Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Số công báo: | 567&568 - 10/2008 |
Số hiệu: | 54/2008/QĐ-BGDĐT | Ngày đăng công báo: | 14/10/2008 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Trần Văn Nhung |
Ngày ban hành: | 24/09/2008 | Hết hiệu lực: | 24/12/2011 |
Áp dụng: | 29/10/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
Số: 54/2008/QĐ-BGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định vế chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định vế chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, Viện trưởng viện nghiên cứu, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Nhung
QUY ĐỊNH
Vế chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học
(ban hành kèm theo Quyết định số 54/2008/QĐ-BGDĐT
ngày 24/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học bao gồm: tiêu chuẩn, định mức giờ chuẩn đối với nhà giáo, nhà khoa học được mời thỉnh giảng (sau đây gọi là giảng viên thỉnh giảng); hợp đồng thỉnh giảng; trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên thỉnh giảng; trách nhiệm và quyền của cơ sở giáo dục đại học mời giảng viên thỉnh giảng: trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức có nhà giáo, nhà khoa học được mời thỉnh giảng.
2. Văn bản này áp dụng đối với nhà giáo, nhà khoa học đang làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) được mời đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học; nhà khoa học hoạt động độc lập được cơ sở giáo dục đại học mời đến giảng dạy.
3. Văn bản này không áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài đến giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Điều 2. Thỉnh giảng và các hoạt động thỉnh giảng
1. Thỉnh giảng là việc một cơ sở giáo dục đại học mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo ở nơi khác đến giảng dạy.
2. Các hoạt động thỉnh giảng bao gồm:
a) Giảng dạy các môn học, các chuyên đề và hướng dẫn thực hành, thực tập, thí nghiệm theo các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học (gọi chung là giảng dạy các môn học);
b) Hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp, luận văn, luận án và tham gia các hội đồng chấm thi, chấm khóa luận, đồ án tốt nghiệp, luận văn, luận án (gọi chung là hướng dẫn và chấm luận văn tốt nghiệp);
c) Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo (gọi chung là biên soạn tài liệu giảng dạy).
Điều 3. Mục tiêu thỉnh giảng
1. Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc thu hút đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao tham gia công tác đào tạo.
2. Tạo điều kiện gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn; gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết cơ sở giáo dục đại học với viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức khác bên ngoài cơ sở giáo dục đại học.
3. Tạo điều kiện để các giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học có thời gian thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, học tập và bồi dưỡng kiến thức.
Điều 4. Thực hiện chế độ thỉnh giảng
1. Khuyến khích thực hiện chế độ thỉnh giảng ở tất cả các môn học thuộc các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học để bổ sung, cập nhật thông tin, kiến thức lý luận và thực tiễn, kỹ năng thực hành.
2. Chế độ thỉnh giảng phải được thực hiện ở bộ môn của cơ sở giáo dục đại học trong các trường hợp sau:
a) Đội ngũ giảng viên cơ hữu của bộ môn có tổng số giờ giảng dạy quy chuẩn vượt quá 2 lần tổng số giờ chuẩn định mức giảng dạy của bộ môn trong một năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Đội ngũ giảng viên cơ hữu của bộ môn không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu khoa học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của bộ môn ở dưới mức trung bình chung của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước;
d) Môn học mới.
Điều 5. Nguyên tắc thực hiện chế độ thỉnh giảng
1. Đảm bảo sự tự nguyện của nhà giáo, nhà khoa học.
2. Đảm bảo lợi ích của giảng viên thỉnh giảng, của cơ sở giáo dục đại học mời giảng viên thỉnh giảng, của cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhà giáo, nhà khoa học đi thỉnh giảng.
3. Đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC GIỜ CHUẨN
CỦA GIẢNG VIÊN THỈNH GIẢNG, HỢP ĐỒNG THỈNH GIẢNG
Điều 6. Tiêu chuẩn của giảng viên thỉnh giảng
Nhà giáo, nhà khoa học tham gia thỉnh giảng phải có đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật giáo dục với các yêu cầu cụ thể sau đây:
1. Có lý lịch bản thân rõ ràng, phẩm chất chính trị, đạo đức, tư cách tốt.
2. Về trình độ chuẩn được đào tạo: Đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giảng viên đại học theo quy định.
3. Về nghiên cứu khoa học: Trong 3 năm gần nhất trong lĩnh vực liên quan đến môn học thỉnh giảng phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
a) Có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học hoặc tuyển tập hội thảo khoa học trong và ngoài nước;
b) Có sách chuyên khảo đã xuất bản;
c) Có đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu đạt yêu cầu trở lên;
d) Có hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được nghiệm thu, thanh lý;
4. Về nghiệp vụ sư phạm: Người được mời thỉnh giảng thực hiện hoạt động giảng dạy các môn học theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 của Quy định này, phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
a) Có chức danh phó giáo sư hoặc giáo sư;
b) Có bằng tốt nghiệp ngành sư phạm trình độ đại học trở lên;
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Có đủ sức khỏe để giảng dạy theo yêu cầu của môn học.
Điều 7. Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên thỉnh giảng.
1. Tổng số giờ chuẩn thỉnh giảng trong một năm học tại các cơ sở giáo dục đại học của một nhà giáo, nhà khoa học đang làm việc ở cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức quy định, nhưng không vượt quá 40% số giờ chuẩn định mức giảng dạy trong một năm học của chức danh giảng viên tương ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đủ để dạy một môn học.
2. Tổng số giờ chuẩn thỉnh giảng trong một năm học tại các cơ sở giáo dục đại học của một nhà khoa học hoạt động độc lập không vượt quá số giờ chuẩn định mức giảng dạy trong một năm học của chức danh giảng viên tương ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 8. Hợp đồng thỉnh giảng
1. Việc thỉnh giảng được thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Cơ sở giáo dục đại học ký kết hợp đồng thỉnh giảng trực tiếp với nhà giáo, nhà khoa học. Đối với nhà giáo, nhà khoa học đang làm việc ở cơ quan, tổ chức thì phải có văn bản đồng ý của thủ trưởng đơn vị; trong trường hợp đơn vị ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục đại học thì phải có văn bản giao nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị.
2. Đối với các công việc thỉnh giảng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 của Quy định này thì hợp đồng thỉnh giảng phải có các nội dung sau:
- Họ và tên, chức vụ của người đại diện cơ sở giáo dục đại học;
- Họ và tên, học vị, chức danh, cơ quan đang làm việc (nếu có), địa chỉ liên hệ, điện thoại của giảng viên thỉnh giảng;
- Tên môn học hoặc chuyên đề, số đơn vị học trình, số tiết lý thuyết, số tiết thực hành, số bài tập lớn (nếu có), hình thức thi, kiểm tra;
- Tên và ký hiệu lớp học, khóa học, năm học, số lượng sinh viên;
- Trình độ đào tạo, ngành đào tạo;
- Các yêu cầu về giảng dạy, hướng dẫn;
- Thời gian thỉnh giảng (bắt đầu, kết thúc);
- Chế độ thù lao, trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên thỉnh giảng;
- Trách nhiệm và quyền của cơ sở giáo dục đại học;
- Điều khoản về thanh lý hợp đồng và các thông tin cần thiết khác.
Đề cương nội dung giảng dạy hoặc nội dung hướng dẫn thực hành, thực tập, thí nghiệm; lý lịch khoa học của giảng viên thỉnh giảng; văn bản đồng ý (hoặc văn bản giao nhiệm vụ) của thủ trưởng đơn vị nơi giảng viên thỉnh giảng đang làm việc (nếu có) là các phục lục của hợp đồng thỉnh giảng.
3. Khi kết thúc hợp đồng thỉnh giảng, cơ sở giáo dục đại học làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Đối với các hợp đồng thỉnh giảng hoàn thành đúng yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học cấp giấy xác nhận hoàn thành nhiệm vụ thỉnh giảng cho giảng viên thỉnh giảng.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN CỦA GIẢNG VIÊN THỈNH GIẢNG
Điều 9. Trách nhiệm của giảng viên thỉnh giảng
1. Thực hiện nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đầy đủ và có chất lượng nội dung giảng dạy theo đúng các điều khoản của hợp đồng thỉnh giảng, quy chế về giảng dạy, thi cử, đánh giá kết quả học tập.
3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín và danh dự của giảng viên thỉnh giảng; tôn trọng nhân cách, đối xử công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.
4. Giảng viên thỉnh giảng đang làm việc ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, tổ chức, cơ quan phải hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác, báo cáo với thủ trưởng đơn vị về hợp đồng và kế hoạch thỉnh giảng.
5. Giáo viên thỉnh giảng đang làm nhiệm vụ ở viện nghiên cứu, doanh nghiệp có trách nhiệm tư vấn cho cơ sở giáo dục đại học đến thỉnh giảng về việc sử dụng cơ sở vật chất của viện, của doanh nghiệp để phục vụ thực tập, giảng dạy và nghiên cứu; tạo điều kiện để sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tham gia đề tài nghiên cứu, hợp đồng chuyển giao công nghệ do mình chủ trì.
Điều 10. Quyền của giảng viên thỉnh giảng
1. Được hưởng thù lao thỉnh giảng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học nơi đến thỉnh giảng.
2. Được tham gia sinh hoạt chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học nơi đến thỉnh giảng.
3. Được cơ sở giáo dục đại học nơi đến thỉnh giảng hỗ trợ cung cấp các tài liệu liên quan đến thỉnh giảng để đưa vào hồ sơ xét các danh hiệu vinh dự của Nhà nước, xét chức danh phó giáo sư và giáo sư, xét khen thưởng khi có thành tích đóng góp cho công tác đào tạo.
4. Giảng viên thỉnh giảng đang làm việc ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức được ưu tiên xem xét nếu nộp hồ sơ xin đi thực tập khoa học, học tập, hợp tác nghiên cứu ở ngoài nước khi bảo đảm có đủ các tiêu chuẩn quy định.
Chương 4.
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN
CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC MỜI GIẢNG VIÊN THỈNH GIẢNG
Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học mời giảng viên thỉnh giảng
1. Đảm bảo thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 3 của Quy định này.
2. Xây dựng kế hoạch mời giảng viên thỉnh giảng. Thông báo công khai nhu cầu thỉnh giảng, điều kiện và chế độ đối với giảng viên thỉnh giảng.
3. Lựa chọn các nhà giáo, nhà khoa học đáp ứng tiêu chuẩn và ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định tại Điều 6 và Điều 8 của Quy định này.
4. Tạo điều kiện cho giảng viên thỉnh giảng thực hiện hợp đồng thỉnh giảng, sử dụng trang thiết bị thí nghiệm của cơ sở giáo dục đại học phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
5. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thỉnh giảng. Định kỳ thông báo với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về tình hình thực hiện hợp đồng thỉnh giảng của giảng viên thỉnh giảng.
6. Giải quyết các quyền của giảng viên thỉnh giảng theo quy định.
7. Cấp giấy xác nhận hoàn thành nhiệm vụ thỉnh giảng theo quy định.
8. Quản lý, lưu giữ hồ sơ thỉnh giảng bao gồm hợp đồng thỉnh giảng và các phụ lục, biên bản thanh lý hợp đồng, giấy xác nhận hoàn thành nhiệm vụ thỉnh giảng theo quy định.
Điều 12. Quyền của cơ sở giáo dục đại học mời giảng viên thỉnh giảng.
1. Được tính quy đổi số lượng giảng viên thỉnh giảng thành số lượng giảng viên cơ hữu của cơ sở khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xét mở chuyên ngành mới, kiểm định chất lượng đào tạo. Việc tính quy đổi căn cứ trên tổng số giờ chuẩn giảng dạy do các giảng viên thỉnh giảng đã thực hiện và định mức giờ chuẩn giảng dạy của các chức danh giảng viên tương ứng.
2. Được yêu cầu cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có nhà giáo, nhà khoa học đi thỉnh giảng tạo điều kiện sử dụng trang thiết bị thí nghiệm của viện, của doanh nghiệp phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa cơ sở giáo dục đại học với viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp.
Chương 5.
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
CÓ NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC LÀ GIẢNG VIÊN THỈNH GIẢNG
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có nhà giáo, nhà khoa học là giảng viên thỉnh giảng.
1. Tạo điều kiện cho các nhà giáo, nhà khoa học đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Quy định này được đi thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục đại học.
2. Quản lý các hợp đồng thỉnh giảng, giám sát việc thực hiện định mức giờ chuẩn thỉnh giảng của giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Điều 7 của Quy định này và phối hợp với cơ sở giáo dục đại học định kỳ kiểm tra, đánh giá giảng viên thỉnh giảng.
3. Tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các quyền lợi của giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.
4. Ngoài các trách nhiệm quy định tại các khoản 1, 2, 3 của Điều này, viện nghiên cứu và doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học sử dụng trang thiết bị thí nghiệm của viện, của doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa viện hoặc doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học.
5. Ngoài các trách nhiệm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều này, viện nghiên cứu có trách nhiệm tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của cơ sở giáo dục đại học tham gia sinh hoạt chuyên môn, hội thảo khoa học và nghiên cứu tại viện.
Điều 14. Quyền của cơ quan, tổ chức có nhà giáo, nhà khoa học là giảng viên thỉnh giảng.
1. Được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp loại giỏi, được giảng viên thỉnh giảng giới thiệu về làm việc tại đơn vị.
2. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng nếu có nhiều thành tích đóng góp cho công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học.
3. Ngoài các quyền quy định tại các khoản 1, 2 của Điều này, đối với viện nghiên cứu đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ và phối hợp đào tạo thạc sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tại viện, chỉ tiêu phối hợp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước khi có nhiều nhà khoa học tham gia thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục đại học.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Tổ chức và quản lý công tác thỉnh giảng của cơ sở giáo dục đại học
Cơ sở giáo dục đại học căn cứ Quy định này để tổ chức và quản lý công tác thỉnh giảng.
Điều 16. Hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học
Các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phối hợp quản lý và giải quyết chế độ cụ thể đối với giảng viên thỉnh giảng; định kỳ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm; ký kết văn bản hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học dài hạn; xây dựng các tập thể khoa học trên cơ sở kết hợp các nhà giáo, các nhà khoa học của cơ sở giáo dục đại học, của viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản căn cứ |
05 | Văn bản căn cứ |
06 | Văn bản thay thế |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
Quyết định 54/2008/QĐ-BGDĐT Quy định chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Số hiệu: | 54/2008/QĐ-BGDĐT |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 24/09/2008 |
Hiệu lực: | 29/10/2008 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
Ngày công báo: | 14/10/2008 |
Số công báo: | 567&568 - 10/2008 |
Người ký: | Trần Văn Nhung |
Ngày hết hiệu lực: | 24/12/2011 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!