Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 07-TC/TCDN | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành: | 27/02/1997 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 27/02/1997 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 07 TC/TCDN NGÀY 27 THÁNG 2 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC LẬP VÀ KIỂM TRA BÁO CÁO TÀI CHÍNH
NĂM 1996 CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Căn cứ vào chế độ tài chính hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước năm 1996;
Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước", các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn công tác lập báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận và kiểm tra báo cáo tài chính năm 1996 của doanh nghiệp Nhà nước như sau:
I. VIỆC LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Việc lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại "Chế độ kế toán doanh nghiệp" ban hành kèm theo quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy chế tài chính mẫu của Tổng công ty Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 838 TC/TCDN ngày 28/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, lưu ý một số vấn đề sau:
1. Kết quả kiểm tra xác định lại vốn và tài sản ngày 1/1/1996 phải được thể hiện trong số liệu kế toán của doanh nghiệp theo số thông báo kết quả thẩm định của cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tính trích khấu hao tài sản cố định, thu sử dụng vốn ngân sách phải căn cứ vào số liệu đã được thông báo.
2. Doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động) và đối chiếu công nợ trước khi lập báo cáo tài chính. Những khoản chênh lệch giữa số liệu kiểm kê, đối chiếu với sổ sách phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định hiện hành. Tổng hợp báo cáo kiểm kê, đối chiếu công nợ của doanh nghiệp phải gửi kèm theo báo cáo tài chính cho cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
3. Đối với việc tăng giảm khấu hao tài sản cố định trong năm 1996 vẫn thực hiện theo Quyết định số 51/TTg ngày 21/1/1995 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 36 TC/TCDN ngày 27/4/1995 của Bộ Tài chính. Thời hạn cuối cùng gửi hồ sơ để xử lý việc tăng giảm khấu hao là ngày 30/6/1997.
4. Các khoản chi phí của doanh nghiệp phát sinh trong năm 1996 thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng cho cả năm 1996 (trước khi có Nghị định 59/CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính). Quỹ tiền lương doanh nghiệp được tính theo đơn giá tiền lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Thông tư liên bộ số 20 LB/TT ngày 2/6/1993 của Liên bộ Lao động - Thương binh - Xã hội - Tài chính.
5. Đối với các khoản lỗ của những năm trước, doanh nghiệp được chuyển trừ vào lợi tức trước thuế theo quy định của Luật thuế lợi tức và các văn bản hướng dẫn, (Nghị định số 57/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ, Thông tư số 75A TC/TCT ngày 31/8/1993 của Bộ Tài chính, Công văn số 348/KTTH ngày 21/1/1995 của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 1167 TC/TCDN ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính). Hết thời hạn chuyển lỗ theo quy đinh, doanh nghiệp dùng lợi tức sau thuế để bù đắp các khoản lỗ còn lại trước khi trích lập các quỹ doanh nghiệp. Các trường hợp chuyển lỗ vượt quá thời hạn quy định phải có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
6. Mức trích lập các quỹ doanh nghiệp vẫn thực hiện theo Thông tư số 12TC/CN ngày 23/2/1994 của Bộ Tài chính áp dụng cho việc trích lập các quỹ xí nghiệp của năm 1994 và năm 1995.
7. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải lập theo đúng chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 1141TC/QĐ/CĐKT của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cụ thể là:
+ Bảng cân đối kế toán
+ Kết quả hoạt động kinh doanh
+ Thuyết minh báo cáo tài chính.
Các báo cáo phải theo đúng mẫu và gửi cho các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định. Riêng đối với báo cáo tài chính tổng hợp của các tổng công ty Nhà nước phải gửi cho Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và các cơ quan quản lý Nhà nước như quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước độc lập.
Đối với những doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc khi gửi báo cáo tài chính cho cấp trên phải gửi cho Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Cục thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.
8. Hiện nay chưa có hướng dẫn công tác kiểm toán nội bộ, lực lượng kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập còn hạn chế nên báo cáo tài chính năm 1996 không bắt buộc phải có chữ ký của kiểm toán nội bộ hoặc kiểm toán độc lập, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kiểm toán nội bộ dưới hình thức Tổng công ty tổ chức kiểm toán cho các doanh nghiệp thành viên hoặc thuê các công ty kiểm toán độc lập thực hiện việc kiểm toán trước khi gửi báo cáo tài chính cho các cơ quan chức năng.
II. KIỂM TRA BÁO CÁO TÀI CHÍNH NĂM 1996
CỦA DOANH NGHIỆP:
Theo tinh thần Nghị định 59/CP quy định quy chế tài chính và hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan tài chính không thực hiện việc phê duyệt báo cáo tài chính năm 1996 của các doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi hoàn thành báo cáo tài chính gửi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Thông tư số 73 TC/TCDN ngày 12/11/1996 của Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo tài chính của doanh nghiệp, Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp, phân tích tình hình doanh nghiệp Nhà nước theo địa bàn và ngành kinh tế để báo cáo Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.
Bộ Tài chính giao cho Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với cơ quan thuế tổ chức việc kiểm tra báo cáo tài chính năm 1996 của doanh nghiệp Nhà nước.
Việc kiểm tra báo cáo tài chính được thực hiện sau khi doanh nghiệp gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng. Trước khi tiến hành kiểm tra phải thông báo cho doanh nghiệp thời gian kiểm tra để doanh nghiệp sắp xếp công việc. Nội dung kiểm tra có thể toàn diện hay một hoặc một số vấn đề tuỳ theo tình hình của doanh nghiệp và lực lượng của cơ quan kiểm tra. Kết thúc kiểm tra phải lập biên bản nêu rõ những điểm đúng sai của doanh nghiệp và kiến nghị xử lý. Khi kiểm tra nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm chế độ quản lý tài chính như hạch toán sai làm mất vốn Nhà nước, không thực đúng nghĩa vụ thu ngân sách Nhà nước thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự sai sót của mình.
Năm 1996 là năm đầu thực hiện việc bỏ phê duyệt quyết toán và doanh nghiệp thực hiện công khai tài chính nên việc kiểm tra cần được tiến hành khẩn trương và chỉ đạo chặt chẽ. Các vấn đề vướng mắc phát sinh cần được báo cáo và xử lý kịp thời.
III. QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG:
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký áp dụng cho việc lập, kiểm tra số liệu báo cáo tài chính năm 1996 của doanh nghiệp Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn vướng mắc báo cáo về Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết.
Thông tư 07-TC/TCDN hướng dẫn lập và kiểm tra báo cáo tài chính năm 1996 của doanh nghiệp Nhà nước
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 07-TC/TCDN |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 27/02/1997 |
Hiệu lực: | 27/02/1997 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Phạm Văn Trọng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!