 2012 ĐẾN 2015
Ngày 12/01/2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị Tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, Lãnh đạo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp TW; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước; Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Đổi mới và Quản lý DNNN, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Báo Nông nghiệp; đại diện Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) các Tập đoàn, Tổng công ty 91, Công ty TNHH nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần do Bộ làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước (doanh nghiệp thuộc Bộ).
Sau khi nghe Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp báo cáo Tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 của các doanh nghiệp thuộc Bộ; ý kiến của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần và đại diện các cơ quan, đơn vị dự họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận như sau:
Mặc dù năm 2011 có nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ Bộ giao, các doanh nghiệp đạt kết quả sản xuất kinh doanh khá, tích cực phục vụ phát triển ngành, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, duy trì được tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Phát huy kết quả năm qua, từ năm 2012 đến 2015, các doanh nghiệp thuộc Bộ cần đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, tập trung đầu tư có hiệu quả vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Yêu cầu doanh nghiệp thuộc Bộ phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vượt qua mọi khó khăn của năm 2012 duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp; thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định, đăng ký với Bộ danh mục ngành nghề kinh doanh chính để Bộ phê duyệt và chủ động báo cáo Bộ thực hiện thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành; tích cực góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nông dân.
Đồng thời với nội dung nêu trên, thời gian tới các doanh nghiệp, cơ quan chức năng thuộc Bộ khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
1. Về sản xuất, kinh doanh
1.1. Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích
Doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực Thủy nông (trực thuộc Bộ), dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với quốc phòng, an ninh biển đảo (TCT Thủy sản VN) phải thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nông dân (đối với các công ty thủy nông), ngư dân (Công ty DVKT Hải sản Biển đông); xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động theo quy định của pháp luật, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực nhà nước giao cho doanh nghiệp (nhất là kinh phí ngân sách cấp), phấn đấu xây dựng các công ty thủy nông, dịch vụ hải sản thành các doanh nghiệp dịch vụ công ích phục vụ cho nông dân, ngư dân điển hình tiên tiến trong phạm vi cả nước.
1.2. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, là đầu tàu dẫn dắt nông dân, phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới:
- Doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm (lương thực, cà phê, rau quả nông sản…): Ngoài việc không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động góp phần làm tốt công tác bình ổn giá cả lương thực thực phẩm (nhất là dịp tết nguyên đán) phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu 30% cho người sản xuất lúa.
- Tập đoàn công nghiệp Cao su VN: Tiếp tục đầu tư đẩy mạnh phát triển diện tích cao su tại các vùng khí hậu phù hợp (trong nước, ngoài nước) theo kế hoạch được duyệt, đồng thời chú trọng đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, phát triển chế biến nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cao su.
- Doanh nghiệp Thủy sản, Chăn nuôi, Rau quả nông sản…: Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất; cung ứng giống tốt cho thị trường, phục vụ nông dân.
2. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
- Đối với doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa năm 2012 đến 2015 (nhất là doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2012), cần nghiêm túc triển khai cán bộ công nhân viên, thực hiện lộ trình cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình triển khai cổ phần hóa phải thực hiện đúng quy trình, tuân thủ pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch.
- Doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa từ năm 2013-2014, ngay từ đầu năm 2012, doanh nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý các vấn đề tồn tại về tài chính, đất đai… theo quy định của pháp luật (nhất là TCT chè VN, Rau quả nông sản), chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết để thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch. Bộ đánh giá cao các doanh nghiệp chủ động đăng ký đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa ngay trong năm 2012.
3. Tổ chức thực hiện
Doanh nghiệp, cơ quan có liên quan thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nội dung thông báo của Bộ đến tập thể lãnh đạo đơn vị, chủ động phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả:
3.1. Các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa năm 2012 đến 2015: Tổ chức quán triệt đến cấp ủy và cán bộ công nhân viên, tạo sự đồng thuận cao, thống nhất về tư tưởng trong tổ chức và thực hiện, lập tổ công tác về cổ phần hóa doanh nghiệp.
3.2. Về quản lý doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực thủy nông:
Giao Cục quản lý Xây dựng công trình làm đầu mối, phối hợp với Vụ Tài chính, Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp để trình Bộ ban hành quy định thực hiện phân cấp phê duyệt dự toán xây dựng công trình sửa chữa, mua sắm nhỏ (mức không quá 01 tỷ đồng) cho Chủ tịch Công ty phê duyệt để đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, thực hiện theo quy định của pháp luật.
3.3. Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp:
- Là đầu mối tham mưu cho Bộ về công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp trình Bộ quyết định cho phép tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp từ năm 2012-2015, trước mắt trình quyết định cho phép tiến hành cổ phần hóa 11 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa năm 2012. Đồng thời, sớm tham mưu cho Bộ ban hành quy trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc cổ phần hóa thuộc Bộ và Ban đổi mới doanh nghiệp để có đủ năng lực, thành phần nhằm đẩy nhanh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Phân công, phân nhiệm lãnh đạo và chuyên viên để giúp doanh nghiệp thực hiện hoàn thành cổ phần hóa.
- Trên cơ sở đề xuất danh mục ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, Ban chủ trì phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để trình Bộ quyết định ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh chính của từng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ.
3.4. Vụ Kế hoạch: Đề xuất giải pháp đảm bảo vốn thanh toán cho các doanh nghiệp thi công công trình của ngành do Bộ làm chủ đầu tư, nhất là tại công trình Cửa Đạt.
Văn phòng Bộ xin thông báo các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: - Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c); - Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần (để b/c); - Ban Đổi mới và PTDNTW (để b/c); - Vụ Đổi mới doanh nghiệp-VPCP; - Bộ Tài chính, KH và ĐT, Ngân hàng NN; - Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ; - Báo nông nghiệp; - Ban ĐMDN, Văn phòng Bộ; - Các doanh nghiệp thuộc Bộ; - Lưu: VP, ĐMDN (3). | TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG Nguyễn Minh Nhạn |