hieuluat

Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạoSố công báo:577&578-3/2023
    Số hiệu:04/2023/TT-BGDĐTNgày đăng công báo:07/03/2023
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Ngô Thị Minh
    Ngày ban hành:23/02/2023Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:10/04/2023Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

    _____________

    Số: 04/2023/TT-BGDĐT

     

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    _______________________

    Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2023

     

     

    THÔNG TƯ

    Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú

    _____________

     

    Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

    Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

    Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc;

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.

    Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.

    Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023 và thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.

    Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

     

    Nơi nhận;

    - Văn phòng Quốc hội;

    - Văn phòng Chính phủ;

    - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;

    - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

    - Ban Tuyên giáo Trung ương;

    - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;

    - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;

    - Bộ trưởng (để báo cáo);

    - Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);

    - Công báo;

    - Như Điều 3;

    - Cổng TTĐT Chính phủ;

    - Cổng TTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo;

    - Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDDT.

    KT. BỘ TRƯỞNG

    THỨ TRƯỞNG

     

     

     

     

     

    Ngô Thị Minh

     

     

     

    BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

    _____________

     

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    _________________________

     

     

    QUY CHẾ

    Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú

    (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

    ___________

    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

    1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (sau đây viết tắt là PTDTNT), bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục và chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý học sinh; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, nhân viên, học sinh.

    2. Quy chế này áp dụng đối với trường PTDTNT và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

    3. Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được áp dụng quy chế này để thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú.

    4. Trường PTDTNT thực hiện theo các quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là Điều lệ trường trung học) và các quy định tại Quy chế này.

    Điều 2. Trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh dân tộc nội trú

    1. Trường PTDTNT được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    2. Học sinh dân tộc nội trú: Học sinh thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này được tuyển vào học ở trường PTDTNT.

    Điều 3. Nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú

    Trường PTDTNT thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ trường trung học và các nhiệm vụ sau:

    1. Chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; đảm bảo các điều kiện để học sinh dân tộc nội trú được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường.

    2. Tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú.

    3. Giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; ý thức tham gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    4. Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực, phẩm chất của học sinh, điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    5. Theo dõi, thống kê số lượng học sinh, đánh giá hiệu quả giáo dục hằng năm và theo từng giai đoạn để xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của trường PTDTNT.

    Điều 4. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú

    1. Trường PTDTNT trung học cơ sở.

    2. Trường PTDTNT trung học phổ thông.

    3. Trường PTDTNT trung học cơ sở và trung học phổ thông.

    Điều 5. Tên trường, biển tên trường

    1. Việc đặt tên trường PTDTNT được quy định như sau

    Trường PTDTNT trung học cơ sở (hoặc: PTDTNT trung học phổ thông; PTDTNT trung học cơ sở và trung học phổ thông) + tên riêng (nếu có) + tên đơn vị hành chính cấp huyện (hoặc cấp tỉnh).

    2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập, biển tên trường, con dấu và giấy tờ giao dịch của trường.

    3. Biển tên trường ghi những nội dung sau

    a) Góc phía trên, bên trái

    - Đối với trường PTDTNT trung học cơ sở

    Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và tên huyện;

    Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo;

    - Đối với trường PTDTNT có cấp học cao nhất là cấp trung học phổ thông

    Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và tên tỉnh;

    Dòng thứ hai: Sở Giáo dục và Đào tạo;

    b) ở giữa ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 của Điều này;

    c) Dưới cùng là địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của nhà trường.

    Điều 6. Phân cấp quản lý

    1. Trường PTDTNT trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

    .2 Trường PTDTNT có cấp học cao nhất là cấp trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục liên quan đến trường PTDTNT trung học cơ sở và trung học phổ thông.

    3. Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc do bộ, ngành trung ương quản lý; chịu sự phối hợp quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.

     

    Chương II. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG

     

    Điều 7. Cơ cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc nội trú

    1. Cơ cấu tổ chức của trường PTDTNT thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường trung học. Ngoài ra, trường PTDTNT được thành lập thêm không quá 03 tổ để giúp hiệu trưởng thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đặc thù, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú. Việc thành lập các tổ này do hiệu trưởng nhà trường quyết định trên cơ sở có sự nhất trí của cơ quan chủ quản. Mỗi tổ có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó các tổ này do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý và chỉ đạo của hiệu trưởng.

    2. Các tổ phục vụ hoạt động giáo dục đặc thù, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú có những nhiệm vụ sau:

    a) Chủ động xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục đặc thù, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường;

    b) Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch;

    c) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định;

    d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công;

    đ) Tổ chức sinh hoạt ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Các tổ này hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, các thành viên giúp đỡ nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

    3. Mỗi lớp học của trường PTDTNT có không quá 35 học sinh.

    Điều 8. Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

    Ngoài các nhiệm vụ và quyền được quy định tại Điều lệ trường trung học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường PTDTNT còn có nhiệm vụ và quyền sau:

    1. Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.

    2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của trường PTDTNT quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

    3. Tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số ở địa phương.

    4. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 của Quy chế này.

    5. Phối hợp với chính quyền, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

    6. Được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, chăm sóc và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

     

    Chương III. TUYỂN SINH, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VÀ CHĂM SÓC,  NUÔI DƯỠNG, QUẢN LÝ HỌC SINH

     

    Điều 9. Đối tượng tuyển sinh

    1. Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại:

    a) Xã, phường, thị trấn khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền (sau đây gọi chung là xã thôn đặc biệt khó khăn);

    b) Xã, phường, thị trấn khu vực II và khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền.

    2. Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

    3. Học sinh là người dân tộc Kinh mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trường PTDTNT được tuyển không quá 10% học sinh là người dân tộc Kinh trong tổng số chỉ tiêu tuyển mới hằng năm.

    4. Trường hợp học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này nhỏ hơn quy mô của trường PTDTNT trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định thêm vùng tạo nguồn đào tạo nhân lực cho các dân tộc để tuyển sinh thêm đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tại vùng này tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh.

    Điều 10. Điều kiện và hồ sơ dự tuyển

    1. Điều kiện dự tuyển

    a) Thuộc đối tượng tuyển sinh quy định tại Điều 9 của Quy chế này;

    b) Đảm bảo các quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

    2. Hồ sơ dự tuyển

    a) Tuyển sinh trung học cơ sở

    - Bản sao giấy khai sinh hợp lệ;

    - Căn cứ hợp pháp để xác nhận thông tin về cư trú;

    - Học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ;

    - Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có);

    b) Tuyển sinh trung học phổ thông

    - Bản sao giấy khai sinh hợp lệ;

    - Căn cứ hợp pháp để xác nhận thông tin về cư trú;

    - Bản sao chứng thực hoặc bản chụp/photo kèm bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời;

    - Học bạ cấp trung học cơ sở;

    - Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có)

    Điều 11. Phương thức tuyển sinh, chế độ ưu tiên và tuyển thẳng

    1. Phương thức tuyển sinh và chế độ ưu tiên được thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

    2. Tuyển thẳng

    Tuyển thẳng vào trường PTDTNT các đối tượng sau:

    a) Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người;

    b) Học sinh trung học cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học, kỹ thuật được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học phổ thông;

    c) Học sinh tiểu học thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp tỉnh trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tuyền thẳng vào học trường PTDTNT trung học cơ sở.

    Điều 12. Kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh

    1. Kế hoạch tuyển sinh

    a) Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch tuyển sinh đối với trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và ban hành. Kế hoạch tuyển sinh gồm các nội dung chính sau: đối tượng, địa bàn, phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh; tỷ lệ tuyển sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và các địa bàn khác; tổ chức công tác tuyển sinh;

    b) Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc lập kế hoạch tuyển sinh, báo cáo cơ quan chủ quản và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

    2. Tổ chức tuyển sinh

    a) Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh đối với các trường PTDTNT có cấp học cao nhất là trung học phổ thông và hướng dẫn tuyển sinh đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo có trường PTDTNT trung học cơ sở;

    b) Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức tuyển sinh theo kế hoạch được phê duyệt.

    Điều 13. Chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục

    Trường PTDTNT xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo quy định tại Điều lệ trường trung học, trong đó có kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày để phụ đạo, bồi dưỡng, củng cố kiến thức theo nhu cầu của học sinh dân tộc nội trú và phù hợp với điều kiện của nhà trường.

    Điều 14. Hoạt động giáo dục đặc thù

    1. Trường PTDTNT tổ chức các hoạt động giáo dục quy định tại Điều lệ trường trung học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đông thời tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường các kỹ năng cho học sinh dân tộc nội trú.

    2. Hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT bao gồm các hoạt động giáo dục về văn hóa các dân tộc, nghề truyền thống, giáo dục kỹ năng sống phù hợp với học sinh dân tộc nội trú.

    3. Hằng năm, trường PTDTNT xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù thông qua các hình thức: sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ, giao lưu với các trường phổ thông và lao động, trải nghiệm hướng nghiệp có hướng dẫn của giáo viên, nhân viên nhà trường.

    4. Trường PTDTNT thực hiện công tác xã hội trong trường học, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, phù hợp với học sinh dân tộc nội trú sống xa gia đình; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

    Điều 15. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú

    1. Trường PTDTNT tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh dân tộc nội trú đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định hiện hành. Công tác nuôi dưỡng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

    2. Trường PTDTNT thực hiện công tác y tế học đường để chăm sóc sức khỏe cho học sinh dân tộc nội trú.

    3. Trường PTDTNT quản lý toàn diện về học tập, ăn, ở, đi lại của học sinh dân tộc nội trú trong thời gian học tại trường; tổ chức và quản lý công tác nội trú theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tự học và thực hiện các nền nếp sinh hoạt của học sinh tại khu nội trú; giáo dục học sinh tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

     

    Chương IV. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN, HỌC SINH

     

    Điều 16. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên

    Ngoài các nhiệm vụ và quyền được quy định tại Điều lệ trường trung học, giáo viên trường PTDTNT có nhiệm vụ và quyền sau:

    1. Chấp hành phân công của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của trường PTDTNT.

    2. Giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc cho học sinh dân tộc nội trú.

    3. Tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh các dân tộc thiểu số ở địa phương.

    4. Vận dụng phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với học sinh dân tộc nội trú, đảm bảo yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh theo quy định; tham gia giáo dục, chăm sóc, quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; bồi dưỡng và phụ đạo học sinh; hướng dẫn học sinh tự học.

    5. Được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, chăm sóc và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

    Điều 17. Nhiệm vụ và quyền của nhân viên

    Ngoài các nhiệm vụ và quyền được quy định tại Điều lệ trường trung học, nhân viên trường PTDTNT có nhiệm vụ và quyền sau:

    1. Thực hiện sự phân công của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của trường PTDTNT.

    2. Tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số ở địa phương.

    3. Được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú.

    Điều 18. Nhiệm vụ và quyền của học sinh dân tộc nội trú

    Ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh được quy định tại Điều lệ trường trung học, học sinh dân tộc nội trú còn có nhiệm vụ và quyền sau:

    1. Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc khác.

    2. Được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

    3. Khi có nhu cầu cá nhân tham gia các hoạt động ngoài nhà trường, học sinh phải xin phép theo quy định của nhà trường./.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục
    Ban hành: 21/09/2018 Hiệu lực: 15/11/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Giáo dục của Quốc hội, số 43/2019/QH14
    Ban hành: 14/06/2019 Hiệu lực: 01/07/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 86/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Ban hành: 24/10/2022 Hiệu lực: 01/11/2022 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú
    Ban hành: 15/01/2016 Hiệu lực: 02/03/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    05
    Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục
    Ban hành: 21/09/2018 Hiệu lực: 15/11/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    06
    Luật Giáo dục của Quốc hội, số 43/2019/QH14
    Ban hành: 14/06/2019 Hiệu lực: 01/07/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    07
    Kế hoạch 656/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội về việc tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024
    Ban hành: 13/03/2023 Hiệu lực: 13/03/2023 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Công văn 922/SGDĐT-QLT của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024
    Ban hành: 31/03/2023 Hiệu lực: 31/03/2023 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạo
    Số hiệu:04/2023/TT-BGDĐT
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:23/02/2023
    Hiệu lực:10/04/2023
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
    Ngày công báo:07/03/2023
    Số công báo:577&578-3/2023
    Người ký:Ngô Thị Minh
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X