BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- Số: 493/TB-BGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2015 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN
TẠI HỘI THẢO “ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ
VÀ GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG TRONG CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN”
Trong thời gian cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2015, tại Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Tham dự Hội thảo có đại diện của Ban Tuyên giáo trung ương, các Vụ, Cục, các chương trình, dự án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo giáo viên trong toàn quốc. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại biểu dự Hội thảo và báo cáo của các phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận:
1. Các cơ sở đào tạo giáo viên cùng phối hợp để khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo bắt đầu từ năm học 2016 -2017 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện chương trình đào tạo mới.
2. Chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên cần đổi mới trên cơ sở thực hiện đúng hoặc vận dụng các quy định của Thông tư số 07/2015/BGDĐT ngày 16/4/2015 Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần:
- Cụ thể hóa các quy định đạo đức nhà giáo trong Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 vào nội dung học tập và hoạt động trong chương trình đào tạo mới, tăng cường các hoạt động rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo cho giảng viên, sinh viên sư phạm, xây dựng nhà trường sư phạm thực sự là môi trường giáo dục điển hình; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp (Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014);
- Quy định thời lượng cụ thể thực hiện bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên và thời lượng cụ thể việc giảng viên tham gia một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và phát triển năng - lực nghề nghiệp giáo viên phổ thông; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học sư phạm ứng dụng trong văn bản quy định chế độ làm việc đối với giảng viên của đơn vị trên cơ sở các quy định của Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 quy định chế độ làm việc đối với giảng viên;
- Thực hiện tốt các quy định về nội dung, chương trình, thời gian, hình thức tổ chức và đánh giá kết quả bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên theo Thông tư số 20/2013/TT-BGDĐT ngày 06/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học;
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên (theo Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học) để đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo và tiêu chuẩn của giảng viên được quy định trong Luật Giáo dục, Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học, Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014;
- Thực hiện việc triển khai việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học (Công văn số 2754/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/5/2010 và công văn số 7324/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 08/10/2013);
- Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục phổ thông thiết lập hệ thống trường thực hành sư phạm theo các quy định của Thông tư số 16/2014/TT-BGDĐT ngày 16/5/2014 ban hành Quy chế hoạt động của Trường thực hành sư phạm, xây dựng các mô hình trường thực hành sư phạm; đảm bảo đến năm học 2016-2017 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên có mạng lưới trường thực hành sư phạm đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo; chú trọng xây dựng, phát triển mạnh mẽ trung tâm bồi dưỡng, phát triển nghiệp vụ sư phạm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông;
- Thống nhất xây dựng quy định chung về cách thức, nội dung phối hợp giữa các đơn vị; nhanh chóng hợp tác lực lượng, chia sẻ tài nguyên về chương trình đào tạo, ngân hàng đề thi, kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục…;
- Chủ động phối kết hợp với cơ quan quản lý giáo dục địa phương nghiên cứu, xây dựng các nội dung bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo quy định của Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 Ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; Thông tư số 28/2014/TT-BGDĐT ngày 26/8/2014 Quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và các Thông tư ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý các cấp học, nhằm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng thực tiễn đổi mới giáo dục đào tạo;
- Tích cực, chủ động phối hợp với sở giáo dục và đào tạo thông qua các phòng chức năng kịp thời nắm bắt các thông tin về thực tiễn giáo dục phổ thông phục vụ hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý;
- Chủ động phối kết hợp giữa các đơn vị, lựa chọn đơn vị đầu mối để thành lập câu lạc bộ theo khu vực hoặc tham gia câu lạc bộ hiệu trưởng 7 trường đại học sư phạm nòng cốt theo quy chế hoạt động chung để gắn kết, phối hợp hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục và các chương trình, dự án thuộc Bộ Giáo và dục Đào tạo theo chức năng nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kết luận trên và có sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện.
Nơi nhận: - Bộ trưởng (để b/c); - Các Thứ trưởng (để b/c); - Các Vụ, Cục, Chương trình, dự án thuộc Bộ (để thực hiện); - Các sở giáo dục và đào tạo (để thực hiện); - Các cơ sở đào tạo giáo viên (để thực hiện); - Lưu: VT, NGCBQLGD. | TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG Phạm Ngọc Phương |