BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -------------------- Số: 30/2012/TT-BGDĐT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2012 |
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm
chức danh giáo sư, phó giáo sư
----------------------------
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư;
Căn cứ Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư:
Điều 1. Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:
“1. Các loại công trình khoa học quy đổi bao gồm: Bài báo khoa học đã được công bố; báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế; sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu; hướng dẫn nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Nội dung của các công trình khoa học quy đổi phải phù hợp với ngành khoa học mà ứng viên đăng kí để được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1và bổ sung khoản 5 Điều 5 như sau:
“1. Ứng viên được xác định là đã hoàn thành việc hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ khi nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ, học viên đã được cấp bằng thạc sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng thạc sĩ.
Nội dung khoa học của luận án, luận văn do ứng viên hướng dẫn phải phù hợp với ngành khoa học ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
5. Ứng viên thuộc các ngành nghệ thuật chưa hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ:
a) Nếu có công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài hoặc đã trực tiếp hướng dẫn, huấn luyện chính cho sinh viên, học viên tham dự các kì thi quốc gia, quốc tế có uy tín đạt giải Nhất hoặc Huy chương Vàng thì được tính là đã hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
b) Nếu đã trực tiếp hướng dẫn, huấn luyện chính cho sinh viên, học viên tham dự các kì thi quốc gia, quốc tế có uy tín đạt giải Nhì hoặc Huy chương Bạc thì được tính là đã hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
c) Những công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng này nếu đã tính thay thế cho việc hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh thì không được tính điểm công trình khoa học quy đổi .”
3. Bỏ khoản 3 Điều 5.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 3 và bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 6 như sau:
“1. Ứng viên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học phải có đủ 12 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó:
a) Có ít nhất 3 điểm được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;
b) Có ít nhất 6 điểm tính từ các bài báo khoa học đã được công bố;
c) Có ít nhất 3 điểm tính từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản, trong đó có ít nhất 1,5 điểm tính từ biên soạn giáo trình hoặc/và sách chuyên khảo.
2. Ứng viên là giảng viên thỉnh giảng của cơ sở giáo dục đại học phải có đủ 20 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó:
a) Có ít nhất 5 điểm được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;
b) Có ít nhất 10 điểm tính từ các bài báo khoa học đã được công bố;
c) Có ít nhất 3 điểm tính từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản, trong đó có ít nhất 1,5 điểm tính từ biên soạn giáo trình hoặc/và sách chuyên khảo.
3. Ứng viên thuộc các ngành Giáo dục, Tâm lý, Kinh tế, Luật, Ngôn ngữ, Quân sự, An ninh, Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học, Triết học, Xã hội học, Chính trị học, Văn học, Văn hoá, Nghệ thuật, Thể dục Thể thao phải có ít nhất 01 sách chuyên khảo viết một mình và có 01 giáo trình vừa là chủ biên vừa tham gia viết.
4. Ứng viên được quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài, được Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở và Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành xét, trình Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quyết định.
5. Cán bộ nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu khoa học chưa đào tạo trình độ tiến sĩ, bác sĩ thuộc các bệnh viện và những người nguyên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển làm công tác khác chưa quá 3 năm, đang tham gia đào tạo đủ số giờ chuẩn, đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 7 như sau:
“1. Ứng viên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học phải có đủ 6 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó:
a) Có ít nhất 1,5 điểm được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;
b) Có ít nhất 3 điểm tính từ các bài báo khoa học.
2. Ứng viên là giảng viên thỉnh giảng của cơ sở giáo dục đại học phải có đủ 10 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó:
a) Có ít nhất 2,5 điểm được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;
b) Có ít nhất 5,0 điểm tính từ các bài báo khoa học.
3. Ứng viên được quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài, được Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở và Hội đồng Chức danh giáo sư ngành xét, trình Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước quyết định.
4. Cán bộ nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu khoa học chưa đào tạo trình độ tiến sĩ, bác sĩ thuộc các bệnh viện và những người nguyên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển làm công tác khác chưa quá 3 năm, đang tham gia đào tạo đủ số giờ chuẩn, đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.”
6. Bỏ khoản 1 Điều 9.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Thâm niên đào tạo
1. Đối với ứng viên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học:
a) Thâm niên đào tạo là thời gian làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học.
b) Trong từng năm học, ứng viên hoàn thành nhiệm vụ theo quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên tại Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 11 năm 2008, Thông tư số 36/2010/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 12 năm 2010 và Thông tư số 18/2012/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được tính 1 thâm niên đào tạo.
2. Đối với ứng viên là giảng viên thỉnh giảng:
a) Thâm niên đào tạo là thời gian trực tiếp giảng dạy trên lớp và thời gian hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sĩ, hướng dẫn sinh viên làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp đại học.
b) Một thâm niên đào tạo đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư thực hiện đủ 190 giờ chuẩn, đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư thực hiện đủ 170 giờ chuẩn. Trong đó, tối thiểu phải có 50% số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp.
3. Khi xác nhận thâm niên đào tạo cho ứng viên, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học phải xác nhận rõ nhiệm vụ giao cho giảng viên thuộc biên chế và giảng viên thỉnh giảng, ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, khối lượng giảng dạy, nhiệm vụ hướng dẫn luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp đại học, nhận xét về kết quả đào tạo gắn với thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên.
4. Thời gian ứng viên làm chuyên gia giáo dục ở các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài được tính là thời gian giảng dạy, đào tạo nếu có công hàm hoặc hợp đồng mời giảng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, trong đó có ghi rõ nội dung công việc, thời gian giảng dạy tại trường hoặc có quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài.”
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, điểm a và đ khoản 2 Điều 16 như sau:
“1. Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, lấy xác nhận của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học nơi có Hội đồng, công bố công khai kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh.
Sau khi công bố công khai ít nhất 7 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở gửi báo cáo kết quả lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và thông báo đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý ứng viên.
2. Hồ sơ báo cáo kết quả xét công nhận đạt và không đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở gồm:
a) Công văn báo cáo về kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở;
đ) 03 bộ hồ sơ của ứng viên đạt và 01 bộ hồ sơ của ứng viên không đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở;”
9. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm đ khoản 2 Điều 17 như sau:
“a) Công văn báo cáo về kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành;
đ) 01 bộ hồ sơ của các ứng viên đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, ngành, liên ngành.”
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3, khoản 4 và bổ sung khoản 6 Điều 22 như sau:
“2. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, phân loại theo ngành, chuyên ngành, chuyển cho các khoa, bộ môn có nhu cầu để tổ chức xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Việc tổ chức xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Những người đã được bổ nhiệm giáo sư/phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, muốn được bổ nhiệm chức danh giáo sư/phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thì phải có số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất bằng số điểm quy định đối với ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư/phó giáo sư, trong đó ít nhất có 01 công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín quốc tế.
Việc tính quy đổi điểm các công trình khoa học của ứng viên phải được ít nhất 03 giáo sư hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn xem xét.
4. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ nhu cầu bổ nhiệm chức danh giáo sư/phó giáo sư, xét đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở giáo dục đại học để ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư/phó giáo sư cho các nhà giáo có đủ điều kiện. Việc tổ chức xét ở bộ môn, khoa và Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở giáo dục đại học phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên tán thành.
Sau thời hạn một tháng kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo danh sách giáo sư/phó giáo sư mới được bổ nhiệm lên cơ quan chủ quản và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hồ sơ báo cáo lên cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Biên bản họp Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học, bộ môn, khoa kèm theo Biên bản họp xét đề nghị bổ nhiệm.
6. Những giáo sư, phó giáo sư đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm, khi thuyên chuyển đến nơi công tác mới thì không phải bổ nhiệm lại.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:
“2. Những người đã được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 5 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ) thì bị miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Trình tự miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 21 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ) và khoản 12 Điều 1 của Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 (sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 và 5 Điều 21 của Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ.”
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2012.
Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học có thẩm quyền quản lý nhà giáo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng; - Văn phòng Chính phủ; - Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; - VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; - Công báo, Website Bộ GD&ĐT; - Như Điều 3; - Lưu: Văn thư, NGCBQLGD (5b), PC. | BỘ TRƯỞNG Đã ký Phạm Vũ Luận |