hieuluat

Thông báo 314/TB-BGDĐT kết quả hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạoSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:314/TB-BGDĐTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Trần Quang Quý
    Ngày ban hành:12/05/2014Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/05/2014Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
    -------
    Số: 314/TB-BGDĐT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2014
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT QUẢ HỘI THẢO TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC,
     LỐI SỐNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN
     
     
    Ngày 11/4/2014, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
    Tham dự có hơn 350 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch Nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GDĐT; đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH-CĐ-TCCN); đại diện các Sở GDĐT và giáo viên, học sinh ở một số trường phổ thông; các nhà khoa học và chuyên gia về giáo dục.
    Hội thảo đã nhận được 314 báo cáo (gồm: 59 báo cáo của các sở GDĐT; 107 báo cáo của các trường đại học; 106 báo cáo của các trường cao đẳng; 42 báo cáo của các trường trung học, trung cấp chuyên nghiệp); Hội thảo đã xuất bản kỷ yếu gồm 33 báo cáo tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và đại diện các cơ sở giáo dục trên cả nước. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng về đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp để tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống (ĐĐLS) cho học sinh, sinh viên (HSSV) trong thời gian tới.
    Tổng hợp kết quả khảo sát, các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ GDĐT thông báo kết quả Hội thảo như sau:
    I. Đánh giá về kết quả công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua
    1. Những kết quả đạt được
    * Kết quả chung
    Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV hiện nay đã có nhiều tiến bộ; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong toàn bộ hệ thống chính trị được tăng cường; việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để chung tay giáo dục HSSV có lối sống lành mạnh, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học và sống có trách nhiệm đã được quan tâm đúng mức. HSSV hiện nay có tinh thần yêu quê hương đất nước, tin tưởng, chấp hành đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước. Đa số HSSV đều xác định được mục tiêu sống, có lý tưởng phấn đấu rõ ràng với động cơ học tập nghiêm túc; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào “xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng…”; biết chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
    * Về phẩm chất, tư tưởng chính trị
    Hầu hết HSSV có tinh thần yêu quê hương đất nước, tin tưởng và chấp hành đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đa số HSSV đồng ý việc cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập với thế giới hiện nay; quê hương, cội nguồn dân tộc vẫn là quan trọng.
    Đa số HSSV đều xác định được mục tiêu cuộc sống, có lí tưởng phấn đấu rõ ràng với động cơ học tập nghiêm túc, tích cực và chủ động với tinh thần vượt khó; có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện và đưa ra được yêu cầu tính tích cực, chủ động, linh hoạt là yếu tố quan trọng giúp HSSV thành công trong mọi việc.
    * Về đạo đức
    Đa số HSSV có nhận thức và hành vi trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các phẩm chất như nhân ái, tương thân tương ái giúp đỡ nhau, sống có nghĩa tình, cần cù kiên trì, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trung thực, đoàn kết được đại đa số HSSV nhận thức và phát huy. Hầu hết HSSV có ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập rèn luyện và bản thân.
    HSSV đều biết và thực hiện sống, làm việc tuân thủ theo pháp luật; ý thức và trách nhiệm công dân được tăng cường hơn rất nhiều. HSSV tích cực tham gia các hoạt động tập thể, các phong trào, xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng. Phong trào tình nguyện do Trung ương Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức đã trở thành phong trào chung, thường xuyên trong tất cả các nhà trường với nhiều hình thức phong phú.
    * Về lối sống
    HSSV hiện nay đều có lối sống lành mạnh, biết chia sẻ, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai.
    Phần lớn HSSV có lối sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú và phê phán những tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi trái thuần phong mĩ tục của dân tộc. Hầu hết HSSV không sa vào tệ nạn xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động do ngành Giáo dục, ngành Văn hóa tổ chức phát động.
    Trong cuộc sống hiện đại, với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì mọi người cần hợp tác với nhau hơn. HSSV quan niệm rằng hợp tác giúp tạo nên sức mạnh và khiến cho công việc đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, HSSV vẫn giữ được nếp sống yêu lao động, tiết kiệm, giản dị, khiêm tốn, tôn trọng sự khác nhau về cá tính và tôn trọng người khác.
    Như vậy, hầu hết HSSV ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, ra sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt với khát vọng cống hiến hết mình vì tương lai tươi sáng của dân tộc.
    * Các biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên
    Bên cạnh những biểu hiện tích cực vẫn còn một bộ phận không nhỏ HSSV có ý thức phấn đấu chưa cao, thờ ơ với các vấn đề chính trị - xã hội, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không xác định được mục tiêu, lí tưởng cuộc sống; có biểu hiện suy thoái về ĐĐLS, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Một số HSSV đề cao lối sống thực dụng, ích kỉ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần. Không quan tâm đến cộng đồng, người xung quanh, ít tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội và cộng đồng; sống khép mình, đề cao chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể, có một số HSSV vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.
    2. Hạn chế cần khắc phục
    Giáo dục ĐĐLS cho HSSV là công tác quan trọng, thường xuyên, liên tục của ngành Giáo dục. Cả cán bộ, giáo viên và HSSV đều coi trọng công tác giáo dục ĐĐLS. Trong những năm gần đây, công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV đã được đổi mới nội dung và phương pháp thực hiện và thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, công tác này còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém nhất định. Thực tiễn cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV thể hiện ở những điểm sau:
    Một là, chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu mới hiện nay, phương pháp giáo dục ở nhiều nơi chậm đổi mới do tư duy giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
    Hai là, các điều kiện đảm bảo cho công tác giáo dục ĐĐLS còn nhiều bất cập: Đội ngũ giáo viên phụ trách công tác giáo dục ĐĐLS còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trong các nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho HSSV; ngân sách cấp cho công tác này chưa được ưu tiên.
    Ba là, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương chưa được thể chế hóa nên nhiều cấp chính quyền thiếu chủ động trong việc đưa ra chủ trương và giải quyết các vấn đề cụ thể của công tác giáo dục tại địa phương.
    Bốn là, các yếu tố tiêu cực, khách quan của xã hội thâm nhập vào nhà trường, ảnh hưởng xấu tới ĐĐLS của HSSV. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người lớn, cha mẹ HS chưa làm gương cho HSSV noi theo. Ở các trường ĐH, CĐ, TCCN, công tác quản lý HSSV, nhất là HSSV ngoại trú còn rất hạn chế, chưa thực sự đảm bảo an toàn, an ninh trường học.
    Năm là, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn lỏng lẻo, cơ chế trao đổi còn yếu và xử lý thông tin chậm được xử lý.
    II. Giải pháp đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên
    1. Đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS trong các nhà trường.
    2. Xác định cơ chế quản lý, phối hợp và điều kiện đảm bảo kinh phí, đánh giá kết quả sự phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống giữa: Nhà trường với gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương và nhà trường với các tổ chức Đoàn, Đội, Hội.
    3. Quy định nội dung, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo và tổ chức bồi dưỡng nâng cao thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong các nhà trường.
    4. Có quy định mới về bố trí giáo viên tư vấn học đường, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông. Xem xét việc thành lập tổ/bộ phận tư vấn học đường (nhất là tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống...) để hỗ trợ HSSV trong mỗi nhà trường.
    5. Xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa cán bộ quản lý, nhà giáo và người học, giữa nhà trường và gia đình học sinh.
    6. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, quản lý, giáo dục học sinh đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức Đoàn, Đội, Hội và chính quyền, các tổ chức xã hội - chính trị tại địa phương.
    7. Đề xuất cơ chế cụ thể trong việc phối hợp giữa Bộ GDĐT với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để cùng nhau triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV trong thời gian tới.
    III. Nhiệm vụ trọng tâm
    Để thực hiện những giải pháp nêu trên, trước mắt cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
    - Về công tác tuyên truyền
    + Tuyên truyền cho toàn xã hội, việc giáo dục ĐĐLS cho HSSV là nhiệm vụ chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Xây dựng kế hoạch, tài liệu và phối hợp tổ chức truyền thông về các bài học kinh nghiệm, gương điển hình người tốt, việc tốt cho HSSV. Tránh việc tuyên truyền một chiều (chỉ nêu các mặt trái và hạn chế của các vụ việc, hiện tượng có ảnh hưởng xấu trong HSSV).
    + Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, giảng viên, cha mẹ HS về tầm quan trọng của công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV.
    - Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương
    + Rà soát các văn bản hiện có, đề xuất xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn về công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV. Các văn bản cần quy định cụ thể về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV trong trường phổ thông, TCCN, CĐ và ĐH.
    + Xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo thực hiện công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV. Các cấp quản lý và cơ sở giáo dục cần triển khai thực hiện và vận dụng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thuộc phạm vi quản lí.
    + Xây dựng bộ tài liệu giáo dục ĐĐLS cho HSSV cho phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi và cấp học. Nghiên cứu đổi mới nội dung, tiến hành rà soát, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức trong sách giáo khoa, giáo trình và hoạt động giáo dục theo các tiêu chí xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đồng thời, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục ĐĐLS cho cán bộ giáo viên, giảng viên; xem xét đưa nội dung và phương pháp giáo dục ĐĐLS cho HSSV vào chương trình đào tạo ở các trường sư phạm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các cán bộ, giảng viên trực tiếp thực hiện công tác giáo dục ĐĐLS cần được tập huấn, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn hàng năm.
    + Tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi tài năng, khoa học kỹ thuật tạo sân chơi lành mạnh thu hút HSSV tham gia để hoàn thiện kỹ năng sống, bồi dưỡng nhân cách và phát triển tài năng.
    + Xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác giáo dục ĐĐLS nhằm thực hiện giải pháp đồng bộ để giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.
    + Bộ GDĐT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin Truyền thông và các Bộ, ban, ngành hợp nhất và triển khai Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2014 - 2020” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đâylà giải pháp tổng thể về công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV trong thời gian tới.
    - Đối với các cơ sở giáo dục
    + Hoàn thiện tổ chức bộ máy, phân công cụ thể đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, giảng viên; Củng cố và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các phòng/bộ phận công tác HSSV trong các trường đào tạo, các sở giáo dục đáp ứng có hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS.
    + Cần đầu tư kinh phí và mở rộng các hình thức hoạt động ngoại khóa theo hướng tạo điều kiện phát huy sự tham gia của HSSV để phát triển năng lực, phẩm chất của HSSV.
    + Phối hợp với các Ban, ngành, địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội có hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương.
    + Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV thiết thực, thường xuyên thông qua các tiêu chí đánh giá để HSSV rèn luyện, phấn đấu. Chú ý kết hợp với các tiêu chí của Phong trào “Sinh viên 5 tốt” và các phong trào thi đua khác trong HSSV.
    + Bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn học đường để tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông. Thành lập các câu lạc bộ, các trung tâm tư vấn nghề nghiệp, kết hợp tư vấn tâm lý, kỹ năng cho sinh viên trong các trường ĐH, CĐ và TCCN.
    + Xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa sinh viên với Ban Giám hiệu nhà trường, giữa nhà trường và gia đình học sinh.
    - Tăng cường công tác thi đua, khen thưởng
    + Tổ chức thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong HSSV.
    +Đưa công tác đánh giá giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường thành tiêu chí thi đua. Nghiên cứu đề xuất Lãnh đạo Bộ xây dựng Phong trào thi đua: “Dạy thật tốt, Học thật tốt, Quản lý thật tốt” trong ngành Giáo dục.
    Trên đây là kết quả Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên. Bộ GDĐT thông báo đến các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ và TCCN, các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT để biết và triển khai trong thời gian tới.
     

     Nơi nhận:
    - PCT. Nước Nguyễn Thị Doan
    - PTTg. Vũ Đức Đam
    - Bộ trưởng (để báo cáo);
    - VPCTN, VPCP
    - VP TW Đảng, Ban Dân vận TW
    - TW Đoàn, HĐ Đội TW;
    - Bộ Công an, Bộ VHTTDL, Bộ LĐTBXH (để phối hợp);
    - Các Thứ trưởng
    -Các Sở GDĐT
    - Các ĐH, HV, trường ĐH,CĐ,TCCN (để thực hiện);
    - Các đơn vị liên quan
    - Lưu: VT, CTHSSV.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG





    Trần Quang Quý
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông báo 314/TB-BGDĐT kết quả hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Số hiệu:314/TB-BGDĐT
    Loại văn bản:Thông báo
    Ngày ban hành:12/05/2014
    Hiệu lực:12/05/2014
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Trần Quang Quý
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X