BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------------------- Số: 6229/TB-BNN-ĐMDN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN VỀ KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH KẾ HOẠCH
SẢN XUẤT, KINH DOANH 5 NĂM (2011-2015) VÀ NĂM 2012 CỦA
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM
Ngày 07/12/2011, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần - Chủ tịch Hội đồng thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, các Tổng công ty 91, 90 và các công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ (Hội đồng thẩm định), chủ trì Hội đồng thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và năm 2012 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tham gia thẩm định có Lãnh đạo Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp, Lãnh đạo Vụ Tài chính, đại diện Công đoàn ngành, Tổng cục Lâm nghiệp; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Sau khi nghe Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo cáo tóm tắt Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn và Báo cáo thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp; các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của cơ quan có liên quan thuộc Bộ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kết luận như sau:
1. Thống nhất thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trình Bộ với các nội dung chủ yếu sau:
- Kế hoạch lập phù hợp với định hướng phát triển của ngành.
- Kết cấu, biểu mẫu khoa học, phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Về cơ bản các giải pháp triển khai thực hiện có căn cứ khoa học và khả thi trên cơ sở đánh giá bài học kinh nghiệm giai đoạn trước tương ứng.
- Cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch xây dựng có căn cứ khoa học, phù hợp với tốc độ phát triển chung của ngành cao su.
2. Kiến nghị Tập đoàn tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
2.1. Về định hướng chiến lược:
- Mục tiêu chiến lược kinh doanh, đề nghị bổ sung thêm nội dung “Tập đoàn giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt các thành phần kinh tế trong việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn (thuộc lĩnh vực ngành Cao su), góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội trong phạm vi quản lý của Tập đoàn”.
- Xác định rõ Tập đoàn tập trung đầu tư có hiệu quả vào ngành sản xuất kinh doanh chính. Việc thoái vốn hiện đã đầu tư ra ngoài ngành phải quyết liệt hơn (nhưng không phải bằng mọi giá) và phải tính toán hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước đã đầu tư. Từ nay về sau, Tập đoàn không được đầu tư ra ngoài ngành, nếu không có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ.
2.2. Về kết cấu biểu mẫu, chỉ tiêu:
- Tách bạch, làm rõ chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn (các chỉ tiêu báo cáo hợp nhất của toàn bộ Tập đoàn) và chỉ tiêu Công ty mẹ của Tập đoàn; tính lôgíc, thuyết minh rõ chỉ tiêu, mối tương quan giữa việc tăng trưởng doanh thu và tổng chi phí, lợi nhuận thực hiện, khả năng tích lũy vốn đầu tư của Chủ sở hữu từ lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn; việc cân đối các nguồn vốn đầu tư dài hạn của Tập đoàn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển, nhất là việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp của Tập đoàn, từ việc thoái vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tập đoàn để cân đối vốn đầu tư.
- Bổ sung các chỉ tiêu về lao động, tiền lương, thu nhập của Tập đoàn, Công ty mẹ Tập đoàn (hướng dẫn tại văn bản số 2949/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 01/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).
- Bổ sung các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các chỉ tiêu đảm bảo an toàn hoạt động tài chính của Tập đoàn (theo văn bản số 2949/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 01/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).
- Giải thích việc tính toán, kế hoạch thu cổ tức, lợi nhuận được chia (2012-2015) và tình hình thực tế thu cổ tức, lợi nhuận được chia của năm 2011 từ hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn của Tập đoàn, Công ty mẹ của Tập đoàn.
2.3. Về giải pháp thực hiện:
- Các giải pháp cụ thể để cân đối các nguồn vốn dài hạn phục vụ đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2011-2015.
- Các giải pháp cụ thể về quỹ đất (trong nước, nước ngoài) đảm bảo cho việc đầu tư phát triển cao su giai đoạn 2011-2015. Tập đoàn xây dựng kế hoạch và tính toán kỹ hiệu quả kinh tế, mục tiêu của các phương án đầu tư ra nước ngoài phù hợp với định hướng của Chính phủ (cụ thể từng nước, khu vực) để quyết định phương án đầu tư tối ưu.
- Các giải pháp về đầu tư, nghiên cứu phát triển giống cao su phù hợp với đặc điểm sinh thái vùng miền (nhất là giống cao su chịu lạnh dự kiến trồng ở các tỉnh miền núi phía bắc).
- Dự báo, dự kiến giá bán cao su phù hợp (nhất là cao su xuất khẩu) giai đoạn 2011-2015, đảm bảo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm phù hợp với thực tế và khả thi.
- Cần tính toán lại các chỉ tiêu mà Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ; xây dựng chính sách hỗ trợ cho người lao động của Tập đoàn là người dân tộc ở các tỉnh phía Bắc cho phù hợp với chủ trương chung.
- Các giải pháp cân đối vốn đầu tư dài hạn, cần có biểu chi tiết cân đối vốn của từng dự án đầu tư; có giải pháp cụ thể đối với các dự án trọng điểm của Tập đoàn, Công ty mẹ Tập đoàn.
3. Về tổ chức thực hiện
- Giao Hội đồng thành viên, Ban điều hành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp thu, chỉnh sửa theo các nội dung nêu trên để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tập đoàn, Công ty mẹ của Tập đoàn.
- Ban Đổi mới và Quản lý DNNN theo chức năng, nhiệm vụ Bộ giao tại Quyết định số 2949/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 01/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trực thuộc Bộ, chủ động hướng dẫn, đôn đốc Tập đoàn khẩn trương hoàn thành việc tiếp thu chỉnh sửa theo nội dung trên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: - Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c); - Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần (để b/c); - Văn phòng Chính phủ; - Cục TCDN - Bộ Tài chính; - Tổng cục Lâm nghiệp; - Vụ KH, Vụ Tài chính; - Công đoàn ngành; - Tập đoàn CNCS Việt Nam; - Lưu: VP, ĐMDN (3). | TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG- TRƯỞNG BAN BAN ĐỔI MỚI VÀ QUẢN LÝ DNNN Nguyễn Hữu Điệp |