Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Số công báo: | 667&668-05/2024 |
Số hiệu: | 05/2024/TT-BLĐTBXH | Ngày đăng công báo: | 24/05/2024 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Lê Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 10/05/2024 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 26/05/2024 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Cán bộ-Công chức-Viên chức |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 05/2024/TT-BLĐTBXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2024 |
THÔNG TƯ
Quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của
nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
_______________
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
2. Thông tư này không áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng, trung cấp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; nhà giáo giảng dạy chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Điều 3. Mục đích quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
1. Làm căn cứ để nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tự đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp.
2. Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
3. Làm căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách để phục vụ việc chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; lựa chọn, sử dụng đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các tiêu chí về năng lực nghề nghiệp tối thiểu mà nhà giáo cần đạt được để làm căn cứ bố trí, sắp xếp kế hoạch giảng dạy; tuyển dụng, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
2. Tiêu chí là những nội dung cụ thể của chuẩn, thể hiện năng lực của nhà giáo.
3. Minh chứng là các hồ sơ, tài liệu, tư liệu, sự vật được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí.
4. Trình độ trung cấp chuyên nghiệp là cấp trình độ đào tạo được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục năm 2005.
5. Trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề là các trình độ đào tạo được quy định tại Điều 6 Luật Dạy nghề năm 2006.
6. Trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng là các trình độ đào tạo được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
7. Bằng cử nhân là văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người tốt nghiệp đại học quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Giáo dục năm 2019.
8. Bằng kỹ sư là văn bằng chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Chương II. CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA NHÀ GIÁO DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG
Điều 5. Tiêu chí 1 về Trình độ đào tạo
1. Trình độ đào tạo của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng được quy định như sau:
a) Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú trở lên;
b) Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I trở lên; Bằng kỹ sư;
c) Bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với một số ngành, nhóm ngành sau: Nghệ thuật (trừ các ngành: Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình; Lý luận, lịch sử và phê bình múa); Thể dục, thể thao (trừ ngành Quản lý thể dục thể thao); Máy tính và công nghệ thông tin; Kế toán; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Đào tạo giáo viên (các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn Quốc; Giáo dục thể chất; Huấn luyện thể thao); Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài;
d) Bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề; Chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên (Công ước STCW);
đ) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; Chứng nhận bậc thợ 5/7 hoặc 4/6 trở lên;
e) Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 Khung trình độ quốc gia (Niveau 4 DQR) của Cộng hòa Liên bang Đức; Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao (Diploma, Advanced Diploma) của Úc; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 (Level 3 as prescribed in the National Occupational Skill Standard) trở lên của Malaysia;
g) Chứng nhận giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; Chứng nhận huấn luyện học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
h) Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tiêu chí 2 về Trình độ nghiệp vụ sư phạm
Có một trong các minh chứng về trình độ nghiệp vụ sư phạm sau:
1. Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
2. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng nghề, dạy trình độ trung cấp nghề; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, dạy trình độ trung cấp; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; Chứng chỉ sư phạm dạy trình độ cao đẳng; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng.
Điều 7. Tiêu chí 3 về Năng lực sử dụng ngoại ngữ
Có năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng.
Điều 8. Tiêu chí 4 về Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin
Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng.
Điều 9. Tiêu chí 5 về Học tập, bồi dưỡng nâng cao
1. Tham gia thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn hằng năm theo quy định.
2. Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ cấp cơ sở trở lên mỗi năm học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ mới, chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy; nâng cao khả năng nghiên cứu và vận dụng đúng quy định các văn bản có liên quan đến nghề nghiệp hoặc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy trong năm học.
Chương III. CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA NHÀ GIÁO DẠY TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP
Điều 10. Tiêu chí 1 về Trình độ đào tạo
1. Trình độ đào tạo của nhà giáo dạy trình độ trung cấp thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Chứng chỉ kỹ năng nghề đề dạy thực hành trình độ trung cấp được quy định như sau:
a) Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú trở lên;
b) Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I trở lên; Bằng kỹ sư;
c) Bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với một số nhóm ngành sau: Nghệ thuật (trừ các ngành: Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình; Lý luận, lịch sử và phê bình múa); Thể dục, thể thao (trừ ngành Quản lý thể dục thể thao); Máy tính và công nghệ thông tin; Kế toán; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Đào tạo giáo viên (các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn Quốc; Giáo dục thể chất; Huấn luyện thể thao); Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài;
d) Bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên (Công ước STCW); Bằng tốt nghiệp trung cấp đối với các ngành thuộc lĩnh vực xiếc và tạp kỹ; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề; Chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật;
đ) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; Chứng nhận bậc thợ 4/7 hoặc 3/6 trở lên;
e) Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 Khung trình độ quốc gia (Niveau 4 DQR) của Cộng hòa Liên bang Đức; Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao (Diploma, Advanced Diploma) của Úc; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 (Level 3 as prescribed in the National Occupational Skill Standard) trở lên của Malaysia;
g) Chứng nhận giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế hoặc Chứng nhận huấn luyện học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
h) Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Tiêu chí 2 về Trình độ nghiệp vụ sư phạm
Có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm sau:
1. Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
2. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp; Chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề; Chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 2.
3. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ trung cấp; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung cấp chuyên nghiệp trở lên.
Điều 12. Tiêu chí 3 về Năng lực sử dụng ngoại ngữ
Có năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ trung cấp.
Điều 13. Tiêu chí 4 về Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin
Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ trung cấp.
Điều 14. Tiêu chí 5 về Học tập, bồi dưỡng nâng cao
1. Tham gia thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn hằng năm theo quy định.
2. Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ cấp cơ sở trở lên mỗi năm học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ mới, chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy trong năm học.
Chương IV. CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA NHÀ GIÁO DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
Điều 15. Tiêu chí 1 về Trình độ đào tạo
1. Trình độ đào tạo của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp được quy định như sau:
a) Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trở lên;
b) Chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1; Chứng nhận bậc thợ 3/7 hoặc 2/6 trở lên;
c) Giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc hạng cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2 đối với giáo viên dạy thực hành lái xe. Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian 03 năm trở lên kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp. Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định;
d) Các chứng chỉ kỹ năng nghề đề dạy thực hành được quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 10 của Thông tư này;
đ) Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Tiêu chí 2 về Trình độ nghiệp vụ sư phạm
Có một trong các văn bằng, chứng chỉ về trình độ nghiệp vụ sư phạm sau:
1. Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
2. Chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ sơ cấp nghề; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp; Chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1 trở lên.
3. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.
Điều 17. Tiêu chí 3 về Năng lực sử dụng ngoại ngữ
Có năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp.
Điều 18. Tiêu chí 4 về Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin
Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ sơ cấp.
Điều 19. Tiêu chí 5 về Học tập, bồi dưỡng nâng cao
1. Tham gia thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn hằng năm theo quy định.
2. Thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ mới, chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy trong năm học.
Chương V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo các quy định tại Thông tư này.
2. Tổng hợp báo cáo về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hằng năm. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
3. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, căn cứ tình hình thực tế, thực hiện công tác chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo các quy định tại Thông tư này.
Điều 21. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Gửi báo cáo tổng hợp về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trước ngày 31/8 hằng năm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành, địa phương để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận khác đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành của nhà giáo được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 5, điểm h khoản 2 Điều 10 và điểm đ khoản 2 Điều 15 của Thông tư này.
Điều 22. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý theo các quy định tại Thông tư này.
2. Tổng hợp báo cáo về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hằng năm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thẩm quyền quản lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt theo quy định.
Điều 23. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
1. Xác định sự phù hợp về trình độ chuyên môn được đào tạo và trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo với ngành, nghề nhà giáo được phân công giảng dạy. Bố trí giảng dạy cho nhà giáo đạt chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm, có văn bằng về trình độ chuyên môn và chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy.
2. Định kỳ báo cáo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp theo hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
3. Căn cứ chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư này, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hằng năm.
Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2024.
2. Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Bãi bỏ Điều 4 Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo trình độ sơ cấp, Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo thường xuyên, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2017 quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện nội dung chưa phù hợp với thực tế, đề nghị báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi./.
Nơi nhận: - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; - Bộ LĐTBXH: Lãnh đạo Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ TCCB, Cổng TTĐT; - Lưu: VT, TCGDNN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Lê Tấn Dũng |
Mẫu số 01
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 5 năm 2024
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, UBND TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TW, CƠ QUAN TW CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, SỞ LĐ- TB&XH Số: ……./BC-…… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
BÁO CÁO VỀ CHUẨN
CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA NHÀ GIÁO
Năm học: .......................
Kính gửi: ..............................................
I. Báo cáo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo (chi tiết tại phụ lục kèm theo)
Tổng số nhà giáo: …………………………………. Trong đó:
1. Đối với các trường cao đẳng
Tổng số nhà giáo: ............................................................................................
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: .................................................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .......................................................................
2. Đối với các trường trung cấp
Tổng số nhà giáo: .............................................................................................
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ..................................................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: ........................................................................
3. Đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp
Tổng số nhà giáo: ..............................................................................................
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ...................................................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .........................................................................
4. Đối với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp)
Tổng số nhà giáo: ..............................................................................................
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ...................................................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .........................................................................
5. Đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên
Tổng số nhà giáo: ..............................................................................................
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ...................................................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .........................................................................
II. Các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo (nếu có)
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
......., ngày ……. tháng …… năm …….. THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN |
Phụ lục
(Kèm theo Báo cáo số ....BC …… ngày …./.... /…. của Bộ, cơ quan ngang Bộ,
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan trung ương của các
tổ chức chính trị - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc báo cáo về
chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo)
Đơn vị tính: người
STT | Tên trường, trung tâm, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp | Đạt chuẩn | Không đạt chuẩn | ||||||
Tổng số | Dạy lý thuyết | Dạy thực hành | Dạy lý thuyết và thực hành | Tổng số | Dạy lý thuyết | Dạy thực hành | Dạy lý thuyết và thực hành | ||
I | TRƯỜNG CAO ĐẲNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Trường Cao đẳng A |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhà giáo dạy trình độ cao đẳng |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhà giáo dạy trình độ trung cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | TRƯỜNG TRUNG CẤP |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Trường Trung cấp B |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhà giáo dạy trình độ trung cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III | TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp C |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
IV | CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Cơ sở giáo dục đại học D |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Nhà giáo dạy trình độ cao đẳng |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Doanh nghiệp Đ |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
V | TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên E |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| TỔNG CỘNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 02
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 5 năm 2024
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN (nếu có) TÊN CƠ SỞ/TRUNG TÂM Số: ……/BC-…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
BÁO CÁO VỀ CHUẨN
CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA NHÀ GIÁO
Năm học: .....................
Kính gửi: ............................................
I. Thông tin chung về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
1. Tên cơ sở/trung tâm: .......................................................
2. Địa chỉ: ..............................................................................
3. Điện thoại: ......................; fax: ……………; email: ................
II. Báo cáo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo
Tổng số nhà giáo: …………………………………… Trong đó:
1. Nhà giáo dạy trình độ cao đẳng:
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ....................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .........................................
2. Nhà giáo dạy trình độ trung cấp:
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ....................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .........................................
3. Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp:
+ Số nhà giáo đạt chuẩn: ....................................................
+ Số nhà giáo không đạt chuẩn: .........................................
III. Các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo (nếu có)
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
......., ngày ……. tháng …… năm …….. HIỆU TRƯỞNG, GIÁM ĐỐC (Ký tên và đóng dấu) |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản hết hiệu lực |
05 | Văn bản hết hiệu lực |
06 | Văn bản được hướng dẫn |
07 | Văn bản được hướng dẫn |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản hết hiệu lực một phần |
Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số hiệu: | 05/2024/TT-BLĐTBXH |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 10/05/2024 |
Hiệu lực: | 26/05/2024 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Cán bộ-Công chức-Viên chức |
Ngày công báo: | 24/05/2024 |
Số công báo: | 667&668-05/2024 |
Người ký: | Lê Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |