Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Số công báo: | 636&637 - 12/2008 |
Số hiệu: | 63/2008/QĐ-BLĐTBXH | Ngày đăng công báo: | 10/12/2008 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Đàm Hữu Đắc |
Ngày ban hành: | 25/11/2008 | Hết hiệu lực: | 10/07/2019 |
Áp dụng: | 25/12/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, An ninh trật tự, An ninh quốc gia |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 63/2008/QĐ-BLĐTBXH
NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2008
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC DẠY, HỌC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
HỌC TẬP MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH
TRONG CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10/7/2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng-an ninh;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh trong các cơ sở dạy nghề.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội có cơ sở dạy nghề; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Hiệu trưởng các cơ sở dạy nghề, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đàm Hữu Đắc
QUY CHẾ
Tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học
Giáo dục quốc phòng - an ninh trong các cơ sở dạy nghề
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh.
2. Quy chế này áp dụng đối với học sinh, sinh viên học nghề trong các trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề).
Điều 2. Vị trí, tính chất môn học
1. Giáo dục quốc phòng – an ninh là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; là môn học chính khoá, thuộc nhóm các môn học chung trong chương trình đào tạo của cơ sở dạy nghề.
2. Giáo dục quốc phòng – an ninh có vị trí quan trọng trong chiến lược đào tạo con người phát triển toàn diện; nâng cao kiến thức chính trị, quân sự, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc.
Điều 3. Mục tiêu, yêu cầu
1. Giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh; rèn luyện thể lực; hình thành tác phong khẩn trương, ngăn nắp và có tính kỷ luật cao trong công tác, sinh hoạt hàng ngày.
2. Hiểu được những nội dung chính về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Nắm vững âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình“, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; thành thạo đội ngũ từng người không có súng, các kỹ năng quân sự cần thiết, biết vận dụng vào phòng vệ cá nhân và tham gia bảo vệ an toàn đơn vị, cơ sở.
Điều 4. Giáo viên, giảng viên Giáo dục quốc phòng - an ninh
Giáo viên, giảng viên Giáo dục quốc phòng – an ninh là người làm nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy. Ngoài các tiêu chuẩn quy định chung về phẩm chất, đạo đức, tư tưởng, sức khoẻ, lý lịch bản thân của giáo viên dạy nghề, giáo viên, giảng viên Giáo dục quốc phòng – an ninh phải có kiến thức giáo dục quốc phòng – an ninh (có chứng chỉ giáo viên giáo dục quốc phòng; sỹ quan dự bị; cử nhân sư phạm ghép môn giáo dục quốc phòng); có tinh thần trách nhiệm của người thầy, người chỉ huy và người cán bộ quản lý giáo dục.
Chương II
TỔ CHỨC DẠY VÀ HỌC
Điều 5. Chương trình giảng dạy
Chương trình giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh trong các cơ sở dạy nghề thực hiện theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 6. Thời lượng giảng dạy
1. Trung cấp nghề: Thời lượng chung cho đối tượng học trung cấp nghề là 45 giờ.
2. Cao đẳng nghề: Thời lượng chung cho đối tượng học cao đẳng nghề là 75 giờ.
3. Liên thông trung cấp nghề lên cao đẳng nghề: Thời lượng cho đối tượng học liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề là 30 giờ.
Điều 7. Tổ chức giảng dạy
1. Các cơ sở dạy nghề tổ chức bộ môn Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc bố trí cán bộ phụ trách (trong trường hợp chưa thành lập được bộ môn) để giúp hiệu trưởng quản lý, tổ chức giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh.
2. Lớp học lý thuyết nếu bố trí lớp ghép phải phù hợp với phương pháp dạy học và điều kiện cụ thể của trường dạy nghề nhưng không quá 140 người; lớp học thực hành không quá 35 người.
3. Các học phần lý thuyết kết hợp với thực hành được tích hợp thành khối kiến thức của từng học phần, trong đó có thời gian học tập, nghiên cứu, thi và kiểm tra. Với các học phần lý thuyết, căn cứ vào điều kiện thực tế và đặc điểm từng bài giảng có thể bố trí các hình thức dạy học khác như thảo luận, viết thu hoạch.
Điều 8. Những yêu cầu cơ bản đối với cơ sở dạy nghề và người học
1. Đối với cơ sở dạy nghề:
Sử dụng vũ khí thật hoặc vũ khí có kiểu dáng vũ khí thật, trước khi di chuyển các cơ sở dạy nghề phải đăng ký với cơ quan công an sở tại.
Các cơ sở dạy nghề thực hành bắn đạn thật phải hợp đồng với cơ quan quân sự địa phương, đơn vị quân đội để bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị.
2. Đối với học sinh, sinh viên:
Ngoài việc thực hiện những quy định chung trong quy chế đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, học sinh, sinh viên phải thực hiện những yêu cầu sau:
a) Trang phục gọn gàng, thống nhất theo hướng dẫn của giáo viên, giảng viên. Tuyệt đối chấp hành các quy định, quy tắc đảm bảo an toàn về người, vũ khí, trang bị.
b) Học sinh, sinh viên được bố trí học tập môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh tại các trung tâm giáo dục quốc phòng thì phải thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm.
Điều 9. Đối tượng miễn học, miễn thi, miễn học các nội dung thực hành và tạm hoãn học
1. Đối tượng được miễn học:
a) Học sinh, sinh viên có bằng tốt nghiệp sỹ quan Quân đội, Công an;
b) Học sinh, sinh viên đã có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh theo trình độ đào tạo;
c) Học sinh, sinh viên là người nước ngoài.
2. Đối tượng được miễn học, miễn thi các học phần đã học:
Học sinh, sinh viên chuyển trường hoặc đào tạo liên thông được miễn học, miễn thi các học phần đã học nhưng phải có phiếu điểm đánh giá kết quả học tập các học phần tương ứng.
3. Đối tượng được miễn học các nội dung thực hành kỹ năng quân sự:
a) Học sinh, sinh viên có thương tật, khuyết tật bẩm sinh, bị bệnh mãn tính làm hạn chế chức năng vận động, có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên;
b) Học sinh, sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự được miễn học nội dung thực hành kỹ năng quân sự nhưng phải dự kiểm tra, thi đủ các nội dung theo quy định.
4. Đối tượng được tạm hoãn:
a) Học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài hoặc đang học tập tại các trường của nước ngoài, trường liên doanh, liên kết với nước ngoài tại Việt Nam;
b) Học sinh, sinh viên bị ốm đau, tai nạn phải nằm điều trị tại các bệnh viện cấp huyện quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên hoặc do thiên tai, hoả hoạn phải nghỉ học, có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn trở lên; học sinh, sinh viên là phụ nữ đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 24 tháng được tạm hoãn các nội dung thực hành kỹ năng quân sự. Hết thời hạn tạm hoãn, các cơ sở dạy nghề bố trí cho học sinh, sinh viên vào học các lớp phù hợp để hoàn thành chương trình.
Chương III
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
Điều 10. Điều kiện thi
Học sinh, sinh viên có đủ số lần kiểm tra cho mỗi học phần; mỗi lần kiểm tra đạt từ 5 điểm (thang điểm 10) trở lên và có ít nhất 80% thời gian có mặt trên lớp sẽ được dự thi kết thúc học phần lần thứ nhất. Mỗi học sinh, sinh viên phải dự kiểm tra đủ các học phần quy định trong chương trình.
Điều 11. Số lần kiểm tra kết thúc học phần
Học phần có từ 1 đến 2 đơn vị học trình kiểm tra ít nhất một lần; học phần có từ 2 đến 3 đơn vị học trình kiểm tra ít nhất hai lần. Số lần cụ thể do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quy định.
Điều 12. Cách tính điểm tổng kết môn học
Cách tính điểm tổng kết môn học thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy.
Điều 13. Sử dụng kết quả học tập
Học sinh, sinh viên học đủ nội dung, chương trình theo quy định được kiểm tra, thi; kết quả kiểm tra, thi được ghi vào sổ điểm, sổ học tập. Sinh viên đủ điều kiện quy định tại Điều 14 trong Quy chế này được cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh.
Điều 14. Điều kiện cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh
1. Chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh được cấp cho sinh viên đạt điểm trung bình môn học từ 5 điểm (thang điểm 10) và không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên trong thời gian học Giáo dục quốc phòng – an ninh.
2. Không cấp chứng chỉ cho sinh viên là đối tượng được miễn toàn bộ chương trình.
Điều 15. Thẩm quyền cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh
Người đứng đầu cơ sở dạy nghề căn cứ quá trình học tập và kết quả môn học để cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh cho sinh viên. Việc ban hành mẫu chứng chỉ, quản lý, cấp phát thực hiện theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Chương IV
CÔNG TÁC BẢO ĐẢM
Điều 16. Bồi dưỡng giáo viên, giảng viên
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Tổng cục Dạy nghề chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh, phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh cho giáo viên Giáo dục quốc phòng - an ninh.
Điều 17. Giáo trình, sách giáo viên, tài liệu Giáo dục quốc phòng-an ninh
Giáo trình, sách giáo viên và tài liệu Giáo dục quốc phòng – an ninh do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan biên soạn, ban hành.
Điều 18. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
1. Tổ chức dạy, học môn học Giáo dục quốc phòng – an ninh phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
2. Cơ sở dạy nghề không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phải liên kết với trường khác, trung tâm giáo dục quốc phòng hoặc các cơ quan, đơn vị quân đội để thực hiện đầy đủ các bài tập kỹ năng.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 19. Khen thưởng
Cá nhân, tập thể có thành tích trong dạy và học Giáo dục quốc phòng – an ninh được đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 20. Xử lý vi phạm.
Cá nhân, tập thể vi phạm các quy định trong Quy chế này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đàm Hữu Đắc
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản quy định hết hiệu lực một phần |
07 | |
08 |
Quyết định 63/2008/QĐ-BLĐTBXH đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục quốc phòng - an ninh trong cơ sở dạy nghề
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số hiệu: | 63/2008/QĐ-BLĐTBXH |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 25/11/2008 |
Hiệu lực: | 25/12/2008 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, An ninh trật tự, An ninh quốc gia |
Ngày công báo: | 10/12/2008 |
Số công báo: | 636&637 - 12/2008 |
Người ký: | Đàm Hữu Đắc |
Ngày hết hiệu lực: | 10/07/2019 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!