Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | 238&239 - 3/2007 |
Số hiệu: | 28/2007/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | 10/03/2007 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 28/02/2007 | Hết hiệu lực: | 23/01/2015 |
Áp dụng: | 25/03/2007 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 28/2007/QĐ-TTg NGÀY 28 THÁNG 02 NĂM 2007
VỀ VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN CÁC TỈNH KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC
GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ông chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007 - 2010, bao gồm : Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Điều 2. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung: đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể, tin học văn phòng đối với cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ kiến thức đúng theo chức trách đảm nhiệm và năng lực thực hiện công vụ.
2. Mục tiêu cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc cần đạt từ nay tới năm 2010 như sau:
a) Về trình độ văn hoá: 100% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên (không còn cán bộ, công chức có trình độ văn hoá tiểu học), trong số đó, phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công chức tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 70 - 80%. Lựa chọn số cán bộ, công chức đã tốt nghiệp trung học cơ sở còn trẻ, có khả năng sử dụng lâu dài để đào tạo đạt trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông;
b) Về trình độ chuyên môn: 100% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ tương đương từ sơ cấp đến trung cấp. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% - 90% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn các xã, phường, thị trấn đạt trình độ trung cấp;
c) Về lý luận chính trị: 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ sơ cấp đến trung cấp. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với giáo dục thường xuyên để các cán bộ trẻ, có năng lực, sử dụng lâu dài đạt trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông và trung cấp lý luận chính trị;
d) Về quản lý nhà nước: 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ sơ cấp trở lên; 100% công chức chuyên môn ở xã, phường, thị trấn khu vực đô thị, vùng thấp được đào tạo đạt trình độ trung cấp; vùng cao phải đạt 100% trình độ sơ cấp trở lên;
đ) Về tin học: 100% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn được đào tạo tin học văn phòng để phục vụ công tác.
Điều 3. Yêu cầu
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc phải đảm bảo yêu cầu sát với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động thực thi công vụ của từng đối tượng cụ thể; chú trọng đào tạo văn hoá, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước ở lĩnh vực mà công chức đang đảm nhiệm, không đào tạo, bồi dưỡng tràn lan.
2. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phải từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.
Điều 4. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng
1. Cán bộ chuyên trách cấp xã gồm: Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, ủy viên Thường trực Đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Nông dân.
2. Công chức cấp xã bao gồm các chức danh: Trưởng Công an xã, Chỉ huy trưởng quân sự, Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hoá - Xã hội.
3. Cán bộ không chuyên trách cấp xã.
Điều 5. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng
1. Đối với cán bộ chuyên trách: tập trung đào tạo, bồi dưỡng văn hoá phổ thông; chương trình lý luận chính trị, pháp luật, quản lý nhà nước; chuyên môn, nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và tin học văn phòng.
2. Đối với công chức cấp xã: tập trung đào tạo, bồi dưỡng văn hoá, tin học văn phòng, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước theo các lĩnh vực và đúng chức danh đảm nhiệm của từng cán bộ, công chức.
3. Đối với cán bộ không chuyên trách: giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo yêu cầu quản lý của địa phương.
Điều 6. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng
1. Đối với cán bộ, công chức chưa tốt nghiệp trung học phổ thông:
a) Đối với cán bộ chuyên trách: sử dụng chương trình, giáo trình lý luận chính trị dành cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Tây Nguyên do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn (biên tập lại, thay nội dung chính sách liên quan tới các tỉnh Tây Nguyên để bổ sung những nội dung cho phù hợp với chính sách, đặc điểm cán bộ cấp cơ sở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc);
b) Đối với 07 chức danh công chức cấp xã: sử dụng 07 bộ tài liệu chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực do 09 Bộ chuyên ngành biên soạn, ban hành năm 2005 sử dụng cho công chức cấp xã các tỉnh Tây Nguyên chưa tốt nghiệp trung học phổ thông để biên soạn, chỉnh sửa cho phù hợp với đặc điểm quản lý các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
2. Đối với cán bộ, công chức đã tốt nghiệp trung học phổ thông:
a) Đối với cán bộ chuyên trách: đào tạo trung cấp chính trị, chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể, tin học văn phòng;
b) Đối với 07 chức danh công chức cấp xã: đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn, bồi dưỡng những kiến thức quản lý nhà nước, tin học theo tiêu chuẩn chức danh ban hành tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ Nội vụ.
Điều 7. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng
Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện của từng địa phương mà tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo các hình thức: tập trung, tập trung có định kỳ, tại chức.
Điều 8. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng
Thời gian đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo sự chỉ đạo của các Bộ, cơ quan hướng dẫn về chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với mỗi loại chương trình.
Điều 9. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng
Phát huy tính chủ động, tích cực của người học thông qua việc tăng cường trao đổi, thảo luận, làm bài tập tình huống trong quản lý, tổ chức tham quan điển hình về quản lý.
Điều 10. Địa điểm đào tạo, bồi dưỡng
Việc đào tạo được tổ chức tại các cơ sở đào tạo của địa phương. Ủy ban nhân các tỉnh phối hợp, thống nhất phương thức tổ chức đào tạo với Bộ, ngành liên quan, các Học viện, trường đại học của Trung ương khi có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp giảng dạy. Sử dụng các trường, trung tâm tại địa phương để liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng quy mô và tiến độ đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thành mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2010.
Điều 11. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
1. Kinh phí biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình, tài liệu và kinh phí tập huấn giáo viên cho các địa phương dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc của các Bộ, ngành và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, Học viện.
2. Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã của các địa phương bố trí từ chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm (đã được Nhà nước phân bổ) do ngân sách địa phương đảm bảo.
Điều 12. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương
1. Bộ Nội vụ:
a) Tổng hợp kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hàng năm trên cơ sở kế hoạch, chỉ tiêu của các địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hỗ trợ địa phương về cán bộ trực tiếp giảng dạy, tập huấn giáo viên; chuyển giao chương trình, tài liệu đào tạo chức danh Văn phòng - Thống kê để địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng;
c) Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức thực hiện theo tiến độ và kế hoạch đã được phê duyệt;
d) Tổng hợp, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã của các tỉnh và kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để báo cáo Thủ tướng chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính:
Phối hợp với Bộ Nội vụ cân đối chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm theo hướng ưu tiên bổ sung chỉ tiêu kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật.
3. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hoá - Thông tin, Lao động, Thương binh và Xã hội:
a) Biên tập, chỉnh sửa, bổ sung nội dung các tài liệu, giáo trình chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước đã biên soạn cho công chức chuyên môn cấp xã ở Tây Nguyên theo Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với đặc điểm quản lý và trình độ cán bô, công chức các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; hoàn thành việc biên soạn tài liệu, giáo trình để chuyển giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh vào tháng 6 năm 2007;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chuyển giao chương trình, tài liệu, giáo trình chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực; tập huấn giáo viên; chỉ đạo các đơn vị và cơ sở đào tạo trực thuộc có kế hoạch hỗ trợ địa phương trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc theo chuyên ngành sau khi thống nhất kế hoạch, phương thức làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Nghiên cứu, ban hành chương trình giáo dục thường xuyên các cấp học phổ thông rút gọn phù hợp với đối tượng cán bộ, công chức cấp xã để các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng với mục tiêu trước năm 2010 có 100 % cán bộ, công chức cấp xã đạt trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở và 70 - 80 % tốt nghiệp trung học phổ thông, 100 % cán bộ, công chức cấp xã sử dụng được tin học văn phòng theo quy định tại Điều 2 Quyết định này; hoàn thành việc ban hành chương trình giáo dục thường xuyên các cấp vào tháng 6 năm 2007.
5. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
a) Biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình, tài liệu lý luận chính trị dành cho cán bộ lãnh đạo chính trị cấp cơ sở ở Tây Nguyên theo Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cho phù hợp với chính sách và đặc điểm các đối tượng cán bộ chuyên trách có trình độ văn hoá chưa tốt nghiệp trung học phổ thông trong hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc;
b) Chuyển giao giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho Ủy ban nhân dân các tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc hệ thống của Học viện phối hợp với địa phương hỗ trợ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho cán bộ chuyên trách công tác đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể xã, phường, thị trấn theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh về phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; hoàn thành việc chuyển giao tài liệu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh vào tháng 6 năm 2007;
c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định này (qua Bộ Nội vụ tổng hợp).
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc:
a) Phê duyệt kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo cán bộ, công chức cấp xã hàng năm và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từ nay đến năm 2010 trên cơ sở chỉ tiêu chung theo quy định tại Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010 và các mục tiêu cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này;
b) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong quá trình biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng;
c) Chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các cơ sở đào tạo trực thuộc biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức phù hợp cho các đối tượng cán bộ không chuyên trách theo yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao cụ thể trên địa bàn xã, phường, thị trấn của tỉnh và trực tiếp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp quản lý về đào tạo;
d) Có trách nhiệm cung cấp giáo trình, tài liệu, tập huấn giáo viên, phương thức thực hiện kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở trên địa bàn tỉnh hoặc gửi đi đào tạo, bồi dưỡng tại Trung ương nếu đào tạo trung cấp theo hình thức đào tạo tập trung;
đ) Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch ngân sách được Nhà nước phân bổ hàng năm và khả năng ngân sách địa phương, bố trí kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
e) Theo thẩm quyền, nghiên cứu ban hành chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc, là nữ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
g) Kiểm tra, đôn đốc, thống kê, đánh giá và báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 13. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 14. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc nêu tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nguyễn Tấn Dũng
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 |
Quyết định 28/2007/QĐ-TTg đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã các tỉnh miền núi phía Bắc
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 28/2007/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 28/02/2007 |
Hiệu lực: | 25/03/2007 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
Ngày công báo: | 10/03/2007 |
Số công báo: | 238&239 - 3/2007 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | 23/01/2015 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!