hieuluat

Thông tư liên tịch 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chínhSố công báo:97 & 98 - 02/2010
    Số hiệu:04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQPNgày đăng công báo:18/02/2010
    Loại văn bản:Thông tư liên tịchNgười ký:Lê Thế Tiệm, Phan Trung Kiên, Nguyễn Công Nghiệp
    Ngày ban hành:12/01/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:29/03/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Lao động-Tiền lương, An ninh trật tự
  • BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
    -----------------

    Số: 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    --------------------------

    Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010

     

     

    THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

    HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ LAO ĐỘNG,

    DẠY NGHỀ CỦA PHẠM NHÂN TRONG CÁC TRẠI GIAM

     

     

    Căn cứ Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993; Pháp lệnh số 01/2007/UBTVQH12 ngày 19 tháng 10 năm 2007 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù;
    Căn cứ Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam;
    Liên Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn thực hiện chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam như sau:

    Điều 1. Chế độ lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành hình phạt tù ở trại giam

    1. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, phạm nhân phải lao động và học tập theo quy định của pháp luật để cải tạo. Căn cứ vào sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân, giám thị trại giam bố trí công việc cho từng phạm nhân một cách thích hợp.

    2. Phạm nhân lao động 8 giờ trong 1 ngày, được nghỉ các ngày lễ, tết, chủ nhật và tổ chức học tập vào ngày thứ bảy. Thời gian phạm nhân học văn hóa, học nghề, nghe phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, học chương trình giáo dục công dân, được trừ vào thời gian lao động. Khi thời vụ hoặc trong trường hợp đột xuất khác, giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 2 giờ trong một ngày, nếu lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật, thời gian lao động không vượt quá 8 giờ trong 1 ngày. Thời gian phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong các ngày thứ bảy, chủ nhật sẽ được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền hoặc hiện vật.

    3. Những phạm nhân dưới đây được miễn lao động nặng nhọc, độc hại theo danh mục quy định của pháp luật:

    a) Phạm nhân là nam từ 55 tuổi trở lên;

    b) Phạm nhân là người chưa thành niên;

    c) Phạm nhân là nữ;

    d) Phạm nhân được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe để lao động nặng nhọc, độc hại.

    4. Những phạm nhân thuộc các trường hợp sau đây được nghỉ lao động:

    a) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước;

    b) Phạm nhân đang nằm điều trị tại trạm xá, bệnh xá hoặc bệnh viện;

    c) Phạm nhân có con nhỏ dưới 2 tuổi đang ở cùng trong trại giam bị ốm đau được y tế của trại giam xác định;

    d) Phạm nhân ốm đau được y tế của trại giam xác định không đủ sức khỏe để lao động.

    Điều 2. Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân

    1. Lập và phê duyệt kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân.

    a) Hàng năm vào trước ngày 05 tháng 7, giám thị trại giam căn cứ vào số lượng phạm nhân; sức khỏe, lứa tuổi, giới tính, mức án, tính chất tội phạm của phạm nhân; tính chất trại giam; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề và trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại đang quản lý, lập kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong năm kế hoạch, gửi về Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Phòng Điều tra hình sự quân khu (đối với các trại giam do quân khu quản lý). Kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân phải đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản sau:

    - Tổng số lao động được sử dụng (bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp);

    - Ngành nghề (bao gồm cả chỉ tiêu định mức lao động của từng ngành nghề);

    - Nguồn vốn sử dụng;

    - Tổng chi phí trong quá trình tổ chức lao động của phạm nhân;

    - Tổng thu từ kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân;

    - Chênh lệch thu, chi từ kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân;

    - Dự kiến sử dụng số chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân, được trích theo tỷ lệ quy định tại Điều 5 Thông tư này để đầu tư trở lại cho việc tổ chức lao động, dạy nghề của phạm nhân.

    b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản kế hoạch lao động, dạy nghề của trại giam gửi về, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu phải tiến hành xong việc thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch lao động, dạy nghề của trại giam, gửi trả lại trại giam để thực hiện, đồng thời tổng hợp số liệu, tình hình báo cáo cấp trên (lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu; đồng gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu) để theo dõi.

    2. Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân

    a) Căn cứ kế hoạch lao động, dạy nghề đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu phê duyệt, giám thị trại giam tổ chức để phạm nhân lao động, học nghề và có các biện pháp khuyến khích phạm nhân tích cực lao động, phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch lao động, dạy nghề được giao.

    b) Trong quá trình tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề nếu có những biến động bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn v.v… mà trại giam không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn v.v… giám thị trại giam phải gửi báo cáo (bằng văn bản) về Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu (đối với các trại giam do quân khu quản lý), để đề nghị điều chỉnh kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của giám thị trại giam, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu thẩm định và ra quyết định điều chỉnh kế hoạch lao động, dạy nghề cho phạm nhân, gửi trại giam để thực hiện; đồng thời tổng hợp kế hoạch đã điều chỉnh báo cáo cấp trên (lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu; đồng gửi cơ quan Tài chính của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu) để theo dõi, quản lý.

    Điều 3. Hạch toán kế toán thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân

    1. Các trại giam phải mở đầy đủ hệ thống sổ kế toán và ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ thu, chi tài chính phát sinh, báo cáo tài chính theo đúng quy định hiện hành về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Mọi khoản thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân phải được phản ánh đầy đủ vào hệ thống báo cáo tài chính – kế toán của trại giam theo chế độ kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước.

    2. Các trại giam hạch toán đầy đủ các khoản chi phí hợp lý trong lao động, dạy nghề vào giá thành sản phẩm. Chi phí hợp lý trong lao động, dạy nghề bao gồm: chi phí vật tư, nguyên liệu; tiền công thuê lao động bên ngoài (nếu có); chi phí điện, nước; chi phí ăn thêm tính bằng 15% so với tiêu chuẩn định lượng ăn trong ngày theo tiêu chuẩn ngân sách Nhà nước cấp cho lao động nặng nhọc hoặc độc hại theo quy định của pháp luật; trích khấu hao tài sản cố định; chi phí quản lý; các loại thuế (nếu có) và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân.

    Điều 4. Lập báo cáo kết quả thu, chi và phê duyệt báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân

    1. Báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam là số liệu, tình hình và kết quả thu, chi từ hoạt động tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân của trại giam.

    Giám thị trại giam chịu trách nhiệm về việc lập báo cáo tổng hợp và báo cáo thuyết minh chi tiết về kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân theo biểu mẫu kèm theo Thông tư này gửi về Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Phòng Điều tra hình sự quân khu (đối với trại giam do quân khu quản lý). Thời gian nộp báo cáo trên thực hiện cùng kỳ với báo cáo quyết toán ngân sách hàng quý, năm theo quy định hiện hành.

    2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân của các trại giam thuộc quyền quản lý; tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu, đồng gửi cơ quan Tài chính của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu để xem xét, quyết định và tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo các quy định hiện hành.

    Điều 5. Sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân

    Kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân là phần chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động lao động, dạy nghề sau khi trừ các chi phí hợp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, được phân phối, sử dụng như sau:

    1. Trích 26% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; thưởng cho phạm nhân có kết quả lao động vượt chỉ tiêu kế hoạch, tăng năng suất lao động, làm thêm giờ, lao động ngày thứ bảy, chủ nhật. Cụ thể như sau:

    a) Bổ sung mức ăn:

    - Căn cứ vào mức kinh phí được trích (từ nguồn 26% nói trên), Giám thị trại giam quyết định bổ sung mức ăn hàng ngày cho phạm nhân, nhưng không được tăng thêm quá 1/6 lần tiêu chuẩn ăn hàng tháng mà Nhà nước quy định cho mỗi phạm nhân.

    - Đối với phạm nhân lao động làm thêm giờ, lao động ngày thứ bảy, chủ nhật được hưởng tiêu chuẩn ăn bằng 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường (trong đó có 01 tiêu chuẩn ăn ngày thường do ngân sách nhà nước đảm bảo) mà Nhà nước quy định cho mỗi phạm nhân. Tiêu chuẩn ăn thêm này, phạm nhân được sử dụng để ăn thêm, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại khi ra trại.

    b) Thưởng cho phạm nhân có kết quả lao động vượt chỉ tiêu định mức lao động hoặc tăng năng suất lao động. Mức thưởng bằng 1/2 giá trị chênh lệch thu lớn hơn chi của sản phẩm do lao động vượt chỉ tiêu, định mức lao động hoặc tăng năng suất lao động. Phạm nhân được sử dụng số tiền thưởng này để ăn thêm, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại khi ra trại.

    c) Trường hợp đã trích đủ mức ăn bổ sung theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này mà còn dư kinh phí thì Giám thị trại giam chịu trách nhiệm xem xét, quyết định mua các vật dụng sinh hoạt cho phạm nhân và phải phổ biến cho tập thể phạm nhân biết thông qua Hội đồng tự quản của phạm nhân để bảo đảm công khai, dân chủ và đúng đối tượng được hưởng.

    2. Trích 15% lập Quỹ phúc lợi chung của trại giam để chi:

    - Hỗ trợ cho phạm nhân khi đau ốm;

    - Hỗ trợ cho phạm nhân khi gặp rủi ro, tai nạn lao động;

    - Hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ khi đau ốm, tai nạn lao động;

    - Hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn khi gặp rủi ro;

    - Hỗ trợ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của phạm nhân và của cán bộ, chiến sĩ;

    - Hỗ trợ các hoạt động phúc lợi tập thể khác của trại giam.

    3. Trích 7% để lập Quỹ khen thưởng chung cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân trong các trại giam để:

    a) Thưởng cho những phạm nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình chấp hành án. Mức thưởng đối với 01 phạm nhân không vượt quá 2.000.000 đồng/lần/phạm nhân. Phạm nhân được sử dụng số tiền thưởng này để ăn thêm, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại khi ra trại.

    b) Thưởng cho cán bộ chiến sĩ trong trại giam có thành tích trong việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân. Tổng mức tiền thưởng chung tối đa một năm đối với cán bộ, chiến sĩ của trại giam không vượt quá 2 tháng lương theo cấp bậc hàm của toàn đơn vị.

    4. Giám thị trại giam căn cứ vào nguồn Quỹ và tình hình thực tế, cụ thể của trại giam để quyết định và tổ chức thực hiện các nội dung chi quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này. Trường hợp cuối năm còn dư kinh phí thì được chuyển sang năm sau để sử dụng.

    5. Trích 2% nộp Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý); Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý); Phòng Điều tra hình sự quân khu (đối với các trại giam do quân khu quản lý) để làm Quỹ khen thưởng chung cho các trại giam và hỗ trợ hoạt động quản lý lao động, dạy nghề hàng năm của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an; Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Phòng Điều tra hình sự quân khu.

    6. Trích 50% để đầu tư cho trại giam để tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ phục vụ giáo dục, lao động, dạy nghề và xây dựng cơ sở vật chất. Số kinh phí này được (coi như 100%), sử dụng như sau:

    a) Nộp 60% vào tài khoản tạm thu của Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), tài khoản tạm thu của Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), tài khoản tạm thu của quân khu (đối với các trại giam do quân khu quản lý) mở tại kho bạc Nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chung cho tất cả các trại giam.

    Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu căn cứ quy hoạch sản xuất, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tình hình, đặc điểm cụ thể của từng trại giam, hướng dẫn các trại giam lập kế hoạch, dự án; tổ chức thẩm định kế hoạch, dự án đó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Thông tư này.

    b) Nộp 40% vào tài khoản tạm thu của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), tài khoản tạm thu của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), tài khoản tạm thu của quân khu (đối với các trại giam do quân khu quản lý) mở tại kho bạc Nhà nước để đầu tư trực tiếp cho các trại giam.

    Giám thị trại giam căn cứ vào tình hình đặc điểm và khả năng nguồn vốn của trại giam do mình phụ trách trong năm để lập kế hoạch mua sắm trang, thiết bị hoặc lập kế hoạch, phương án, dự án đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

    Điều 6. Nguồn vốn lao động, dạy nghề và chế độ quản lý, sử dụng nguồn vốn lao động, dạy nghề trong trại giam

    1. Nguồn vốn lao động, dạy nghề trong các trại giam bao gồm:

    Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp; giá trị quyền sử dụng đất, tài sản, vật tư; nguồn vốn được trích lại theo tỷ lệ quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

    a) Đối với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cấp

    Ngoài nguồn vốn được trích từ nguồn thu kết quả lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam theo tỷ lệ quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này, hàng năm căn cứ vào điều kiện đất đai, tài nguyên, năng lực lao động, dạy nghề hiện có, phương án, kế hoạch tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân của từng trại giam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổng hợp nhu cầu kinh phí của các trại giam thuộc quyền quản lý của Bộ mình để mua sắm vật tư, nguyên nhiên liệu, công cụ lao động, dạy nghề, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lao động, dạy nghề của phạm nhân vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật, gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    b) Đối với nguồn kinh phí quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư này được sử dụng như sau:

    - Đối với nguồn 60% do các trại giam nộp về tài khoản tạm thu của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, quân khu (quy định tại điểm a khoản 6 Điều 5 Thông tư này);

    Hàng năm, căn cứ kế hoạch đầu tư do giám thị các trại giam gửi, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp xem xét đề xuất báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phê duyệt danh mục, kế hoạch đầu tư cho các trại giam thuộc quyền quản lý; Trưởng phòng điều tra hình sự quân khu phối hợp cơ quan Tài chính cùng cấp xem xét đề xuất báo cáo Lãnh đạo quân khu để báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt danh mục, kế hoạch đầu tư (đối với các trại giam do quân khu quản lý).

    Sau khi danh mục, kế hoạch đầu tư được Lãnh đạo Bộ Công an (đối với các trại giam do Bộ Công an quản lý), Lãnh đạo Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng, quân khu quản lý) phê duyệt, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu chủ trì, phối hợp cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định, phê duyệt (dự án đầu tư, thiết kế dự toán, thủ tục đấu thầu) theo quy định hiện hành.

    - Đối với nguồn 40% do các trại giam nộp về tài khoản tạm thu của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, quân khu (quy định tại điểm b khoản 6 Điều 5 Thông tư này):

    Căn cứ vào nhu cầu đầu tư của các trại giam, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu (báo cáo lãnh đạo quân khu) chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định, phê duyệt (dự án đầu tư, thiết kế dự toán, thủ tục đấu thầu) theo quy định hiện hành.

    c) Việc quản lý, cấp phát và thanh, quyết toán kinh phí của các dự án, kế hoạch đầu tư mua sắm, xây dựng cơ bản từ nguồn kinh phí được trích lại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.

    Hàng năm, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổng hợp dự toán chi từ ngân sách nhà nước và từ nguồn kinh phí được trích lại theo tỷ lệ quy định tại khoản 6, Điều 5 Thông tư này gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

    2. Trách nhiệm về quản lý, sử dụng nguồn vốn lao động, dạy nghề cho phạm nhân của Giám thị trại giam.

    Ngoài các nhiệm vụ, trách nhiệm được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, Giám thị trại giam có trách nhiệm:

    a) Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng nguồn vốn lao động, dạy nghề và sử dụng kết quả lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam theo đúng các quy định tại Thông tư này.

    b) Thực hiện nghiêm chỉnh việc trích, nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải trích, nộp theo tỷ lệ quy định tại Điều 5 Thông tư này.

    c) Tổ chức kiểm kê, đánh giá lại tài sản, vật tư, tiền vốn lao động, dạy nghề của đơn vị vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 hàng năm; báo cáo về kế hoạch lao động dạy nghề; kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân theo đúng các quy định hiện hành.

    Điều 7. Tổ chức thực hiện

    1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 07/2007/TTLT/BCA-BQP-BTC, ngày 07/6/2007 của liên Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân trong trại giam.

    2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần phải giải thích, hướng dẫn bổ sung, các đơn vị, địa phương phản ảnh về Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để hướng dẫn, bổ sung kịp thời.

     

    KT. BỘ TRƯỞNG
    BỘ CÔNG AN
    THỨ TRƯỞNG




    Lê Thế Tiệm

    KT. BỘ TRƯỞNG
    BỘ QUỐC PHÒNG
    THỨ TRƯỞNG




    Phan Trung Kiên

    KT. BỘ TRƯỞNG
    BỘ TÀI CHÍNH
    THỨ TRƯỞNG




    Nguyễn Công Nghiệp

     

    Nơi nhận:
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật –Bộ Tư pháp;
    - Công báo, website Chính phủ;
    - Website Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
    - Các đơn vị thuộc BTC;
    - Lưu: VT, BTC, BCA, BQP.

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP ngày 12/01/2010

     

    BỘ: ………….

    Đơn vị: ……..

     

    BÁO CÁO QUYẾT TOÁN THU, CHI
    TỪ KẾT QUẢ LAO ĐỘNG, DẠY NGHỀ CỦA PHẠM NHÂN TRONG TRẠI GIAM
    QUÝ …….. NĂM ..............

                                                                                                                         Đơn vị tính: Đồng

     

    STT

    CHỈ TIÊU

    MÃ SỐ

    CHIA RA

    Trồng trọt

    Chăn nuôi

    Thủ công chế biến

    SX vật liệu XD

    Lâm sản trồng rừng

    NN khác

    Tổng cộng

    A

    B

    C

    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    1

    Số chênh lệch thu lớn hơn chi chưa phân phối kỳ trước chuyển sang (*)

    01

     

     

     

     

     

     

     

    2

    Thu trong kỳ

    02

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm

    03

     

     

     

     

     

     

     

    3

    Chi trong kỳ

    04

     

     

     

     

     

     

     

     

    Trong đó:

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    - Giá vốn hàng bán

    05

     

     

     

     

     

     

     

     

    - Chi phí bán hàng, chi phí quản lý

    06

     

     

     

     

     

     

     

     

    - Thuế GTGT theo PP trực tiếp

    07

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm đến nay

    08

     

     

     

     

     

     

     

    4

    Chênh lệch thu lớn hơn chi kỳ này (09 = 02 – 04) (*)

    09

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm đến nay

    10

     

     

     

     

     

     

     

    5

    Nộp ngân sách nhà nước kỳ này

    11

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm

    12

     

     

     

     

     

     

     

    6

    Nộp cấp trên kỳ này

    13

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm

    14

     

     

     

     

     

     

     

    7

    Bổ sung nguồn kinh phí kỳ này

    15

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm

    16

     

     

     

     

     

     

     

    8

    Trích lập các quỹ kỳ này

    17

     

     

     

     

     

     

     

     

    Lũy kế từ đầu năm

    18

     

     

     

     

     

     

     

    9

    Số chênh lệch thu lớn hơn chi chưa phân phối đến cuối kỳ này (*) (19 = 01 + 09 – 11 – 13 – 15 – 17)

    19

     

     

     

     

     

     

     

     

    (*) Nếu chi lớn hơn thu thì ghi số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc (……….)

     

    NGƯỜI LẬP BIỂU

    KẾ TOÁN TRƯỞNG

    THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Pháp lệnh Thi hành án phạt tù
    Ban hành: 08/03/1993 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của của Pháp lệnh thi hành án phạt tù của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 01/2007/PL-UBTVQH12
    Ban hành: 19/10/2007 Hiệu lực: 01/01/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Thông tư liên tịch 07/2007/TTLT-BCA-BQP-BTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ lao động, dạy nghề và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân trong trại giam
    Ban hành: 07/06/2007 Hiệu lực: 11/07/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản hết hiệu lực
    04
    Nghị định 113/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế trại giam
    Ban hành: 28/10/2008 Hiệu lực: 24/11/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư liên tịch 04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP sử dụng kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân trong các trại giam

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
    Số hiệu:04/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP
    Loại văn bản:Thông tư liên tịch
    Ngày ban hành:12/01/2010
    Hiệu lực:29/03/2010
    Lĩnh vực:Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Lao động-Tiền lương, An ninh trật tự
    Ngày công báo:18/02/2010
    Số công báo:97 & 98 - 02/2010
    Người ký:Lê Thế Tiệm, Phan Trung Kiên, Nguyễn Công Nghiệp
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X