BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- Số: 8993/BC-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2013 |
BÁO CÁO
TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ
Kính gửi:Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Thực hiện Kế hoạch số 1136/KH-UBQPAN ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe báo cáo, giải trình về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xin báo cáo như sau:
I. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ 1. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành a) Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện các quy định về kinh doanh vận tải đường bộ của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
b) Công tác chỉ đạo, điều hành
Trong năm 2013, để triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 620/QĐ-BGTVT ngày 14/3/2013 về Chương trình hành động của Bộ GTVT và Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 18/3/2013 về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tai nạn giao thông (TNGT) nói chung và đặc biệt là sự gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng trong vận tải đường bộ, Bộ GTVT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Đồng thời, Bộ cũng ban hành Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 13/6/2013 về triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT trong hoạt động vận tải đường bộ và phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Chương trình hành động và tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg. Với những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương, tình hình TTATGT trong tháng 7 và tháng 8/2013 đã có những chuyển biến tích cực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7/2013, toàn quốc xảy ra 2.368 vụ (giảm 71 vụ so với tháng 6/2013), làm chết 736 người (giảm 56 người so với tháng 6/2013), làm bị thương 2.297 người (giảm 224 người so với tháng 6/2013). Các số liệu thống kê của tháng 8/2013 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của TNGT nhưng cả ba tiêu chí vẫn tiếp tục giảm so với tháng 7, đặc biệt là số người chết giảm được 6 người (còn 728 người). Mặc dù trong hai tháng qua vẫn còn xảy ra TNGT do xe ô tô kinh doanh vận tải gây ra nhưng số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cũng đã giảm xuống.
2. Tình hình hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô Sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa bằng đưòng bộ: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2013, vận tải hành khách bằng đường bộ đạt 1.599,9 triệu lượt khách (chiếm 91,7% sản lượng toàn ngành), tăng 4,8% và 52,4 tỷ lượt hành khách.km (chiếm 71,9%), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa bằng đường bộ ước tính đạt 447,8 triệu tấn (chiếm 78% sản lượng toàn ngành) tăng 3,6% và 34,8 tỷ tấn.km (chiếm 30,9%), tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy, vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ đạo trong hệ thống vận tải ở nước ta.
Phương tiện kinh doanh vận tải: tính đến ngày 15/8/2013, cả nước có 110.965 xe ô tô chở khách, 669.754 xe ô tô vận tải hàng hóa các loại đang hoạt động.
Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải: tính đến ngày 15/8/2013, các Sở GTVT đã cấp 8.084 Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho các đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT), trong đó 7.660 Giấy phép KDVT hành khách, 424 Giấy phép KDVT hàng hóa bằng công-ten-nơ.
Mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định: đến ngày 15/8/2013, mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô gồm 5.043 tuyến với 19.682 xe ô tô đang hoạt động (trong đó có 543 tuyến có cự ly trên 1.000km, 4.500 tuyến cố định liên tỉnh có cự ly dưới 1000 km và nội tỉnh).
Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: tính đến ngày 15/8/2013, tại 54/63 tỉnh, thành phố đã có dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt với trên 615 tuyến, 8.253 phương tiện, tập trung chủ yếu tại Hà Nội (1.300 xe trên 86 tuyến) và Thành phố Hồ Chí Minh (2.849 xe trên 149 tuyến), phục vụ trên 400 triệu lượt hành khách/năm ở mỗi thành phố.
Hoạt động VTHK bằng xe taxi: đến ngày 15/8/2013, cả nước có 49.654 xe taxi đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ: Hiện cả nước có 410 bến xe khách được xếp loại từ loại 6 đến loại 1, có 20 trạm dừng, nghỉ đã được đưa vào khai thác phục vụ hành khách trên các tuyến VTHK liên tỉnh. Bộ GTVT đang triển khai lập quy hoạch mạng lưới trạm dừng, nghỉ trên hệ thống quốc lộ, dự kiến sẽ phê duyệt trong năm 2013.
Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa: Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP của Chính phủ mới chỉ quy định điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh cho loại hình vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô chở công-ten-nơ. Đối với vận tải hàng hóa nguy hiểm, hiện nay đang thực hiện việc cấp Giấy phép vận chuyển cho từng chuyến xe hoặc theo từng thời kỳ nhưng không quá 12 tháng theo quy định tại Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Hoạt động vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hiện đang được quản lý bằng việc cấp giấy phép vận chuyển cho từng chuyến xe theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010. Hiện tại, chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường.
3. Đánh giá công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô a) Công tác quản lý nhà nước
▪ Một số kết quả đạt được
Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ GTVT, công tác quản lý nhà nước về vận tải bằng xe ô tô đã đạt được những chuyển biến tích cực, cụ thể như sau:
- Bộ GTVT và các địa phương đã dần hoàn thiện bộ máy tổ chức, sắp xếp và quy định lại chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn nhân sự cho các cơ quan quản lý nhà nước về vận tải tại Bộ và các Sở GTVT.
- Công tác quản lý cấp Giấy phép KDVT, cấp phù hiệu, biển hiệu cho các đơn vị KDVT và phương tiện hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, du lịch và hợp đồng được thực hiện tương đối có nề nếp trên phạm vi toàn quốc.
- Mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh và xe buýt đã phát triển rộng khắp, mạng lưới bến xe, trạm dừng nghỉ đang dần được phát triển, phân bố hợp lý, tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân.
- Chất lượng phương tiện vận tải, dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến, dịch vụ tại các bến xe, trạm dừng nghỉ ngày càng được nâng cao.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải ngày càng được tăng cường, đặc biệt là việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên các phương tiện vận tải hành khách và vận tải công-ten-nơ, triển khai thí điểm hệ thống quản lý vé bằng thẻ thông minh trên các tuyến xe buýt, thí điểm tích hợp dữ liệu từ thiết bị GSHT xe ô tô về cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ công tác quản lý vận tải và bảo đảm TTATGT.
▪ Những tồn tại cần khắc phục
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra theo Quyết định số 1961/QĐ-BGTVT ngày 09/7/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cụ thể như sau:
- Mặc dù Bộ GTVT đã kịp thời xây dựng và ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản chỉ đạo điều hành về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai những văn bản này còn chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa còn chưa đáp ứng kịp thời với diễn biến của tình hình; công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý nhà nước trong kinh doanh vận tải đường bộ chưa được quan tâm đúng mức.
- Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải bằng xe ô tô; có 16/63 Sở GTVT chưa có Phòng quản lý vận tải; tại nhiều Sở GTVT, bộ phận quản lý vận tải được ghép chung với bộ phận quản lý phương tiện, người lái trong cùng một tổ chức; nhân sự cho công tác quản lý nhà nước về vận tải vừa thiếu, vừa yếu và vừa phải kiêm nhiệm các hoạt động quản lý khác nhau.
- Một số Sở GTVT chưa chủ động thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước; chưa quan tâm đến công tác cấp Giấy phép KDVT bằng xe ô tô cho đơn vị KDVT công-ten-nơ; chưa thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác thẩm định hồ sơ khi cấp Giấy phép KDVT, chấp thuận khai thác tuyến, dẫn đến đơn vị KDVT không đủ điều kiện vẫn được cấp Giấy phép KDVT, chấp thuận khai thác tuyến.
- Ở nhiều địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải còn bị buông lỏng; xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị KDVT, bến xe khách không thực hiện đúng các quy định, đặc biệt là những quy định có liên quan đến bảo đảm TTATGT và chất lượng dịch vụ vận tải.
- Hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các cơ quan quản lý, các đoàn thể ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; một số địa phương vẫn còn coi công tác quản lý vận tải là công việc riêng của Sở GTVT, thiếu sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm tham gia, phối hợp của các ngành.
b) Công tác quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe
▪ Một số kết quả đạt được
Trong thời gian qua, quy định về kinh doanh vận tải đường bộ của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã dần đi vào cuộc sống, giúp cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của các đơn vị KDVT dần đi vào nề nếp, bước đầu đã đạt được những kết quả sau đây:
- Các đơn vị KDVT đường bộ đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có tính xã hội hóa sâu rộng nhất trong các phương thức vận tải; các loại hình kinh doanh và dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, địa bàn hoạt động mở rộng từ các đô thị lớn đến các vùng sâu, vùng xa; giữ vai trò chủ lực trong việc bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
- Mô hình tổ chức các đơn vị kinh doanh vận tải dần hoàn thiện và phát triển hơn so với giai đoạn trước đây; đã hình thành một số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có quy mô lớn, thực hiện điều hành vận tải tập trung, tổ chức và duy trì bộ phận theo dõi ATGT, áp dụng công nghệ hiện đại, lắp đặt và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT xe ô tô trong quản lý kinh doanh của đơn vị, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, xây dựng được thương hiệu, uy tín về chất lượng dịch vụ và an toàn.
- Mạng lưới dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã hình thành rộng khắp trên khắp cả nước, hầu hết các trung tâm huyện đều đã có bến xe là đầu mối phục vụ vận tải hành khách cố định, xe buýt và vận tải sức chở nhỏ kết nối đến tận xã, phường, thôn, bản. Một số đơn vị kinh doanh bến xe, trạm dừng nghỉ đã chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện tại bến, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dành cho hành khách tại bến xe, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ VTHK bằng xe ô tô. Nhiều đơn vị kinh doanh kho, bãi đầu mối dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ đã chủ động đầu tư mở rộng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất có quy mô lớn, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, tích hợp nhiều dịch vụ, trở thành những trung tâm hậu cần quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất tại các địa phương, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế và đầu mối vận tải lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
▪ Những tồn tại cần khắc phục
Mặc dù công tác quản lý của đơn vị KDVT đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ GTVT và các Sở GTVT trong thời gian qua đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) chỉ đứng ra làm đầu mối pháp lý cho xe có đủ điều kiện hoạt động mà không tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định; làm thủ tục thuê phương tiện để hợp lý hóa việc các chủ xe cá nhân "thuê tư cách pháp nhân" của đơn vị nhằm đưa xe vào vận tải; kết quả kiểm tra cho thấy các HTX dịch vụ vận tải chiếm tỷ lệ lớn trong các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Nhiều HTX, DN ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ để hoàn thiện thủ tục xin cấp Giấy phép KDVT, trên thực tế thì các đơn vị này không quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ; người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được đoàn thể nào bảo vệ quyền lợi.
- Nhiều HTX, DN không có bộ phận theo dõi ATGT hoặc có thành lập nhưng chỉ là hình thức, nhằm đối phó để được cấp giấy phép.
- Nhiều đơn vị kinh doanh bến xe khách, kho, bãi hàng hóa chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa thực hiện trách nhiệm quản lý phương tiện, hành khách, hàng hóa ra, vào bến cũng như buông lỏng quản lý đơn vị KDVT tại bến xe, kho, bãi.
- Số trạm dừng, nghỉ trên cả nước còn ít, một số trạm có vị trí không phù hợp với thời gian chạy xe của các tuyến vận tải, không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc đơn vị vận tải phải sử dụng dịch vụ của hàng, quán dọc đường không đáp ứng nhu cầu cần thiết của phương tiện, lái xe, hành khách, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
4. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô a) Các giải pháp đang thực hiện
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng và đang tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
- Ban hành và triển khai thực hiện Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/8/2013 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thay thế Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT và Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT, trong đó có nhiều quy định mới, tạo thuận lợi cho đơn vị KDVT hành khách và hàng hóa. Đồng thời cũng quy định rõ nội dung xây dựng và thực hiện kế hoạch đảm bảo ATGT của đơn vị KDVT, các nội dung đăng ký chất lượng vận tải, trách nhiệm niêm yết thông tin của Sở GTVT, đơn vị KDVT và bến xe.
- Triển khai thực hiện Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12/12/2012 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách, trong đó quy định các tiêu chí cơ bản đối với từng loại bến xe; thủ tục và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quy trình quản lý bến xe đảm bảo yêu cầu về ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải.
- Ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 1961/QĐ-BGTVT ngày 09/7/2013 về kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường bộ và điều kiện KDVT hành khách bằng xe ô tô nhằm đánh giá khách quan công tác thực thi pháp luật, những kết quả đạt được, những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về vận tải bằng xe ô tô tại các địa phương; bất cập về phân công trách nhiệm cũng như phối hợp trong quản lý vận tải giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; xác định rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải trong thời gian tới.
- Triển khai thí điểm việc kiểm tra tải trọng xe trên một số tuyến quốc lộ quan trọng nhằm đánh giá tình hình và mức độ vi phạm quy định về tải trọng của xe ô tô chở hàng hóa trên quốc lộ, hoàn thiện quy trình hoạt động cũng như yêu cầu phối hợp giữa các lực lượng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe di động, làm cơ sở để nhân rộng việc thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc theo Quyết định số 1526/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án tổng thể kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ.
- Ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 860/QĐ-BGTVT ngày 06/4/2013 phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm TTATGT.
b) Các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Bộ GTVT đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai một cách đồng bộ các giải pháp sau:
- Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP theo hướng siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó nhấn mạnh đến các điều kiện nhằm bảo đảm TTATGT, chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh vận tải như: thực hiện cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu để quản lý phương tiện đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa; bổ sung các điều kiện đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định, vận tải xe buýt, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô chở công-ten-nơ, vận chuyển hàng nguy hiểm, hàng siêu trường siêu trọng, trong đó đặc biệt quan tâm đến mô hình tổ chức điều hành vận tải; quy mô tài sản, phương tiện; trình độ chuyên môn của người đại diện pháp luật của đơn vị KDVT.
- Chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động VTHKCC nhằm đưa ra những quy định rõ ràng về loại hình dịch vụ, tạo cơ chế thuận lợi, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ này để đi lại thay thế cho phương tiện cá nhân, góp phần giảm TNGT, bảo vệ môi trường.
- Ban hành Thông tư quy định về trách nhiệm xử lý vi phạm trong quản lý chất lượng dịch vụ và ATGT trong hoạt động vận tải làm cơ sở để chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải cũng như đối với những người làm công tác quản lý trong các đơn vị kinh doanh vận tải (dự kiến Quý IV/2013).
- Ban hành Thông tư quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô để giúp đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa đường bộ thực hiện việc xếp hàng lên ô tô đúng quy định về tải trọng, phù hợp với đặc điểm của hàng hóa và thiết kế phương tiện, đồng thời quy định trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, nhằm đưa hoạt động này đi vào nề nếp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bảo đảm TTATGT (dự kiến Quý IV/2013).
- Kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố nhanh chóng kiện toàn tổ chức công đoàn tại các đơn vị KDVT để tập hợp sinh hoạt và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho lái xe và người lao động tại các đơn vị này.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tái cấu trúc thị trường vận tải và kết nối các phương thức vận tải trong giai đoạn 2013 - 2020 nhằm điều tiết hợp lý cơ cấu sản lượng vận tải giữa các phương thức vận tải nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để thực hiện Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 29/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.
- Tiến hành sơ kết 4 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 làm cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội các nội dung cần sửa đổi, bổ sung về quản lý vận tải đường bộ.
- Kiến nghị với Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tăng cường giám sát công tác quản lý vận tải, đặc biệt là quản lý vận tải đường bộ.
II. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE 1. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành a) Văn bản quy phạm pháp luật
Để triển khai có hiệu quả những quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về công tác đào tạo, sát hạch và quản lý lái xe cơ giới đường bộ nói chung và lái xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải nói riêng, Bộ GTVT đã dần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm:
- Thông tư số 06/2012/TT-BGTVT ngày 08/3/2012 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (thay thế Quyết định số 4480/2002/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2002).
- Thông tư số 18/2012/TT-BGTVT ngày 06/6/2012 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.
- Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ (thay thế Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009).
- Thông tư số 07/2013/TT-BGTVT ngày 03/5/2013 quy định về quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin giấy phép lái xe.
b) Công tác chỉ đạo điều hành
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phê duyệt và chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt các đề án nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cũng như công tác quản lý người lái xe ô tô, cụ thể là:
- Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 12/3/2012.
- Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai việc thực hiện Đề án Đổi mới quản lý giấy phép lái xe đã được phê duyệt tại Quyết định số 02/2008/QĐ-BGTVT ngày 31/01/2008, trong đó, mỗi lái xe chỉ có một số GPLX, sử dụng vật liệu mới, với công nghệ sản xuất và quản lý hiện đại để hạn chế việc làm giả GPLX.
2. Tình hình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ Đến ngày 15/08/2013, đã cấp trên 30.785.000 GPLX mô tô, trên 3.630.000 GPLX ô tô (đạt tỷ lệ 1,8 GPLX/xe đăng ký). Từ ngày 01/7/2013, đã triển khai cấp GPLX bằng vật liệu Polyethylene Terepththalate (PET) trong phạm vi cả nước.
Hiện nay, ở Việt Nam có 314 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô thuộc các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương quản lý trực tiếp. Hệ thống Trung tâm sát hạch lái xe đã được xây dựng và phát triển theo tiêu chuẩn ngành đã được ban hành (hiện có 94 Trung tâm sát hạch lái xe với 38 Trung tâm loại 1 và 56 Trung tâm sát hạch loại 2; 23 Trung tâm đủ điều kiện để sát hạch lái xe hạng FC).
3. Đánh giá về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX a) Những kết quả đạt được
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành và công tác chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Bộ GTVT, hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã đạt được một số kết quả sau:
- Hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ đến các Sở GTVT; hàng năm, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức của người thực thi công vụ trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
- Nội dung chương trình đào tạo; nội dung, quy trình sát hạch được điều chỉnh phù hợp, sát với thực tế, phù hợp thông lệ quốc tế (năm 2010, trong khuôn khổ Dự án An toàn giao thông đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Tổ chức tư vấn quốc tế đã tổ chức khảo sát và đánh giá chương trình, nội dung, giáo trình đào tạo lái xe, nội dung và quy trình sát hạch của Việt Nam là phù hợp và tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc).
- Thực hiện chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư nâng cấp, củng cố, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cả về số lượng và chất lượng, được phân bố hợp lý trong toàn quốc đã đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe của người dân theo hướng ngày càng văn minh, tiện lợi, hiện đại.
- Công tác sát hạch được đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động trong sát hạch, tăng cường công tác giám sát và thực hiện công khai, minh bạch quá trình sát hạch nên chất lượng sát hạch thời gian qua đã có tiến bộ rõ rệt, các tiêu cực đã giảm nhiều.
- Giấy phép lái xe đã được đổi mới, sử dụng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, được làm bằng vật liệu có độ bền cao hơn nhiều so với trước đây, kích thước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ bảo mật tiên tiến, thực hiện quản lý theo hệ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc để dễ dàng tra cứu và theo dõi vi phạm của người lái xe.
- GPLX của Việt Nam được các nước công nhận, đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của các nước ASEAN, Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Nga; đồng thời người có GPLX của Việt Nam cũng sẽ được cấp đổi sang GPLX của một số nước khác (như CHLB Đức, Hoa Kỳ, Canada) sau khi hoàn thành chương trình bổ túc về Luật Giao thông đường bộ của các nước này.
- Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên. Hàng năm, Bộ GTVT tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch để kịp thời xử lý sai phạm và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng; các Sở GTVT thực hiện kiểm tra, thanh tra đột xuất và giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
b) Những tồn tại cần khắc phục
Từ kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong những năm qua đã xác định rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX như sau:
- Chưa có quy định về điều kiện hành nghề của lái xe tham gia hoạt động kinh doanh vận tải; các quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch cũng như các quy trình kiểm tra, sát hạch chưa chặt chẽ, còn kẽ hở dễ bị lợi dụng; chậm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cho phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
- Chương trình đào tạo, chất lượng của công tác ra đề, khảo thí còn nhiều hạn chế; trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của một bộ phận giáo viên, sát hạch viên tại các cơ sở đào tạo, sát hạch còn yếu kém.
- Hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa cao do hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như tinh thần, trách nhiệm và đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa cao, đặc biệt là tại các địa phương.
- Một số đơn vị đào tạo lái xe chưa thực hiện nghiêm các quy định về thời lượng chương trình đào tạo; một số cơ sở sát hạch chưa thực hiện đầy đủ các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sát hạch, chưa thực hiện nghiêm quy định về sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng. (Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện, xử lý 18 cơ sở vi phạm. Từ ngày 01/7/2013 đến nay, qua kiểm tra đột xuất công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, các đoàn kiểm tra đã đình chỉ sát hạch lái xe ô tô đối với Hội đồng sát hạch Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh.)
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX a) Các giải pháp đang triển khai thực hiện
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang tích cực triển khai một số giải pháp sau:
- Đổi mới quản lý giấy phép lái xe: theo đó, mỗi lái xe chỉ có một số GPLX, ứng dụng công nghệ hiện đại để hạn chế giả mạo.
- Đổi mới chương trình đào tạo lái xe: theo hướng tăng cường thực hành lái xe trên đường, lái xe số tự động; bổ sung thực hành cấp cứu tai nạn giao thông; tăng cường nội dung môn học Pháp luật GTĐB; xây dựng video clip về TNGT đưa vào bài giảng.
- Đổi mới nội dung sát hạch lái xe: tiếp tục được điều chỉnh theo hướng gắn chặt các tình huống sát hạch với thực tiễn tham gia giao thông trên đường, hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát quá trình sát hạch, giảm thiểu tác động của con người vào kết quả sát hạch.
- Tập huấn nâng cao trình độ: tiếp tục tăng cường tổ chức các khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên dạy lái xe.
b) Các giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Bộ GTVT đã có kế hoạch tổ chức và triển khai một cách đồng bộ và toàn diện các nhóm giải pháp trên các mặt:
▪ Công tác quản lý nhà nước
- Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; đề xuất bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tiễn.
- Hoàn thành và công khai quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để các địa phương chủ động trong quản lý, cấp phép cho các cơ sở đào tạo, sát hạch trên địa bàn.
- Đẩy nhanh phân cấp các thủ tục: cấp phép cho các cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch và tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho các Sở GTVT thực hiện; Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ thực hiện xây dựng chính sách, quy hoạch, kiểm tra, giám sát.
- Phối hợp với Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
- Nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn hành nghề đối với lái xe khi tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; bổ sung các quy định về trách nhiệm và xử lý đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch có nhiều lái xe đã được đào tạo, sát hạch tại các cơ sở đó gây ra tai nạn giao thông.
- Tiếp tục nâng cao quy chuẩn sát hạch lý thuyết, sa hình và trên đường giao thông công cộng nhằm minh bạch quá trình sát hạch, tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực.
- Hoàn thành việc đổi GPLX ô tô bằng vật liệu PET trong năm 2014 và xây dựng lộ trình đổi GPLX bằng vật liệu PET đối với GPLX mô tô.
▪ Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sát hạch viên
- Trong năm 2013, hoàn thành việc sát hạch lại toàn bộ đội ngũ sát hạch viên tại các trung tâm sát hạch lái xe trong phạm vi cả nước; đình chỉ chức danh để đào tạo lại đối với những sát hạch viên không đủ tiêu chuẩn; nâng cao chất lượng và ý thức trách nhiệm của sát hạch viên trong thực thi nhiệm vụ.
- Xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn các cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên.
▪ Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát
- Chỉ đạo Sở GTVT thanh tra, kiểm tra toàn diện các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên địa bàn, báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT.
- Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đặc biệt tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất các kỳ sát hạch và tập trung phúc tra lại kết quả thanh tra, kiểm tra của các Sở GTVT; xác định rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
▪ Công tác tuyên truyền về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình và tổ chức giảng dạy pháp luật giao thông đường bộ trong các trường phổ thông trên cơ sở nội dung phần lý thuyết của các chương trình đào tạo lái xe.
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định mới đối với lái xe cơ giới đường bộ, quy định mới về điều kiện lái xe kinh doanh vận tải ô tô để người dân biết và tham gia giám sát.
III. CÔNG TÁC KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE Ô TÔ KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ 1. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành Thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và đề án trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải đường bộ như sau:
- Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31/7/2012 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT ngày 09/8/2012 quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tải tự đổ, ô tô xi téc, rơ moóc và sơ mi rơ moóc xi téc tham gia giao thông đường bộ.
- Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT ngày 27/12/2012 quy định kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Quyết định số 1873/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2013 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa nhằm giảm thiểu TNGT và ô nhiễm môi trường.
2. Tình hình công tác đăng kiểm trong thời gian qua Hiện tại, cả nước có 110 Trung tâm và Chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới với 196 dây chuyền kiểm định. Toàn mạng lưới các đơn vị đăng kiểm có 773 đăng kiểm viên là các kỹ sư chuyên ngành cơ khí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã qua tập huấn nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới.
Đến ngày 31/6/2013, cả nước đã kiểm định 1.593.082 phương tiện, trong đó có 107.146 ô tô khách và 669.754 ô tô tải. Trong sáu tháng đầu năm 2013, 1.014.021 lượt xe vào kiểm định, trong đó: 834.073 xe đạt lần 1 (chiếm 82,25%), 179.948 xe không đạt phải sửa chữa để kiểm định lại (chiếm 17,75%). Đến ngày 31/12/2012, đã có 85.885 phương tiện hết niên hạn sử dụng, trong đó có 51.918 xe chở hàng và 34.267 xe chở người.
3. Đánh giá về công tác đăng kiểm a) Những kết quả đạt được
Với hệ thống các quy định, quy chuẩn kỹ thuật dần được hoàn thiện cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ nói chung và đối với các phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đã dần đi vào nề nếp, cụ thể là:
- Đã hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý thông tin đăng kiểm, bảo đảm khả năng quản lý, theo dõi được kết quả thực hiện đăng kiểm của tất cả các phương tiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Cải cách thủ tục hành chính, thay thế Sổ chứng nhận kiểm định bằng Giấy chứng nhận kiểm định.
- Đã ngăn chặn được việc nhập khẩu, đóng mới và hoán cải phương tiện vận tải có thùng chứa hàng kích thước lớn để lợi dụng chở hàng quá tải trọng cho phép.
b) Những tồn tại cần khắc phục
Kết quả điều tra, khám nghiệm phương tiện trong các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian qua cho thấy không có nguyên nhân từ công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy còn một số tồn tại cần khắc phục trong hoạt động đăng kiểm:
- Chưa có giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chủ phương tiện và lái xe thực hiện công tác quản lý bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm.
- Chưa triệt để ngăn chặn được hiện tượng chủ xe, lái xe thay đổi phụ tùng phương tiện để đạt điều kiện cấp chứng nhận đăng kiểm sau đó lại sử dụng lại các phụ tùng cũ, không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
- Việc kết nối dữ liệu giữa cơ quan đăng kiểm và cảnh sát giao thông chưa được thực hiện hiệu quả, khiến cho việc thu thập, nắm bắt thông tin về các vụ TNGT chưa kịp thời.
- Vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đăng kiểm viên: Trong 6 tháng đầu năm 2013, Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với 68 đơn vị đăng kiểm, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động kiểm định, đồng thời giúp cho đơn vị đăng kiểm và từng đăng kiểm viên nhìn ra những khiếm khuyết trong công tác để tự cập nhật và hoàn thiện. Từ đầu năm đến tháng 7/2013, đã phát hiện sai phạm và đình chỉ chức danh, thu hồi thẻ đăng kiểm viên đối với 15 đăng kiểm viên (trong đó có 02 lãnh đạo Trung tâm và 04 Trưởng dây chuyền kiểm định).
4. Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm a) Các giải pháp đang thực hiện
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng của hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nói chung và xe ô tô kinh doanh vận tải nói riêng, Bộ GTVT đang triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiến hành tổng kết công tác thí điểm xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành.
- Thực hiện Chương trình hành động nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đăng kiểm viên, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm trong cả nước.
- Hoàn thiện giáo trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên mới theo hướng tăng thời lượng thực hành, nội dung sát với thực tế kiểm tra, tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra của từng công đoạn trên từng vị trí kiểm tra cho đăng kiểm viên.
- Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên mới và cập nhật lại đối với đăng kiểm viên theo giáo trình mới nhằm bổ sung và hoàn thiện nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm.
- Đã nâng cấp và hiện đại hóa được 173/196 dây chuyền kiểm định; 23 dây chuyền còn lại sẽ nâng cấp, thay thế các thiết bị cũ kém hiệu quả trước ngày 31/12/2013.
- Hoàn thành việc trang bị hệ thống camera giám sát trên từng dây chuyền kiểm định tại toàn bộ các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước; hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm mới quản lý kiểm định xe cơ giới để lưu trữ dữ liệu về phương tiện tại cơ sở dữ liệu chung.
b) Các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả một số giải pháp sau:
- Xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 1643/1998/QĐ-BGTVT ngày 06/7/1998 quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.
- Xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 45/2005/QĐ-BGTVT ngày 16/2/2005 quy định điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ, nhận thức đối với cán bộ, nhân viên đăng kiểm để qua đó nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đăng kiểm viên, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác đăng kiểm.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát như: kiểm tra đánh giá định kỳ hàng năm, kiểm tra chuyên ngành đột xuất, giám sát trên mạng kiểm định và qua hình ảnh nhằm duy trì hoạt động kiểm định đi vào nề nếp; phòng tránh, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực.
- Tăng cường giám sát hoạt động trực tiếp trên từng dây chuyền kiểm định tại đơn vị đăng kiểm qua hệ thống camera; theo dõi, xử lý các đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra không đúng quy trình, bỏ hạng mục kiểm tra.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để thực hiện kiểm tra liên ngành đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành nhằm phát hiện và xử lý các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn ATKT & BVMT tham gia giao thông, xe cơ giới vi phạm kích thước thùng hàng.
- Tổ chức thực hiện đánh giá, phân loại các đơn vị đăng kiểm, lựa chọn và sử dụng các biện pháp quản lý thích hợp để động viên, phát huy, nhân rộng các đơn vị tốt, đồng thời sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị chưa tốt.
- Phối hợp với Bộ Công an để triển khai có hiệu quả việc kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan đăng kiểm và dữ liệu của cơ quan công an về phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến các vụ tai nạn và bị xử lý vi phạm về điều kiện an toàn kỹ thuật.
1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Hàng năm, Bộ GTVT có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó có kế hoạch và định hướng về công tác thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Từ năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, Bộ GTVT đã tăng cường thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cụ thể như sau:
- Ban hành Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 30/11/2011 về việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành GTVT.
- Ban Cán sự đảng Bộ GTVT có Nghị quyết số 16-NQ/BCSĐ ngày 18/6/2013 chỉ đạo các Thứ trưởng làm Trưởng đoàn kiểm tra về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô tại các địa phương.
- Ban hành Quyết định số 1961/QĐ-BGTVT ngày 09/7/2013 thành lập 7 Đoàn kiểm tra do 7 Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra đối với 21 địa phương.
2. Kết quả công tác thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh vận tải bằng ô tô theo Quyết định số 1961/QĐ-BGTVT Đến nay, đã hoàn thành kiểm tra tại 18/21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Long An, Cần Thơ.
a) Xử lý vi phạm
Các Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 82 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó có 36 HTX, đã phát hiện, xử lý: tước, đình chỉ sử dụng giấy phép 35 đơn vị (có 8 HTX, chiếm 22,8%); thu hồi Giấy phép KDVT của 25 đơn vị (có 12 HTX, chiếm 48%); thu hồi 319 phù hiệu và Sổ nhật trình; xử phạt vi phạm hành chính 420.800.000 đồng.
b) Kết quả thanh tra về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải
- Văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành của các cấp về quản lý vận tải cơ bản là đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vận tải nhưng công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, còn tồn tại những bất cập, thiếu sót trong công tác quản lý vận tải ở hầu hết các địa phương đến kiểm tra.
- Công tác quản lý vận tải tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra còn tập trung nhiều vào việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm của lái xe, chưa đi sâu vào thanh tra, kiểm tra các điều kiện kinh doanh tại đơn vị KDVT; xử phạt vi phạm hành chính chưa cương quyết; công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy phép KDVT không được chú trọng thực hiện, đặc biệt là đối với các HTX KDVT.
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong công tác đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Qua kiểm tra 18 tỉnh, thành phố cho thấy có 6/18 địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, cấp Giấy phép KDVT cho đơn vị vận tải công-ten-nơ (chỉ có 3-16 % doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh. Cụ thể, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép kinh doanh cho 98/1710 đơn vị (đạt 5,73%), Sở GTVT Hải Phòng cấp Giấy phép kinh doanh cho 46/1.300 đơn vị (đạt 3,6%).
c) Kết quả thanh tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải
- Qua kiểm tra từ 1 đến 3% doanh nghiệp của một tỉnh, số doanh nghiệp vi phạm chiếm 50-60%, có nhiều doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện kinh doanh đã bị thu hồi Giấy phép KDVT, phù hiệu xe, bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Phần lớn các đơn vị chưa quan tâm đến tổ chức và hoạt động của bộ phận theo dõi ATGT, trong đó rất nhiều HTX vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về ATGT hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức, đối phó.
- Qua kiểm tra thiết bị GSHT, đã phát hiện nhiều đơn vị liên tục để xe chạy vượt quá tốc độ, cụ thể là khi kiểm tra trên trang thông tin của các nhà cung cấp thiết bị GSHT xe ô tô cho các đơn vị đến kiểm tra trong 15 ngày (từ 01/7/2013 đến 15/7/2013), đã phát hiện số xe vượt quá tốc độ 80km/h chiếm 80% đến 90%; Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện kiểm tra thiết bị GSHT trên 13.576 xe, phát hiện 1.528 xe lắp thiết bị GSHT không đúng quy chuẩn, xử phạt 1.037.711.000 đồng.
2. Một số giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, góp phần đảm bảo hiệu lực của quy định pháp luật trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31/05/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động Thanh tra ngành GTVT làm cơ sở pháp lý để hoàn thiện về tổ chức bộ máy, phân công chức năng, nhiệm vụ cũng như kiện toàn nhân sự của lực lượng thanh tra trong toàn ngành.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 05/3/2010.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các chính quyền địa phương quan tâm chấn chỉnh và tăng cường quản lý nhà nước về vận tải; chỉ đạo, phê bình các địa phương thực hiện chưa tốt, còn buông lỏng quản lý về vận tải trong thời gian qua.
- Tiếp tục thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 42 tỉnh, thành phố còn lại; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
- Tiếp tục yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện đối với các đơn vị KDVT; kiên quyết loại khỏi đội ngũ những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy; xử lý nghiêm lái xe sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
Mặc dù thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có rất nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cần tiếp tục có sự vào cuộc của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Bộ GTVT quyết tâm xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ hơn nữa nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bộ GTVT mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ của cấp ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền các địa phương.
Bộ GTVT xin báo cáo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Nơi nhận: - Như trên; - Thủ tuớng Chính phủ (để b/c); - Chủ tịch Quốc hội (để b/c); - Các Phó Chủ tịch Quốc hội (để b/c) - Phó TTCP - Chủ tịch UBATGTQG (để b/c); - Văn phòng Quốc hội; - Ban Dân nguyện, Ban Công tác Đại biểu - Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Ủy ban ATGTQG; - Các Bộ: CA, TP, YT; - UBND các tỉnh, thành phố; - Đảng ủy Bộ GTVT; - Công đoàn GTVT Việt Nam; - Các Thứ trưởng; - Các Sở GTVT; - Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; - Trang TTĐT Bộ GTVT; - Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam; - Báo GTVT, Tạp chí GTVT; - Lưu VT, V.Tải (10) | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |