Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | 235&236-02/2014 |
Số hiệu: | 253/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | 28/02/2014 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 14/02/2014 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 14/02/2014 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 253/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, TẬP HUẤN LUẬT GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH”
----------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật giáo dục quốc phòng và an ninh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
ĐỀ ÁN TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, TẬP HUẤN LUẬT GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 253 /QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Ngày 03 tháng 5 năm 2007, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: "Nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới của một số cấp ủy, chính quyền, bộ, ngành Trung ương và cơ sở, của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành chưa sâu sắc, do đó trách nhiệm chưa cao, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác này, cá biệt còn có cán bộ chủ chốt ngại đi học bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh chưa cao, nhất là các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Tuyên truyền, giáo dục quốc phòng toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được coi trọng, hiệu quả thấp...". Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ngày 19 tháng 6 năm 2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh; để Luật giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
2. Cơ sở thực tiễn
Luật giáo dục quốc phòng và an ninh quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh; được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Giáo dục quốc phòng và an ninh là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, việc phổ cập và tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, là nội dung quan trọng trong củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước đối với giáo dục quốc phòng và an ninh đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và toàn dân phải nắm vững những nội dung cơ bản của pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Đề án "Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật giáo dục quốc phòng và an ninh" là hết sức cần thiết.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA ĐỀ ÁN
1. Bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh.
2. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và phát huy vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp về giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, xác định giáo dục quốc phòng và an ninh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
3. Huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.
III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Cán bộ và nhân dân nắm và hiểu được những vấn đề cơ bản của pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh; nâng cao ý thức chấp hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, các văn bản pháp luật có liên quan; làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến hết năm 2014, hoàn thành việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, bảo đảm nắm vững những nội dung cơ bản của pháp luật, văn bản hướng dẫn về giáo dục quốc phòng và an ninh, làm cơ sở triển khai thực hiện pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh trên phạm vi cả nước đạt hiệu quả thiết thực.
b) Đến hết năm 2015, hoàn thành việc tuyên truyền, phổ biến cho toàn dân nắm được những nội dung cơ bản của pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.
IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
A. TẬP HUẤN CÁN BỘ
1. Nội dung tập huấn
- Luật giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013;
- Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, quy định điều kiện thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên phạm vi cả nước;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề";
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2014 - 2020";
- Các Thông tư liên tịch, thông tư, văn bản quy định, hướng dẫn về giáo dục quốc phòng và an ninh.
2. Tổ chức tập huấn
a) Bộ Quốc phòng:
- Chủ trì tổ chức 01 hội nghị tập huấn bằng hình thức trực tuyến cho 590 đồng chí, thời gian tập huấn 1,5 ngày, thành phần gồm:
+ Mời đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: 6 đồng chí;
+ Mời các đồng chí ủy viên Ban Thư ký Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh: 24 đồng chí;
+ Mời đại diện Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông (mỗi bộ 5 đồng chí): 20 đồng chí;
+ Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh, Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Hiệu trưởng trường quân sự quân khu (mỗi quân khu 4 đồng chí): 28 đồng chí;
+ Tư lệnh, Chủ nhiệm Chính trị, thủ trưởng cơ quan làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh các quân chủng, binh chủng, binh đoàn, quân đoàn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (mỗi đơn vị 3 đồng chí): 60 đồng chí;
+ Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 63 đồng chí;
+ Tư lệnh, Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Hiệu trưởng Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: 03 đồng chí;
+ Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Dân quân tự vệ Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Hiệu trưởng Trường quân sự địa phương: 186 đồng chí;
+ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương hoặc cán bộ phụ trách công tác quốc phòng quân sự của các bộ, ngành không có Ban Chỉ huy quân sự: 71 đồng chí;
+ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh: 44 đồng chí;
+ Các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng: 85 đồng chí.
- Chỉ đạo 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức tập huấn cho 2.701 đồng chí, thời gian tập huấn 2 ngày, thành phần gồm:
+ Mời Phó Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh cấp tỉnh là Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, Giám đốc Sở Nội vụ: 126 đồng chí;
+ Mời Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện): 698 đồng chí;
+ Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tham mưu trưởng, Trưởng phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: 3 đồng chí;
+ Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tham mưu trưởng, Trưởng ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh: 186 đồng chí;
+ Phó Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh: 132 đồng chí;
+ Chỉ huy trưởng, Chủ nhiệm Chính trị Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện: 1.396 đồng chí;
+ Các cơ quan, đơn vị có liên quan của 7 quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (mỗi đơn vị 20 đồng chí): 160 đồng chí.
- Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tập huấn từ 26.054 đến 27.944 đồng chí, thời gian tập huấn 1 ngày, thành phần gồm:
+ Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp xã: 11.137 đồng chí;
+ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã: 11.137 đồng chí;
+ Phó Tham mưu trưởng, Trợ lý phụ trách công tác dân quân tự vệ, Trợ lý phụ trách công tác tuyên huấn Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện: 2.094 đồng chí;
+ Chỉ huy đồn Biên phòng: 432 đồng chí;
+ Các cơ quan, đơn vị, nhà trường có liên quan: Mỗi tỉnh từ 20 đến 50 đồng chí (tùy theo cơ sở giáo dục trên địa bàn).
- Đối với các cơ quan, đơn vị trong Quân đội sử dụng Ngày Pháp luật để phổ biến, tuyên truyền pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.
b) Bộ Công an tổ chức tập huấn cho 1.500 đồng chí, thời gian tập huấn 2 ngày, thành phần gồm:
- 01 hội nghị tập huấn cho 500 đồng chí là lãnh đạo và cán bộ chủ chốt thuộc cơ quan Bộ;
- 01 hội nghị tập huấn tại khu vực phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) cho 500 đồng chí là cán bộ chủ chốt Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Công an huyện, quận, thị xã trực thuộc tỉnh;
- 01 hội nghị tập huấn tại khu vực phía Nam (từ thành phố Đà Nẵng trở vào) cho 500 đồng chí, đối tượng cán bộ chủ chốt Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Công an huyện, quận, thị xã trực thuộc tỉnh.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho 716 đồng chí, thời gian tập huấn 2 ngày, thành phần gồm:
- Cán bộ thuộc cơ quan Bộ làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh: 60 đồng chí;
- Giám đốc, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học: 500 đồng chí;
- Giám đốc, Trưởng phòng đào tạo Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh sinh viên: 28 đồng chí;
- Trưởng khoa hoặc Chủ nhiệm bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc các cơ sở giáo dục đại học: 42 đồng chí;
- Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo: 63 đồng chí;
- Cán bộ Quân đội biệt phái tại các Sở Giáo dục và Đào tạo: 23 đồng chí.
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho 300 đồng chí, thời gian tập huấn 2 ngày, thành phần gồm:
- Cán bộ thuộc cơ quan Bộ làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh: 76 đồng chí;
- Hiệu trưởng các Trường cao đẳng nghề: 161 đồng chí;
- Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 63 đồng chí.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho 250 đồng chí, thời gian tập huấn 2 ngày, thành phần gồm:
- Cán bộ thuộc cơ quan Bộ làm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh: 52 đồng chí;
- Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam;
- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam;
- Tổng Biên tập Báo Nhân dân;
- Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân;
- Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân;
- Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam;
- Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân;
- Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh Công an nhân dân;
- Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông: 63 đồng chí;
- Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố: 63 đồng chí;
- Tổng Biên tập báo địa phương: 63 đồng chí.
B. TUYÊN TRUYỀN TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
1. Tuyên truyền trên báo in
- Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Giáo dục và Thời đại mở chuyên trang trên báo tuần, chuyên mục trên báo ngày về giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Báo Trung ương, địa phương mở chuyên mục về giáo dục quốc phòng và an ninh.
2. Tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền thanh
- Đài Tiếng nói Việt Nam mở chuyên mục định kỳ trong Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân các nội dung về giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương mở chuyên mục về giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Đài truyền thanh ở cơ sở mở chuyên mục về giáo dục quốc phòng và an ninh.
3. Tuyên truyền trên đài truyền hình
- Đài Truyền hình Việt Nam mở chuyên mục định kỳ trong Chương trình Truyền hình Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, VTV2 về các nội dung có liên quan đến giáo dục quốc phòng và an ninh;
- Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân mở chuyên mục giáo dục quốc phòng và an ninh trên kênh Quốc phòng Việt Nam;
- Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh Công an nhân dân mở chuyên mục giáo dục quốc phòng và an ninh trên kênh Truyền hình An ninh (ANTV).
4. Hằng năm, Ban thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức hội nghị báo chí để thống nhất kế hoạch, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh.
C. LÀM PHIM TUYÊN TRUYỀN
1. Phim tài liệu giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường.
2. Phim tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
3. Phim tài liệu phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo.
D. BIÊN SOẠN, PHÁT HÀNH TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, TẬP HUẤN GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
1. In, phát hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh: 300.000 cuốn, khổ 13 x 19 cm.
2. Biên soạn, in, phát hành Đặc san Luật giáo dục quốc phòng và an ninh.
3. Biên tập, in, phát hành cuốn văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh: 100.000 cuốn, khổ 17 x 24 cm.
4. Biên soạn, in, phát hành cuốn 500 câu hỏi, đáp pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh 80.000 cuốn, khổ 17 x 24 cm.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Kinh phí thực hiện Đề án do các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên được giao hàng năm để thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành.
VI. TIẾN ĐỘ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tiến độ thực hiện
a) Tập huấn cán bộ
- Bộ Quốc phòng tổ chức trong tháng 7 năm 2014;
- Các quân khu tổ chức trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2014;
- Các tỉnh tổ chức trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2014;
- Các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông tổ chức trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2014.
b) Tuyên truyền trên báo, đài phát thanh, đài tuyền hình từ tháng 01 năm 2014; làm phim tuyên truyền từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2014;
c) Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2014.
2. Tổ chức,thực hiện
a) Bộ Quốc phòng:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, do đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo cấp cục, vụ và tương đương các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; mời đại diện lãnh đạo cấp vụ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có Tổ Thư ký giúp việc, do Trưởng ban quyết định và phân công nhiệm vụ;
- Chỉ đạo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung quy định tại Mục C, Mục D Phần IV của Đề án này.
b) Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung trong Đề án theo thẩm quyền;
c) Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc hoàn thiện chương trình, kế hoạch, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giáo dục quốc phòng và an ninh; chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép hợp lý nội dung của Đề án này vào triển khai thực hiện kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được triển khai thực hiện.
d) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bảo đảm ngân sách cho thực hiện nội dung của Đề án.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo cơ quan thông tin và truyền thông bố trí thời lượng đưa tin, bài, chuyên mục, chuyên trang về giáo dục quốc phòng và an ninh theo thẩm quyền.
e) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức thực hiện và bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo thẩm quyền.
g) Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện Đề án./.
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
Quyết định 253/QĐ-TTg tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 253/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 14/02/2014 |
Hiệu lực: | 14/02/2014 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
Ngày công báo: | 28/02/2014 |
Số công báo: | 235&236-02/2014 |
Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |