Cơ quan ban hành: | Bộ Nội vụ | Số công báo: | 48/2003 |
Số hiệu: | 22/2003/TT-BNV | Ngày đăng công báo: | 06/06/2003 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Đỗ Quang Trung |
Ngày ban hành: | 15/05/2003 | Hết hiệu lực: | 15/11/2019 |
Áp dụng: | 21/06/2003 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 22/2003/TT-BNV NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN VIỆC BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM CÁC NGẠCH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
VÀ SAU ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Thực hiện Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư; Bộ Nội vụ hướng dẫn việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các ngạch giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học công lập như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM VÀ
MIỄN NHIỆM CÁC NGẠCH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ
1. Phạm vi: việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các ngạch giáo sư, phó giáo sư dược thực hiện trong các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học, bao gồm:
1.1. Trường cao đẳng;
1.2. Trường đại học, Đại học, Học viện;
1.3. Viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ.
2. Đối tượng được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư là nhà giáo thuộc biên chế giảng viên, đang xếp lương ở các ngạch giảng viên thuộc bảng lương ngành giáo dục và đào tạo (bảng lương 15) ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.
3. Đối tượng miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư bao gồm:
3.1. Người bị tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư do bị phát hiện và xác định không đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định ở thời điểm được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc do phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật;
3.2. Người đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.
4. Điều kiện để bổ nhiệm nhà giáo vào ngạch giáo sư, phó giáo sư thực hiện khi:
4.1. Có quyết định công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; hoặc có quyết định phong học hàm giáo sư, phó giáo sư của Chủ tịch Hội đồng học vị và chức danh khoa học nhà nước hoặc của Chủ tịch Hội đồng Học hàm nhà nước;
4.2. Được cơ sở giáo dục đại học và sau đạt học được giao quản lý biên chế của nhà giáo xác định có nhu cầu công việc, vị trí công tác, trong biên chế giảng dạy và đủ thời gian trực tiếp giảng dạy theo số giờ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Việc miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư thực hiện khi có một trong các điều kiện sau:
5.1. Có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tước bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư;
5.2. Có quyết định của Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo;
5.3. Có quyết định của Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền về việc không hoàn thành nhiệm vụ của ngạch giáo sư, phó giáo sư.
6. Người đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư khi thay đổi vị trí công tác mà ở đó không có ngạch giáo sư, phó giáo sư thì chuyển xếp sang ngạch tương ứng và phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức được chuyển sang.
II- QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CHUYỀN KHỎI NGẠCH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ
A. BỔ NHIỆM VÀO NGẠCH
1. Căn cứ vào đối tượng và điều kiện nêu tại điểm 2 và điểm 4 phần I của Thông tư này, cơ sở giáo dục đại học và sau đại học xác định số người đủ điều kiện bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư, lập danh sách và có văn bản đề nghị Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).
2. Bộ, tỉnh xem xét và có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ nhiệm nhà giáo đủ điều kiện vào ngạch giáo sư, phó giáo sư.
3. Bộ Nội vụ thẩm định danh sách đề nghị bổ nhiệm nhà giáo vào ngạch giáo sư, phó giáo sư của Bộ, tỉnh, lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư đối với nhà giáo đủ tiêu chuẩn.
B. MIỄN NHIỆM KHỎI NGẠCH
1. Cơ sở giáo dục đại học và sau đại học căn cứ vào đối tượng và điều kiện nêu tại điểm 3 và điểm 5 phần I của Thông tư này có văn bản đề nghị Bộ, tỉnh xem xét những trường hợp miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư.
2. Bộ, tỉnh xem xét và có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo những trường hợp miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư.
3. Căn cứ đề nghị của Bộ, tỉnh, ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, ra quyết định miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư đối với từng trường hợp.
Trường hợp do phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, đồng thời cũng đương nhiên miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư.
C. CHUYỂN KHỎI NGẠCH
Việc chuyển từ ngạch giáo sư, phó giáo sư sang ngạch khác nêu tại điểm 6 phần I của Thông tư này thực hiện như sau:
1. Đối với trường hợp đang ở ngạch giáo sư đủ tiêu chuẩn để chuyển xếp sang ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương: Bộ, tỉnh xác định vị trí công việc ở ngạch mới và có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm vào ngạch tương ứng.
2. Đối với trường hợp đang ở ngạch phó giáo sư đủ tiêu chuẩn để chuyển xếp sang ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Bộ, tỉnh bổ nhiệm vào ngạch tương ứng và báo cáo danh sách về Bộ Nội vụ để theo dõi.
III. VIỆC CHUYỂN XẾP LƯƠNG
Căn cứ vào bảng lương của ngành giáo dục và đào tạo (bảng lương 15) ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ, việc chuyển xếp lương khi bổ nhiệm và miễn nhiệm các ngạch giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học được thực hiện như sau:
1. Đối với nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư đang xếp ở ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính thì được xếp vào ngạch lương giáo sư (mã số 15.109) và nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư đang xếp ở ngạch lương giảng viên thì được xếp vào ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110).
Việc xếp hệ số lương được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2000/TT-BTCCBCP ngày 19 tháng 6 năm 2000 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn việc xếp lương khi bổ nhiệm vào ngạch đối với công chức đạt kỳ thi nâng ngạch.
2. Đốt với nhà giáo đang xếp ở ngạch lương giáo sư (mã số 15.109) được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư và nhà giáo đang xếp ở ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110) được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư thì được xếp lên bậc trên liền kề của ngạch lương giáo sư, ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính (nếu trong ngạch còn bậc); thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ khi nâng bậc lần cuối trước khi được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư.
Ví dụ 1: ông Nguyễn Văn A giảng dạy trong trường đại học N đang xếp ở ngạch lương giáo sư (mã số 15.109), bậc 2 hệ số lương 5,23 từ ngày 01 tháng 5 năm 2002, được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư từ ngày 01 tháng 6 năm 2003, ông A được xếp lên bậc 3 hệ số lương 5,54; thời gian tính nâng bậc lương lần sau từ ngày 01 tháng 5 năm 2002.
3. Đối với những trường hợp miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư được chuyển xếp lương như sau:
3.1. Trường hợp miễn nhiệm mà bị xử lý kỷ luật hình thức hạ ngạch:
a. Trường hợp miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư mà vẫn đủ điều kiện để tiếp tục giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học và sau đại học thì: miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư chuyển xếp lương vào ngạch phó giáo sư - giảng viên chính; miễn nhiệm khỏi ngạch phó giáo sư chuyển xếp lương vào ngạch giảng viên; xếp vào bậc có hệ số lương tương đương với hệ số lương được hưởng trước khi miễn nhiệm; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ khi nâng bậc lần cuối của ngạch giáo sư, phó giáo sư.
Trường hợp có hệ số lương cao hơn bậc cuối của ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính, ngạch lương giảng viên thì xếp vào bậc cuối cộng với chênh lệch giữa hệ số lương đang hưởng trước khi miễn nhiệm và hệ số lương bậc cuối của ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính, ngạch lương giảng viên.
Ví dụ 2: Bà Lê Thị B giảng dạy trong trường đại học K được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư, đang xếp ở ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110), bậc 3 hệ số lương 3,91 từ ngày 01 tháng 3 năm 2001. Ngày 01 tháng 7 năm 2003 bà B có quyết định miễn nhiệm khỏi ngạch phó giáo sư, vì vậy chuyển xếp lương của bà B vào ngạch giảng viên (mã số 15.111), bậc 9 hệ số lương 3,87; thời gian tính nâng bậc lương lần sau từ ngày 01 tháng 3 năm 2001.
Ví dụ 3 : ông Trần Văn C giảng dạy trong trường đại học X được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, đang xếp ở ngạch lương giáo sư (mã số 15.109), bậc 6 hệ số lương 6,67. Ngày 01 tháng 6 năm 2003 ông C có quyết định miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, vì vậy chuyển xếp lương của ông C vào ngạch phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110), bậc 9 hệ số lương 5,6 cộng với hệ số chênh lệch 1,07 (6,67 - 5,6 = 1,07).
b. Trường hợp miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư, phó giáo sư nhưng không tiếp tục giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học và sau đại học mà chuyển sang làm công việc khác thì: miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư chuyển xếp lương vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; miễn nhiệm khỏi ngạch phó giáo sư chuyển xếp lương vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương; xếp vào bậc có hệ số lương tương đương với hệ số lương được hưởng trước khi miễn nhiệm; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ khi nâng bậc lần cuối của ngạch giáo sư, phó giáo sư.
Trường hợp có hệ số lương cao hơn bậc cuối của ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, ngạch chuyên viên hoặc tương đương thì xếp vào bậc cuối của ngạch đó cộng với chênh lệch giữa hệ số lương đang hưởng trước khi miễn nhiệm và hệ số lương bậc cuối của ngạch mới xếp:
Ví dụ 4: Ông Nguyễn Văn D giảng dạy trong trường cao đẳng Q được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, đang xếp ở ngạch lương giáo sư (mã số 15.l09), bậc 1 hệ số lương 4,92 từ ngày 01 tháng 3 năm 2001. Ngày 01 tháng 6 năm 2003 ông D có quyết định miễn nhiệm khỏi ngạch giáo sư để chuyển về làm công tác nghiên cứu khoa học tại viện P. Do đó, chuyển xếp lương của ông D vào ngạch nghiên cứu viên chính (mã số 13.091), bậc 7 hệ số lương 5,03; thời gian tính nâng bậc lương lần sau từ ngày 01 tháng 3 năm 2001.
Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị E giảng dạy trong Học viện K được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư, đang xếp ở ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110), bậc 9 hệ số lương 5,6. Ngày 01 tháng 6 năm 2003 bà E có quyết định miễn nhiệm khỏi ngạch phó giáo sư và chuyển về làm công tác quản lý tại Bộ M. Do đó, chuyển xếp lương của bà E vào ngạch chuyên viên (mã số 01.003), bậc 10 hệ số lương 4,06 cộng với hệ số chênh lệch 1,54 (5,6 - 4,06 = 1,54).
3.2. Trường hợp miễn nhiệm mà chưa đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách, cảnh cáo thì được chuyển xếp lương theo quy định tại điểm 4 phần III của Thông tư này.
4. Trường hợp đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư nhưng nay chuyển sang vị trí công tác khác theo quy định tại mục C phần II của Thông tư này thì thực hiện chuyển xếp lương như sau: ngạch giáo sư chuyển xếp vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; ngạch phó giáo sư chuyển xếp vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; xếp vào bậc có hệ số lương tương đương với hệ số lương được hưởng khi ở ngạch giáo sư, phó giáo sư; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ khi nâng bậc lần cuối của ngạch giáo sư, phó giáo sư.
Ví dụ 6: ông Vũ Văn G giảng dạy trong trường đại học M được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, đang xếp ở ngạch lương giáo sư (mã số 15.109), bậc 4 hệ số lương 5,85 từ ngày 01 tháng 7 năm 2001. Ngày 01 tháng 7 năm 2003 ông G có quyết định chuyển về làm công tác quản lý tại Bộ N, vì vậy ông G chuyển khỏi ngạch giáo sư và được xếp vào ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001), bậc 4 hệ số lượng 5,85; thời gian tính nâng bậc lương lần sau từ ngày 01 tháng 7 năm 2001.
Ví dụ 7: Bà Trần Thị H giảng dạy trong trường Đại học Y Hà Nội, được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư, đang xếp ở ngạch lương phó giáo sư - giảng viên chính (mã số 15.110), bậc 6 hệ số lương 4,75 từ ngày 01 tháng 9 năm 2001. Ngày 01 tháng 6 năm 2003 bà H có quyết định chuyển công tác về khám chữa bệnh tại bệnh viện N, vì vậy bà H chuyển khỏi ngạch phó giáo sư và được xếp vào ngạch bác sĩ chính (mã số 16.117), bậc 6 hệ số lương 4,75; thời gian tính nâng bậc lương lần sau từ ngày 01 tháng 9 năm 2001.
5. Thời gian hưởng hệ số lương ở ngạch mới của các trường hợp nêu trên được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch giáo sư, phó giáo sư; ra quyết định bổ nhiệm khi chuyển sang các ngạch khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2.Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu, giải quyết.
01 | Văn bản được hướng dẫn |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản liên quan khác |
04 |
Thông tư 22/2003/TT-BNV bổ nhiệm và miễn nhiệm các ngạch giáo sư, phó giáo sư
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Nội vụ |
Số hiệu: | 22/2003/TT-BNV |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 15/05/2003 |
Hiệu lực: | 21/06/2003 |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
Ngày công báo: | 06/06/2003 |
Số công báo: | 48/2003 |
Người ký: | Đỗ Quang Trung |
Ngày hết hiệu lực: | 15/11/2019 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!