BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------------------------- Số: 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2010 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TỪ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ,
CAO ĐẲNG NGHỀ LÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG VÀ ĐẠI HỌC
---------------------------
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ - CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ - CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ - CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học, bao gồm: đối tượng, điều kiện đào tạo liên thông và thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học; nhiệm vụ và quyền hạn của các trường trong đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học; nhiệm vụ và quyền của người học.
2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề (sau đây gọi chung là trường).
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG
VÀ THẨM QUYỀN GIAO NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG
TỪ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ, CAO ĐẲNG NGHỀ
LÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC
Điều 2. Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông
Những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng và đại học theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3. Tuyển sinh đào tạo liên thông
Công tác tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học được thực hiện theo quy định hiện hành về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 4. Điều kiện đào tạo liên thông
Trường cao đẳng, trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học phải bảo đảm các điều kiện sau:
1. Có quyết định giao nhiệm vụ mở ngành trình độ cao đẳng, đại học đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Có quyết định thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học theo quy định hiện hành về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Có quyết định cho phép đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Điều 5. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông
Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông gồm có:
1. Tờ trình đăng ký đào tạo liên thông. Nội dung tờ trình phải nêu rõ ngành và trình độ đăng ký đào tạo liên thông; nhu cầu đào tạo; tổ chức quá trình đào tạo; tiêu chí, hình thức và điều kiện tuyển sinh; dự kiến chỉ tiêu đào tạo; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và những cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.
2. Bản sao hợp lệ các quyết định giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học hệ chính quy đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông.
3. Bảng đối chiếu chương trình đào tạo của các nghề ở trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với chương trình đào tạo của các ngành tương ứng ở trình độ cao đẳng, đại học để làm căn cứ xây dựng chương trình đào tạo liên thông.
4. Chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học của ngành đào tạo.
5. Thuyết minh các điều kiện bảo đảm chất lượng về đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên và nhân viên thí nghiệm cơ hữu; số lượng và diện tích giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện, giáo trình, sách tham khảo; các loại máy móc thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo.
Điều 6. Chương trình và thời gian đào tạo liên thông
1. Chương trình đào tạo liên thông
a) Chương trình đào tạo liên thông phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Việc xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học được thực hiện theo nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức, kỹ năng còn thiếu, tránh trùng lặp để bảo đảm đạt chuẩn đầu ra trình độ cao đẳng, đại học.
2. Thời gian đào tạo liên thông
a) Thời gian đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề lên trình độ cao đẳng và từ trình độ cao đẳng nghề lên trình độ đại học được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học;
b) Thời gian đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề lên trình độ đại học được thực hiện từ ba đến bốn năm học.
Điều 7. Thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo liên thông
Thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Chương III
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC TRƯỜNG
TRONG ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG TỪ TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ,
CAO ĐẲNG NGHỀ LÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học, cao đẳng
1. Các trường đại học, cao đẳng có trách nhiệm so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của nghề đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thời gian đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình trung cấp nghề, cao đẳng nghề với chương trình cao đẳng, đại học cùng ngành nghề đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học.
2. Công bố trên Website của trường về các thông tin tuyển sinh đào tạo liên thông (yêu cầu về đối tượng tuyển sinh, trình độ các môn văn hóa phù hợp với ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học, thời gian, địa điểm, hình thức thi tuyển, và các thông tin có liên quan khác), chuẩn đầu ra của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, chương trình đào tạo liên thông, tổ chức đào tạo liên thông, các điều kiện bảo đảm chất lượng và văn bằng tốt nghiệp sẽ cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình.
3. Tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học được thực hiện theo quy định hiện hành về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Việc cấp văn bằng tốt nghiệp cho người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề
Các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho các trường đại học, cao đẳng về: mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của nghề đào tạo, chương trình đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận, để làm cơ sở cho việc công nhận giá trị kết quả học tập, miễn trừ các học phần đã học cho người học, tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo liên thông và tổ chức đào tạo theo yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo.
Chương IV
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI HỌC
Điều 10. Nhiệm vụ của người học
1. Người học có nguyện vọng thi tuyển để được vào học trong các chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học cần phải nộp đủ hồ sơ, lệ phí theo quy định. Khi có yêu cầu, người học phải xuất trình bản chính của chứng chỉ hoặc văn bằng đã được cấp.
2. Thực hiện các quy chế về đào tạo, về công tác sinh viên và các quy định của pháp luật liên quan đến người học; thực hiện quy chế, nội quy, quy định của nhà trường.
3. Tôn trọng giảng viên, cán bộ và nhân viên của nhà trường; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện.
4. Tham gia lao động và hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường.
5. Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.
Điều 11. Quyền của người học
1. Được nhà trường cung cấp đầy đủ thông tin về khoá học: điều kiện dự thi, hình thức thi, kiểm tra và những yêu cầu khác để tuyển chọn, quy chế đào tạo, quy chế học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, văn bằng tốt nghiệp, học phí.
2. Được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với người học; được nhà trường tạo điều kiện trong học tập và bảo đảm các điều kiện để đào tạo liên thông với chất lượng như đã thông báo.
3. Được cấp văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ sau khi tốt nghiệp hoặc hoàn thành khoá học.
4. Được tham gia các hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật.
5. Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của trường.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Điều khoản thi hành
1. Các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề có trách nhiệm phối hợp với các trường cao đẳng và trường đại học xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học.
2. Tháng 12 hàng năm, các trường đại học, cao đẳng báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2010.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Đàm Hữu Đắc | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Bùi Văn Ga |
Nơi nhận: - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND, các tỉnh, thành phố trực TƯ; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Website Chính phủ; - Website Bộ Giáo dục và Đào tạo; - Kiểm toán Nhà nước; - Công báo; - Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH, TCDN. |