hieuluat

Chỉ thị 33/CT-TTg nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:33/CT-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:05/11/2014Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:05/11/2014Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
  • Số: 33/CT-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2014
     
     
    CHỈ THỊ
    VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
    CHO CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
     
     
    Trong hơn 50 năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào) ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, với nhiều phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.
    Để thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
    1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho CHDCND Lào là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới, trong đó cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đào tạo.
    2. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
    a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất quản lý toàn diện lưu học sinh Lào thuộc tất cả các đối tượng và loại hình đào tạo. Quán triệt các cơ sở đào tạo khi tiếp nhận lưu học sinh Lào phải tuân thủ quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam và các quy định khác.
    b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh trước khi sang học tập tại Việt Nam, cụ thể như sau:
    - Chỉ tuyển chọn sinh viên năm thứ nhất tại các trường đại học của CHDCND Lào sang học tại Việt Nam theo diện hiệp định và chỉ tiếp nhận lưu học sinh diện hiệp định khi có quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
    - Lưu học sinh Lào trước khi sang Việt Nam học tập phải học tiếng Việt trong thời gian tối thiểu 03 tháng tại các cơ sở đào tạo có đủ năng lực tại Lào.
    - Hàng năm, thông báo danh sách các cơ sở đào tạo, các ngành đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh theo từng bậc học (đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh) để phía Lào lựa chọn, đăng ký ứng viên phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn.
    c) Chủ trì xây dựng lộ trình và thống nhất với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào về triển khai tổ chức giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại các trường phổ thông do Việt Nam xây dựng từ năm học 2014 - 2015, hướng tới giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông khác trong hệ thống giáo dục của Lào.
    d) Soạn thảo, ban hành bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt thống nhất cho lưu học sinh nước ngoài và khung năng lực tiếng Việt áp dụng tại các cơ sở đào tạo; bổ sung, hoàn thiện bộ Từ điển Việt - Lào, Lào - Việt tạo điều kiện thuận tiện trong học tập, nghiên cứu của lưu học sinh.
    đ) Hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, cụ thể như sau:
    - Chỉ tiếp nhận lưu học sinh Lào đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếng Việt theo quy định. Không đổi ngành nghề đào tạo cho lưu học sinh, trường hợp đặc biệt phải có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    - Tổ chức dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ bắt buộc đối với lưu học sinh Lào trong suốt quá trình đào tạo.
    - Tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định, quy chế về chương trình, chất lượng và thi cử trong quá trình đào tạo lưu học sinh Lào.
    - Bảo đảm đầy đủ điều kiện ăn ở, học tập cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập tại Việt Nam.
    - Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, các chương trình ngoại khóa tìm hiểu đất nước con người Việt Nam nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho lưu học sinh Lào; tăng cường vai trò và sự tham gia của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong các hoạt động giao lưu, ngoại khóa đối với lưu học sinh Lào.
    - Hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng đề án liên kết đào tạo tại Lào nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả và chất lượng đào tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của CHDCND Lào; việc cấp phép, quản lý các chương trình liên kết đào tạo phải tuân thủ quy định hiện hành của hai nước.
    3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và phân bổ nguồn lực để tăng cường hợp tác với CHDCND Lào trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
    4. Bộ Tài chính đề xuất việc điều chỉnh định mức chi phù hợp cho lưu học sinh Lào thuộc diện hiệp định học tập tại Việt Nam, trên cơ sở cân đối nguồn vốn viện trợ dành cho đào tạo lưu học sinh Lào hàng năm và tốc độ trượt giá của chỉ số giá tiêu dùng.
    5. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Lào phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyển chọn con em Việt Kiều sang học tập tại Việt Nam.
    6. Các Bộ: Quốc phòng, Công an ban hành tiêu chí tuyển sinh trong các trường quân đội và công an; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bảo đảm chất lượng dạy và học tại các cơ sở đào tạo.
    7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
    a) Xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn và ngắn hạn với các địa phương kết nghĩa của Lào trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của CHDCND Lào và thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biết; chú ý bảo đảm các điều kiện học tập, sinh hoạt cho lưu học sinh Lào tại các cơ sở đào tạo của địa phương.
    b) Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào thuộc tất cả các đối tượng và loại hình đào tạo tại các cơ sở đào tạo trực thuộc, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    c) Chỉ đạo các cơ sở đào tạo trực thuộc, khi có chủ trương đào tạo các đối tượng lưu học sinh không thuộc diện Hiệp định Chính phủ, lập báo cáo chi tiết (số lượng, lĩnh vực đào tạo, loại hình đào tạo, thời gian đào tạo), gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp.
    d) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạo tại các cơ sở đào tạo trực thuộc theo quy định hiện hành.
    8. Công tác kiểm tra và báo cáo định kỳ:
    a) Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại các cơ sở đào tạo.
    b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổng hợp, định kỳ (6 tháng) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào về kết quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đề xuất và kiến nghị với Chính phủ những giải pháp cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cho lưu học sinh Lào.
    9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này của các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước./.
     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, TGĐ Cổng TTĐT;
    - Lưu: VT, QHQT (3b) HC.
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X