VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 362/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TẠI PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA ỦY BAN QUỐC GIA ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Ngày 26 tháng 8 năm 2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo cho ý kiến về các Đề án: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban; các thành viên Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; báo cáo tổng hợp ý kiến tư vấn của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực do đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trình bày; ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban và đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Về vấn đề hoàn thiện Hệ thống giáo dục quốc dân
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định: Trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, do đó, về cơ bản chưa đề cập đến vấn đề thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng cần có định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục cho phù hợp, theo hướng mở, linh hoạt, liên thông; làm cơ sở triển khai các nội dung đổi mới khác đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội học tập.
- Hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giữ ổn định như hiện nay gồm: Mầm non, tiểu học 5 năm, trung học cơ sở 4 năm và trung học phổ thông 3 năm; giáo dục phổ cập là 9 năm. Từ sau trung học cơ sở, phân luồng trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp.
- Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo.
Bảo đảm liên thông dọc giữa các bậc của giáo dục nghề nghiệp gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với các bậc của giáo dục đại học gồm đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; bảo đảm liên thông ngang trong cùng một bậc học.
- Tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện thành một trung tâm thống nhất đảm nhận các chức năng giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề trên địa bàn. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
- Giáo dục đại học được xây dựng theo 2 hướng; định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp, ứng dụng thực hành; đào tạo sau đại học gồm thạc sĩ, tiến sĩ áp dụng cho cả 2 hướng.
2. Về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Đồng ý chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với những nội dung cơ bản sau đây:
- Tách chương trình với sách giáo khoa; thực hiện chủ trương 01 chương trình, nhiều sách giáo khoa;
- Về biên soạn sách giáo khoa mới, có 02 phương án:
+ Phương án 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa.
+ Phương án 2: Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng.
Trong mỗi phương án cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế, bất cập của phương án.
- Về triển khai chương trình, sách giáo khoa mới nên tham khảo kinh nghiệm các nước và qua thực tiễn của nước ta để đề xuất phương án thực hiện phù hợp;
- Về kinh phí, chỉ dự toán thực hiện việc xây dựng chương trình và biên soạn một bộ sách giáo khoa, các nội dung còn lại thuộc các đề án khác.
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2014 để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
3. Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng
- Năm 2014, việc đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai bước đầu, cơ bản nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Để tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu: Sử dụng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
- Về phương án đổi mới thi: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014 - 2015 phương án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội góp ý về 03 phương án mà Bộ đang đưa ra xin ý kiến hoặc các phương án khác, trong đó lưu ý phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội để lựa chọn một phương án phù hợp. Phương án được lựa chọn chính thức phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, có kết quả tin cậy, đáp ứng hai mục tiêu nêu trên; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận, cần làm tốt công tác thông tin truyền thông về những căn cứ thuyết phục để lựa chọn, những ưu điểm, hạn chế và giải đáp những băn khoăn, thắc mắc liên quan tới phương án được lựa chọn để nhân dân hiểu rõ và đồng thuận.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và các thành viên Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c); - Các Bộ: GDĐT, LĐTBXH, KHCN, KHĐT, TC, NV; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; - Các thành viên UBQG Đổi mới GD và ĐT; - Các ĐHQG: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TTK HĐGD, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục; - Lưu: VT, KGVX (3b). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Khắc Định |