BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- Số: 13/2017/TT-BGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐƯỢC TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG VÀ CẤP CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC GIẢNG DẠY TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: Điều kiện để cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục; chương trình, hình thức bồi dưỡng; kiểm tra, đánh giá, quản lý và cấp chứng chỉ bồi dưỡng; chế độ thông tin, báo cáo.
2. Cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nhà giáo (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục).
Điều 2. Mục đích bồi dưỡng
1. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngành giáo dục.
2. Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành; làm căn cứ để xét thăng hạng, thi thăng hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ, chính sách khác có liên quan.
Điều 3. Điều kiện để cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng
1. Về kinh nghiệm và năng lực của cơ sở giáo dục:
a) Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm đào tạo trình độ cao đẳng trở lên, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại thời điểm giao nhiệm vụ bồi dưỡng, cơ sở giáo dục đã hoàn thành tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
b) Có chương trình chi tiết các chuyên đề và tài liệu bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và đã được thẩm định theo quy định;
c) Có đủ tài liệu học tập, tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập;
d) Có cơ sở vật chất thiết bị, kỹ thuật, cơ sở thực hành đáp ứng được công tác bồi dưỡng.
2. Về đội ngũ giảng viên:
Có đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên tham gia giảng dạy phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; có tối thiểu 70% giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy một chương trình bồi dưỡng.
Điều 4. Chương trình, hình thức bồi dưỡng
1. Chương trình bồi dưỡng: Thực hiện theo chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ bồi dưỡng và nhu cầu của học viên, cơ sở bồi dưỡng được quyền chủ động lựa chọn một trong 2 hình thức: Tập trung, vừa làm vừa học.
Điều 5. Kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ bồi dưỡng
1. Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BNV ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức và theo quy định của từng chương trình bồi dưỡng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Việc quản lý chứng chỉ bồi dưỡng thực hiện theo Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ lập danh sách các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng các chương trình cụ thể cho cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổ chức kiểm tra hoạt động bồi dưỡng.
2. Các Cục, Vụ, Thanh tra thuộc Bộ
a) Thanh tra Bộ chủ trì thanh tra hoạt động bồi dưỡng;
b) Các đơn vị khác thuộc Bộ phối hợp thực hiện việc kiểm tra hoạt động bồi dưỡng, thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có học viên tham gia bồi dưỡng
Hàng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, giảng viên của cơ quan, đơn vị báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp (đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và các Bộ) theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp với cơ sở bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng theo kế hoạch.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng
1. Biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp cho từng đối tượng bồi dưỡng và cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.
2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho từng đối tượng đảm bảo đúng quy định hiện hành.
3. Quyết định danh sách học viên nhập học; quản lý quá trình học tập, đánh giá kết quả học tập và công nhận kết quả học tập của học viên.
4. Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho từng đối tượng theo đúng quy định hiện hành.
Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo
Căn cứ Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) về công tác bồi dưỡng trước ngày 30 tháng 11 hằng năm.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 07 năm 2017.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (được gọi là văn bản mới) thì các nội dung liên quan thực hiện theo các văn bản mới.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban VHGD-TNTNNĐ của Quốc hội; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Kiểm toán Nhà nước; - Website Chính phủ; - Website Bộ GDĐT; - Bộ Tư pháp (Cục KTrVBQPPL); - Công báo; - Các cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng SP; - Lưu: VT, Vụ PC, Cục NGCBQLCSGD. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phạm Mạnh Hùng |