BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ---------------------- Số: 6290/QĐ-BGDĐT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm
từ năm 2011 đến năm 2020
------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như điều 3; - Lưu VT, NGCBQLCSGD. | BỘ TRƯỞNG (đã ký) Phạm Vũ Luận |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO --------------- | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------- |
CHƯƠNG TRÌNH
Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm
từ năm 2011 đến năm 2020
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 6290/QĐ-BGDĐT
ngày 13 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
----------------
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt". Định hướng đó đã đặt ngành sư phạm và các trường sư phạm trước những cơ hội và thách thức mới.
Ngành sư phạm được thành lập theo Sắc lệnh số 194 ngày 08/10/1946 của Chủ tịch Nước. Kể từ đó đến nay, trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành sư phạm và hệ thống các trường sư phạm đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện thắng lợi trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó và đạt được nhiều thành tích vẻ vang. Nổi bật nhất là các trường sư phạm đã đào tạo cho đất nước một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo gồm hơn hai triệu người, trong đó có hơn một triệu người đang làm việc. Đội ngũ này cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Hiện nay, trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường đại học sư phạm và 39 trường cao đẳng sư phạm. Ở các trường đại học sư phạm hiện có 4.490 giảng viên; trong đó: 5,2% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 13,7% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 48,7% có trình độ thạc sĩ. Ở các trường cao đẳng sư phạm hiện có 3.543 giảng viên; trong đó: 0,07% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 0,93% có trình độ tiến sĩ và 36,89% có trình độ thạc sĩ.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản, các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường, trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lí tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm; nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên; kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế.
Trừ hai trường đại học sư phạm trọng điểm, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có trình độ tiến sĩ của các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm đều thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của các trường đại học, cao đẳng trong toàn hệ thống giáo dục đại học cả nước.
Những hạn chế, bất cập trên là do những nguyên nhân:
- Những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển giáo dục đại học nói chung, trong đó sự chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý chưa chú ý đến tính đặc thù của các trường sư phạm, chưa dành cho các trường sư phạm những sự ưu tiên cần thiết.
- Ở các địa phương và cả nước đều chưa có quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và quy hoạch đội ngũ giáo viên; quá trình đào tạo sư phạm chưa dựa trên nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu chuyên môn đội ngũ giáo viên và những đổi mới của giáo dục phổ thông và giỏo dục mầm non.
- Chưa có sơ kết về mô hình, thời gian đào tạo giáo viên các cấp; chưa có sơ kết thực hiện quy định bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
- Nhiều trường sư phạm chưa có chiến lược phát triển trường. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, giảng viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong các trường sư phạm còn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các trường sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giỏo dục chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo.
Trước những thực trạng nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường sư phạm, lực lượng chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ: "xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng" như đã nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
I. MỤC TIÊU CHUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020. Xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành các trung tâm sáng tạo, đổi mới căn bản và toàn diện của ngành sư phạm cả nước. Tăng cường sự gắn kết giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để bảo đảm sự đồng bộ trong việc xõy dựng và triển khai thực hiện chương trỡnh giỏo dục mầm non mới và chương trỡnh giỏo dục phổ thụng sau năm 2015.
II. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Nội dung của Chương trình thể hiện ở 7 đề án sau đây:
1. Đề án 1: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm
1.1. Mục tiêu:
Củng cố hệ thống, điều chỉnh quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp với nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của cả nước và của từng vùng miền; tăng cường đầu tư cơ sở vât chất cho các trường sư phạm nhằm đáp ứng việc nâng cao chất lượng đào tạo.
1.2. Nội dung:
a) Khảo sát mô hình cơ sở đào tạo giáo viên, phương thức đào tạo giáo viên ở trong và ngoài nước và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục để xác lập quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; đề xuất các giải pháp quản lý, chỉ đạo phự hợp với từng mô hình và phương thức đào tạo giáo viên. Các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông, mầm non đều có các cơ sở, mạng lưới các trường thực hành sư phạm, trường thực tập sư phạm bằng cách thành lập mới hoặc lựa chọn, đầu tư vào các trường hiện có ở các địa phương.
b) Tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực cho 2 trường đại học sư phạm trọng điểm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) thành các cơ sở đào tạo có trình độ cao làm nòng cốt nghiên cứu và thực hiện những chủ trương lớn của ngành trong đổi mới hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đổi mới hệ thống các trường sư phạm; đầu tư phát triển trường đại học sư phạm / khoa đại học sư phạm ở Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thái Nguyên, Tây Bắc để cùng với các trường đại học sư phạm trọng điểm tập trung đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các trường đại học, cao đẳng; đầu tư phát triển các trường đại học sư phạm kỹ thuật, cao đẳng sư phạm kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp; trên cơ sở mạng lưới trường hiện tại, đầu tư nâng cao năng lực của một số trường đại học sư phạm về ngoại ngữ, thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục đặc biệt, giáo dục thường xuyên để đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên các loại hỡnh này ở cả 3 miền. Tăng cường năng lực, hiện đại hóa 3 trường cao đẳng sư phạm Trung ương để cùng với các trường cao đẳng sư phạm địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đến năm 2020 đáp ứng đủ giáo viên đạt chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu dạy học cả ngày của giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và một bộ phận giáo dục trung học cơ sở của tất cả các địa phương.
c) Đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng, bố trí phòng làm việc riêng cho giáo sư, phó giáo sư (ít nhất 10m2/người); bổ sung giáo trình, tài liệu, sách thư viện, thiết bị, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành; đảm bảo đáp ứng các điều kiện cần thiết phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho giảng viên các trường sư phạm. Đến 2020 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên đều có thư viện điện tử hoạt động hiệu quả.
d) Xây dựng mới và tiếp tục triển khai các dự án, đề án trọng điểm để phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm.
1.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Vụ Kế hoạch - Tài chính.
2. Đề án 2: Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm
2.1.Mục tiêu:
Đến năm 2015, 100% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ tiến sĩ; năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, 50% giảng viên cao đẳng sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ. Đủ số lượng, cơ cấu giảng viên tại các trường, khoa sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm không quá 20/1 vào năm 2020.
2.2. Nội dung:
a) Đẩy mạnh thực hiện Đề án đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường, khoa sư phạm theo chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ.
b) Chú trọng việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp, dạy môn ghép, giáo viên dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, để có thể giảng dạy chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 và thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".
c) Ứng dụng cụng nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá trong đào tạo giáo viên. Các trường sư phạm đều đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên với sự tham gia của sinh viên.
d) Xây dựng đội ngũ giảng viên dạy tiếng dân tộc thiểu số trong một số trường sư phạm để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc trong các cơ sở giáo dục ở địa phương và dạy tiếng dân tộc cho các giáo viên khác ở vùng dân tộc thiểu số; trước mắt, đào tạo giảng viên dạy tiếng dân tộc các thứ tiếng: Chăm, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái, Êđê, Bahna, XêĐăng.
đ) Rà soát để bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới các chính sách nhằm tạo động lực (đặc biệt là động lực tài chính) cho các trường/khoa sư phạm, đặc biệt với các trường đại học sư phạm được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; thu hút giảng viên giỏi công tác ở các trường sư phạm và thu hút học sinh giỏi vào học các trường sư phạm; nâng cao phẩm chất, đạo đức, lòng yêu nghề của giảng viên sư phạm.
e) Hình thành đội ngũ chuyên gia về xây dựng và phát triển chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông.
g) Tăng cường khả năng đáp ứng của giảng viên sư phạm đối với sự đổi mới của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt là về nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá và đo lường trong giáo dục.
2.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
3. Đề án 3: Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên
3.1. Mục tiêu:
Nâng cao chất lượng công tác quản lý các cơ sở đào tạo giáo viên thông qua việc tiến hành đồng bộ đổi mới quản lý ở cả 3 cấp: trung ương, địa phương và cơ sở đào tạo giáo viên.Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường đại học, cao đẳng sư phạm phải qua chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm hoặc trong vòng một năm sau khi bổ nhiệm.
3.2. Nội dung:
a) Phân công phối hợp nhiệm vụ quản lý các trường/khoa sư phạm giữa Vụ Giáo dục Đại học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và các Vụ, Cục có liên quan để có thể chỉ đạo, kiểm tra giám sát đồng bộ việc thực hiện các nhiệm vụ của các trường sư phạm;
b) Triển khai phân cấp quản lý các cơ sở đào tạo giáo viên theo các quy định về quản lý các trường đại học, cao đẳng; phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự kiểm soát của các cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhà nước, của xã hội và của các cơ sở.
c) Cơ sở đào tạo giáo viên phải thực hiện "3 công khai", trong đó có công bố chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành đào tạo giáo viên, cam kết chất lượng đào tạo và chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo của trường;
d) Xác định các tiêu chí và phương thức đánh giá giảng viên sư phạm, đánh giá cán bộ quản lý các trường, khoa sư phạm nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả quản lý, chất lượng giảng dạy của cán bộ, giảng viên.
đ) Xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường đại học, cao đẳng sư phạm về nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục.
e) Xây dựng và thực hiện cơ chế liên kết các trường sư phạm để phối hợp lực lượng, chia sẻ tài nguyên. Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm.
3.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
4.Đề án 4: Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên
4.1. Mục tiêu:
Xây dựng các trường sư phạm, các khoa sư phạm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng trên chuẩn và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các cấp; tăng cường mức độ đáp ứng của đội ngũ giáo viên với chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo chuẩn hóa về trình độ, đồng bộ về cơ cấu, để đến năm 2020, cơ bản giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông có trình độ đại học, trong đó ít nhất 30% giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ trở lên, 100% hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến năm 2012 các cơ sở đào tạo giáo viên đều có chương trình đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên phục vụ chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đến năm 2015 các trường sư phạm có đủ giáo trình chất lượng cho tất cả các môn học; đến năm 2020 tất cả các trường sư phạm có thư viện điện tử.
4.2. Nội dung:
a) Các trường sư phạm mở các mó ngành đào tạo hoặc các học phần đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các địa phương, của cả nước: giáo viên tư vấn - hướng nghiệp, giáo viên giáo dục thường xuyên, giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên phụ trách thiết bị, phụ trách thư viện, .... Đổi mới công tác tuyển sinh vào các trường, khoa sư phạm nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường, khoa sư phạm.
b) Đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm; tổ chức xây dựng chương trỡnh đào tạo giáo viên theo hướng mở, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, tăng thời lượng và nội dung đào tạo, thực hành, thực tập nghiệp vụ sư phạm. Bổ sung các học phần về khoa học đánh giá, đo lường trong giáo dục, về giáo dục hòa nhập, về giáo viên chủ nhiệm lớp và tư vấn, hướng nghiệp; đảm bảo chất lượng về ngoại ngữ, tin học theo mục tiêu các đề án đang triển khai, thực hiện. Kịp thời bổ sung các nội dung liên quan đến đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vào chương trình đào tạo giáo viên. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng rèn luyện năng lực tư duy sáng tạo và khả năng tự học của sinh viên. Phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học sư phạm nhằm hình thành năng lực nghiên cứu khoa học cho giáo viên sau khi ra trường.
c) Triển khai thí điểm và mở rộng dần hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo địa chỉ sử dụng thông qua các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng.
d) Thiết lập và vận hành tốt mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo giáo viên với các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học ở địa phương: tạo cơ chế phối hợp giữa trường sư phạm - cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các trường mầm non, phổ thông để khuyến khích các cơ sở giáo dục và giáo viên ở địa phương tham gia vào công tác đào tạo giáo viên (hướng dẫn thực hành, thực tập); củng cố và tăng cường vai trò của các trường thực hành sư phạm, trường thực tập sư phạm trong việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên; trách nhiệm, quyền lợi của cơ sở đào tạo giáo viên trong việc phổ biến, chuyển giao các thành tựu mới về khoa học giáo dục, tham gia bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp của giáo viên tại địa phương.
4.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
5. Đề án 5: Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục)
5.1. Mục tiêu:
Góp phần xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý giáo dục có Chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giỏo dục theo chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; trên 20% hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, phổ thông và giám đốc, phó giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên có bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục.
5.2. Nội dung:
a) Xây dựng và triển khai kế hoạch (trên cơ sở hợp đồng giữa các cơ quan quản lí giáo dục địa phương với Học viện Quản lí giáo dục và các trường sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giỏo dục) bồi dưỡng chuẩn hóa cán bộ quản lý giáo dục.
b) Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục cho từng loại cán bộ quản lý giáo dục trước khi bổ nhiệm và trong vòng một năm sau bổ nhiệm.
c) Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật cho cán bộ quản lý giáo dục.
d) Nâng cấp trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thành trường đại học hoặc học viện để tham gia đào tạo sau đại học về quản lý giáo dục.
5.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
6. Đề án 6: Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm
6.1. Mục tiêu:
Đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, trở thành nhiệm vụ chính của các cơ sở đào tạo giáo viên. Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học giáo dục và hợp tác quốc tế phục vụ công tác đào tạo giáo viên; xác định các căn cứ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở đào tạo giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.
6.2. Nội dung:
a) Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu về khoa học giỏo dục quốc gia từ năm 2011 đến năm 2020, chương trình nghiên cứu khoa học sư phạm về nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 và các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, mô hình trường thực hành sư phạm; gắn nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm với các đề tài trong đào tạo sau đại học, các luận án, luận văn được bảo vệ phải là kết quả cụ thể của các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học các cấp; phát huy thế mạnh của các trường sư phạm trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học.
b) Xây dựng và ban hành các qui định về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và yêu cầu kết quả nghiên cứu khoa học cần đạt được cho các chức danh của giảng viên sư phạm.
c) Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách nhằm thu hút giảng viên là người nước ngoài và Việt kiều tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm.
d) Các trường sư phạm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua trao đổi chương trình đào tạo, giảng viên, sinh viên; thí điểm chương trình tiên tiến của các nước phát triển và xây dựng chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế.
đ) Thành lập Hội đồng khoa học sư phạm quốc gia giai đoạn 2011-2020.
6.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
7.Đề án 7: Kiểm định chất lượng các trường sư phạm
7.1. Mục tiêu: Đánh giá và công bố định kỳ chất lượng các trường sư phạm, các chương trình đào tạo giáo viên, góp phần thực hiện "3 công khai", xây dựng chất lượng các trường sư phạm ngang tầm khu vực và quốc tế.
7.2. Nội dung:
a) Xây dựng bộ công cụ chuẩn để đánh giá kiểm định chương trình đào tạo giáo viên và kiểm định chất lượng các trường sư phạm.
b) Triển khai tự đánh giá, đánh giá ngoài và công nhận các trường, khoa sư phạm đạt tiêu chuẩn chất lượng và công nhận các chương trình đào tạo giáo viên đạt tiêu chuẩn chất lượng.
7.3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian
a) Giai đoạn 2011-2015:
- Năm 2011: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020và các Ban chủ nhiệm Đề án thuộc Chương trình; xác định tổng kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 2011 đến năm 2020. Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt các đề án thuộc Chương trình; lập và duyệt kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí của các đề án thuộc Chương trình.
- Triển khai kế hoạch hoạt động của các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm.
- Tổ chức sơ kết giai đoạn 2011-2015 vào cuối năm 2015.
b) Giai đoạn 2016-2020:
- Tiến hành điều chỉnh các nội dung cần thiết của Chương trình và của các đề án thuộc Chương trình.
- Tiếp tục triển khai các đề án thuộc Chương trình gắn với các hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm.
- Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
2. Kinh phí
Kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020được bố trí từ ngân sách nhà nước, các dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và các nguồn hợp pháp khác.
3. Tổ chức thực hiện
a) Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020, gồm: Bộ trưởng làm Trưởng ban, Thứ trưởng phụ trách khối sư phạm làm Phó Trưởng ban, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục làm Ủy viên thường trực, đại diện Lãnh đạo các đơn vị chủ trì các Đề án thuộc Chương trình và một số cơ quan, đơn vị có liên quan làm Ủy viên. Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo do Phó Trưởng ban phụ trách, gồm các thành viên là Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tổ Thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo do thành viên Ban chỉ đạo là Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phụ trách, gồm cán bộ, công chức của một số đơn vị có liên quan trong Bộ;
b) Các đơn vị được giao chủ trì đề án xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt đề án, thành lập Ban chủ nhiệm đề án do đại diện Lãnh đạo đơn vị chủ trì đề án làm Trưởng ban, Lãnh đạo các đơn vị phối hợp là thành viên để phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện đề án có kết quả, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc và đúng tiến độ kế hoạch được Bộ giao;
c) Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là đơn vị chủ trì phối hợp giúp Bộ trưởng quản lý Chương trình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch từng năm để thực hiện Chương trình trên cơ sở cân đối kế hoạch cụ thể của từng đề án; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Bộ trưởng và Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình;
d) Ban chủ nhiệm từng đề án xây dựng kế hoạch hoạt động, dự trù kinh phí thực hiện đề án. Vụ Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch kinh phí, lập và thực hiện dự toán kinh phí các đề án thuộc Chương trình; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan bố trí kịp thời kinh phí thực hiện các đề án thuộc Chương trình;
đ) Các dự án ODA thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Ban chủ nhiệm các đề án thuộc Chương trình để hỗ trợ việc thực hiện các đề án theo các nội dung công việc thích hợp;
e) Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ cử cán bộ có năng lực tham gia các đề án và đưa nội dung các đề án thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình vào chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị;
g) Các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học có trường / khoa sư phạm, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Học viện Quản lý Giáo dục, các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phối hợp với Ban chủ nhiệm các đề án tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình; tham gia xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện các đề án; tổ chức bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của các trường / khoa sư phạm; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm hàng năm kết hợp với việc thực hiện Chương trình này./.
BỘ TRƯỞNG
(đã ký)
Phạm Vũ Luận