Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | 29&30 - 01/2008 |
Số hiệu: | 02/2008/CT-TTg | Ngày đăng công báo: | 14/01/2008 |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 08/01/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 08/01/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 02/2008/CT-TTg NGÀY 08 THÁNG 01 NĂM 2008
VỀ ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI,
XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP
Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội; cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, Hội Khuyến học đã được thành lập ở tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã có những đóng góp tích cực. Các phong trào thi đua xây dựng ''gia đình hiếu học'', ''dòng họ khuyến học'' ở thôn, làng, phường, xã, được khơi dậy và đẩy mạnh, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, theo tinh thần học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng được thành lập và hoạt động tích cực ở các địa phương, tạo điều kiện để mọi người dân đều có thêm cơ hội được học tập nâng cao hiểu biết, năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển còn chưa thật đồng đều; một số cấp, ngành, địa phương đơn vị nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa thật sự đầy đủ, nên phong trào phát triển chưa vững chắc.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, từng bước xây dựng và phát triển mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
2. Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Cần đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với phong trào làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, học đi đôi với hành. Phát triển các hình thức học tập chính quy đi đôi với phát triển, đa dạng hóa các hình thức học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập thường xuyên, học suốt đời.
3. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tập trung chỉ đạo xác định, cụ thể hoá các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp triển khai các hoạt động xây dựng xã hội học tập theo Đề án của Chính phủ về việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, trong đó lưu ý xây dựng tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam vững mạnh, hoạt động thiết thực, có hiệu quả.
4. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các công việc sau:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, các tổ chức, đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động về công tác khuyến học, khuyến tài, đồng thời chỉ đạo triển khai, kiểm tra đôn đốc nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập; tích cực triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, theo Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện các giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên, các Trung tâm học tập cộng đồng, cơ sở dạy nghề, trong đó tập trung đổi mới nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp học tập đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lao động ở nông thôn, tạo điều kiện, môi trường học, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho mọi tầng lớp nhân dân, bồi dưỡng nhân tài, nhất là tài năng trẻ trên các lĩnh vực.
b) Bộ Nội vụ:
- Nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế chính sách cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Khuyến học hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và có hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội trong việc thúc đẩy hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
- Xem xét, phê duyệt Điều lệ của Hội Khuyến học Việt Nam phù hợp với điều kiện mới, theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục thường xuyên, các Trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở, Trung tâm ở các vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng hải đảo, bảo đảm công bằng giáo dục.
d) Bộ Tài chính:
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách tài chính hợp lý nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh sự phát triển các cơ sở giáo dục thường xuyên, các Trung tâm học tập cộng đồng, các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
đ) Ủy ban nhân dân các cấp:
Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, các đoàn thể, thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Khuyến học hoạt động có hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích.
5. Hội Khuyến học Việt
- Chỉ đạo các cấp Hội tăng cường các hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; có những đóng góp tích cực vào việc phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào xây dựng ''gia đình hiếu học'', ''dòng họ khuyến học'', ....
- Xây dựng, củng cố Hội Khuyến học các cấp hoạt động có hiệu quả, làm nòng cốt trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
- Nghiên cứu, đề xuất về mô hình xã hội học tập ở Việt
6. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập; biểu dương kịp thời các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Chỉ thị 02/2008/CT-TTg đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 02/2008/CT-TTg |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Ngày ban hành: | 08/01/2008 |
Hiệu lực: | 08/01/2008 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
Ngày công báo: | 14/01/2008 |
Số công báo: | 29&30 - 01/2008 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!