BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------------------------ Số: 6890/BGDĐT-KHTC V/v: Hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2010 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với các hình thức: tiền, hiện vật, đất đai, công lao động,... Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục, đảm bảo đúng mục đích và đem lại hiệu quả thiết thực, Bộ đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục (gọi chung là các trường) trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đối với các khoản viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho:
Các trường được phép tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật. Đây là nguồn thu hợp pháp của các trường. Các nguồn thu này phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách kế toán và được chi tiêu theo thỏa thuận với các nhà tài trợ và Quy chế chi tiêu nội bộ của trường theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Đối với các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân thông qua các quỹ xã hội, quỹ từ thiện:
Thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC ngày 12/02/2008 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Trong đó, lưu ý các nguyên tắc về thành lập và tổ chức hoạt động của quỹ là nhằm mục đích khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao, từ thiện và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Mọi khoản thu, chi Quỹ phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các khoản hỗ trợ để khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo:
Các trường được khuyến khích và được tạo điều kiện trong công tác vận động các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đóng góp để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ các học sinh mắc bệnh hiểm nghèo theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm theo hướng dẫn tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ và Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, các trường không được qui định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp. Toàn bộ nguồn tiền và hàng cứu trợ huy động được qua cuộc vận động cứu trợ phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng cho mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ học sinh mắc bệnh hiểm nghèo; không sử dụng cho các mục tiêu khác.
4. Đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh:
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường, một trong những giải pháp được các trường sử dụng là huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh,.. hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học. Giải pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo. Các trường khi vận động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp trong trường hợp này phải thực hiện nghiêm túc quy định sau:
- Thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.
- Lập Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể) để thực hiện. Trong đó, Kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình,... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí.
- Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp để xin chủ trương và chỉ được tiến hành vận động và thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
- Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí.
- Quá trình quản lý và sử dụng phải quán triệt các nguyên tắc:
Tự nguyện, đúng mục đích: Việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp của xã hội cho các trường phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên. Nhà trường không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được qui định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp. Đồng thời, bên đóng góp cũng không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường. Các trường khi tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích các nguồn thu đã huy động.
Dân chủ, công khai, minh bạch: Quá trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định tại Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân và Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tự đứng ra tổ chức thực hiện việc xây dựng, mua sắm, lắp đặt với sự thỏa thuận và hướng dẫn của nhà trường.
Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, phổ biến các nội dung trên và căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương mà hướng dẫn cho các đơn vị cấp dưới để thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện cho giáo dục và đào tạo, nghiêm cấm lạm thu dưới bất kỳ hình thức nào. Thủ trưởng và các cá nhân liên quan của đơn vị vi phạm sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật theo quy định.
Nơi nhận: - Như trên, - Bộ trưởng (để báo cáo), - Các Thứ trưởng, - Các Vụ, Cục thuộc Bộ (để theo dõi, chỉ đạo), - Các trường trực thuộc Bộ (để tham khảo thực hiện), - Lưu VT, Vụ KHTC. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Vinh Hiển |