hieuluat

Công văn 4945/BGDĐT-GDMN thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2010 - 2011

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạoSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:4945/BGDĐT-GDMNNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Thị Nghĩa
    Ngày ban hành:18/08/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:18/08/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    ---------

    Số: 4945/BGDĐT-GDMN
    V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Mầm non năm học 2010-2011

    Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2010

     

    Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

    Căn cứ Chỉ thị số 3399/CT-BGDĐT ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) năm học 2010-2011;
    Căn cứ Quyết định số 2091/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 5 năm 2010 về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2010 - 2011 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
    Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo về phương hướng nhiệm vụ đối với cấp học mầm non như sau:

    I. NHIỆM VỤ CHUNG

    - Năm học 2010 – 2011, GDMN tiếp tục thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”;

    - Tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với nhiều biện pháp cụ thể thiết thực, phù hợp với GDMN;

    - Thực hiện chủ đề năm học 2010 – 2011 “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”;

    - Tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình GDMN mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

    - Tập trung chỉ đạo thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn, vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc trước khi vào lớp 1.

    - Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về GDMN, huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ và cộng đồng cùng chăm lo cho GDMN, đồng thời huy động mọi nguồn lực để phát triển GDMN bền vững.

    II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

    1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

    Các cơ sở GDMN tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Hai không” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong mẫu mực, lối sống lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Tiếp tục triển khai lồng ghép có hiệu quả các nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào các hoạt động chung của nhà trường, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổ chức các hoạt động thiết thực hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

    Tích cực phối hợp với các tổ chức ban ngành, đoàn thể chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, các lực lượng xã hội, gia đình; xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm lành mạnh trong các cơ sở GDMN; xây dựng mối quan hệ ứng xử thân thiện giữa các thành viên trong nhà trường; tăng cường giáo dục kĩ năng sống cho trẻ (kĩ năng tự phục vụ, thói quen vệ sinh tốt; kỹ năng tự bảo vệ an toàn bản thân; mạnh dạn trong giao tiếp; thân thiện với bạn bè; lễ phép với người lớn tuổi...). Các trường chủ động xây dựng các tiêu chí ứng xử thân thiện phù hợp với thực tiễn, văn hóa của địa phương.

    Đẩy mạnh xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; lựa chọn và triển khai các trò chơi dân gian, bài hát dân ca, câu đố, hò, vè phù hợp với lứa tuổi mầm non để đưa vào các hoạt động vui chơi của trẻ ...; đảm bảo 100% cơ sở GDMN có đủ nhà vệ sinh phù hợp, an toàn và sạch sẽ. Phấn đấu 70% số trường đạt tiêu chuẩn “trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ loại khá trở lên. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các đơn vị điển hình về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong và ngoài địa phương.

    2. Tăng cường, củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở GDMN và phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi

    Phát triển quy mô, mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương. Các tỉnh, thành phố tích cực thực hiện Đề án phát triển GDMN do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Căn cứ thực tiễn của địa phương, tham mưu với chính quyền các cấp quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đầu tư ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường, lớp, mở rộng quy mô GDMN, phấn đấu đạt mục tiêu chung về tỷ lệ trẻ đến trường, lớp, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ.

    Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015 theo Quyết định số 239/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Phổ cập cho giai đoạn 5 năm và từng năm: tập trung kinh phí xây dựng đủ phòng học cho trẻ mầm non năm tuổi, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ để thực hiện có chất lượng chương trình GDMN, tuyển dụng đủ giáo viên và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên để huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường và chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày theo chương trình GDMN mới. Đảm bảo trẻ mầm non 5 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các vùng còn lại huy động hầu hết trẻ 5 tuổi vào học trong các loại hình trường khác nhau.

    Tiếp tục huy động trẻ nhà trẻ đến trường tăng ít nhất từ 0,5 – 1% và từ 2 - 3% ở mẫu giáo. Phấn đấu tỷ lệ chung toàn quốc đạt từ 22% - 25% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 82 - 85% trẻ mẫu giáo được đến trường. Những tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ dưới 10% và mẫu giáo dưới 75% cần phấn đấu tăng thêm ít nhất 1% ở nhà trẻ và 2-3 % ở mẫu giáo. Đối với trẻ 5 tuổi, tất cả các địa phương huy động đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, trong đó phấn đấu 70 - 75% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về điều tra, lập hồ sơ phổ cập, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cốt cán.

    3. Nâng cao chất lượng GDMN

    3.1. Công tác chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng

    Chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ ở các cơ sở GDMN. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ (tổ chức cân đo, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh) trong các cơ sở GDMN. Thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo Luật phòng chống HIV/AIDS. Đào tạo, bồi dưỡng và tuyển đủ cán bộ chuyên trách về y tế cho các cơ sở GDMN.

    Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống bệnh tật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Quyết định số 58/QĐ-BGDĐT quy định các hoạt động y tế trong các cơ sở GDMN, Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở GDMN.

    Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở GDMN. Những nơi tổ chức ăn bán trú cần phối hợp với ngành y tế trong việc kiểm tra và cấp giấy phép bếp đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trang bị đầy đủ đồ dùng, phương tiện phục vụ cho việc tổ chức bán trú của trẻ, chỉ đạo tốt việc tính khẩu phần ăn cho trẻ theo nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và các chất dinh dưỡng dành cho người Việt Nam của Bộ Y tế (Quyết định số 2824/2007/QĐ-BYT) và chương trình GDMN; tăng cường quản lý chất lượng bữa ăn, thực hiện VSATTP tại các cơ sở GDMN theo quy định hiện hành. Tăng 3 - 5 % tỷ lệ trẻ được ăn bán trú trong các cơ sở GDMN.

    Những nơi chưa có điều kiện tổ chức ăn bán trú cần phối hợp với gia đình để có biện pháp chống đói, chống khát, chống rét cho trẻ trong thời gian ở trường nhằm thực hiện mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng, quan tâm giảm tỷ lệ trẻ thấp còi, béo phì, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống dưới 10% và giảm từ 1 - 2% số trẻ suy dinh dưỡng so với cùng kì năm trước. Tăng tỷ lệ các trường mầm non có mô hình phòng chống suy dinh dưỡng.

    Tiếp tục triển khai chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non tại 5 tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Tổ chức Hội thi “Gia đình và sức khỏe trẻ thơ” tại Bình Thuận tháng 11/2010; Hội thi và Hội nghị Tổng kết một năm thực hiện chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non tại tỉnh Khánh Hòa vào tháng 12/2010. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình này tại 5 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) và hỗ trợ, duy trì, nhân rộng kết quả chương trình ở 5 tỉnh Nam Trung Bộ vào năm 2011.

    Phối hợp với Unicef xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng tránh, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai trong các cơ sở GDMN và tổ chức tập huấn cho những tỉnh có nguy cơ thiên tai cao.

    3.2. Triển khai thực hiện Chương trình GDMN mới

    Tiếp tục mở rộng số trường mầm non thực hiện chương trình GDMN mới. Các sở giáo dục và đào tạo chủ động triển khai kế hoạch, lộ trình thực hiện, phấn đấu trong năm học này có 70% số trường/nhóm, lớp thực hiện chương trình GDMN mới.

    Tăng cường đầu tư trang thiết bị giáo dục, tài liệu, học liệu, phương tiện cho các cơ sở GDMN để thực hiện chương trình GDMN. Khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các trường chưa đủ điều kiện thực hiện chương trình GDMN mới có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để tiếp cận với chương trình. Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDMN mới, đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng, tăng cường bồi dưỡng theo cụm trường, tự bồi dưỡng tại các trường đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

    Tổ chức trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc thực hiện chương trình GDMN cho các cơ quan quản lí, chỉ đạo và các trường mầm non. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN mới ở những vùng khó khăn.

    Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN mới theo chuyên đề cho cán bộ quản lí và giáo viên mầm non cốt cán của địa phương và tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm sau mỗi năm thực hiện ở cấp Bộ và cấp Tỉnh.

    Các trường sư phạm, khoa sư phạm tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, đảm bảo giáo sinh mầm non khi ra trường có khả năng thực hiện ngay chương trình GDMN mới.

    Tổ chức tập huấn về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, được ban hành tại Thông tư số 23/TT-BGD&ĐT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và hướng dẫn sử dụng ở một số tỉnh trước khi triển khai diện rộng.

    Chỉ đạo dứt điểm, không còn lớp mẫu giáo thực hiện chương trình 36 buổi, tuyệt đối không dạy trẻ viết chữ, không dạy trước chương trình lớp 1. Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp GDMN, đề xuất các giải pháp, xây dựng tài liệu tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương, làm tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.

    3.3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường mầm non

    Các sở giáo dục và đào tạo cần tham mưu, xây dựng Đề án ứng dụng CNTT trong GDMN theo Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho việc ứng dụng CNTT và kết nối Internet cho các trường mầm non. Phấn đấu đến hết năm học 2010 - 2011 có ít nhất 60% giáo viên mầm non có khả năng ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, góp phần đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; ít nhất 90% số trường được trang bị máy vi tính, tất cả các trường đều được kết nối Internet.

    Nhân rộng việc sử dụng các phần mềm giáo dục, nuôi dưỡng trẻ (Kidsmart, Happykid, Nutrikids) và các phần mềm quản lí khác cho hoạt động của trường mầm non. Sử dụng hợp lí các phần mềm xây dựng bài giảng tương tác điện tử ở những nơi có điều kiện.

    3.4. Tiếp tục triển khai nội dung giáo dục an toàn giao thông, giáo dục bảo vệ môi trường và giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

    Trên cơ sở thực hiện chương trình GDMN, hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung giáo dục an toàn giao thông phù hợp với vùng miền và hướng vào trọng tâm phát triển kỹ năng thực hiện quy định an toàn giao thông. Lựa chọn phương pháp, hình thức giúp trẻ tăng cường thực hành trải nghiệm. Chỉ đạo điểm Hội thi giáo dục an toàn giao thông ở một số tỉnh, thành phố.

    Bộ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho 19 tỉnh còn lại tổ chức tập huấn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường (mỗi tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho 200 GVMN cốt cán). Trên cơ sở đội ngũ CBQL và GVMN cốt cán được tập huấn ở cấp trung ương và cấp tỉnh, các sở giáo dục và đào tạo triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên mầm non, đảm bảo 100% giáo viên mầm non được bồi dưỡng nội dung giáo dục bảo vệ môi trường. Các sở tăng cường kiểm tra thực hiện việc lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình GDMN.

    Tổ chức bồi dưỡng cho CBQL và GVMN các trường về nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo CBQL và GVMN trong các cơ sở GDMN đều được tham gia tập huấn.

    Chỉ đạo xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở một số địa phương trong năm học 2010 – 2011 để nhân rộng ra phạm vi toàn quốc.

    4. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên

    Tiếp tục thực hiện Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 01/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục giai đoạn 2005 – 2010”. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để thực hiện chương trình GDMN mới, đáp ứng yêu cầu triển khai Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi. Tổ chức dạy tiếng dân tộc cho CBQL và GVMN đang công tác tại các vùng dân tộc; tiếp tục quản lí chất lượng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2007.

    Các cơ sở GDMN tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống, hạn chế đến mức thấp nhất giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

    Về chính sách đối với giáo viên, nhân viên: các sở giáo dục và đào tạo tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, tuyển dụng giáo viên, nhân viên (kế toán, văn phòng, y tế...) cho trường mầm non phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN và khả năng ngân sách của địa phương. Quan tâm đời sống giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non ngoài biên chế trong các trường công lập, dân lập, đảm bảo hưởng lương theo ngạch bậc và tăng lương theo định kỳ.

    Rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý những nơi còn thiếu. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực về quản lý trường học, nâng cao hiểu biết các văn bản quy định hiện hành cho CBQL trường mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đảm bảo thực hiện tốt chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

    Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành nỗ lực phấn đấu, thi đua lập nhiều thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và kỷ niệm 65 năm thành lập ngành học mầm non (1946 – 2011).

    5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và kinh phí cho GDMN

    Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguồn vốn kiên cố hoá để xây mới phòng học, trước hết ưu tiên đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thu hút các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn ...

    Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Có kế hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 ở 86 huyện nghèo làm nòng cốt cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở địa bàn. Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có thêm ít nhất 3 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

    Trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật, danh mục Đồ dùng – Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non phục vụ chương trình GDMN mới do Bộ ban hành, các sở xây dựng kế hoạch tham mưu, chỉ đạo để mua sắm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ đáp ứng theo danh mục thiết bị đồ chơi tối thiểu.

    6. Thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

    Thực hiện hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi vùng núi cao, biên giới, trẻ em con gia đình nghèo, tạo điều kiện để trẻ đến trường, lớp mầm non theo Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

    Thực hiện các Quyết định về miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo vùng khó khăn, con em các hộ nghèo theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ.

    Thực hiện nghiêm túc các qui định tại Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Lập hồ sơ theo dõi sự tiến bộ của trẻ khuyết tật học hòa nhập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chỉ đạo thực hiện điều chỉnh các nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật theo nhu cầu, khả năng và điều kiện thực tế nhằm đảm bảo công bằng cho trẻ khuyết tật. Tổ chức lập kế hoạch phối hợp với cấp Tiểu học thực hiện việc chuyển giao trẻ khuyết tật mầm non vào tiểu học, đảm bảo quá trình giáo dục của trẻ liên tục và có sự tiếp nối giữa hai cấp học. Sử dụng hiệu quả, sáng tạo các tài liệu đã được cấp phát, các nội dung đã được tập huấn. Tăng cường tuyên truyền cho cha mẹ trẻ khuyết tật, cha mẹ trẻ khác trong trường, lớp, cộng đồng và các ban ngành về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Phát huy những kết quả đạt được trong hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế, tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị thực hiện tốt để áp dụng hiệu quả và phù hợp tại địa phương.

    7. Tăng cường phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ, cộng đồng và tuyên truyền về GDMN

    Tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, phối hợp với các bậc cha mẹ và cộng đồng và đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền cho các cơ sở GDMN.

    Tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức về giải pháp và kết quả phát triển GDMN của địa phương; phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định mới của ngành; sưu tầm, phát hành các ấn phẩm về GDMN tại cơ sở để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ, nhất là đối với những vùng có tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ thấp. Những nơi có điều kiện có thể xây dựng trang thông tin điện tử để các bậc cha mẹ trao đổi học tập về cách nuôi dạy con tại gia đình, phát huy ảnh hưởng của GDMN đối với xã hội, đồng thời tích cực huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng chăm lo cho GDMN.

    Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và tài liệu truyền thông kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ phù hợp với điều kiện vùng miền. Tăng cường kiểm tra đánh giá việc thực hiện các nội dung, hình thức tuyên truyền ở các trường lớp mầm non và đưa vào tiêu chí thi đua.

    8. Về công tác quản lý

    8.1. Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về GDMN

    Các sở giáo dục và đào tạo tích cực tham mưu hoàn thành việc chuyển đổi loại hình trường theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT quy định về trình tự thủ tục chuyển đổi cơ sở GDMN, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở GDMN, phổ thông tư thục; cơ sở GDMN bán công sang cơ sở GDMN dân lập; cơ sở GDMN, phổ thông bán công sang cơ sở GDMN, phổ thông công lập. Đề xuất chính sách để khi chuyển đổi, các trường mầm non vẫn đảm bảo ổn định và phát triển, tạo điều kiện cho trẻ đến trường thuận lợi và đủ trường lớp để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi.

    Tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến và hướng dẫn cơ sở thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về GDMN mới được ban hành. Tăng cường việc kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn quản lý hoạt động của các trường, nhóm lớp tư thục, tạo điều kiện phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập.

    8.2. Về quản lý và phát huy hiệu quả các dự án

    Một số địa phương thực hiện dự án của các tổ chức Unicef, Plan, CRS, Y tế Hà Lan - Việt Nam, US, UK, SCJ, Unilever, P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ khác cần nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và yêu cầu của dự án, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển GDMN của địa phương.

    8.3. Công tác kiểm tra, thanh tra

    Trong năm học, Bộ sẽ kiểm tra toàn diện về GDMN 3 đến 5 tỉnh, thành phố; kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra thực hiện các dự án về GDMN... ở một số địa phương.

    Các sở, phòng giáo dục và đào tạo cần tiến hành kiểm tra, giám sát ít nhất 25% số cơ sở GDMN trên địa bàn, đánh giá chất lượng các cơ sở GDMN theo các tiêu chuẩn quy định trong Điều lệ trường mầm non, Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN tư thục theo Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục và Điều lệ trường mầm non để đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

    8.4. Thực hiện cải cách hành chính

    Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý ở các cấp quản lý giáo dục, các trường sư phạm và các cơ sở GDMN. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ kịp thời, có chất lượng. Mở rộng kết nối Internet, khai thác thông tin mạng giáo dục, hệ thống email để trao đổi văn bản hành chính điện tử, ứng dụng CNTT vào quản lý văn bản, quản lý hành chính. Thống nhất biểu mẫu thống kê để hướng dẫn ngay từ đầu năm học.

    III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    Căn cứ vào hướng dẫn trên, các sở giáo dục và đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của năm học đối với GDMN và triển khai tới các cơ sở GDMN của địa phương.

    Thực hiện báo cáo định kỳ đúng thời gian, đúng quy định; các thông tin số liệu yêu cầu chính xác.

    Trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ GDMN, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở giáo dục và đào tạo cần báo cáo kịp thời để Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo giải quyết.

     

     

    Nơi nhận:
    - Như trên (để thực hiện);
    - Bộ trưởng (để báo cáo);
    - Các Thứ trưởng;
    - Các đơn vị có liên quan;
    - Lưu VT,Vụ GDMN.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Nguyễn Thị Nghĩa

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X