hieuluat

Quyết định 33/1999/QĐ-BGD&ĐT Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam

  • Quyết định

    QUYẾT ĐỊNH

    CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 33/1999/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ
    CÔNG TÁC NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HỌC TẠI VIỆT NAM"

     

    BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

     

    - Căn cứ Luật Giáo dục số 11/1998/QH10 ngày 2 tháng 12 năm 1998;

    - Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

    - Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    - Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Công tác Chính trị,

    QUYẾT ĐỊNH

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam".

     

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 1815/QĐ ngày 05-11-1990 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế Tiếp nhận và quản lý lưu học sinh Lào và Campuchia đến học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Những quy định trước đây của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với người nước ngoài học tại Việt Nam trái với các điều khoản của bản "Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam" đều bãi bỏ.

     

    Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục có người nước ngoài học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


    QUY CHẾ

    CÔNG TÁC NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HỌC TẠI VIỆT NAM
    (Ban hành theo Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25/8/1999
    của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

     

    CHƯƠNG I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam quy định việc tiếp nhận và quản lý đào tạo đối với người nước ngoài học tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hoặc cho phép tiếp nhận. Việc tiếp nhận, quản lý đào tạo đối với người nước ngoài học tại các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia được thực hiện theo quy định riêngvà không thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Quy chế này.

     

    Điều 2. Người nước ngoài học tại Việt Nam

    1. Người nước ngoài học tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này là những công dân nước ngoài đến học tập, nghiên cứu và thực tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, bao gồm: học sinh trung học chuyên nghiệp, sinh viên cao đẳng, sinh viên đại học, học viên sau đại học, học viên bồi dưỡng nâng cao trình độ, thực tập sinh, gọi chung là lưu học sinh (LHS).

    2. Lưu học sinh gồm hai nhóm:

    a. Lưu học sinh được tiếp nhận theo các Hiệp định, thoả thuận giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, được Chính phủ Việt Nam cấp học bổng, gọi chung là lưu học sinh theo Hiệp định.

    b. Lưu học sinh được tiếp nhận theo Hợp đồng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gọi chung là lưu học sinh tự túc.

     

    Điều 3. Ngôn ngữ dùng trong giáo dục

    Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức mà lưu học sinh phải dùng trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Lưu học sinh khi vào học chính khoá phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) theo quy định đối với từng bậc học, trình độ đào tạo. Người nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu, thực tập ngắn hạn (dưới một năm) có thể dùng ngôn ngữ thông dụng (không bắt buộc phải dùng tiếng Việt) nếu cơ sở tiếp nhận cho phép.

     

    CHƯƠNG II
    ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TIẾP NHẬN LƯU HỌC SINH

     

    Điều 4. Điều kiện văn bằng

    1. Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học.

    Lưu học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục trung học chuyên nghiệp (THCN ), cao đẳng, đại học và sau đại học phải có văn bằng tốt nghiệp ít nhất tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục Việt Nam đối với từng bậc học, cấp học. Học viện sau đại học phải có thời gian công tác thực tế trong ngành dự học ít nhất 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học, trừ những người tốt nghiệp loại khá, giỏi được phía gửi đào tạo đề nghị chuyển tiếp sau đại học.

    2. Bồi dưỡng nâng cao trình độ

    Lưu học sinh học các khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn đã được thoả thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo, hoặc Hợp đồng đào tạo đã ký kết.

    3. Thực tập sinh

    Lưu học sinh thực tập theo chuyên ngành, tuỳ theo cấp, bậc thực tập phải có văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ tương ứng với chuyên ngành và cấp bậc thực tập quy định tại cơ sở tiếp nhận thực tập sinh. Riêng thực tập sinh nâng cao trình độ tiếng Việt chỉ cần đã hoặc đang học chuyên ngành tiếng Việt.

    4. Ngành năng khiếu

    Lưu học sinh học các ngành năng khiếu (văn học, nghệ thuật, mĩ thuật, kiến trúc, thể dục thể thao) ngoài những điều kiện văn bằng quy định tại Điều 4 của Quy chế này, còn phải đạt các yêu cầu khi kiểm tra về năng khiếu đối với từng bậc học, ngành học quy định tại các cơ sở giáo dục ngành năng khiếu của Việt Nam.

     

    Điều 5. Điều kiện sức khoẻ và tuổi

    1. Điều kiện sức khoẻ

    Lưu học sinh phải có đủ sức khoẻ như quy định đối với công dân Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam lưu học sinh phải kiểm tra lại sức khoẻ, trường hợp mắc các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam thì được trả ngay về nước; mắc các bệnh thông thường sẽ được điều trị trong vòng ba tháng, nếu không đủ sức khoẻ cũng được trả về nước.

    2. Điều kiện tuổi

    - Học sinh, sinh viên không quá 30 tuổi tính đến ngày nhập học;

    - Học viên sau đại học không quá 40 tuổi tính đến ngày nhập học;

    - Không hạn chế tuổi đối với thực tập sinh, học viên bồi dưỡng nâng cao trình độ và lưu học sinh tự túc.

     

    Điều 6. Hồ sơ của lưu học sinh

    Lưu học sinh phải có đầy đủ hồ sơ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, gồm:

    - 1 bản tóm tắt lý lịch,

    - 1 bản sao các văn bằng cần thiết theo Điều 4 của Quy chế này (có công chứng hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước gửi đào tạo),

    - 1 bản sao học bạ,

    - 1 giấy chứng nhận sức khoẻ (do cơ quan y tế có thẩm quyền của nước gửi đào tạo cấp trước khi đến Việt Nam không quá 6 tháng),

    - 1 bản đề cương nghiên cứu (đối với nghiên cứư sinh và thực tập sinh),

    - 1 giấy chứng nhận nghiệp vụ chuyên môn, năng khiếu, đẳng cấp thể thao hoặc tác phẩm (đối với người học ngành năng khiếu),

    - 4 ảnh cỡ 4x6 cm (chụp không quá 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ).

     

    Điều 7. Thủ tục tiếp nhận

    1. Trước ngày 01 tháng 04, phía gửi đào tạo chuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam bản kế hoạch về số lượng lưu học sinh gửi đào tạo các bậc học và ngành nghề kèm theo.

    2. Trước ngày 15 tháng 6, phía gửi đào tạo chuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam danh sách và ngành học của từng lưu học sinh kèm theo hồ sơ như quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

    3. Trước ngày 01 tháng 8, Bộ giáo dục và Đào tạo trả lời kết quả tiếp nhận lưu học sinh cho phía gửi đào tạo.

    4. Trước ngày 01 tháng 9, học sinh, sinh viên được tiếp nhận phải có mặt tại Việt Nam. Học viên sau đại học, học viên bồi dưỡng nâng cao trình độ và thực tập sinh sẽ có mặt theo lịch thông báo riêng sau khi các cơ sở giáo dục của Việt Nam bố trí được lớp học, giảng viên hướng dẫn.

    5. Thủ tục tiếp nhận lưu học sinh tự túc thực hiện theo thoả thuận tại Hợp đồng đào tạo đã ký kết.

     

    Điều 8. Chế độ tài chính

    Tiêu chuẩn, chế độ đảm bảo sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh (kể cả các chế độ bảo hiểm), tiền vé máy bay lượt đến Việt Nam và lượt về nước (kể cả các trường hợp về nước trước thời hạn với mọi lý do) và các khoản tài chính khác liên quan đến lưu học sinh được giải quyết theo Hiệp định, thoả thuận hoặc Hợp đồng đào tạo đã ký kết.

     

    CHƯƠNG III
    HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU ĐỐI VỚI LƯU HỌC SINH

     

    Điều 9. Học dự bị, vào học thẳng

    1. Học dự bị

    Lưu học sinh nếu chưa biết tiếng Việt sẽ phải học qua chương trình đào tạo tiếng Việt dự bị, khi học hết chương trình phải được kiểm tra trình độ tiếng Việt trước khi vào học chính khoá. Thời gian học dự bị được quy định căn cứ theo yêu cầu trình độ tiếng Việt của từng bậc học và đối tượng lưu học sinh, nhưng không quá 01 năm học.

    - Lưu học sinh kiểm tra trình độ tiếng Việt đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ và được làm thủ tục nhập học theo ngành học tại cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sắp xếp.

    - Lưu học sinh theo Hiệp định kiểm tra trình độ tiếng Việt không đạt yêu cầu thì phải về nước hoặc học lại chương trình đào tạo tiếng Việt dự bị theo chế độ tự túc trong thời gian tối đa là một năm học. Trường hợp muốn chuyển cấp học thấp hơn, phải được phía gửi đào tạo đề nghị bằng văn bản với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam xem xét giải quyết .

    2. Vào học thẳng

    Lưu học sinh có đủ trình độ tiếng Việt hoặc chứng chỉ đã thực tập tiếng Việt tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên và có đủ điều kiện về văn bằng, sức khoẻ và tuổi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quy chế này sẽ được vào học thẳng chính khoá.

     

    Điều 10. Thời hạn đào tạo

    1. Trung học chuyên nghiệp. cao đẳng, đại học, sau đại học

    Thời hạn đào tạo đối với lưu học sinh ở tất cả các bậc học từ trung học chuyên nghiệp đến tiến sỹ được thực hiện như đối với công dân Việt Nam theo quy định của Luật Giáo dục Việt Nam.

    2. Bồi dưỡng nâng cao trình độ

    Lưu học sinh học các khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp phải thực hiện đúng các yêu cầu về thời hạn, chương trình, nội dung khoá học đã được thoả thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo, sau khi hoàn thành chương trình khoá học sẽ được cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ theo thẩm quyền.

    3. Thực tập sinh

    Lưu học sinh đến Việt Nam thực tập theo chuyên ngành hoặc thực tập tiếng Việt phải hoàn thành nội dung, chương trình theo đề cương thực tập đúng thời hạn đã được phía Việt Nam chấp nhận, phải báo cáo định kỳ trước Bộ môn hoặc Khoa về kết quả thực tập hoặc phải thi các môn theo chương trình kế hoạch thực tập đã quy định. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập sẽ được cơ sở tiếp nhận thực tập cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận.

     

    Điều 11. Ngoại ngữ đối với lưu học sinh

    - Trong thời gian thực tập, nghiên cứu tại Việt Nam, lưu học sinh phải học hết chương trình tiếng Việt theo quy định chung,

    - Học sinh, sinh viên học các ngành Ngoại thương, Ngoại giao, Ngoại ngữ, Du lịch có yêu cầu sử dụng nhiều thứ tiếng và học viên sau đại học, ngoài tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ, phải học một thứ tiếng nước ngoài khác mà cơ sở giáo dục yêu cầu,

    - Lưu học sinh có nguyện vọng học thêm tiếng nước ngoài khác bằng kinh phí của mình đều được giúp đỡ tạo điều kiện.

     

    Điều 12. Thi, bảo vệ đồ án, khoá luận, luận văn, luận án tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ

    Việc học tập, nghiên cứu, kiểm tra, thi, xét lên lớp, thi cuối khoá, bảo vệ đồ án, khoá luận, luận văn, luận án, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ đối với lưu học sinh từ bậc trung học chuyên nghiệp đến tiến sỹ được thực hiện như đối với công dân Việt Nam theo Quy chế đào tạo từng bậc học do Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam ban hành. Ngoài bản gốc văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ bằng tiếng Việt, lưu học sinh được cấp bản tương đương bằng tiếng Anh kèm theo.

     

    Điều 13. Chế độ học lưu ban.

    1. Trong toàn khoá học, học viên đào tạo thạc sỹ, sinh viên, học sinh, theo Hiệp định được quyền học lưu ban một năm, được bảo vệ lại luận văn, đồ án, khoá luận tốt nghiệp hoặc thi cuối khoá lại một lần. Trong thời gian này lưu học sinh được hưởng các chế độ đang hưởng. Sau năm học lưu ban, nếu vẫn không đủ điều kiện lên lớp, sau khi bảo vệ lại luận văn, đồ án, khoá luận hoặc thi lại cuối khoá, nếu vẫn không đạt thì lưu học sinh phải về nước hoặc học tiếp theo chế độ tự túc.

    2. Lưu học sinh theo Hiệp định là nghiên cứu sinh không được tự ý kéo dài thời hạn nghiên cứu, nếu kéo dài thời hạn phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam quyết định trên cơ sở văn bản đề nghị của cơ quan đại diện có thẩm quyền phía gửi đào tạo, giảng viên hướng dẫn và Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục Việt Nam. Thời hạn kéo dài tối đa không quá một năm, nếu vẫn chưa hoàn thành chương trình đào tạo thì lưu học sinh phải về nước hoặc nghiên cứu tiếp theo chế độ tự túc.

     

    Điều 14. Chế độ nghỉ học đối với lưu học sinh

    Lưu học sinh theo hiệp định không được tự ý nghỉ học, nghỉ thực tập, phải thực hiện đúng Quy chế đào tạo từng bậc học do Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành và nội quy về học tập, thực tập tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Lưu học sinh nghỉ học quá số giờ quy định (có lý do và không có lý do) được giải quyết như đối với công dân Việt Nam theo Quy chế và Nội quy nói trên.

     

    Điều 15. Chuyển ngành học và chuyển trường

    Lưu học sinh không được tự ý chuyển ngành học, đề tài nghiên cứu, đề cương thực tập hoặc chuyển trường. Nếu có nhu cầu nói trên, lưu học sinh phải có đơn yêu cầu, phải được phía gửi đào tạo đồng ý và đề nghị bằng văn bản với Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam xem xét giải quyết ngay trong năm học thứ nhất. Cơ sở giáo dục chỉ được phép giải quyết để lưu học sinh chuyển ngành học, đề tài nghiên cứu, đề cương thực tập hoặc chuyển trường sau khi có văn bản đồng ý của Bộ Giáo dục và đào tạo.

     

    Điều 16. Lưu học sinh tự túc

    1. Việt Nam sẵn sàng nhận và đào tạo thuận lợi để người nước ngoài đến học tập, nghiên cứu và thực tập theo chế độ tự túc kinh phí (phải tự trang trải chi phí đào tạo và sinh hoạt trong thời gian học tại Việt Nam). Người học được tự lựa chọn về ngành học, nơi học, giảng viên hướng dẫn, trên cơ sở thoả thuận trực tiếp và ký kết hợp đồng với cơ sở giáo dục của Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến lưu học sinh tự túc được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đào tạo và các điều khoản của Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam.

    2. Sau khi lưu học sinh theo Hiệp định nhận được thông báo của Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam chuyển sang chế độ tự túc, lưu học sinh phải trực tiếp ký Hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục của Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều này, riêng vé máy bay lượt về nước vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này.

     

    CHƯƠNG IV
    TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC, QUẢN LÝ,
    PHỤC VỤ LƯU HỌC SINH

     

    Điều 17. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục có tiếp nhận đào tạo lưu học sinh dự bị.

    Các cơ sở giáo dục có tiếp nhận đào tạo lưu học sinh dự bị chịu trách nhiệm về chương trình, kế hoạch, giáo trình giảng dạy, học tập dự bị theo các nhóm ngành đào tạo, bậc học và đối tượng lưu học sinh; phối hợp với cơ sở giáo dục chính khoá tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Việt khi kết thúc chương trình đào tạo dự bị, cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận cho lưu học sinh đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt sau khi kiểm tra, báo cáo tình hình và kết quả học tập của lưu học sinh với Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi hoàn thành chương trình khoá đào tạo dự bị.

     

    Điều 18. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục có tiếp nhận đào tạo lưu học sinh theo Hiệp định

    1. Chịu trách nhiệm về chương trình, kế hoạch và chất lượng chuyên môn trong đào tạo lưu học sinh: bố trí nơi ở, lớp học, giảng viên hướng dẫn; theo dõi, quản lý việc học tập, nghiên cứu; cấp phát văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ theo thẩm quyền; báo cáo tình hình học tập và kết quả học tập của lưu học sinh sau mỗi học kỳ, năm học và toàn khoá học với Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    2. Phối hợp với cơ sở giáo dục có đào tạo lưu học sinh dự bị tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Việt trước khi tiếp nhận lưu học sinh vào học chính khoá;

    3. Phối hợp với cơ quan có trách nhiệm để giải quyết các việc liên quan đến lưu học sinh trong toàn khoá học.

     

    Điều 19: Trách nhiệm của cơ sở giáo dục có tiếp nhận đào tạo lưu học sinh tự túc

    1. Chỉ nhận đào tạo lưu học sinh tự túc với những ngành mà cơ sở giáo dục được phép đào tạo;

    2. Soạn thảo hợp đồng đào tạo, báo cáo Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi ký kết với các đối tác nước ngoài;

    3. Lập hồ sơ, danh sách lưu học sinh tự túc theo các Hợp đồng đào tạo đã ký kết để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm thủ tục cần thiết với các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến việc tiếp nhận lưu học sinh tự túc;

    4. Thực hiện trách nhiệm giáo dục, đào tạo theo các điều khoản đã ký kết trong Hợp đồng đào tạo;

    5. Thực hiện việc quản lý thu, chi học phí của lưu học sinh theo chế độ tài chính hiện hành;

    6. Gửi lưu học sinh tự túc (nếu cần) đến cơ sở giáo dục có đào tạo tiếng Việt dự bị cho lưu học sinh theo thoả thuận và hợp đồng trực tiếp với cơ sở nhận đào tạo.

     

    Điều 20. Trách nhiệm của cơ sở quản lý, phục vụ lưu học sinh

    Trung tâm phục vụ học sinh nước ngoài và cơ sở giáo dục có lưu học sinh lưu trú trong ký túc xá có trách nhiệm:

    1. Tiếp nhận, quản lý và chịu trách nhiệm về mặt đời sống vật chất, sinh hoạt của lưu học sinh thuộc phạm vi quản lý;

    2. Phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời các việc liên quan đến lưu học sinh thuộc phạm vi quản lý;

    3. Thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước Việt Nam đối với lưu học sinh và chế độ báo cáo định kỳ về tình hình lưu học sinh với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

     

    CHƯƠNG V
    NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA LƯU HỌC SINH

     

    Điều 21. Bình đẳng trong lưu học sinh

    Tất cả lưu học sinh đến Việt Nam học tập, nghiên cứu và thực tập đều bình đẳng về nhiệm vụ và quyền trong học tập, nghiên cứu, thực tập và sinh hoạt.

     

    Điều 22. Nhiệm vụ của lưu học sinh

    Lưu học sinh có những nhiệm vụ sau đây:

    1. Tuân thủ pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán Việt Nam;

    2. Thực hiện điều lệ nhà trường, Quy chế công tác người nước ngoài học tại Việt Nam, Quy chế Công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, Nội quy về học tập và sinh hoạt;

    3. Thực hiện nhiệm vụ học tập, nghiên cứu theo chương trình, kế hoạch đào tạo quy định tại cơ sở giáo dục;

    4. Quan hệ hữu nghị với người Việt Nam, với lưu học sinh các nước khác;

    5. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở giáo dục, quản lý, phục vụ lưu học sinh;

    6. Trong thời gian học tập, nghiên cứu, thực tập ở Việt Nam lưu học sinh theo Hiệp định muốn đến nước thứ ba phải có đơn xin phép, được cơ sở giáo dục đồng ý và giới thiệu để làm thủ tục xuất nhập cảnh sau khi được cơ quan có thẩm quyền của phía gửi đào tạo cho phép bằng văn bản.

     

    Điều 23. Quyền của lưu học sinh

    Lưu học sinh có những quyền sau đây:

    1. Được cơ sở giáo dục, quản lý, phục vụ lưu học sinh tôn trọng và đối xử bình đẳng như đối với công dân Việt Nam, được cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ cho học tập phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục;

    2. Lưu học sinh theo Hiệp định được cấp học bổng bằng tiền Việt Nam, học bổng được cấp hàng tháng tính từ ngày đến Việt Nam, kể cả thời gian nghỉ hè và một tháng sau tốt nghiệp (tính từ ngày bảo vệ đồ án, khoá luận, luận văn, luận án hoặc thi cuối khoá). Được bố trí chỗ ở trong ký túc xá theo thoả thuận đã ký kết giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo;

    3. Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể dục, thể thao của cơ sở giáo dục, quản lý phục vụ lưu học sinh;

    4. Được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao của học sinh, sinh viên do cơ sở giáo dục, quản lý, phục vụ lưu học sinh tổ chức;

    5. Được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học do cơ sở giáo dục tổ chức như đối với sinh viên Việt Nam.

    6. Được khen thưởng nếu có kết quả xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, được phụ cấp ngành nghề theo quy định hiện hành của Việt Nam ;

    7. Được về nước nghỉ hè, nghỉ lễ, được mời thân nhân đến thăm theo quy định của Việt Nam;

    8. Được nghỉ học có thời hạn tối đa một năm học (không nhận học bổng) để giải quyết việc riêng nếu có lý do chính đáng và được phía gửi đào tạo cho phép, được cơ sở giáo dục đồng ý và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chấp nhận;

    9, Tập thể lưu học sinh trong cùng một nước, cùng học trong một trường hoặc cùng sinh hoạt trong ký túc xá được cử đại diện để quản lý mọi mặt đối với lưu học sinh của nước mình, làm đầu mối liên hệ với cơ sở giáo dục hoặc quản lý, phục vụ lưu học sinh để giải quyết những việc có liên quan.

     

    CHƯƠNG VI
    KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

     

    Điều 24. Khen thưởng và kỷ luật đối với lưu học sinh

    1. Khen thưởng

    Lưu học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiêng cứu và hoạt động hữu nghị sẽ được khen thưởng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

    2. Kỷ luật

    Lưu học sinh vi phạm pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều lệ nhà trường, Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam, Quy chế Công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, các Quy chế đào tạo từng bậc học, Nội quy về học tập và sinh hoạt, tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo các hình thức:

    a. Khiển trách;

    b. Cảnh cáo;

    Hai hình thức a và b nêu trên do Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục, quản lý, phục vụ lưu học sinh quyết định;

    c. Đình chỉ học tập, nghiên cứu, thực tập trả về nước;

    d. Đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Hai hình thức c và d nêu trên do Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục, quản lý, phục vụ lưu học sinh đề nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định.

     

    Điều 25. Khen thưởng và kỷ luật đối với cơ sở giáo dục, quản lý, phục vụ lưu học sinh

    Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong đào tạo, quản lý và phục vụ lưu học sinh, hoặc vi phạm các điều khoản của Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam được giải quyết theo quy định chung về khen thưởng và kỷ luật hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Văn bản liên quan

Văn bản mới