Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 3807/BGDĐT-TTr | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Nguyễn Huy Bằng |
Ngày ban hành: | 06/06/2013 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 06/06/2013 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3807 /BGDĐT-TTr | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2013 |
Kính gửi: | - Các đại học, học viện; |
Căn cứ Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05/3/2012 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29/6/2012, Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; căn cứ Quyết định số 41/2006/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi; căn cứ Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn thanh tra công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2013 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thanh tra tuyển sinh nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm; thu thập thông tin chính xác, giúp cơ quan quản lý chỉ đạo kịp thời đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, ứng phó với mọi tình huống bất thường, bảo đảm cho công tác tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
2. Yêu cầu
a) Hoạt động thanh tra thi phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ và kịp thời; đúng nội dung, đối tượng theo quyết định thanh tra; không làm thay và không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia tuyển sinh.
b) Cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia đoàn thanh tra tuyển sinh phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao;
- Nắm vững nghiệp vụ thanh tra và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và các văn bản khác có liên quan;
- Được tập huấn về công tác thanh tra tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy;
II. NỘI DUNG THANH TRA
1. Thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi
a) Công tác chỉ đạo của cơ sở giáo dục đại học
- Kiểm tra việc ban hành các văn bản chỉ đạo về tuyển sinh của Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng); quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh, Đoàn thanh tra; phương án, kế hoạch, công tác tuyên truyền về công tác tuyển sinh và các văn bản phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan nhằm bảo đảm cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
- Kiểm tra việc bố trí lực lượng tham gia kỳ thi và các công tác khác có liên quan (không bố trí giảng viên làm công tác phục vụ thi: bảo vệ, phục vụ nước …).
b) Đối với Hội đồng tuyển sinh
- Kiểm tra việc thành lập các ban giúp việc (ban đề thi, ban thư ký, ban coi thi, ban chấm thi, ban chấm kiểm tra, ban chấm phúc khảo …); việc lập danh sách thí sinh dự thi theo phòng thi.
- Kiểm tra cơ sở vật chất: cơ sở sao in đề thi (nếu có) đảm bảo an toàn, biệt lập, phương án, kế hoạch công tác bảo vệ khu vực in sao đề thi theo yêu cầu 3 vòng độc lập; kiểm tra máy móc, thiết bị kể cả máy phát điện dự phòng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; văn phòng phẩm, phương tiện thông tin liên lạc; việc bảo quản bảo mật đề thi và đảm bảo an toàn của các khâu giao, nhận, vận chuyển đề thi tới các điểm thi.
c) Đối với Ban coi thi
- Kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm, mẫu văn bản phục vụ coi thi; kiểm tra phòng thi, bàn ghế, ánh sáng và việc bố trí các phòng thi; các phương án phòng ngừa việc gây rối trật tự xung quanh và trong khu vực thi, biện pháp đảm bảo an toàn cho điểm thi (không bố trí địa điểm thi tại điểm dễ xảy ra mất an toàn và các trường tiểu học …).
- Kiểm tra việc sắp xếp danh sách thí sinh các phòng thi: số lượng thí sinh/phòng thi, việc đánh số báo danh (lưu ý: danh sách thí sinh không vượt quá 40 thí sinh/phòng thi).
- Kiểm tra việc đảm bảo điều kiện y tế.
- Kiểm tra việc tổ chức học tập quy chế và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đến cán bộ, viên chức, người lao động và thí sinh. Lưu ý những điểm sửa đổi, bổ sung của Quy chế tuyển sinh.
d) Đối với Ban chấm thi
- Kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ công tác chấm thi, các biểu mẫu biên bản chấm, phiếu chấm;
- Kiểm tra địa điểm làm phách; việc bố trí phòng làm việc của Ban chấm; phòng giao, nhận bài chấm; phòng chấm lần 1, lần 2 đối với môn tự luận, phòng chấm trắc nghiệm, quy trình chấm;
- Kiểm tra thành phần ban chấm thi;
- Kiểm tra các biện pháp bảo vệ an toàn khu vực chấm thi.
2. Thanh tra công tác coi thi
- Kiểm tra phương án tổ chức, bố trí lực lượng và các biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi, trật tự trong, ngoài phòng thi, khu vực thi và biện pháp khắc phục sự cố;
- Kiểm tra việc thực hiện quy định về lịch thi các môn;
- Giám sát công tác điều hành của Trưởng ban coi thi và các thành viên trong ban coi thi; phương án tổ chức phân công cán bộ coi thi;
- Giám sát quy trình giao, nhận đề thi, đảm bảo theo đúng quy định;
- Giám sát việc giao, nhận, thu và quản lý đề thi thừa;
- Kiểm tra phương án sắp xếp chỗ ngồi cho thí sinh của từng môn thi;
- Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ coi thi, thanh tra thi và các lực lượng tham gia kỳ thi nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm quy chế;
- Giám sát quy trình thu bài, giao, nhận, bảo quản bài thi;
- Giám sát việc xử lý vi phạm quy chế đối với đối tượng tham gia kỳ thi.
3. Thanh tra công tác chấm thi
- Giám sát việc thực hiện quy trình làm phách và công tác bảo mật phách;
- Kiểm tra việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ chấm thi và thủ tục mời người ngoài cơ sở đến chấm thi (nếu có);
- Kiểm tra thực hiện theo quy định về ký hợp đồng chấm thi với các trường khác (nếu có);
- Kiểm tra việc tổ chức thảo luận đáp án, thang điểm và chấm tập thể;
- Về chấm trắc nghiệm: Giám sát cán bộ tham gia chấm thi thực hiện đúng quy định về việc không được mang các vật dụng bị cấm khi xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm; giám sát quá trình quét và xử lý, niêm phong phiếu trả lời trắc nghiệm và việc ghi vào đĩa CD các dữ liệu và kết quả bài thi;
- Về chấm tự luận: Giám sát việc thực hiện quy chế chấm thi, việc giao, nhận bài thi, quy trình chấm 2 vòng độc lập; việc ghi điểm vào phiếu chấm và bài thi; việc xử lý kết quả sau 2 lần chấm bài thi có chênh lệch điểm; việc xử lý bài thi có dấu hiệu bất thường.
4. Thanh tra công tác chấm kiểm tra
- Kiểm tra thành phần ban chấm kiểm tra;
- Kiểm tra việc thực hiện quy trình chấm kiểm tra;
- Giám sát số lượng bài chấm kiểm tra.
5. Thanh tra công tác chấm phúc khảo
- Kiểm tra việc bố trí người chấm phúc khảo;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về chấm lại thể hiện trên bài thi, việc lập biên bản đối thoại giữa các cặp chấm.
6. Thanh tra công tác xét tuyển
- Kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và thực hiện chỉ tiêu đã xác định và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2012/TT-BGDĐT ngày 12/6/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
- Kiểm tra việc thông báo xét tuyển, thời gian xét tuyển;
- Giám sát việc thu nhận hồ sơ dự tuyển và việc nhập điểm thi công khai theo quy định;
- Kiểm tra việc xây dựng phương án xét tuyển;
- Kiểm tra danh sách thí sinh trúng tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển đến trường (Lưu ý: các đối tượng được tuyển thẳng, đối tượng ưu tiên …);
- Kiểm tra kết quả thi và hồ sơ trúng tuyển.
III. TỔ CHỨC THANH TRA
1. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuyển sinh được quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt), kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển tại một số Hội đồng tuyển sinh. Các đoàn thanh tra coi thi, chấm thi sẽ tiến hành theo hình thức thanh tra đột xuất không báo trước;
3. Các Bộ, ngành, địa phương có trường thành lập các đoàn (hoặc cử cán bộ) thanh tra, phối hợp với Thanh tra Bộ GD&ĐT tiến hành thanh tra việc thực hiện Quy chế tuyển sinh ở các trường trực thuộc theo tinh thần phân cấp quản lý tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
4. Các cơ sở giáo dục đại học thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt) để thực hiện các nội dung nêu tại Mục II văn bản này.
5. Công tác tổ chức thu nhận, xử lý thông tin giải quyết khiếu nại, tố cáo về tuyển sinh.
Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT, các Đoàn thanh tra tuyển sinh tổ chức tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng và xử lý các vi phạm theo quy định:
- Giải quyết khiếu nại về hồ sơ, về điểm thi theo quy định của quy chế;
- Giải quyết tố cáo về thi: trong và sau kỳ thi nếu có tố cáo về các hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi, theo thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố cáo hoặc chuyển Lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học xem xét giải quyết theo quy định của quy chế tuyển sinh, Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
6. Lề lối làm việc
Cán bộ thanh tra không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng coi thi, chấm thi. Khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra phải kiên quyết yêu cầu cán bộ coi thi xử lý theo quy định, lập biên bản ghi nhớ và theo dõi việc xử lý. Khi phát hiện lãnh đạo, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi, nhân viên phục vụ coi thi, chấm thi vi phạm quy chế hoặc có hành vi thiếu trách nhiệm thì yêu cầu lãnh đạo Hội đồng tuyển sinh, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học lập biên bản xử lý theo quy định và lập biên bản ghi nhớ, theo dõi việc xử lý.
IV. CÔNG TÁC TẬP HUẤN VÀ CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN PHỤC VỤ THANH TRA.
1. Công tác tập huấn thanh tra thi
a) Các cơ sở giáo dục tổ chức tập huấn quy chế cho cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra thi. Thời gian tổ chức tập huấn do các đơn vị tự bố trí trước khi tiến hành thanh tra.
b) Tài liệu tập huấn gồm:
- Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20/2/2013 và Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29/6/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;
- Quyết định số 41/2006/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi;
- Công văn số 405/BGDĐT-TTr ngày 16/01/2007 của Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn thanh tra thi;
- Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013;
- Hướng dẫn thanh tra tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 của Bộ GD&ĐT.
2. Kinh phí và điều kiện đảm bảo khác
Cơ quan đơn vị, địa phương và các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị tài liệu, phương tiện, kinh phí để thanh toán chế độ và công tác phí cho cán bộ, giảng viên tham gia công tác thanh tra thi theo quy định hiện hành. Tạo điều kiện thuận lợi để đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra của Bộ GD&ĐT hoàn thành nhiệm vụ thanh tra thi tại cơ sở.
V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Đối với đoàn thanh tra của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trường tổ chức tuyển sinh; Cục Nhà trường- Bộ quốc phòng và của cơ sở giáo dục đại học:
a) Trong tình huống đặc biệt cần có ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì phải kịp thời báo cáo bằng phương tiện thông tin nhanh nhất để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết, nội dung báo cáo cần chính xác, ngắn gọn, chú ý yêu cầu bảo mật thông tin liên quan đến nội dung đề thi khi chưa thi xong.
b) Các báo cáo tổng hợp công tác giám sát sao in đề thi, coi thi, chấm thi, chậm nhất 02 ngày khi kết thúc, gửi qua đường bưu điện về Bộ GD&ĐT theo địa chỉ: Thanh tra Bộ GD&ĐT, số 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội.
2. Đối với đoàn thanh tra Bộ GD&ĐT
a) Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra phải báo cáo nhanh về tình hình tổ chức thi và thực hiện quy chế thi của các Hội đồng tuyển sinh nơi đến thanh tra bằng FAX về Thanh tra sau mỗi buổi thi .
b) Khi có tình huống đặc biệt, dù đã thống nhất giải quyết cũng phải báo cáo ngay về Bộ GD&ĐT (Thanh tra Bộ) bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.
c) Trong trường hợp xảy ra tình huống ngoài dự kiến (giao nhầm đề thi, phát hiện nội dung đề thi có sai sót, có dấu hiệu lộ đề thi, khu vực thi bị mất trật tự nghiêm trọng …) Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra phải báo cáo về Bộ GD&ĐT để chỉ đạo xử lý kịp thời, hạn chế hậu quả tiêu cực. Đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo cũng như việc không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác, kịp thời.
d) Ngoài báo cáo nhanh, khi kết thúc kỳ thi, các đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra của Bộ phải gửi các biên bản, báo cáo về công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi cho Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Điện thoại trực của thanh tra Bộ GD&ĐT: 0438.682.136; Fax: 0438.693.145.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
01 | Văn bản liên quan khác |
02 | Văn bản liên quan khác |
03 | Văn bản liên quan khác |
04 | Văn bản liên quan khác |
05 | Văn bản liên quan khác |
06 | Văn bản liên quan khác |
Công văn 3807/BGDĐT-TTr hướng dẫn thanh tra tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Số hiệu: | 3807/BGDĐT-TTr |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày ban hành: | 06/06/2013 |
Hiệu lực: | 06/06/2013 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Nguyễn Huy Bằng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!